Có lẽ ai trong chúng ta cũng nhớ đến chiến thắng huỷ diệt 7-1, của Cổ xe tăng Đức trước những vũ công Samba Brazil. Và trong 7 bàn thắng ấy, có một tiền đạo bên phía tuyển Đức đã có cho riêng mình 1 pha lập công vào phút 58 của trận đấu. Đó là lần thứ 16 mà chàng tiền đạo đó xe lưới đối thủ tại các kỳ World Cup anh tham dự. Và anh chính là Miroslav Klose, một kỷ lục gia chính hiệu tại ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem, hành trình mà Klose đã đẩy chân sút nguời Brazil, Ronaldo de Lima xuống thứ 2 tại ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh như thế nào.

Khi bóng đá trở thành ngôn ngữ của một cậu nhóc Ba Lan

Trước khi có được ánh hào quang tại sân chơi lớn nhất hành tinh, World Cup thì Miroslav Klose đã phải trải qua một tuổi thơ đầy cơ cực. Có một điều khá bất ngờ về tiền đạo người Đức, khi Klose là một người nhập cư đến từ Ba Lan. Anh sinh ngày 9/6/1978 tại Opole, thành phố miền Nam của Ba Lan, giáp với Czech. Cả bố và mẹ của cựu tiền đạo Lazio đều chơi thể thao chuyên nghiệp. Nhưng kinh tế gia đình anh khi ấy rất khó khăn. Klose bồi hồi nhớ lại: “Căn hộ gia đình chúng tôi ở rất nhỏ. Rất chật chội. Tôi với chị gái ở chung một phòng. Phòng còn lại ban ngày dùng làm phòng khách, còn ban đêm thì dùng làm phòng ngủ của cha mẹ tôi”.
Cảnh cơ cực vẫn đeo bám gia đình Klose ngay cả khi cha anh, ông Josef đưa cả nhà sang Pháp. Năm cậu nhóc Klose lên 8, cũng là lúc cha anh lại một lần nữa di dời chỗ ở, với chút hi vọng nhỏ nhoi rằng gia đình mình sẽ ấm no hơn, và Đức là quốc gia đã được người cha của Klose lựa chọn. Cựu tiền đạo Lazio bắt đầu cuộc sống mới tại một ngôi làng nhỏ ở vùng Kusel gần Kaiserslautern. Họ đến đó sống vì có người thân bên cạnh. Dì của Klose đã sống ở ngôi làng đó được vài năm. Đó là nơi tập hợp nhiều gia đình nhập cư từ Ba Lan, Nga, Albania và thậm chí từ Nigeria. Klose không thể nhớ hết được có nhiêu con người mang trong mình màu da, tiếng nói hay quốc tịch khác nhau cùng chung sống tại vùng ngoại ô ấy. Cậu nhóc nhập cư Klose khi ấy chỉ nhớ nhất, là có một sân bóng ở đó để mình thỏa niềm đam mê chơi bóng.
Khoảng thời gian đầu tiên tại Đức, cũng là thời điểm khó khăn nhất của Klose. Khi ngôn ngữ là một bức tường vô hình, nhưng kéo dài vô tận và rất cao lớn như bức tường Berlin hồi trước. May mắn cho cậu nhóc 8 tuổi khi ấy, khi tìm được ngôn ngữ chung để hòa nhập với cuộc sống mới, chính là trái bóng tròn. Klose chia sẻ: “Với đám trẻ chúng tôi hồi ấy, bóng đá thực sự là quốc tế ngữ. Ra sân bóng, chúng tôi có thể hiểu nhau mà không cần nói chung một thứ tiếng nào”.

Chàng thợ mộc và giấc mơ World Cup

Với Miroslav Klose, thành công đến với anh chưa bao giờ là một con đường trải đầy hoa hồng. Khi anh bắt đầu hành trình đến với trái bóng chuyên nghiệp có phần gian nan và muộn màng. Ở cái tuổi 17, 18 nhiều cầu thủ đã thành sao, đã ghi bàn ầm ầm ở các giải Vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu, đã được triệu tập lên đội tuyển, đã mua được chiếc xe thể thao đời mới, hay căn biệt thự sang trọng. Còn Klose thì mãi đến năm 19 tuổi vẫn phải vừa đá bóng bán chuyên, vừa học làm thợ mộc. Gia đình gốc Ba Lan rất thực tế, khi hướng anh dự phòng nghề thợ mộc làm cần câu cơm trong trường hợp ước mơ làm cầu thủ không đi tới đâu. 
Mãi đến năm 20 tuổi, Klose mới bắt đầu chơi bóng chuyên nghiệp, từ CLB Homburg ở giải hạng Năm của Đức. Tháng 4/2000, tức là chỉ 2 tháng trước sinh nhật thứ 22, Klose mới có trận đấu trình làng tại Bundesliga. Xuất phát muộn nhưng Klose tăng tốc rất nhanh. Sang mùa 01/02, Klose ghi 16 bàn cho Kaiserslautern, chỉ cần thêm 2 bàn nữa là giành ngôi Vua phá lưới Bundesliga mùa ấy. 
Với phong độ không thể nào xuất sắc hơn, Klose được HLV Rudi Voeller triệu tập vào đội tuyển  Đức dự World Cup 2002. Khi Klose lập hat-trick trong trận Đức thắng Saudi Arabia 8-0 ở vòng bảng, rất nhiều người mới bắt đầu tò mò tìm hiểu: “Klose là ai?”. Lúc ấy, Klose đã bước sang tuổi 24. Bên cạnh đó, tiền đạo gốc Ba Lan còn xé lưới Ireland và Cameroon. Thành tích ấy giúp Klose giành chiếc giày bạc ngay giải đấu lớn đầu tiên anh tham dự ở cấp đội tuyển. 5 bàn thắng này đều đến từ những cú đánh đầu, và Klose là người đầu tiên làm được điều đó trong lịch sử giải đấu lớn nhất hành tinh. 
Có lẽ danh hiệu chiếc giày bạc ở kì World Cup tại châu Á là chưa đủ để thoả mãn chàng tiền đạo giản dị này. Thì ở ngày hội bóng đá lớn nhất hàng tinh 2006, tại Đức, Klose đã có chiếc giày vàng mong muốn với 5 pha lập công dù đội tuyển anh khoác áo đã thất bại trên sân nhà. 4 năm sau đó, khi World Cup lần đầu đặt chân đến lục địa đen. Đội tuyển Đức khi ấy, được kì vọng rất nhiều cho việc có thể mang chiếc cúp vàng thế giới về với Berlin. Khi trong đội hình Cỗ xe tăng Đức lúc đó, là những ngôi sao hàng đầu làng túc cầu như: Manuel Neuer, Philipp Lahm, Bastian Schweinsteiger, Mesut Ozil, Thomas Muller, Mario Gomez,… Tuy nhiên, Die Mannschaft lại tiếp tục lỡ hẹn với chức vô địch, dù cá nhân Klose đã đóng góp tới 4 bàn thắng để đưa mình sánh ngang với huyền thoại Gerd Mueller, trở thành cầu thủ ghi bàn nhiều thứ hai trong lịch sử các vòng chung kết World Cup. Thêm một kỳ cúp vàng thế giới trôi qua, lại thêm một lần Klose vỡ mộng vô địch cùng đội tuyển.
World Cup 2014 trên đất Brazil chứng kiến đỉnh cao sự nghiệp của Klose, không phải vì anh ghi nhiều bàn, cũng chẳng phải đó là giải đấu cuối cùng trước khi chân sút gốc Ba Lan giã từ đội tuyển. Die Mannschaft vô địch năm đó, là một sự tổng hòa của đội hình với Lucas Podolski (gốc Ba Lan), Sami Khedira (gốc Tunisia), Mesut Oezil (gốc Thổ Nhĩ Kỳ) hay Jerome Boateng (gốc Ghana) mà đầu tàu là Klose. Miroslav Klose đại diện cho giấc mơ đưa tuyển Đức đến ngôi vương của những người dân nhập cư. Bên cạnh đó, tiền đạo gốc Ba Lan đã đập tan đi định kiến bằng tài năng để ghi tên mình vào lịch sử. Giải đấu năm đó, tiền đạo này ghi 2 bàn khi đã ở tuổi 35, đánh bại Ronaldo béo để trở thành chân sút có nhiều bàn thắng nhất trong lịch sử các vòng chung kết World Cup.
Thành tựu này còn ý nghĩa hơn khi anh ghi bàn cuối cùng cho tuyển Đức trong chiến thắng hủy diệt 7-1 trước Brazil ngay trên thánh địa của họ. Xuất phát từ đường chọc khe tinh tế vào vòng cấm của Kroos, Mueller nhận bóng, trả ngược cho Klose. Anh dứt điểm lần một không thành, nhưng cú sút sau đó đã khiến thủ môn Julio Cesar bất lực. Đường bóng đi thẳng và sệt, cú dứt điểm đơn giản với lực vừa đủ, giống hệt phong cách của Klose, một tiền đạo chỉ cần biết ghi bàn, và ghi bàn đơn giản nhất có thể. Điều khác là lúc này, anh không còn đủ sức để tái hiện màn ăn mừng lộn nhào quen thuộc. 

