Toxic love - Tình yêu độc hại phiên bản Tiktok 2023.
Một bài viết về tình yêu độc hại thời hiện đại
Vào thời gian tôi viết bài viết này, tình yêu độc hại đã phát triển tinh vi hơn những cái chúng ta vẫn thường nghĩ so với một tình yêu độc hại của những năm trước. Sự khác biệt là ở chỗ nếu như trước đây tình yêu độc hại biểu hiện rất rõ ràng như một mối quan hệ một chiều, một sự bạo lực thể xác hoặc tinh thần, một sự thao túng tâm lý, một sự kiểm soát thái quá, một sự vô tâm thờ ơ có cũng như không,… thì hiện nay tình yêu độc hại mang một vẻ ngoài bảnh bao hơn và ngọt ngào hơn. Nó có thể ngược lại hoàn toàn so với định kiến của chúng ta về một tình yêu độc hại, đó có thể lại xảy ra trong chính những cặp đôi nổi tiếng mà các bạn thần tượng trên mạng xã hội Tiktok, Instagram, Facebook, Youtube,…
Sẽ khá là khó tin nếu tôi nói với bạn rằng, chính những người hay nói về một mối quan hệ độc hại trên mạng mới là những người tạo ra sự độc hại trong tình yêu của thời đại này. Những người trông rất hạnh phúc trên mạng mới chính là người đem lại sự toxic cho tình yêu của bạn.
Sự tinh vi của toxic love thời hiện đại
Tôi lấy một ví dụ kinh điển vào tròn 10 năm trước như thế này. Vào năm 2013, khi Yanbi đang là một cái tên nam rapper vẫn còn rất hot với siêu phẩm Thu cuối vào mùa thu năm 2012, thì bỗng nhiên xảy ra một cái phốt lớn: anh ta đánh người yêu nổi tiếng ( Andrea) của mình ngay trên phố đi bộ. Vào 10 năm trước thì chúng ta biết ngay như thế là một mối quan hệ độc hại. Chấm hết không có nhưng. Đánh người khác đã là độc hại rồi chứ chưa nói là đánh phụ nữ hoặc là đánh người yêu của mình. Đây lại còn đánh ngang nhiên giữa phố. Đây quả thật đích thực là một mối quan hệ độc hại không cần bàn cãi. Ở thời điểm ấy tình yêu độc hại được nhận biết một cách dễ dàng và rõ ràng.
Vào 10 năm sau thì chúng ta ít thấy cái cảnh giã nhau ngang nhiên giữa thanh thiên bạch nhật của người nổi tiếng như vậy nữa. Một phần bởi vì bây giờ phương tiện truyền thông phát triển, ai cũng có smart phone, con người ta dễ lan truyền tin tức hơn và sự nghiệp của người nổi tiếng vì vậy có thể bay màu trong phút chốc. Mỗi một nghệ sĩ lớn đều có ekip truyền thông chuyên nghiệp đằng sau xây dựng hình tượng, họ và ekip phải đổ một đống tiền và một đống thời gian để xây dựng hình tượng, chẳng thằng ất ơ nào lại ném tiền qua cửa sổ bằng cách đi đánh đập phụ nữ công khai như 10 năm trước cả. Vì tất cả sự nghiệp có thể tan thành mây khói hết. Tôi gọi cách truyền thông tin và xây dựng hình tượng hoàn hảo như thế là một kiểu cưỡng bức thông tin.
Chính những cái truyền thông cưỡng bức thông tin, xây dựng hình tượng hoàn hảo như vậy khiến cho đại chúng có một cái nhìn vô cùng sai lệch về tình yêu đích thực. Sau đó mọi chuyện vỡ lở ra chúng ta mới thấy tất cả chỉ là một vở kịch kì tài mà người nổi tiếng gây dựng lên vì mục đích tài chính, nổi tiếng.
Điển hình như vụ scandal lộ tin nhắn gạ gẫm gái trẻ của Anh Tú trong khi vừa lấy vợ không lâu với Diệu Nhi tháng 8/2023. Khi mà đám cưới của Diệu Nhi rất phông bạt với nhiều khách mời nổi tiếng, khóc lóc có, chúc phúc có, tốn kém có, sáng tác cả một MV có luôn. Nhưng vụ lộ thông tin ra như vậy khiến cho ta đặt một câu hỏi lớn, đám cưới này liệu có chăng cũng chỉ là một sản phẩm truyền thông với mục đích không phải là tình yêu. Và người bị lừa lớn nhất không phải là Diệu Nhi mà chính là chúng ta những độc giả cả tin, tin vào một thứ tình yêu xa xỉ màu nhiệm mà báo chí và mạng xã hội tô đắp lên mỗi ngày.
