MOURINHO ĐÃ LÀM NHỮNG GÌ TRONG 4 THÁNG TẠI TOTTENHAM?
Đã gần 4 tháng kể từ ngày Jose Mourinho nhậm chức tại Tottenham Hotspur. Những gì Mourinho nhận được lúc đó chỉ còn là lớp tro tàn...
Đã gần 4 tháng kể từ ngày Jose Mourinho nhậm chức tại Tottenham Hotspur. Những gì Mourinho nhận được lúc đó chỉ còn là lớp tro tàn sót lại sau khi ngọn lửa vĩ đại của kỷ nguyên Mauricio Pochettino vụt tắt. Đội bóng của Mourinho lúc đó, là một đội bóng đã từng hùng mạnh, nhưng nay chỉ còn đứng thứ 14 trên bảng xếp hạng Premier League với một chuỗi kết quả đầy thất vọng, họ là một đội bóng đã bị Bayern Munich vùi dập với tỉ số 2-7 ở đấu trường mà họ đang là đương kim Á quân. Tiếp quản một đội bóng như thế sau quãng thời gian tương đối dài làm việc trong vai trò của một nhà phê bình và chuyên gia phân tích, chắc chắn Mourinho sẽ được kỳ vọng rất nhiều. Thực tế cho thấy những kỳ vọng mà người ta đặt lên đội bóng của Mourinho vẫn chưa được đáp ứng dù đã có những biến chuyển tích cực. Trong bài viết này, mình sẽ tóm tắt và phân tích những gì HLV người Bồ Đào Nha đã đem đến cho Tottenham trong 4 tháng đầu tiên ông dẫn dắt đội bóng này nhằm cung cấp cho các bạn một cái nhìn toàn cảnh nhất về cách mà Tottenham đang chơi bóng, không chỉ trong một trận đấu cụ thể mà trong suốt những tháng ngày chật vật đầu tiên dưới sự chỉ đạo của Mourinho.
THAY ĐỔI HỆ THỐNG PHÒNG NGỰ
Nhắc đến cái tên Jose Mourinho, những người hâm mộ bóng đá sẽ nghĩ tới những đội bóng thành công nhờ thứ bóng đá phòng ngự - phản công đầy thực dụng. Ở Tottenham, Mourinho đã đem đến cho đội bóng một lối chơi phần nào giống như vậy. Dù ông vẫn cố để những học trò mới được chơi thứ bóng đá mà họ đã quen thuộc bằng những tình huống gây áp lực trong những trường hợp nhất định, nhìn chung Spurs đã thực hiện pressing với tần suất và cường độ nhỏ hơn, cũng như vị trí thấp hơn rất nhiều. Lối chơi này, dù lạ lẫm với những cổ động viên, nhưng đã đem tới những dấu hiệu tích cực rõ rệt ngay lập tức. Trong 12 trận đấu cuối cùng của Pochettino tại Tottenham, trung bình mỗi trận đội bóng vùng Bắc London phải nhận tới 1.66 xGA. Ngược lại, chỉ trong 9 trận đấu đầu tiên của Mourinho tại Premier League, con số này giảm mạnh xuống xấp xỉ 0.93, một con số rất ấn tượng. Dù thực tế, với sự xuất sắc của các tiền đạo đối phương và sự tệ hại của những cá nhân, con số bàn thua nhận vào của họ trong 9 trận đấu ấy đã vượt rất xa giá trị kỳ vọng này. Nhưng rồi khi “tuần trăng mật” của họ và vị tân HLV kết thúc, con số ấy gia tăng phi mã và đạt tới 1.5 xGA/trận, tiệm cận với con số cuối thời kỳ nắm quyền của Pochettino.
Ý tưởng chung của Mourinho tại Tottenham vẫn là sử dụng một hàng phòng ngự có cự ly hẹp, lùi sâu để phòng ngự một cách chủ động. Cùng với đó, ông thường sử dụng những phương án gia tăng quân số ở khu vực giữa sân, nhằm áp đảo tuyến giữa của các đối thủ về mặt số lượng và ngăn chặn khả năng triển khai bóng từ khu vực này của họ với những đội hình như 4-2-3-1, 3-4-2-1, trong đó các cầu thủ tấn công ở cánh luôn sẵn sàng hỗ trợ phòng ngự. Ngoài ra, như một nỗ lực để thực hiện lời phát biểu của mình ở thời điểm nhậm chức, Mourinho vẫn yêu cầu các cầu thủ thực hiện gây áp lực cho đối phương với cường độ khác nhau trong những tình huống nhất định. Hai tình huống điển hình mà chúng ta có thể xét đến là khi họ cố gắng ngăn cản các trung vệ của đối thủ chuyền bóng và khi họ cố gắng cướp lại bóng từ hai cánh, đặc biệt là trong những trường hợp bị dẫn trước. Và đây chính là nơi mà những điểm yếu lớn nhất trong phòng ngự của Tottenham lộ ra và bị khai thác triệt để.