Sự nghịch lý và nhân cách đẹp mang tên Miroslav Klose

Tuy nhiên, trước và sau khi đã đạt được thành công cùng Die Mannschaft. Klose đã từng rơi vào hoàn cảnh ngồi chơi xơi nước tại Bayern Munich, và chính điều này đã mang đến một sự nghịch lý lớn. khi HLV Louis van Gaal lên nắm quyền. Chiến lược gia người Hà Lan không còn ưu tiên Klose và đày ải anh lên ghế dự bị. Đó vô tình trở thành lý do giúp chân sút này đạt phong độ cao mỗi đợt triệu tập lên tuyển quốc gia. Và cần phải nhấn mạnh rằng, Hùm Xám không phải là đỉnh cao trong sự nghiệp cấp CLB của anh. 
Khi tại Bayern, anh chơi 98 trận ở giải quốc nội, nhưng chỉ có 24 pha lập công. Đỉnh cao sự nghiệp ở Bundesliga của Klose lại là trong màu áo Werder Bremen. 3 năm khoác lên mình chiếc áo màu xanh truyền thống của CLB, Klose chơi 89 trận tại Bundesliga, ghi 53 bàn trước khi chuyển đến Allianz Arena. Tiền đạo gốc Ba Lan còn chia sẻ: "Đó là cảm giác kỳ lạ. Bạn không thể đóng góp vào thành công của CLB. Song, tôi biết các trận đấu quốc tế sẽ trở lại. Đó là lối thoát của tôi. Tôi có thể giải phóng áp lực của mình, thứ đã dồn nén trong khoảng thời gian ngồi ghế dự bị ở Bayern. Tôi như con thú xổ lồng mỗi khi khoác áo tuyển. Tuyển Đức mới là CLB thực sự của tôi".
Trong môn thể thao mà người ta sẵn sàng dùng mọi tiểu xảo để giành chiến thắng, thì Klose lại là kẻ loạc loài khi có tới hai lần khiếu nại trọng tài để đòi quyền lợi cho đối thủ. Năm 2005, cựu tiền đạo Lazio bị đốn ngã trong vùng cấm và trọng tài cho Bremen hưởng phạt đền. Klose khiếu nại và khẳng định đây là pha va chạm hợp lệ.
7 năm sau đó, trong trận đấu giữa Lazio và Napoli, cầu thủ này dùng tay đưa bóng vào lưới. Sau khi ăn mừng, anh thừa nhận hành vi của mình với trọng tài. Lazio bị tước bàn thắng, nhưng thay vì rút thẻ vàng, vị vua áo đen chìa tay ra bắt Klose. Huyền thoại tuyển Đức cũng đã nhận giải fair-play cùng năm đó. Nhân cách của Klose vượt lên trên cả con số 64 bàn thắng cho đội bóng thủ đô, khiến đội chủ sân Olimpico tri ân anh như một huyền thoại. Các cổ động viên Lazio có bài hát riêng về Klose, rằng anh sẽ luôn ghi bàn trong mọi trận đấu, và gọi tiền đạo này là Miro của chúng tôi. Đồng đội của anh mặc áo đấu in tên Klose trên ngực trong trận cuối cùng. 
Miroslav Klose không chỉ là một tài năng nở muộn, anh còn là một con người với nhân cách tuyệt vời, vượt lên trên mọi định nghĩa trong môn thể thao vua. Klose không thể tạo ra những pha đi bóng ma thuật như Messi, chẳng bật cao và có thể hình đẹp như Cristiano Ronaldo. Anh chỉ có thể ghi những bàn thắng đơn giản trong vòng cấm, và sẵn sàng fair-play với đối thủ. Một con người hết sức giản dị ấy, lại đang nắm giữ một kỉ lục lớn tại World Cup.