Như thường lệ, mình lướt Facebook. Đang lướt thì thấy vế đối đáp này:
- Tại sao thương họ mà mình thấy đau trong lòng quá ...
- Do "thương" có trong cả "tổn thương" lẫn "yêu thương".
Và, cũng như thường lệ, mình vẫn quen tật xét nét từng chữ một, nảy ý xem xem cái nhận định cốt để an ủi đó nó có ...hợp lí không? (nói cho đúng ra là có cái lí lẽ nào làm bệ đỡ cho nó không). Hai loại "thương" (1) (tổn thương) và "thương" (2) (yêu thương) đó có nhập làm một được không? Mình bèn viết đôi dòng sau để chia sẻ, bởi mình biết nó đủ sức gây tò mò đến những ai quan tâm ngữ học. Làm bài tập thôi nào :) !

Nhân cái việc mình nảy ý theo kiểu cắt ngang như vầy mà mình nói tới lằn ranh phân chia văn học và ngữ học. Khác nhau ở chỗ ngữ học có lắm lúc nó rất vô tình. Không phải ngữ học không quan tâm cảm xúc và thái độ của người nói, nhưng nó quan tâm một cách "không hề có cảm xúc".

I. Liệt kê các thể loại "THƯƠNG"
Một tràng luôn: bị thương, yêu thương, tổn thương, thương hại, sát thương, thương tích, thương tổn, thương yêu, mến thương, thương thực, thương vong, tử thương, thương khung, thương nhân, ... Khoan, hai loại "thương" sau cùng không còn ăn nhập nữa; tạm dừng liệt kê được rồi.
Do chưa biết tiếp theo làm gì nên mình sẽ ... mò. Đầu tiên mình thử phân lại thành các nhóm (nhiều khi phân ra xong lại không có gì hữu ích cho lắm; kệ, cứ làm đã). Để phân nhóm thì cần tiêu chí.
//
Tiêu chí (0): [+thương] và [-thương] với 'thương' = một loại trạng thái (để trừ ra những từ đồng âm mình thấy không liên quan)
[-]: thương khung (như. 'thiên không'), thương nhân 
[+]: (còn lại)
Tiêu chí (1): ([+ sự thể] và [- sự thể]) x ([+ sự vật] và [- sự vật])
[+][+]: yêu thương, tổn thương, thương thực, thương vong, tử thương
[+][-]: bị thương, thương hại, thương yêu, mến thương 
[-][+]: thương tích, thương tổn, sát thương
[-][-]: cái này để chơi cho vui thôi :)) (xem thêm. phần bị lục)
Tiêu chí (2): [+ sự thể] x ([+ trạng thái] và [- trạng thái]) với 'trạng thái' = có duy trì, không rõ đầu cuối, không thể hiểu theo nghĩa 'xảy ra'
[+][+]: yêu thương, tổn thương, thương thực, bị thương, thương yêu, mến thương 
[+][-]: thương vong, tử thương, thương hại
Tiêu chí (3): [+ sự thể] x ([+ chủ ý] và [- chủ ý]) với 'chủ ý' = hành động diễn ra có chủ ý cá nhân
[+][+]:  tổn thương
[+][-]: <hầu như tất cả>
Tiêu chí (4): [+ khách] và [- khách] với 'khách' = nhất thiết phải có nét nghĩa trỏ tới một đối tượng bên ngoài người nói 
[+]: yêu thương, thương vong, tử thương, thương hại, thương yêu, mến thương 
[-]: thương tích, thương tổn, sát thương, tổn thương, thương thực, bị thương
//
Kết quả phân chia của mình nó "nửa nạc, nửa mỡ" bởi tuy là có tiêu chí, mình lại áp dụng một cách chủ quan bằng ngữ cảm cá nhân. Cho nên nếu bạn thử làm và thu được một kết quả khác thì cũng bình thường. Song mình nghĩ tất cả kết quả sẽ có điểm chung như vầy:

Mấy từ có "thương" này nó vừa gọi được cả sự vật lẫn sự thể, chủ yếu có nội dung ý nghĩa gọi tên nhiều thứ trạng thái gợi liên tưởng tới cảnh mất mát, khó khăn. Đây chính là phần "ngữ cảm" mà mình nói, bởi vì trừ một phần tiếng Việt chung trên trường ra thì mình và bạn dễ có tới bảy tám phần khác nhau về cuộc sống. Cuộc sống khác nhau, từ ngữ sẽ mã hóa khác đi, ngữ cảm cũng khác luôn.

May quá, sau một hồi "đãi cát" với nguyên cái đống phân nhóm hầm bà lằng thì mình cũng mò ra được một xíu "vàng" in đậm nêu trên. Giờ mình đem phần "vàng" này sang bước tiếp theo.  
II. Tưởng tượng một kịch bản biến đổi
Nghĩa là mình tìm cách tự vẽ ra các đường dây liên hệ mấy cái từ "thương" lại với nhau. Bởi mình tin là làm vậy mới đáng công ở trên mình đi lọc "vàng". Giống như, khi có bảng tuần hoàn rồi, mình thấy học Hóa nó dễ hơn một chút (xíu) :). Kịch bản này, mình còn kèm theo mấy điều lí giải (theo nghĩa. giải thích bằng lí lẽ, không phải giải thích hợp lí) mà mình cố tạo ra để củng cố các mối liên hệ. Đối với mình, mình thấy hợp lí đã, mình mới ghi nhớ hiện tượng ngôn ngữ được. Còn bạn, bạn nhắm cái đích khác cũng được.

(..... xử lí .... output .... bước này mình không kể ra đâu, để tả lại cách cái não mình nó suy nghĩ ra sao thì phải có một cái não bự hơn - Gödel đã nói, "bất toàn!".)

Tra các quyển từ điển hay tự vị Hán - Nôm, mình đều thấy có dùng chữ này: "thương" 傷. Một-cách-tự-nhiên (gởi lòng cảm ơn chân thành và sâu sắc tới thầy dạy Toán chủ nhiệm cấp III đã bày cho em cái cách nói này vừa lái lụa vừa cực kì dễ dàng khi cần đơn giản hóa quá trình giải bài tập :') ), mình tưởng tượng ra được cái đống này:
傷: "thương" nguyên là vết thương. Mình nghĩ vậy, do chữ Hán bắt đầu từ những cái mắt thấy tai nghe, sờ sờ tay nắm, mà "vết thương" nó không hề trừu tượng, cực kì dễ thấy.
Vết thương, nó thường làm mình thấy đau. Vậy là hoán dụ "vết thương" sang nghĩa "cái trạng thái mà vết thương gây ra". Nghĩa thứ nhất mình thấy ở "thương tích" (tích = vết, nét nghĩa "cũ, còn"; thương tích = vết thương), nghĩa thứ hai ở "thương thực" (một kiểu đau bụng). Cả hai cái đều là nghĩa gọi tên sự vật (nghĩa "danh từ").
Từ nghĩa gọi tên sự vật, quá trình hoán dụ lại tiếp tục từ nghĩa "vết thương" hay "trạng thái đau" chuyển sang nghĩa "gây ra, tạo ra thứ ấy". Đây là nghĩa gọi tên sự thể (nghĩa "vị từ", gồm "động" và "tĩnh"). Cái nghĩa này thấy ở "sát thương" (giết và làm đau, nói chung) hay "tổn thương" (làm đau đớn và mất mát, nói chung); tuy nhiên, khi nói, người ta hay thêm từ "gây".
Giữa sự vật và sự thể, bạn còn nhớ sự phân biệt giữa "sân khấu - diễn viên" với "diễn biến của  vở kịch" chứ, ha? Nó đó. Kiểu chuyển cách dùng từ này, tài liệu cổ văn gọi là phép sử động, tài liệu phương Tây hiện đại gọi là lối nói gây khiến (causative mode). Mình thấy có thể hình dung đơn giản hơn: Như "trời mưa", cái từ "mưa" đó vừa dùng để gọi "cơn mưa", vừa gọi cái việc "mưa"; từ nào gọi tên sự thể thì nó đã gọi tên một sự vật rồi, cho nên có thể hoán chuyển. Hiện nay, để phân biệt cho rõ, người ta làm theo kiểu tiếng Âu bằng cách thêm các danh từ "việc", "sự", "tính", "cái" ra đầu (yêu thích -> sự yêu thích; đẹp -> cái tính đẹp; bi -> cái bi). 
Cuối cùng là hướng chuyển từ nghĩa "vết thương", "làm bị thương" sang nghĩa "thấy có vết thương", "thấy có dấu vết bị đánh đập". Kiểu chuyển này gọi là phép ý động, hoặc lối nói xác nhận (assertive mode). Nghĩa này có ở "thương hại", "thương (yêu)". Khi "thương hại" một người, không phải là gây sát thương, gây tai hại cho họ, mà là thấy ở họ có vết thương, có ai trù hại (tương tự, bạn thử phân tích nghĩa của "tội nghiệp cho ai" từ hai danh từ "tội" và "nghiệp" nhé). Khi "thương ba, thương mẹ", không phải là gây đau đớn cho ba mẹ, mà thấy ba mẹ "bị thương, chịu khó". Diễn giải như vẫy là cách của riêng mình tự giả thuyết nên thôi.
III. Mình rút ra được gì sau bài tập này?
Nói thiệt nghen, từ ngữ nó y chang con người, đổi ngoắt một trăm tám chục độ!
...
Thôi, nghiêm túc. 
1) Thế giới không đánh thuế ước mơ, cuộc rong chơi độc hành miền ngôn ngữ không đánh thuế kịch bản.
2) Sự phân biệt danh và vị, động và tĩnh, sự thể và sự vật: không hề bất biến.
3) Làm bài tập ngôn ngữ rất hao đường huyết, rất mệt não, rất đau đầu (thậm chí rất ... nặng nề do trong khi lục bới trong đầu tìm kí ức ngôn ngữ, vô tình bản thân triệu hồi một con quỷ cảm xúc đầy buồn đau và thương nhớ)
4) Bài tập phần ai nấy làm, có quyền không thèm giống nhau. 
IV. Vài lời khuyến cáo khi tham khảo bài giải
Quay lại cuối bước I, đầu bước II, cái cục "vàng" có thể chỉ là vàng mạ, bên trong toàn là sắt dỏm; khi phát hiện ra, tất nhiên là phải chấp nhận và hiểu nó khác đi.
Thiệt ra, bước II là bước mình hay làm để tự "giả thuyết hóa" một hiện tượng ngôn ngữ. Bằng toàn bộ kiến thức về ngôn ngữ - bất kể là sở tri (science) hay những tưởng tượng tào lao trong mơ - mình cố gắng tự đưa ra một quá trình, một hình mẫu hợp lí nhất mà mình thấy đủ để làm bệ đỡ để giải thích cho hiện tượng ngôn ngữ đang xét. Kiểu bệ đỡ như vậy đương nhiên là để tự mình dùng - nó giúp mình dễ ghi nhớ cái hiện tượng (giống như gạo bài mà có đề cương thì mau thuộc hơn) - và mình thường dùng cho việc rong chơi, sáng tạo cùng từ ngữ. 
Mọi kịch bản muốn công bố đều cần nhiều chứng cứ xác thực; và ngược lại, cần thủ sẵn nhiều kịch bản để dễ vẽ nên các kịch bản mới. Bởi vì trong dòng lịch đại ngôn ngữ, cái quan trọng hơn là lịch sử đã đi theo hướng nào, chứ không phải tại mỗi vector thời điểm lịch sử đã có những khả năng diễn biến nào. Có vô hạn số khả năng diễn biến, hệt như óc tưởng tượng của con người và bàn tay của tạo hóa, nhưng lịch sử chỉ có một.
Như vậy, kịch bản của bạn không hề mất giá. Nó là bản hướng dẫn cho vở kịch, là chất liệu để chạm tới những không thời gian bạn chưa có cơ hội được sống. Nó có sức thuyết phục chân xác của một công bố khoa học hay không, đó là chuyện khác. Như mình, trước hết mình chỉ cần mình có cách để tin, để nắm và để sáng tạo từng từ, từng chữ một.
Cheers! :) Nếu dòng đời có dụ khị bạn làm một cái bài tập ngôn ngữ nào khác, thì nhớ làm và chia sẻ nhé!
V. Bị lục
Bị lục là phần mình ghi chú phụ lục để giúp cho bài đọc được dễ hơn.
1) Sự vật: một đối tượng bất kì. Sự thể: một diễn biến, quan hệ giữa các sự vật. Trong ngôn ngữ, trừ các từ ngữ nói về ngôn ngữ (hư từ) thì các từ còn lại (thực từ) đều hoặc gọi tên sự vật (nghĩa danh từ) hoặc gọi tên sự thể (nghĩa vị từ). Hai khái niệm này hiểu một cách tương đối tùy cái ý muốn nói. Đây là ví dụ về sự vật sự thể:
"Hôm nay, trời tự nhiên nắng lên, trong khi rõ rànghôm qua mưa rất to, mưa cả ngày không dứt."
2) Sự thể động: sự thể có thể mô tả bằng "xảy ra". Sự thể tĩnh: ngược lại. Sau đây là ví dụ về độngtĩnh:
"Con gà đứng ngắm Mặt Trời. Nó cúi đầu, dòm xuống đất, thấy một cái lá lủng tùm lum lỗ. Nó cúi đầu như vậy, chưa ai thấyngẩng lên lại."
Mình chú thích thấy là động bởi vì nó gọi tên từng lần cơ quan thụ giác của con người phát ra xung thần kinh cảm nhận thế giới xung quanh. 
3) Sử động: một động từ có ý nghĩa gây khiến, sai bảo ("sử" trong "sử dụng"). Ý động: một động từ có ý nghĩa nhận xét, đánh giá ("ý" trong "tỏ ý"). Cả hai đều là vị từ động, tuy nhiên phép ý động có tính "động" theo kiểu từ thấy nêu trên. Đây là ví dụ về sử độngý động:
"Cái bể chứa này họ xi-măng (đổ xi-măng, sử động danh từ) dày quá, giờ cần phải mỏng (làm mỏng, sử động tính từ) bớt mới khoan được cái lỗ. Mà cái ông thợ, mình làm (kêu đi làm, sử động động từ) ổng cho ba bữa đi, ổng nghỉ hết bữa rưỡi rồi. Thằng cha này quan tướng (thấy giống như quan, như tướng, ý động danh từ) quá. Tao cũng lạ (thấy lạ, ý động tính từ) gì ổng nữa."