Phật giáo là tôn giáo có ảnh hưởng lớn nhất tại Việt Nam, là một tôn giáo có tính triết lý rất sâu sắc, rất "gần" với khoa học tự nhiên. Theo thống kê dân số năm 2009 thì có từ 80% đến 90% người dân Việt Nam mang thiên hướng Phật giáo. Do đó việc nghiên cứu và ứng dụng các triết lý trong Phật giáo để áp dụng vào đời sống xã hội tại Việt Nam là hết sức cần thiết. Điều này được thể hiện rõ nét nhất trong các bài giảng của các sư tại khắp các chùa, thiền viện trên cả nước.
Tính Không là một khái niệm trung tâm của đạo Phật và cũng là khái niệm quan trọng nhất. Trong các loạt bài này, mình mong muốn có thể mang đến cho các bạn một nhận thức sơ bộ về tính Không dưới góc nhìn triết học Phật giáo.
I. Khái niệm Không và thuyết tính Không:
Trước hết, phải nói rằng thuyết tính Không trong triết học Phật giáo liên quan mật thiết với khái niệm Không. Hơn nữa, trong nhận thức thông thường, Phật giáo luôn được nhìn từ góc độ một tôn giáo. Nhiều người đồng nhất thuyết tính Không với khái niệm Không đơn giản. Theo đó, không được hiểu như một phủ định từ - đối lập với có. Thông thường, khi thấy sự vật hiện hữu thì ta gọi là có, nhưng khi nó biến mất ta lại cho nó là không. Vì thế, Không thường bị hiểu là triệt tiêu, hư vô. Từ đó, người ta phê phán giáo lý đạo Phật là bi quan, yếm thế. Song, trong Phật giáo, không được hiểu không phải như vậy. Có và không là hai mặt của sự vật từ lúc sinh ra cho đến khi chấm dứt, cũng tức là mọi hiện hữu vừa là nó vừa không phải là nó. 
Cái Không này được hiểu là không có thực thể cố định (chứ không phải là hư vô, không có gì hết, không hiện hữu). Theo đức Phật, sự tồn tại của các sự vật, hiện tượng trên thế gian thật mong manh, ngắn ngủi, vô thường chẳng khác nào những bọt nước trôi trên dòng sông Hằng. Đám bọt nước ấy là rỗng không và nếu như sự hình thành và tồn tại của những bọt nước trôi trên sông là ảo ảnh, chỉ trong phút giây, có rồi không, sinh rồi lại diệt, vô thường mau chóng thì chúng ta phải chấp nhận một sự thật hiển nhiên rằng, các sự vật hiện tượng trên thế gian này vốn từ cái không mà sinh ra thành có, rồi lại từ cái có mà thay đổi, biến hoại và trở về không. Từ đó, đức Phật cho rằng, vạn vật không có tướng trạng cố định, thế giới là rỗng không như bọt nước.
Mưa sinh ra ở trời, chết đi ở đất, khoảng giữa chính là nhân sinh.

Hình trên mạng nhưng chắc là Vương Lâm
Các fan của Tiên Nghịch hẳn nhớ rõ Vương Lâm và câu nghe đầy tính triết lý (ngoài ra nó còn thực sự rất ngầu) này. Tuy nhiên Nhĩ Căn không để Sinh - Tử trở thành ý cảnh cuối cùng của Vương Lâm cũng là có lý do của nó.

Khi nhìn từ bề mặt thì sự xuất hiện của một sự vật nào đó là sinh, sự tan rã của sự vật là diệt. Đức Phật cho rằng, bởi ta cắt xén thời gian, dựa vào khúc đoạn hữu hạn của thời gian mà xét, nên mới có sự sinh và diệt. Nếu tách khái niệm thời gian, không gian khỏi sự vật hay nới rộng thời gian vô cùng, vô tận thì khái niệm sinh và diệt này không còn nữa. Nếu đứng từ góc độ thời gian vô cùng tận đó để xem xét sự vật, hiện tượng, thì sự xuất hiện của sự vật, hiện tượng không phải là sinh, sự biến mất của chúng cũng không phải là diệt. Việc đến hay đi trên đời này đều do duyên, mọi sự chỉ là giả hợp mà có. Đức Phật gọi hình tướng của sự vật, hiện tượng trong quá trình sinh diệt, diệt sinh không ngừng này là Không hay không tướng (con người và vạn vật đều là không, chẳng có tướng trạng bền vững).
Phật giáo dùng cặp phạm trù "sắc - không" vừa để chỉ sự hiện hữu của các sự vật hiện tượng (sắc), lại vừa để khẳng định tính vô ngã của chúng (không). Tương quan giữa sắc và không là "tương y tương thành", tức là dựa vào nhau mà cùng tác thành cho nhau. Điều này khó có thể biểu đạt được bằng ngôn ngữ và nhận thức thông thường. Vì thế, Phật giáo dùng một loạt từ phủ định để nói rõ tính Không của nó, tiến hành phá trừ một cách sâu sắc, tuyệt đối pháp vô ngã. 
Ở đây có thể lấy ví dụ nước và sóng để miểu tả rõ hơn đoạn này.  Sóng không khác với nước, nước không khác với sóng; nước là sóng và sóng cũng là nước, nhưng nước là bản thể, luôn luôn ở đó, không sinh, không diệt (nghĩa là bản thể nó thường hằng), không nhơ không sạch (tác dụng của nó vô phân biệt), không tăng, không giảm (nghĩa là nó thường tự viên mãn), còn sóng là hiện tượng, chỉ là biểu hiện nhất thời của nước, có con sóng mới sinh ra, có con sóng đang lụi tàn, có sóng đục, sóng trong. 
Qua đó có thể thấy, Không là bản thể chân thật của vạn vật và vạn vật chỉ là biểu hiện thoáng qua của Không. Mọi vật chẳng khác với Không, Không chẳng khác với bất kỳ vật gì; mọi vật là Không. 
 Năng lượng (hoặc đại lượng tương đương của nó là khối lượng tương đối tính) không thể tự nhiên sinh ra hoặc mất đi.
Trong toàn vũ trụ, tổng năng lượng không đổi, nó chỉ có thể chuyển từ hệ này sang hệ khác. Người ta không thể "tạo ra" năng lượng, người ta chỉ "chuyển dạng" năng lượng mà thôi.
Như vậy, Phật giáo chủ trương rằng, vạn vật tuy có hình tướng, nhưng đó chỉ là giả tướng, giả hợp; thực tính của mọi hiện hữu là Không; vạn vật vô tự tính, thực tại không có bản chất thường hằng, không có một hình tướng cố định, chứ không phải là không hiện hữu....( còn tiếp).
Phần II tại đây.