Lời xin lỗi từ Will Smith và những gì mà văn hóa phương Tây cần học từ người Châu Á.
Mặc dù viết bài viết này bằng tiếng Việt thì có hơi lạ, nhưng từ vụ việc của Will Smith, mình nhận ra những thiếu xót về mặt “tinh tế” mà văn hóa phương Tây cần phải học hỏi từ Châu Á.
Hãy cùng xem lại hành động của Will Smith trong đêm giải Oscar. Các bạn nghĩ thế nào về hành động này? Anh ấy có hành xử sai hay không, và ý nghĩa gì từ bài post xin lỗi của anh ấy?

ĐẦU TIÊN LÀ ẢNH HƯỞNG HÌNH TƯỢNG.

Rất nhiều người bảo làm nghệ sĩ thì chỉ cần cống hiến giá trị nghệ thuật cho nước nhà, cho thế giới là đủ, còn cuộc sống riêng của họ là cá nhân, không một ai nên xen vào. Nhưng thật ra có đúng hay không khi hình tượng của một diễn viên, ca sĩ sẽ ảnh hưởng rất lớn tới bộ phận giới trẻ?
Và như thế nào nếu một người nghệ sĩ kiếm ra bạc tỉ nhưng những gì anh ấy/cô ấy làm hoàn toàn đi trái với đạo đức và có thể khiến cho những người trẻ hiểu sai và học theo? Cuộc sống riêng tư của họ, tôi đồng ý là thuộc quyền của họ, nhưng khi họ đã lựa chọn nghề nghiệp là một nghệ sĩ – tức là người sẽ xuất hiện trước công chúng, và là hình ảnh để đủ mọi loại tuổi đề cao và ngưỡng mộ. Thì việc để một người có đời sống bê bối, vi phạm đạo đức vẫn hoạt động nghệ thuật theo tôi là hình thức BẤT CHẤP ĐỂ KIẾM TIỀN thì đúng hơn là “tôn trọng đời sống cá nhân” của một người.
Hãy nhớ, tính chất nghề nghiệp đòi hỏi một đời tư sạch không phải chỉ riêng nghệ sĩ. Cảnh sát, quân nhân vân vân và mây mây đều là những công việc đòi hỏi phải có một lý lịch sạch sẽ, và nghệ sĩ thì cũng thế thôi.
Trong trường hợp này, việc xin lỗi là cách thức tốt nhất để Will Smith có thể giữ hình tượng của mình, cũng như để cho những người theo dõi anh ấy không học đòi “bạo lực” để “bảo vệ”. Vì chúng ta không thể biết được người học theo có đang hiểu sai ý, và lạm dụng “bạo lực” hay không.
“Bạo lực” trên sóng truyền hình là sai, và hành động của Will Smith là sai.
Nhưng, hành động sai của Will Smith có đáng để được tha thứ, và không cần tước giải Oscar của anh ấy không? Theo quan điểm của tôi là hoàn toàn ĐÁNG. Bởi vì hành động “bạo lực” dù sai, nhưng việc hành xử bộc lộ cảm xúc đó của anh ấy mới hoàn toàn đúng, mới thật sự “người”. Trước một câu đùa khiếm nhã như thế và sự xúc phạm nặng nề với người vợ có thể là luôn tự ti với căn bệnh của mình, thì hành động của anh ấy đáng được cảm thông.
Và trong câu chuyện này, việc đáng để lên án hơn là NHỮNG CÂU ĐÙA CỢT QUÁ ĐÀ.
Cái mình thích nhất ở văn hóa Châu Á chính là không đùa cỡn quá đà trên những bệnh tật, hay đặc điểm của người khác một cách công khai. Chúng ta đòi hỏi một sự lịch thiệp và tế nhị trên sóng truyền hình, cũng như rất cần phải phép tắc trong xã giao. Thứ mà tôi thấy cười độc thoại, và một số MC hơi đùa cợt quá đà trên sóng truyền hình ở Mỹ.
Họ đùa cợt trên những căn bệnh của đồng nghiệp, thậm chí là những khuyết điểm trên cơ thể họ.
Đem nỗi đau của người khác ra để tạo tiếng cười là một điều tàn nhẫn, và không thể chấp nhận được. Nhưng dường như việc này đã trở thành văn hóa của họ một cách tự nhiên.
Nếu các bạn thường xem hài độc thoại của Mỹ sẽ thấy rất nhiều danh hài đem những căn bệnh của người khác ra cợt nhã, thậm chí là văng tục trên cả sóng truyền hình. Với họ là một hình thức bình thường, nhưng đôi khi sự quá đà đó sẽ khiến cho người nghe khó chịu, và dẫn đến những trường hợp như Will Smith.
Một hành động lỗ mãng sẽ dẫn đến một hành động lỗ mãng khác.
Và một điều nữa khi mà tôi nhận ra khi tiếp xúc nhiều với văn hóa phương Tây là họ hay viện cớ cho những câu đùa khiếm nhã của mình bằng cách nói:
“It was just a joke, take it easy”
Nhưng mà nó có “easy” hay không khi xúc phạm cảm xúc của người khác, cũng như là nỗi tự ti của họ?
VÀ,
Đó cũng chỉ là câu chuyện của trước đây. Còn hiện nay, những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của Châu Á dường như cũng đang dần biến mất. Điển hình là rất nhiều show truyền hình Việt Nam ngày càng bất chấp lôi mối quan hệ cá nhân ra đùa cợt. Hình ảnh xấu xí đến mức mà có thể thấy những nghệ sĩ không hề vui khi bị đùa cợt về “ngoại hình”, cũng như những “chuyện tình cảm” của họ trên sóng truyền hình. Vậy mà MC vẫn cứ xem đó như một trò đùa, và khán giả thì thích thú cười cợt. Bên cạnh đó thì là những trò kệch cỡm bằng cách đem hình ảnh LGBT ra để kiếm tiếng cười.
Hàng loạt những bộ phim, tv show đem những bạn gay, và chuyển giới ra làm trò hài cho khán giả. Ít ít thì vui, nhưng nhiều thì phản cảm. Và tại sao cái hay cái tốt của nước ngoài thì không học ? Mà cái xấu, cái đáng để chê trách thì lại càng lúc càng nhiều? Liệu đồng tiền mà các nghệ sĩ, lẫn người dân bất chấp kiếm được có đi đôi với đạo đức hay không?
Vậy nên không phải cái gì “sính ngoại” cũng là tốt. Có những nét đẹp Á Châu chúng ta vẫn nên gìn giữ và phát triển để những gì xấu xí của xã hội được giảm thiểu, và thế hệ trẻ không bị “học đòi” một cách méo mó.
-LDN-
Đọc thêm: