Trong một bài viết trước đó – Lối sống Zero Waste cho người mới bắt đầu, tôi có chia sẻ trải nghiệm cá nhân của mình ở những ngày đầu chập chững đến với lối sống xanh, sống bền vững và thật bất ngờ là bài viết đã được khá nhiều bạn đọc đón nhận. Bây giờ, khi thực tập lối sống này một thời gian, tôi nhận ra, bản thân đổi thay ít nhiều. Có một số thói quen cũ đã không còn nữa, và vài ba thói quen mới đã được hình thành từ lúc nào không hay. Tôi nghĩ, phần lớn những thay đổi tích cực của bản thân có được là nhờ việc bắt đầu thực tập những điều nhỏ, đơn giản và luôn duy trì chúng đều đặn hằng ngày. 
Nếu bạn đang thấy thật khó để từ bỏ lối sống cũ và tập thích nghi với một lối sống bền vững hơn, thì đừng lo lắng quá nhiều mà thay vào đó, bạn hãy thử giống tôi, bắt đầu với những hành động cực kỳ đơn giản trước đã xem sao. Dưới đây tôi có chia sẻ một số bước đơn giản mà bạn có thể dễ dàng thực hiện để bắt đầu lối sống xanh của mình. 

Đọc thêm:

lối sống zero waste


Luôn mang theo bình đựng nước khi đi ra ngoài

Nếu bạn là người thường xuyên đi lang thang (ý tôi là đi du lịch), hay thích những hoạt động ngoài trời, thì hẳn bạn sẽ thấy nước lọc cực kỳ quan trọng. Vậy nên, từ nay, thay vì mua nước đóng chai ở siêu thị hay các cửa hàng tạp hoá, bạn hãy mang theo bình nước cá nhân của mình khi đi ra ngoài. Hầu hết các quán cafe, nhà hàng, sân bay hay hostel đều có cung cấp nước lọc miễn phí nên rất thuận tiện để bạn đổ đầy bình nước của mình khi bình đã cạn. 
Việc mang theo bình đựng nước mỗi khi đi ra ngoài đã trở thành một thói quen của tôi. Và thói quen này không chỉ giúp tôi tiến đến lối sống bền vững hơn mà còn giúp tôi tiết kiệm thêm được một khoản tiền từ việc mua nước đóng chai. Hiện tại, bình nước tôi đang mang theo bên mình mỗi khi ra ngoài là bình inox giữ nhiệt. Là một đứa thích trà hơn bất kỳ một loại đồ uống gì trên đời, tôi thường pha cho mình một bình trà nóng với bạc hà, hoa cúc hoặc cỏ ngọt rồi cho vào balo khi đi lang thang ngoài trời. Thi thoảng, nếu muốn giữ cơ thể mát mẻ, tôi bỏ vào bình một nhúm lá bạc hà, vài lát chanh và dưa leo, kèm thêm dăm viên đá, vậy là đã có ngay một bình nước mát lạnh cho những ngày hè nắng nóng. Chiếc bình đựng nước của tôi có khả năng giữ nhiệt khá tốt, nên sau tận 5,6 tiếng đồng hồ, nước vẫn rất nóng, còn đá lạnh thì vẫn chưa tan hoàn toàn.  (Việc đầu tư cho bản thân một chiếc bình đựng nước cá nhân cũng là một điều cần thiết. Nhớ hãy ưu tiên dùng bình inox hoặc bình thuỷ tinh, vì chúng an toàn cho sức khoẻ hơn. Bây giờ bình đựng nước được bán tràn lan trên thị trường, rất khó để có thể phân biệt được đâu là loại đảm bảo chất lượng và không chứa thành phần gây hại. Trước khi mua, bạn hãy nhớ cân nhắc và xem xét kỹ nguồn gốc xuất xứ của bình nước cũng như mức độ tin cậy của nơi bán nhé!

Đọc thêm:


Water bottle

Ưu tiên dùng đồ second-hand

Những món đồ tôi đang dùng, bộ quần áo tôi đang mặc, chúng hầu hết đều là đồ cũ tôi mua ở những địa điểm bán đồ secondhand. Nếu không thì cũng là đồ tôi được “thừa hưởng” từ người quen hay bạn bè khi họ không còn dùng đến. Một số món đồ mới thì là đồ được tặng, được người khác mua cho. Đã lâu lắm rồi tôi không còn hứng thú với việc mua đồ mới để dùng nữa. Khi cần mua một món đồ nào đó, tôi luôn ngắm nghía ở các cửa hàng second-hand trước đã. Việc ưu tiên mua/dùng đồ cũ vừa giúp tôi tiết kiệm tiền, lại vừa giúp món đồ kéo dài vòng đời của nó, đỡ được phần nào rác thải ra môi trường. Tôi nghĩ, đấy cũng là một việc khá đơn giản mà chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được để sống một cuộc sống có ý thức hơn. Bạn nghĩ sao?
Nếu như bạn là người có thói quen mua đồ mới tinh tươm vì lo lắng về chất lượng và độ an toàn của những món đồ cũ, đã được sử dụng bởi nhiều người khác nhau thì có lẽ bạn sẽ thấy đây là một việc không mấy dễ dàng. Thực ra, mọi thứ đều cần thời gian và bạn cũng cần thêm thời gian cho bản thân để thấy thoải mái với những thói quen mới. Hãy bắt đầu từ những điều nhẹ nhàng trước đã. Sách là một trong những thứ chúng ta hoàn toàn có thể mua cũ thay vì mua mới mà không phải lo lắng nhiều về chất lượng.  
Những tiệm sách cũ và những địa điểm bán, trao đổi đồ cũ tôi có biết là:
Thư viện và tiệm sách cũ:
HỘP – Thư viện và Hiệu sáchGác Xép BookstoreHiệu Sách Ngoại Văn BOA – BOA BookstoreThe Bookworm HanoiChloe’s Library Hanoi
Tiệm quần áo second-hand:
Amippp (HN – quần áo mũ secondhand)Nhặt lá, đá ống bơ (HN – quần áo, khăn, túi, ví cũ tự nhuộm)
Địa điểm bán, trao đổi đồ cũ:
LỐI SỐNG TỐI GIẢN – MINIMALISM LIFESTYLELối Sống Tối Giản – Vietminimalists GroupHội trao đổi đồ cũ Hà Nội – Minimalism lifestyle

Tiết kiệm năng lượng

Điện, nước là hai nguồn năng lượng chúng ta sử dụng mỗi ngày. Bạn hãy bắt đầu bằng việc sử dụng điện, nước một cách hợp lý. Dưới đây là một vài cách tiết kiệm năng lượng bạn có thể tham khảo:
Ưu tiên sử dụng những sản phẩm gia dụng tiết kiệm năng lượng. Chẳng hạn như, thay vì dùng bóng đèn tròn sợi đốt kiểu cũ, bạn hãy thử chuyển sang dùng loại đèn huỳnh quang gọn nhẹ (CFL) hoặc đèn phát quang diodes (LED). Hai loại bóng đèn này đều tiêu tốn rất ít năng lượng và rất bền. Dùng vừa đủ và không sử dụng khi không thấy thực sự cần thiết. Máy sấy tóc là một loại dụng cụ có công suất lớn và vì thế nên nó tiêu thụ rất nhiều điện năng. Bạn hãy cố gắng hạn chế sử dụng nó khi không cần thiết. Để tóc khô tự nhiên sẽ giúp tóc của bạn tránh được những hư tổn do việc sấy khô gây ra. Bây giờ đang là mùa hè nên tôi chủ yếu để tóc khô tự nhiên hoặc dùng quạt để làm khô tóc. Máy sấy chỉ được tôi sử dụng khi phải ra ngoài gấp mà tóc thì vẫn chưa khô. Vào mùa đông, tôi cũng hạn chế sấy tóc nhiều nhất có thể bằng việc gội đầu vào ban ngày và giảm số lần gội đầu mỗi tuần. Một số hành động nhỏ khác cũng góp phần tiết kiệm năng lượng như:Tận dụng ánh sáng tự nhiên thay vì bật đèn một cách vô tội vạGiảm thời gian tắmKhông để vòi nước mở liên tục khi đang đánh răngHạn chế bật điều hoà khi thời tiết không quá nắng nóngRút dây sạc ra khỏi điện thoại hay các thiết bị điện từ khi pin đầyVới những quãng đường ngắn, chuyển sang đi xe đạp hoặc đi bộ thay vì đi xe máy, xe ô tô…
đạp xe thay vì đi xe ô tô

Sắm cho mình một chiếc túi đi chợ

Một trong những hành động cực giản đơn để bạn đến với lối sống thân thiện với môi trường là mang túi của mình khi đi chợ hay đi mua sắm. Bạn có thể cắt chiếc áo cũ hay miếng vải thừa để may thành chiếc túi đi chợ. Hoặc dễ dàng hơn là tái sử dụng (nhiều lần nếu có thể) những chiếc túi nilon đang có trong nhà. Việc này sẽ giúp giảm thiểu được một lượng không hề nhỏ rác thải nhựa ra môi trường. 
Hiện tại, tôi luôn mang theo người một chiếc túi bằng vải dù – phần thưởng của nhóc em vì đã trả lời đúng một câu đố nào đó hôm đi dã ngoại cùng trường. Tôi nghĩ việc mua một chiếc túi chỉ dùng để đi chợ khá là không cần thiết nếu trong nhà đang có sẵn túi (bất kỳ loại gì) để dùng. Nhưng tất nhiên nếu bạn không thể tìm thấy một chiếc túi nào để có thể dùng đi chợ thì sắm cho mình một chiếc túi vẫn hơn là không có cái nào.
Túi đi chợ
Túi sau khi gấp lại