Khoan nói về tính chính xác của scandal trên, thì chúng ta phải thừa nhận một sự thật rằng luôn có hai mặt của cuộc sống. Kẻ lắm tài thì thường nhiều tật. Kẻ đào hoa thì thường nhiều ong bướm. Bad thì không good mà good thì không fun. Kẻ trông an toàn thì thường nhạt nhẽo... Nhưng mạng xã hội lại đang cố gắng tạo ra những hình mẫu một con người với hai thứ tốt xấu tách biệt nhau ra. Họ tạo ra những red flag, green flag những định danh như good boy, bad boy, fuck boy, trap boy, trap girl, good girl, food girl,... Sau đó họ chụp mũ lên chính chúng ta và giao tiếp với chúng ta dưới góc nhìn đó. Con người phức tạp hơn chúng ta tưởng. Không có ai tốt 100% và không có ai xấu 100%. Luôn có hạt giống tốt và xấu ở trong cùng một con người. Vậy nhưng mạng xã hội hiện tại đang cố gắng tách biệt điều đó ra và cố gắng tạo lên một hình mẫu lý tưởng không có thật của người bạn muốn yêu. Để rồi bơm thổi tô vẽ nó hằng ngày hằng giờ.
Cái ảo tưởng của chúng ta về một hình mẫu không có thật ngày càng lớn. Khi nó đủ lớn thì nó ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống thật của ta. Với những kẻ chưa có người yêu, ảo tưởng này ngăn trở họ tìm được tình yêu vì mẫu người kia không có thật. Ta không bao giờ có thể tìm được người không có thật. Với những kẻ đã có người yêu, ảo tưởng này làm tình yêu của họ trở lên trục trặc bởi vì ta có xu hướng uốn nắn người ta yêu thành một kẻ không có thật. Hoặc là cố gắng tìm kiếm ảo tưởng này ở những người khác trong khi đang có người yêu ( ngoại tình).
Từ đó, một toxic love hiện đại đã thành hình một cách tinh vi và bạn chẳng hề nhận ra.
Toxic love hiện đại là hệ quả của sự phát triển quá nhanh quá mạnh của mạng xã hội. Sự nhiễu loạn thông tin, sự thao túng, cưỡng bức thông tin của một bộ phận những người tự xưng là Content Creator, của những tập đoàn truyền thông lớn. Trong đó có sự ảnh hưởng của cả chủ nghĩa tiêu dùng và chủ nghĩa hoàn hảo.
Ở trong chủ nghĩa tiêu dùng, người ta mặc kệ bạn có nhu cầu là gì, người ta sẽ tạo ra nhu cầu cho bạn. Bằng chứng là nhìn lại giỏ hàng Shopee của bạn đi, có rất nhiều thứ bạn chưa từng nghĩ là mk cần cho đến khi thấy nó. Họ sẽ banh não bạn ra và nhét vào một tỷ thứ nội dung họ cho là bạn cần, chứ không phải thứ bạn thực sự cần. Bạn sẽ có ảo tưởng rằng cứ mua hết những thứ này là bạn sẽ có hạnh phúc. Nhưng không bao giờ là đủ. Những nhà kinh tế học luôn biết cách làm mới sản phẩm bằng một cái tên hoặc một cái kiểu dáng mỹ miều. Bạn có đang nghĩ về con Iphone 15 khi nó vừa ra mắt trong khi bạn đang dùng con Iphone 13 vẫn còn dùng rất mượt mà.
Họ gắn cho Iphone 15 những cái tình năng thừa thãi ngoài nhu cầu của bạn nhưng lại muốn bán nó bằng cách tạo ra nhu cầu. Có những trend oái oăm như là chứng minh tình yêu bằng cách tặng Iphone 15. Ủa vậy không tặng Iphone 15 là không có tình yêu hay sao.
Bạn sẽ chẳng bao giờ có được hạnh phúc nếu cứ chạy theo thị hiếu. Vì thị hiếu luôn thay đổi. Lòng tham của bạn cũng sẽ lớn dần lên theo thời gian đến mức bạn nhìn lại chẳng biết bản thân mình thực sự muốn gì cần gì. Cứ nghĩ nếu một ngày căn nhà bạn bị cháy hết, mọi thứ tài sản của bạn bị tiêu hủy hết thì bạn còn lại gì. Chỉ còn lại mình ta với một sự cô đơn không có hạnh phúc. Vì hạnh phúc của bạn đang bị gán cho cái máy Macbook, cái Iphone 15, cái bàn decor Ikea tối giản, cái tủ lạnh Samsung 2 cánh, cái máy giặt Panasonic tự động êm ru, cái máy lọc không khí Xiaomi, con rô bốt quét nhà, … rất nhiều thứ vật chất quay quanh bạn. Và bạn lại đang ngụy biện rằng là vật chất quyết định ý thức. Không phải vật chất quyết định ý thức mà là mạng xã hội quyết định ý thức của bạn, để bạn mua những vật chất đó. Bạn là thóc mà cứ nghĩ mình là gà. Chỉ khi cháy nhà thì bạn mới biết điều gì mới thực sự quan trọng với bạn, điều gì là phù phiếm không quan trọng. Trong tình yêu cũng vậy thôi, những thứ xuất hiện trên mạng chỉ là những thứ thị hiếu dán mác tình yêu họ muốn thể hiện cho bạn xem. Những thứ đó vào lúc cần thiết nhất thì lại chẳng quan trọng chút nào. Không có nó bạn vẫn yêu bình thường.
