Lòng tin vào sự tử tế - 14 ngày viết Nhật ký tử tế
Trong suốt cuộc hành trình của mình, tôi luôn hướng về sự tử tế. Nó tạo nên con người tôi, là cũng là tất cả những gì lấp lánh nhất mà tôi có.
Trước khi đi vào bài viết này, tôi muốn mình dành ra 1 phút thật sự lặng im để bày tỏ lòng biết ơn với những người đang nỗ lực và phải chịu đựng trong cuộc chiến này. Họ là đội ngũ tuyến đầu, nhân viên hậu phương, các phóng viên tác nghiệp ở mọi mặt trận, những nhà hảo tâm, các tình nguyện viên, hay những người vì lẽ nào đó đã phải nằm lại mãi mãi không thể trở về để hoàn thành những lời hứa, ước mơ,...
Tôi hoàn toàn không có ý định xoáy sâu hơn vào những mất mát, vì rõ ràng là nó đã len vào từng nhà, chui vào từng ngõ hẻm, bắt đi rất nhiều người tử tế và những người yếu thế trong xã hội. Chúng ta đang sống trong những giây phút quý giá, nơi mà chỉ có thương nhau, bao dung nhau, tin tưởng nhau và đoàn kết cùng nhau thì mới có thể chiến thắng.
'Văn hóa duy tình' chính là trân bảo của các quốc gia phương Đông, trong đó có Việt Nam. Chúng ta sống nặng về tình cảm hơn là lý trí. Thay vì những gì mà chúng ta được học nơi giảng đường rằng người Việt Nam “Chín bỏ làm mười”, “Ăn ở như bát nước đầy”, “Đóng cửa bảo nhau” hay “Đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại”, thì nay những điều đó đã tỏa sáng rực rỡ qua thực tế cuộc chiến chống đại dịch trong gần 2 năm qua và trong rất nhiều những lần anh em hai miền cùng nhau vượt qua thiên tai bão lũ. Đây là những gì chúng ta được thấy, được nghe, và được trở thành một phần của những lần chở yêu thương đi san sẻ cho người xung quanh mình. Nên tôi nghĩ mình không cần chứng minh người dân mình đã yêu thương và tử tế với nhau thế nào.
Cái mà tôi quan tâm và cố gắng duy trì trong rất nhiều năm qua chính là giữ lòng tin của mình (vẹn nguyên) vào những điều tử tế, dù cho có chuyện gì xảy ra. Thời gian này, tôi đã tìm hiểu về thuyết nhị nguyên (hay nhị nguyên luận) và khi soi xét lại rất nhiều những vấn đề mà tôi đã gặp, tôi ngầm tán thành với định nghĩa của học thuyết này rằng: luôn có sự tồn tại độc lập của hai thực thể. Nói nôm na là mỗi sự việc luôn có hai đối cực, chúng tồn tại song song, tạo thành hai nguồn gốc của thế giới.
Trước đây tôi luôn cố gắng chứng minh rằng suy nghĩ của mình là đúng, suy nghĩ của người khác là sai, luôn cố gắng truy cùng đuổi tận rất nhiều vấn đề và chỉ chấp nhận duy nhất một góc nhìn chủ quan của bản thân. Ngày qua ngày, khi đi qua những ngày đầy ánh sáng lẫn tăm tối nhất cuộc đời mình, tôi cảm thấy cuộc sống to lớn vô cùng, và có rất nhiều chuyện không thể cứ nói đúng là đúng - sai là sai được. Chúng ta không thể lý giải hoàn toàn vấn đề của người khác nếu chúng ta không phải là họ.
Và cũng nguyên tắc đó, đôi khi ta cũng ngờ vực bản thân mình về chính những gì chúng ta đang làm là đúng hay sai - tốt hay xấu? Vậy còn cái ở giữa hai thái cực đó thì thế nào? - Và tới đây thì tôi có thể vào đề được rồi. Bởi ''cái ở giữa'' mà tôi vừa nói chính là quá trình con người đi từ tìm hiểu bề ngoài đến bên trong của một sự việc. Đó là bản chất thực sự của quá trình tiếp diễn một vấn đề, và chỉ khi đi hết hành trình đó, mỗi người sẽ nuôi dưỡng và định nghĩa cho mình đức tin và lòng tin của riêng mình.
Bài viết này tôi không đi sâu vào đức tin, nếu mọi người có mong muốn tìm hiểu thì có thể xem phim Itaewon class (nó không thể hiện rõ nhưng phần nào có thể giúp mọi người có một cái nhìn thú vị về định nghĩa của khái niệm này).
Vậy, muốn bảo toàn lòng tin của mình, tôi đã làm gì?
- Tôi nghĩ đó là nhờ vào những ngày tháng đi ở khoảng giữa của mọi vấn đề. Việc trải qua một quá khứ không trọn vẹn khiến tôi trở thành một đứa trẻ nhạy cảm hơn cả. Sau này, khi một mình chiến đấu với trầm cảm, tôi nhận ra lòng tin vào bản thân và lòng tin vào 'hy vọng sau đống tro tàn' có hấp lực to lớn thế nào trong cuộc đời mình.
Chính những ngày tháng đi giữa lòng tin và ngờ vực, đi giữa hy vọng và những nỗi đau, đi giữa cảm giác chạm tay vào ánh sáng và mong muốn chìm vào bóng tối ấy đã giúp tôi hình thành hai tiếng nói bên trong mình. Một mặt, nó giúp tôi trở nên lý tính với tất cả những gì cần giải pháp. Một mặt, tiếng nói cảm tính ấy làm tôi không đánh mất phần ''người'' bên trong mình. Điều này sẽ là một trải nghiệm mang tính chất luận giải mọi sự việc ở nhiều góc độ, thấu hiểu, và trở nên bao dung hơn.
Nên nếu muốn bảo toàn lòng tin của mình, không có cách nào tốt hơn việc tự làm giàu trải nghiệm của bản thân, và lấp đầy lòng tin của bản thân bằng những gì ta chiêm nghiem được. Nếu không tự mình trải qua nhiều thử thách, bạn sẽ không thể biết bên ngoài cánh cửa kia là gì, không thể đọc hiểu những tiếng kêu cứu, và cũng không biết giới hạn sức mạnh nội tại của mình ở đâu. Nếu không mất đi, bạn cũng không biết cách trân trọng. Nếu không bao dung và thấu hiểu, bạn cũng sẽ không thể đón nhận những điều tương tự như thế từ người khác. Như tiểu thuyết gia Anaias Nin đã đã nói:
''Tôi trì hoãn cái chết bằng cách sống, bằng khổ đau, bằng sai lầm, bằng mạo hiểm, bằng cho đi, bằng mất mát.''
Chính vì những cung bậc này, bà đã đi sâu vào thế giới quan các nhân vật của mình, để thấu hiểu, và để ghi chép lại tất cả mọi thứ. Gia tài của bà để lại rất nhiều tác phẩm nổi tiếng, và bà trở thành một trong những nhà văn nữ quan trọng nhất của thế kỷ 20.
Còn sự tử tế, nó liên quan gì đến lòng tin?
Cũng lấy ví dụ từ câu chuyện của mình, tôi nhớ lúc nhỏ đã từng có mong ước thay đổi thế giới này trở nên tốt đẹp hơn (nghe hơi xuẩn ngốc, nhưng có lẽ đứa trẻ nào xem siêu nhân nhiều quá cũng đều nuôi dưỡng trong mình niềm tin vào công lý và sức mạnh của những người tốt có thể xua đi bóng tối). Nhưng sau này, tôi phát hiện ra mình quá bé nhỏ, muốn thay đổi suy nghĩ của mẹ tôi thôi mà tôi cũng đã mất hàng mấy năm để lay chuyển; tuổi thơ tôi cũng bị cuộc đời dập vùi tả tơi mấy trận thì nói gì đến thay đổi thế giới.
Lúc buông xuống những suy nghĩ phi thực tế đó, tôi cho rằng thứ mình có thể làm duy nhất chính là thay đổi bản thân mình trở nên tốt đẹp hơn, sống tử tế hơn, rồi sau đó mới cố gắng lan tỏa nó đến những người xung quanh mình. Sau khi ba tôi mất, mỗi lần làm gì, tôi cũng nhớ câu nói của ông: làm cho đàng hoàng, con. Tôi học được sự tử tế ấy từ ba mẹ mình. Trong tất cả mọi việc, dù cho nó quá sức với khả năng của mình, tôi vẫn tin sự tử tế có thể tạo ra kỳ tích, chỉ cần tôi kiên trì, tôi nhất định sẽ làm được những việc có giá trị. Trong suốt cuộc hành trình của mình, tôi luôn hướng về sự tử tế. Nó tạo nên con người tôi, là cũng là tất cả những gì lấp lánh nhất mà tôi có.
Thực hành tử tế không cần phải làm chuyện gì to lớn, chỉ cần bạn tin vào những gì mình đang làm là đúng, là có ý nghĩa, không tổn hại đến ai, hãy làm nó với cả trái tim mình. Lòng tin về sự tử tế là thứ rất dễ lây lan, và nó có thể tạo ra tác động tích cực đến xã hội, đặc biệt trong những ngày nhiều nỗi buồn và nhiều ngờ vực thế này. Đó cũng là lí do vì sao tôi quyết định học tiếp 6 năm nữa, trở thành thạc sĩ để đi dạy 1 lớp trong 1 học kỳ.
Dạy học không phải là giấc mơ sự nghiệp của tôi, mà là một nguyện vọng, một ước mơ mình bỏ ngỏ riêng cho ảo mộng lý tưởng riêng mình: đào tạo những thế hệ sinh viên tử tế, hiểu chính mình để nhận ra giá trị của bản thân, được tôn trọng sự khác biệt, có những ký ức đáng giá và những cảm xúc thật đẹp khi ngồi trong lớp học của tôi - thứ mà ngày xưa tôi từng phải đấu tranh đến nặng người để bảo vệ những điều đáng ra phải tồn tại. (Tôi cũng có viết 1 bài chủ đề: 'Điều quan trọng nhất là bạn cần hiểu tận cùng ý nghĩa những việc mình đang làm' xuất bản trên Spiderum).
Xây đường, xây cầu sao mà dễ; xây tường thành, xây kỳ quan sao mà dễ, nhưng xây lòng tin không dễ chút nào. Nhất là khi xã hội đang bước qua một chương mới của sự sống, nơi mà lòng tin và tình thương có thể trở thành dưỡng khí để trục vớt tất cả mọi người đi qua những khoảng tăm tối, lòng tin lại càng được yêu cầu khắt khe hơn cả. Nhưng không vì những bất công, lừa dối, tiêu cực mà chúng ta ngăn trái tim mình lại. Biểu hiện của việc nghi ngờ càng nói rõ sự bất an và yếu đuối của ta với mọi việc mà thôi. Và nếu đã chọn một trái tim và tinh thần mạnh mẽ, hãy chọn tin vào điều tử tế, và những người tốt xung quanh mình.
Cuộc sống vốn muôn hình vạn trạng, với một cộng đồng luôn tin vào những điều tốt đẹp, hành động tử tế và tạo ra những tác động xã hội tích cực. Đi giữa lằn ranh của cái tốt - xấu, lòng tin - nghi ngại, ta mới thấy rằng để bon bon trong khoảng giữa đó mới chính là sự tử tế đến tận cùng. Và chính những điều đó sẽ khiến chúng ta thêm tin tưởng vào những người tử tế bên cạnh mình, học cách nuôi dưỡng lòng tin và giữ vẹn nguyên lòng tin ấy dù cho có chuyện gì xảy ra.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất