Một buổi sáng mùa đông...
Là bố cầm cây chổi quét đám lá rụng đầy sân sau một đêm gió mùa về.
Là mẹ đã đi chợ từ sớm, giờ đang lạch cạch bếp núc chuẩn bị đồ ăn sáng cho mấy đứa con, đứa thì đi học đứa thì đi làm.
Bỗng nhiên lòng tôi dâng lên một thứ cảm xúc ấm áp khó tả.
Source: internet
Source: internet
Càng lớn tôi càng thấy mẹ chăm sóc mình không khác gì những bà mẹ Hàn Quốc trong Reply 1988 (Thế mà lúc xem bộ phim này tôi đã ước tôi được chăm sóc như những đứa trẻ trong phim).
Suốt những năm tháng học cấp 1 cấp 2 rồi lên cấp 3, tôi vẫn hay bị mẹ mắng vì không biết làm cái này, không biết làm cái kia, vì những thứ không theo ý mẹ khiến bà ngứa mắt. Mà một khi mẹ đã mắng, thực ra phải gọi đúng nghĩa là chửi, bà chửi chua lắm (Bạn đã bao giờ nghe mẹ nói con là "con chết nửa đời kiaaaaaa" chưa? Tôi quen lắm :D).
18 tuổi lên đại học, mẹ bắt đầu thay đổi, không còn quát mắng vô lý như cái hồi tôi còn gán mác học sinh nữa.
Nhà tôi ở ngoại thành, nên để tiện cho việc học tập thì tôi vẫn ở trọ, nhưng cũng không xa lắm nên cuối tuần nào cũng về nhà. Thế là cuối tuần nào mẹ cũng lo đi chợ mua rau rả thịt thà cho tôi mang đi, mẹ tôi sợ mua đồ ăn ở phố thì vừa đắt mà cũng chẳng có rau sạch thịt sạch như ở quê mà ăn. Hồi đó tôi ở cùng một đứa bạn, ngày nào mẹ nó cũng gọi điện hỏi hôm nay con ăn gì, đi đâu blah blah, còn mẹ tôi ư, nếu không có chuyện gì cần thông báo thì bà chẳng bao giờ gọi. Khi đó tôi lại ước gì mẹ cũng gọi điện cho mình giống như đứa bạn kia.
Tôi ước mẹ tôi thế này, bố tôi thế kia...cái "thế này" "thế kia" là giống như một số ông bố bà mẹ khác mà tôi gặp thôi, tôi ước bố mẹ mình cũng giống như họ ở vài điểm tôi thích thì hay biết mấy. Tôi đã từng cứ ước ao bố mẹ mình phải này kia như thế đấy :)
Gần đây tôi mới nhận ra, mình không còn có những mong cầu đó ở bố mẹ nữa.
Tôi đã tốt nghiệp và đi làm vài năm. Tưởng thế là trưởng thành, là tự lo lắng cho bản thân, là tự lập rồi đấy, nhưng chẳng hiểu sao càng lớn bố mẹ lại càng lo lắng, chăm sóc cho tôi nhiều hơn.
Dù ngày nào cũng nói: "sáng con dậy muộn lắm không kịp ăn đâu, mẹ không phải dậy sớm nấu làm gì cho mệt", nhưng gần như chẳng sáng nào dậy mà mẹ không chuẩn bị cho chúng tôi, khi thì cái bánh mì, bát bún, hay bát cơm nóng (bố mẹ tôi quen ăn cơm sáng, có lẽ do thói quen từ ngày xưa nhà rất nghèo, có cơm ăn là may rồi chứ làm gì mơ tới một bữa sáng là nào bún nào phở hay bánh mì..)
Dù mẹ cũng vẫn đi làm, đi cùng giờ với tôi luôn, nhưng tôi thì được ngủ tới tận gần giờ đi làm, còn mẹ luôn dậy từ khi tờ mờ sáng, dọn dẹp nhà cửa, đi chợ, nấu nướng. Mẹ luôn nói vì già rồi nên không ngủ được mấy, nhưng tôi thiết nghĩ vì mẹ đã quá quen với việc phải lo cho chồng cho con như bao năm mẹ vẫn làm.
Tôi thấy mẹ siêu nhân quá. Tôi tự nghĩ sau này liệu tôi có chăm lo cho con tôi được như mẹ tôi chăm chúng không?
Vì hồi nhỏ ăn mắng của mẹ nhiều hơn ăn cơm, nên tôi chẳng bao giờ nghĩ mẹ thương tôi. Thậm chí hồi lớp 5 tôi từng có ý định bỏ nhà ra đi (đương nhiên chỉ dừng lại ở ý nghĩ của đứa con nít) vì nghĩ mẹ ghét mình, mình phải đi cho mẹ thấy. Tới cả những năm cấp 3 hay đại học, tôi cũng chưa cảm nhận được thứ tình thương mà mẹ dành cho tôi là như thế nào.
Mẹ tôi không giống như những bà mẹ khác, khi những bà mẹ khác gọi điện hỏi "tối nay mấy giờ con về ăn cơm", mẹ tôi chẳng bao giờ hỏi mà chỉ lẳng lặng để phần cơm cho tôi. Khi những bà mẹ khác nói "con không nên làm thế", thì mẹ tôi nói "mày không nghe tao thì sau khổ đừng có trách". Chị gái tôi từng không nghe lời mẹ, thậm chí bố mẹ còn doạ sẽ từ mặt nếu chị không nghe, nhưng cuối cùng mẹ cũng chẳng để cho chị tôi kêu khổ một ngày nào, chưa gì mẹ đã "không đành lòng", rồi lại ra sức giúp hết cái này đến cái khác.
Mẹ không thương con bằng những lời nói ngọt ngào, mẹ thương bằng những hành động âm thầm mà chẳng phải đứa con nào cũng dễ dàng nhận ra.
Cũng không phải tự nhiên mà gần đây tôi quan sát và nhận ra mẹ mình đã yêu thương chúng tôi nhiều như thế nào đâu.
Tôi nhận ra cái tình cảm đó của mẹ rõ rệt nhất sau khi đọc cuốn "Hãy chăm sóc mẹ", một cuốn sách mà Library Journal đã viết: "Cuốn sách của tác giả nổi tiếng nhất Hàn Quốc này làm độc giả rơi lệ". Quả thực, nếu còn mẹ, nó dễ làm bạn khóc đấy. Nhưng nếu không còn mẹ, có thể nó sẽ khiến bạn khóc to hơn và day dứt hơn nhiều (đương nhiên tôi không mong điều này xảy ra). Bạn cũng có thể tìm đến cuốn sách này, tôi dám chắc bạn sẽ nhìn thấy hình ảnh của mẹ mình trong từng trang sách. (dù cuốn sách này viết về một bà mẹ Hàn Quốc)
Tôi cũng không nghĩ chỉ thế là tôi hiểu được mẹ, có lẽ tình thương mà tôi cảm nhận được từ mẹ chỉ là một phần.
Tôi cũng không nghĩ sau khi cảm nhận được điều đó, tôi có thể thay mẹ làm những việc mà trước giờ mẹ vẫn làm.
Nhưng chắc chắn một điều, tôi không còn coi đó là điều dĩ nhiên nữa, tôi đã cảm thấy biết ơn và hạnh phúc khi có mẹ là mẹ, và mẹ vẫn ở đây bên tôi.
P/S: tôi thích đặt tựa bài viết này là Một buổi sáng mùa đông, dù tôi không kể về mùa đông, chỉ vì ngày hôm đó tôi đã nghĩ đến mẹ thật nhiều.