Trong sa bàn dưới đây, chúng ta có thể thấy một ví dụ về cách pressing của Tottenham trong trường hợp hai đội cùng đá với các biến thể của sơ đồ 3-4-3 (tương tự trận lượt về Champions League gặp Leipzig). Với một phương án pressing định hướng con người, 3 cầu thủ tấn công của Spurs chủ động gây áp lực lên 3 trung vệ của đối thủ, trong khi đó, 2 tiền vệ trung tâm cũng đeo bám rất sát những người đồng nghiệp bên kia chiến tuyến. Vấn đề của Spurs trong những tình huống như thế này chính là sự thiếu đồng bộ và thiếu tổ chức trong cách thực hiện áp sát và vây bắt cầu thủ cầm bóng. Trong tình huống này, việc hậu vệ trái của họ thường được giao cho trọng trách luôn chủ động lùi sâu trong sơ đồ bất đối xứng của Mourinho đã khiến cho cầu thủ chạy cánh của đối thủ được hoàn toàn tự do. Thêm vào đó, khi một trong hai tiền vệ công của đối thủ lùi về khu vực được khoanh vùng, hàng phòng ngự của Tottenham vẫn giữ nguyên một vị trí rất thấp thay vì dâng cao áp sát nhằm bó hẹp không gian hoạt động của đối phương. Hai vấn đề vừa nêu trên đã gây ra một kết quả rất rõ ràng: khoảng cách giữa các tuyến của họ trở nên rộng một cách bất thường, đây là nơi mà những cầu thủ tấn công của Manchester City, Chelsea hay Leipzig đã khai thác rất tốt, cũng như mở ra khả năng cho đối thủ chiếm lấy lợi thế về quân số ở cánh cầm bóng và khu vực hành lang trong.
Một vấn đề khác trong cách phòng ngự của Tottenham thời điểm hiện tại chính là cách triển khai hệ thống kèm người của họ. Với một hệ thống 4-2-3-1 bất đối xứng và sự hỗ trợ của một tiền vệ hoặc một hệ thống 3 trung vệ, Mourinho luôn có cho mình lượng nhân sự áp đảo trước những tiền đạo của đối phương. Nhờ đó, ông có thể yên tâm trong việc cắt cử một trung vệ lệch tiến lên cao hơn bình thường trong việc theo kèm và áp sát những cầu thủ tấn công của đối phương. Vô hình trung, điều này khi kết hợp với khả năng bọc lót không tốt của các tiền vệ phòng ngự thường xuyên tạo ra một khoảng trống lớn ở trước khung thành của họ. Trong ví dụ sau, chúng ta có thể thấy một hệ thống kèm người một - một của Spurs được tổ chức tương đối chặt chẽ. Trong đó, người cầm bóng bị áp sát bởi hậu vệ cánh phải và tiền vệ trung tâm lệch phải của Tottenham, các vị trí còn lại chủ động thực hiện kèm người với những cầu thủ đối phương gần đó nhất. Nhìn chung, cự ly đội hình vẫn được giữ rất hẹp và cô đặc. Tuy nhiên, với việc trung vệ lệch phải bị thu hút bởi những bước di chuyển của cầu thủ số 11, khoảng trống phía sau lộ ra là quá lớn, quá dễ dàng cho tiền đạo của đối thủ, người đang có những bước chạy hướng ngược lại hướng tới khu vực ấy, khai thác và có được cơ hội dứt điểm. Một ví dụ trực quan hơn, cụ thể hơn có lẽ chính là bàn thắng mở tỷ số của Giroud trong trận derby London với Chelsea tại Stamford Bridge. Ở tình huống ấy, với những bước di chuyển ngược nhau đầy khôn khéo của Giroud và Mason Mount, Chelsea đã mở toang cánh cửa để Jorginho đưa quả bóng ra phía sau hàng phòng ngự của Tottenham, nơi mà tiền đạo người Pháp đã mở tỷ số của trận đấu, khởi đầu cho một trận đấu mang tính bước ngoặt trong cuộc đua top 4.
Những vấn đề trong phòng ngự của Tottenham không chỉ tới từ những cá nhân trong tuyến phòng ngự, mà còn là kết quả của một cỗ máy đang không có đủ những linh kiện cần thiết để vận hành. Một người hâm mộ Tottenham từ trước những chiến thắng thần kỳ của họ ở Champions League năm ngoái chắc chắn sẽ biết rằng, hai tiền vệ phòng ngự xuất sắc bậc nhất của họ trong quá khứ là Dembele và Wanyama đều đã ra đi mà không có bất kỳ một sự thay thế trực tiếp nào ngoài Ndombele. Nếu theo dõi màn trình diễn của Tanguy tại Pháp, rõ ràng cầu thủ này là một sự thay thế tiệm cận nhất với lối chơi và trình độ của Dembele. Đáng tiếc do những chấn thương và vấn đề về thể lực, dinh dưỡng, Ndombele vẫn không có được những trận đấu tốt và việc bị chỉ trích đích danh bởi HLV Mourinho gần đây có thể coi là một dấu hiệu không tích cực với khả năng được ra sân của cầu thủ người Pháp. Rõ ràng cả Harry Winks, Lo Celso hay Eric Dier đều không phải là những lựa chọn lý tưởng cho vị trí này. Điều đó, như đã đề cập phía trên, trực tiếp khiến cho cự ly giữa các tuyến của Gà trống không được đảm bảo, tạo nên một vùng không gian hoạt động vô cùng thoải mái cho các cầu thủ tấn công của đối phương. Tất nhiên, điều này chẳng thể giúp cho Tottenham nhận ít bàn thua hơn hiện tại.
Nhưng xét cho cùng, hàng phòng ngự của Tottenham ít ra vẫn đang chơi tốt hơn những ngày cuối cùng của HLV Pochettino về mặt hệ thống. Thật dễ dàng để đổ lỗi cho Mourinho nếu không nhận ra rằng kết quả tệ hại của Gà trống dưới thời ông thầy mới đang đến chủ yếu do chất lượng của từng cá nhân. Có một con số thống kê rất thú vị cho thấy trên 70% số bàn thua của Tottenham dưới thời Mourinho đến từ những tình huống cố định và những tình huống mắc lỗi cá nhân. Thực tế những lần tự bắn vào chân mình như thế này là không hề xa lạ với những cổ động viên của Spurs. Việc những cầu thủ chủ lực trên hàng công lần lượt chấn thương dài hạn đã ép Tottenham phải chơi thứ bóng đá của Mourinho và lùi sâu phòng ngự thay vì chủ động kiểm soát bóng và tấn công – nhiệm vụ bất khả thi khi không có Son Heung-min, Harry Kane và Sissoko trong đội hình. Trong bối cảnh mà sự suy giảm phong độ do tuổi tác đã khiến cặp trung vệ trứ danh của đội tuyển Bỉ, Vertonghen và Alderweireld, không còn có được sự chắc chắn cần thiết, cũng như sự quyết liệt thái quá đã rất quen thuộc của Davinson Sanchez, việc phải phòng thủ liên tục sẽ dễ dẫn tới những giây phút mất tập trung hay xử lý không được tốt, như người Việt chúng ta vẫn hay nói “đêm dài lắm mộng”.
TOTTENHAM TẤN CÔNG THẾ NÀO?
Như đã đề cập, trong khoảng thời gian này Mourinho thường ưa thích sử dụng một sơ đồ bất đối xứng ở vị trí của những hậu vệ cánh. Tại Tottenham, chúng ta sẽ thấy rất rõ ràng rằng hậu vệ phải của họ, thường là Aurier, sẽ là người được tự do dâng cao tham gia tấn công, còn ở phần sân đối diện, những Tanganga, Vertonghen hay Ben Davies thường được phân công ở một vị trí thiên hướng phòng ngự, kết hợp với 2 trung vệ để tạo thành bộ ba phòng ngự khi đội nhà có bóng. Với việc không có lựa chọn tấn công nào ở khu vực biên trái, những đường tấn công của Tottenham luôn luôn có dấu giày của Serge Aurier. Để giải thích cho việc này, có lẽ Mourinho muốn tận dụng tối đa khả năng tấn công của cầu thủ người Bờ Biển Ngà và hạn chế những tình huống mắc lỗi sơ đẳng thường xuyên xảy ra của anh khi giải phóng anh ta khỏi nhiệm vụ phòng ngự, bởi phía sau đã có một hàng hậu vệ ba người thay vì hai. Cùng với đó, việc bán đi Danny Rose và chấn thương của Ryan Sessegnon cũng khiến cho vị trí hậu vệ trái của Tottenham không hề mạnh trong việc tham gia đóng góp vào quá trình làm nên những bàn thắng. Tuy cách tiếp cận này vẫn tạo nên những bàn thắng, nó vô hình trung lại khiến những đường lên bóng của Spurs trở nên tương đối đơn điệu, dễ đoán và thiếu hẳn khả năng tấn công từ cánh trái dù tân binh Steven Bergwijn thực sự đã chơi rất tốt ở khu vực này. Không có hậu vệ cánh trái chồng biên, Steven Bergwijn cũng trở thành lựa chọn duy nhất trong việc kéo giãn hàng ngang phòng ngự của đối thủ để tạo khoảng trống cho những cầu thủ tấn công khác ở phía trong.
Tại London, Mourinho đã gặp phải một khó khăn mà chưa một đội bóng nào của ông từng đối mặt – hàng phòng ngự tệ hại. Chắc hẳn sẽ có những bạn đang thắc mắc tại sao mình lại nói về hàng phòng ngự trong một đoạn đáng lẽ đang nói về khả năng tấn công. Trong cách tấn công của Spurs, bộ đôi tiền vệ phòng ngự/trung tâm, những người đáng lẽ phải có trọng trách kết nối giữa phòng ngự và tấn công, nay lại gặp quá nhiều rắc rối trong việc liên lạc với các trung vệ và thoát khỏi những đợt pressing của đối thủ. Đồng thời không phải tất cả các trung vệ của họ đều có khả năng xử lý quả bóng thực sự tốt dưới áp lực, dẫn tới việc thiếu khả năng lên bóng bằng những đường chuyền ngắn từ tuyến dưới. Do đó, Tottenham đặc biệt thường sử dụng những đường chuyền dài hướng tới Serge Aurier hoặc tận dụng tốc độ của những cầu thủ tấn công. Đáng tiếc thay chấn thương của Harry Kane và Son Heung-min đã khiến lựa chọn chuyền dài của các trung vệ bị hạn chế rất nhiều khi chiều cao của những cầu thủ tấn công còn lại của họ đều tương đối hạn chế. Sa bàn dưới đây có thể giả định là kết quả của một tình huống chuyền dài sang cánh phải cho Aurier. Khu vực biên trái là vô cùng trống trải nhưng thường không được khai thác do tiền vệ tấn công trái lúc này đã di chuyển hẳn vào khu vực trung tâm nhằm tìm kiếm cơ hội ghi bàn, còn hậu vệ cánh trái đã hợp lại với hai trung vệ để tạo thành hàng hậu vệ ba người. Cách di chuyển này phần nào khiến Tottenham gặp rất nhiều khó khăn trong việc kéo giãn những hàng phòng ngự có cự ly hẹp tương tự, bởi họ đang tự bó hẹp không gian chơi bóng của mình.
Tất nhiên, đó không phải là những bài lên bóng duy nhất của Tottenham. Trong những trận đấu gần đây gặp nhiều khó khăn với việc Tanganga không có được khả năng tấn công tự nhiên như Aurier, Tottenham cũng sẵn sàng luân chuyển bóng qua trung lộ dù gặp nhiều khó khăn. Với khả năng thoát pressing và đi bóng ấn tượng của Giovani Lo Celso, Mourinho đã tìm ra một mảnh ghép quan trọng cho một vị trí ở giữa sân cùng với sự lựa chọn cố định của ông là Harry Winks. Khi Lo Celso ở trên sân, Mourinho sẵn sàng để hai tiền vệ phòng ngự chơi thấp xuống trong giai đoạn đầu của quá trình lên bóng nhằm tạo thêm những lựa chọn chuyền bóng cho các trung vệ, rồi dùng Lo Celso như một cách để đưa quả bóng lên phía trên mà không cần đến những đường chuyền dài. Ngoài ra, việc hạ thấp vị trí theo chiều dọc sân của hai cầu thủ này cũng thu hút sự theo kèm của những cầu thủ nơi tuyến giữa của các đối thủ trong thời đại mà muôn nhà đều chơi high pressing, tạo ra một khoảng trống lớn cho Dele Alli với vai trò là số 9 ảo lùi xuống nhận bóng. Hai cách đưa bóng lên phía trên này đều hiệu quả ở một mức độ nhất định, nhưng với một đội bóng không có tiền mùa giải và phải thi đấu với một mật độ quá dày đặc, việc luôn thực hiện tốt một công thức xa lạ quả thực là không dễ dàng.
Trong kịch bản trên, trung vệ lệch trái dưới áp lực của tiền đạo đối phương đã có cho mình một lựa chọn chuyền bóng mới nhờ sự di chuyển thấp xuống của tiền vệ phòng ngự. Việc bộ đôi tiền vệ trung tâm của đối phương bị thu hút bởi cách di chuyển này đã tạo nên một vị trí thuận lợi cho Dele Alli lùi sâu nhận bóng. Sau những tình huống lên bóng thành công ở trung lộ như vậy, những pha tấn công của Tottenham thường có một bộ mặt khác hơn và đa dạng hơn rất nhiều. Họ có thể tiếp tục tịnh tiến trái bóng qua những bước chạy của một cầu thủ đi bóng tốt như Lucas Moura hoặc Lo Celso trong lúc các cầu thủ tấn công còn lại di chuyển rộng ra để tạo thêm nhiều hướng chuyền bóng cũng như khoảng trống cho cầu thủ có bóng được thoải mái suy nghĩ. Đồng thời cũng có thể di chuyển lại gần nhau tạo thành những tam giác chuyền bóng và thực hiện những tình huống di chuyển “người thứ ba” để tiếp tục di chuyển quả bóng lên những vị trí cao hơn. Những hình ảnh dưới đây mô tả lại những cách phối hợp thường gặp của các cầu thủ Tottenham trong những tình huống tương tự.
Xét cho cùng, những kịch bản trên đều thường diễn ra trong những tình huống Spurs cướp lại được bóng và phản công, là thời điểm mà họ dễ dàng có lợi thế về quân số và sự chủ động trong mọi hành động của mình. Tuy nhiên, là một đội bóng được đánh giá cao, không nhiều đội bóng chủ động để cho Tottenham phòng ngự như vậy. Rất nhiều đội bóng nhỏ hơn cũng chọn cách chơi tương tự để đối đầu với Tottenham. Và khi đó, đội bóng của Jose Mourinho thực sự trở nên bế tắc và vô hại. Với việc không thể kéo giãn đội hình đối thủ bởi thiếu đi một hậu vệ cánh trái tấn công như đã đề cập ở trên, cùng với chấn thương dài hạn của Harry Kane khiến cho Tottenham mất đi khả năng chơi bóng bổng, có lẽ Mourinho cần tìm kiếm thêm những giải pháp khác để tiếp cận khung thành của đối phương. Thật thiếu may mắn cho HLV người Bồ Đào Nha, khi ông đã tấn công mà không có đi những cầu thủ tấn công đang thi đấu vượt giá trị kỳ vọng của mình.
Hình ảnh trên biểu thị tương quan giữa xG mỗi 90 phút và bàn thắng thực tế mà mỗi cầu thủ Tottenham ghi được. Vùng sẫm màu là khu vực thể hiện cầu thủ đã thi đấu gần đúng nhất với những gì mà giá trị kỳ vọng ghi nhận. Theo đó, 4 cầu thủ đang thi đấu tốt hơn chính họ của Spurs hiện tại chỉ có duy nhất Dele Alli là có khả năng thi đấu.
KẾT LUẬN
Những cổ động viên của Tottenham có lẽ nên chấp nhận một thực tế rằng họ đang không có được sức mạnh tương xứng với vị thế mà họ đã có được trong nhiều mùa giải qua. Với một đội hình chắp vá và đi xuống về mặt chất lượng, họ nên cảm thấy may mắn với vị trí thứ 8 hiện tại. Dưới đây là BXH Premier League tính tới ngày 9/3/2020 nếu mọi con số trên BXH đều được chuyển thành giá trị kỳ vọng. Theo đó, họ sẽ chỉ đứng thứ 13 với 33 điểm, ít hơn 8 điểm so với thực tế, đồng thời cũng sẽ ghi ít hơn 9 bàn và thủng lưới nhiều hơn 7 bàn.
Rõ ràng, bằng một cách nào đó, may mắn hoặc tự toả sáng, Tottenham vẫn đang sống sót, nhưng sự sống ấy liệu sẽ kéo dài đến bao giờ nữa? Hãy để thời gian và Mourinho trả lời.
Số liệu được sử dụng trong bài viết được cung cấp bởi Fbref.com.
Thể thao
/the-thao
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất