Những ngày hè cuối cùng lướt qua trước mũi, tớ đã chọn xem lại “Mùa hè chiều thẳng đứng”. Khi nắng không còn đủ gắt, dường như là chiếu xuống xiên xẹo hơn góc 90 độ, tớ chợt phát hiện ra nhỡ mà có một thế giới khác bên trong người ta. Thế giới được lay nhẹ bởi rung cảm từ thước phim của đạo diễn Trần Anh Hùng.
Xin không lạm bàn về khía cạnh nghệ thuật và cả kỹ thuật vì những hưởng ứng từ công chúng cùng các nhà phê bình đã nói lên hết thảy. Thậm chí, chính cái tên Trần Anh Hùng cũng trở thành bảo chứng cho một bộ phim tròn đầy với tớ. Thiệt đó, nếu ai đã xem Mùi Đu Đủ Xanh, Xích Lô hay Mùa hè chiều thẳng đứng chắc chắn sẽ nhận ra cái thứ không khí tròn đầy cảm xúc mà chẳng cần phải diễn giải hay lời thoại rườm rà. Không phải là thứ căng tràn mà là quả cầu bông tròn trịa, vừa mềm mại vừa đẫy đà.
Điểm qua một chút cho các bạn chưa xem film. Mùa hè chiều thẳng đứng kể về một gia đình 4 chị em theo thứ tự vai vế là Sương, Khanh, Hải, Liên, Quốc (Chồng Sương), Kiên (chồng Khanh) tại Hà Nội. Bối cảnh film là mùa hè phố cổ dưới những kẽ lá, các nhân vật sống cùng nhau một đời hết sức bình thường như bất cứ mặt người nào hiện hữu nơi phố. Họ nấu những bữa cố, nhớ về người mất, vui sướng với người sống, họ ngủ trưa, ăn vặt, bàn về nghệ thuật và bắt đầu ngày mới bằng tiếng chuông báo thức như Hải và Liên. Tất cả đều bình thường giống chúng ta. Nhưng trong họ đều có một thế giới khác mà chỉ thỉnh thoảng mới lén lút đối mặt - cũng vẫn giống chúng ta.
Thước-film-rất-thơ-của-mùa-hè-chiều-thẳng đứng
Thước-film-rất-thơ-của-mùa-hè-chiều-thẳng đứng

Khao khát được yêu và chủ động trong tình yêu của chị Sương

Sương (nghệ sĩ Thu Quỳnh thủ vai) là chị cả trong gia đình, cũng là vợ của Quốc - nhiếp ảnh gia nổi tiếng đương thời. Cách đi đứng, ăn mặc tới ứng xử giao tiếp từ nhân vật này đều đúng với những gì tớ kỳ vọng được thấy trong người phụ nữ Hà Thành. Nhưng chị sống cùng người đàn ông luôn làm chị cảm thấy anh ta yêu mình không trọn vẹn. Thứ tình yêu bị san sẻ khiến người đàn ba nảy sinh bí bách, chị cũng thèm cảm giác được tôn thờ và trân quý, dẫu tớ thấy Quốc luôn dành cho Sương một sự biết ơn vô bờ. Thế nên chị ngoại tình với người đàn ông khác gốc Nam. 
Họ chẳng có gì hơn ngoài nụ hôn cùng những cái vuốt ve vô tư lự theo như chị kể cho Khanh (người em gái thứ hai). Nhưng tuyệt nhiên Sương không nói chuyện với nhân tình, không kể bất kỳ điều gì về cuộc đời mình với nhân tình. Lần duy nhất người ta nghe được tiếng Sương trong các phân cảnh ngoại tình là khi chị hát “Một lần yêu thương. Một đời bão nổi. Giã từ, giã từ. Chiều mưa giông tới. Em ơi, em ơi”. 
Khao khát tình yêu của Sương nép sau những chuẩn mực đời sống thường ngày, nhưng chưa từng đi quá giới hạn chị cho phép bản thân. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng nói “Rung động là bản năng. Còn chung thủy là lựa chọn”. Tớ vẫn tin rằng theo một cách nào đó, Sương không hề phản bội chồng, cũng chưa từng lần nào chị có cảm giác xấu hổ hay áy náy. Chỉ đơn giản chị cần những ngày sống cho chính mình - dù lộ ra với nhiều người sẽ là tội lỗi. 
Nhưng ai trong chúng ta chẳng sở hữu ít nhất một khao khát có thể làm tổn thương tới kẻ khác. Cơ mà nó nuôi sống chúng mình và chẳng phải cứ muốn là cất giấu đi được. 
Chị Sương minh họa điển hình cho 2 thế giới tồn tại song song trong người ta. Không phải thế giới phân cực tốt - xấu mà là thế giới giữa bản năng với lựa chọn.

Mang một nỗi buồn to chảy trôi theo dòng nước như nhân vật Quốc

Quốc là nhiếp ảnh gia với cái tôi nghệ thuật rõ ràng, cả đời anh đi tìm sự thanh thản và khao khát lột tả thứ bình an ấy qua từng khung ảnh. Anh có vấn đề với mặt người, chỉ thực vật mới giúp anh thể hiện sự hòa hợp của tâm hồn. Quốc hoàn hảo đến độ gần như sự hoàn hảo cũng muốn chối bỏ anh. Thế nhưng mình lại cảm thấy đây là nhân vật “thuận nước xuôi dòng” nhất trong film, anh chẳng mấy khi làm chủ cuộc đời mình. 
Người-nghệ-sĩ-đi-tìm-cái-tôi-bình-yên
Người-nghệ-sĩ-đi-tìm-cái-tôi-bình-yên
Anh gặp gỡ, yêu đương, có con riêng cùng người phụ nữ khác. Cuộc đời anh cả tài năng và tình yêu đều thừa. Nhưng nếu sống ở “một nửa của thừa” nào, anh cũng thấy có lỗi với nửa còn lại, lòng anh nặng trịch và chẳng thể trọn vẹn yêu thương ai. Rốt cuộc anh muốn sống tại vùng biển đơn độc nhưng thanh thản với tâm hồn, hay muốn sống cùng người phụ nữ khốn khổ một năm anh chỉ vài lần ghé thăm. 
Nhưng tới khi quyết định nói thật với Sương, anh vẫn lựa chọn sẽ đóng tiếp vai chồng của chị, bởi Sương cần điều đó. Chị muốn được anh yêu như ngày hai người chưa cưới. Tớ thật sự chẳng biết là do không còn phải giấu diếm mà Quốc cảm thấy mình sẽ trọn vẹn yêu Sương, hay lại lần nữa anh chẳng dám lựa chọn theo linh hồn mách bảo nên thôi thì sống cạnh chị? Dù thế nào, tớ vẫn cảm thấy Quốc còn một nỗi buồn thật to.
Như bao kiếp người có những lần không thể lựa chọn rồi ôm theo “nỗi buồn quá lớn” giống cách diễn tả của Quốc, nhân vật này đại diện cho nhiều gương mặt sống một cuộc đời chẳng dám nhìn thẳng vào chính mình. Bởi mỗi khi nhìn vào, đều thấy thế giới này bất lực, tội lỗi và thiếu kết nối. Dẫu nghệ sĩ hay chỉ một người bình thường thì cái cảm giác khuyết thiếu ấy cũng đều đau đớn. Có thể cơn đau ấy âm ỉ, nhưng sớm muộn gì cũng có ngày bùng lên chốt cháy đến cạn kiệt.
Không chỉ Sương và Quốc, mỗi nhân vật trong Mùa hè chiều thẳng đứng đều mang một góc cạnh khác sau vẻ ngoài hồn nhiên, trong vắt, thích cười của họ. Những giấc ngủ trưa không mộng mị trong phim cũng giống những ngày tháng yên ả trong cuộc đời chúng mình. Nhưng ai rồi cũng phải tỉnh và có lần nhìn thẳng vào mình qua lăng kính được treo sẵn trong các góc của cuộc sống. Khi ấy, thế giới khác bên trong mở ra.