Nói không với ống hút nhựa

Để bắt đầu sống bền vững hơn, bạn hãy tập nói không với ống hút nhựa khi đi uống cafe, trà sữa cùng bạn bè nhé! Bạn có thể chuẩn bị cho mình một chiếc ống hút tre, inox hay thuỷ tinh và để sẵn trong balo, túi xách. Mà với riêng tôi thì ống hút chỉ giúp việc thưởng thức đồ uống thêm thuận tiện hơn thôi chứ thực tình cũng không cần thiết cho lắm. Tôi hoàn toàn có thể uống mà không cần ống hút, nên dù là tre, inox hay thuỷ tinh thì tôi vẫn không nghĩ sẽ sắm cho mình.
Khi đến bất kỳ quán cafe hay trà sữa nào, bạn có thể bảo với người bán là “Mình không cần ống hút” hoặc “Mình có mang theo ống hút đây rồi”. Nói vậy nhưng tôi vẫn thấy, ở một số quán cafe, dù đã dặn nhân viên là không dùng ống hút nhưng có lẽ do các bạn ấy quên nên đôi lúc khi đồ uống được mang đến, tôi vẫn thấy chiếc ống hút nhựa đã cắm xuống cốc của mình. Tôi biết không gì là hoàn hảo và tuyệt đối cả. Tôi không trách mình mà cũng không trách các bạn nhân viên. Phần lớn, đối với những trường hợp như vậy, tôi chỉ nhắc các bạn để ý cho lần sau.

Hạn chế mua đồ dùng một lần, hay thực phẩm đã chế biến sẵn

Nếu để ý bạn sẽ thấy hằng ngày chúng ta sử dụng rất nhiều các sản phẩm dùng một lần như khăn giấy, khăn ướt, cốc giấy, ống hút nhựa, hộp cơm bằng xốp, thìa dĩa nhựa, túi ni lon, khẩu trang y tế, găng tay y tế, thực phẩm, bông tẩy trang,… Những sản phẩm dùng một lần này tuy rất thuận tiện nhưng lại tạo ra một lượng lớn rác thải độc gây hại cho môi trường, và mức độ an toàn vệ sinh cũng rất khó để kiểm định được hết. Thay vì dùng đồ một lần, bạn hãy thử chuyển sang dùng những sản phẩm có thể tái chế hay có thể tái sử dụng như ống hút nhựa thay bằng ống hút tre, túi nilon thay bằng túi vải, thìa dĩa nhựa thay bằng thìa dĩa tre, inox,… Bạn cũng có thể hạn chế dùng cốc giấy, khăn giấy bằng cách mang theo cốc của mình đi và chuyển sang dùng khăn vải. Nếu buộc phải sử dụng đồ dùng một lần thì hãy chọn những sản phẩm được làm từ chất liệu sinh học, thân thiện với môi trường và có thể phân hủy an toàn. Hiện nay một số nơi đã bắt đầu bán các cốc, bát, đĩa, và hộp dùng một lần (có thể vài ba lần) từ bã mía, và bột sắn như Tre Shop và Sạp Hàng Chàng Sen.
Đây là mấy thứ tôi làm từ tre lúc ở Farm
Say no to plastic
Với những người bận rộn trong thành phố, mua thực phẩm đã được chế biến, đóng gói sẵn là việc không thể tránh khỏi. Để cuộc sống của mình lành mạnh và bền vững hơn, bạn hãy thử tập thói quen tự nấu bữa ăn ở nhà thay vì mua đồ chế biến sẵn hay đi ăn ở ngoài. Thực chất thì khi bạn nấu ăn với tâm trạng vui tươi, tích cực, bạn đang vô hình gửi năng lượng của bản thân tới món ăn. Mọi thứ trên đời đều mang năng lượng, và năng lượng tích cực từ những món ăn được nấu bởi sự hân hoan, vui vẻ, hay tình yêu thương đều là những nguồn năng lượng tuyệt vời giúp cuộc sống của bạn thêm lành mạnh, an vui. 
Trên đây là một vài bước đơn giản mà tôi từng (và vẫn đang) thực tập kể từ khi mới bắt đầu đến với lối sống bền vững. Những hành động dù nhỏ thôi nhưng cũng có thể tạo nên điều khác biệt, và trước tiên là khác biệt ở chính bản thân chúng ta. Hi vọng bài viết này mang lại cho bạn vài điều hữu ích. Cảm ơn bạn!
Just be,

Nguồn bài viết: Bài viết được đăng trên blog cá nhân của tôi - Teewanders.com