Vậy điều gì là quan trọng trong tình yêu?
Tôi nghĩ là sự biết đủ. Cái gì quá cũng không tốt. Hãy biết đủ nếu không bạn sẽ bị bội thực. Đừng ăn quá no, đừng yêu ai quá nhiều, đừng đòi hỏi ở người yêu bạn quá mức,… biết đủ bạn sẽ hạnh phúc. Đừng tìm kiếm sự hoàn hảo họ rêu rao trên Tiktok.
Tình yêu được cấu thành bởi những thứ không phải là tình yêu – love được cấu thành bởi non love. Non-love ở đây là tình bạn, là sự tin tưởng, sự trung thành, sự bảo vệ, sự tôn trọng, sự thần tượng, sự chu cấp, tình dục … rất nhiều yếu tố. Vấn đề là ở chỗ, không có ai hoàn hảo thoả mãn hết trọn vẹn tất cả những cái đó cả. Chúng ta chẳng thể đợi đến lúc chúng ta hoàn hảo rồi mới yêu. Vì nếu chúng ta hoàn hảo rồi thì chúng ta yêu làm gì nữa, phải không nào? Đừng bao giờ tìm kiếm sự hoàn hảo ở bản thân mình hoặc bản thân người khác, đó là một sự toxic. Hãy tìm hiểu con người của bạn, hãy tìm hiểu con người đối phương. Thế là có điều kiện cần rồi. Còn điều kiện đủ thì tôi cũng không biết, mà tôi đang đi tìm nó đây.
Công cuộc đi tìm tình yêu giống như công cuộc Columbus dong buồm đi tìm châu Mỹ. Không ai biết được châu Mỹ có tồn tại hay không. Nhưng ông ấy có niềm tin mãnh liệt vào một thứ gì đó mới. Ông có niềm tin vào một cuộc hành trình, ông không lường trước được hết những khó khăn mà ông sẽ gặp phải trong cuộc hành trình, và ông cũng chưa biết châu Mỹ hình dáng nó ra sao. Cái ông có duy nhất là sự tò mò và một niềm tin. Chính sự tò mò khám phá mới tạo ra tình yêu. Chính niềm tin khiến ông vượt qua khó khăn gian khổ. Chứ ông chẳng có mạng xã hội để bảo ông ta châu Mỹ là ở đâu, hình dáng như thế nào cả.
Chúng ta là những người đi tìm kiếm tình yêu, có một số người thì công nhận điều này, một số người cố phủ nhận điều này. Ngặt nghẽo thay những người cố phủ nhận việc mình đang đi tìm tình yêu lại là những người say đắm bi lụy trong tình yêu nhất. Họ là những kẻ thèm khát tình yêu hơn bất cứ ai. Mà kẻ không nhìn vào sự thực thì sẽ không bao giờ tìm được true love. Hãy dũng cảm lên, quẳng hết mọi lo âu và những định kiến để tìm kiếm tình yêu đích thực của đời mình.
Bài viết này chỉ muốn nhấn mạnh rằng, chúng ta đang xem những nội dung ở trên mạng và bị ngộ nhận rằng đó là tình yêu. Thực chất đó là concept tình yêu người ta tạo ra trong não bạn. Họ tạo cho ta một niềm tin rằng ta cứ làm theo những điều đó và ta sẽ có được tình yêu. Thực tế không phải, tất cả chỉ là ảo ảnh. Và mỗi một mốc thời gian khác nhau thì ảo ảnh đó lại thay đổi theo thị hiếu. Nếu cứ yêu theo thị hiếu thì bạn chưa thực sự yêu. Rốt cuộc sẽ chỉ nhận lại được nỗi bất an.
Lời kết:
Họ hay nói ở đâu cũng có người this người that. Kể cả chỉ có 2 loại người là người this và người that thì, tình yêu cũng đã có hẳn 4 kiểu yêu: this this, this that, that this và that that. Vậy nên với dân số 7 tỷ người thì tình yêu trong xã hội đa dạng đến mức không thể tưởng tượng nổi. Chúng ta đừng nên đóng khung nó với những thứ định kiến mà Tiktok hay Facebook tạo ra. Đừng suy nghĩ kiểu như là quy tắc 3 tháng ( không nhận lời yêu dưới 3 tháng) hay quy tắc 4 tế ( kinh tế - tử tế - tinh tế - thực tế) vì nó thực sự rất toxic. Hãy yêu cả những gì không hoàn hảo. Cảm ơn vì đã chú ý đến bài viết.
Tham khảo:
01/10/2023
An Phạm
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất