Sensei no Shiroi Uso (Teacher's White Lie) của tác giả Akane Torikai là một bộ truyện Josei trầm cảm với một kết cục có hậu và không ai chết. Tuy nhiên, đấy không phải selling point của nó, mà với mình là tuyến tình cảm cô-trò rất relationship goals đã giữ mình đọc đến hết để xem hai người về với nhau.
Nhưng đây không phải truyện tình. Đây là truyện về những vấn đề giới mà sẽ còn mang tính thời sự cho đến khi nào người dị tính hợp giới vẫn là nhóm đa số: xâm hại tình dục, bạo lực gia đình, power dynamics trong quan hệ giới. Nhân vật chính là cô giáo Hara Misuzu, tức điểm nhìn đồng cảm là từ một người nữ. Cô giáo là một trong những kiểu người điển hình của xã hội Nhật: yếu đuối, ngại va chạm, people-pleaser, kiểu người giữ im lặng khi bị bạn trai của bạn thân cưỡng bức. Cho nên, (mình nghĩ Josei kén người xem ở điểm này) bầu không khí của truyện sẽ làm bạn thấy nặng nề, powerless, buồn nôn, ức chế. Ức chế có lẽ là cảm giác của những ai đặt câu hỏi "Tại sao không phản kháng?". Và không phải lúc nào thái độ đó cũng biểu hiện rõ ràng như vậy đâu, khi mình kể người yêu cũ (trai thẳng) nghe một trường hợp có chị gái này muốn khai sinh con theo họ mẹ nhưng bị bố đứa bé (chuyện tình cảm của hai người không tốt) gây áp lực lẫn cán bộ khai sinh "giáo điều" phải khai con theo bố, và thế là chị lo lắng không biết con theo họ mẹ có thiệt thòi gì không. Người yêu cũ mình bảo lựa chọn nằm ở chị ấy, chị ấy chỉ đang nghi ngờ bản thân chứ vẫn có tự do để làm thế. Welp, thật ra là không. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến khả năng ra quyết định của một người chứ, ngoài bị người khác gây áp lực chị ấy còn vừa sinh bé xong. Cho nên phản hồi của người yêu cũ mình chỉ là một phiên bản tinh vi hơn của "Tại sao không phản kháng?" thôi.
Mình lớn lên với shounen, seinen (gu mình là nặng nề và trừu tượng) và mình đã kinh qua Punpun, Aku no Hana, Homunculus. Giờ mình đang trong giai đoạn tiêu thụ các tác phẩm của nữ, cho nữ, và có nữ chính. Đọc xong bộ này mình có một so sánh giữa các bộ seinen kia và josei này, đó là những chủ đề của loại trước thường có tính phổ quát và lớn lao - man vs self, man vs society - còn khi nhân vật chính là nữ, những vấn đề nó mổ xẻ thường là female vs male, the female in relationships, tức là gần gũi và mang tính cá nhân, dễ relate hơn. Những vấn đề của seinen không phải khó relate, nhưng nó mang tầm vóc vấn đề của thời đại, của thế hệ, của quốc gia; còn josei là vấn đề của mình, của mẹ, bạn cùng lớp, chị hàng xóm (tuy nhiên vẫn gần với xã hội Nhật hơn là mình). Gần đây mình ra rạp xem Poor Things của Lanthimos, và mình rất thích bức tranh về hành trình liberation của một người nữ bằng những trải nghiệm xác thịt và tri thức. Bức tranh ấy lung linh, tươi mới, màu sắc, và thoả mãn, nó vẽ nên một nữ chính hào hùng nằm ở đầu bên kia của spectrum và đầu còn lại là những nhân vật nữ chỉ lót đường cho nam chính phát triển. Vấn đề duy nhất đối với mình: đạo diễn là nam. Lúc ấy mình vẫn quyết định yêu bộ phim, và cho rằng hình tượng nữ được một người đàn ông xây dựng cũng đáng để yêu chứ sao không? Và khi mình đọc bộ Josei này, những nhân vật nữ hiện lên đáng thương, yếu đuối, gian xảo, tự trọng thấp, xấu có đẹp có, không có tự do trong hầu hết các quyết định, mình mới vỡ ra: "À, đây là cái range mình sẽ được offer khi xem người nữ xây dựng người nữ." Bella Baxter của Lanthimos độc lập, mạnh mẽ, sophisticated, nhưng là một hình tượng quá cá biệt, quá... "dễ" để xây dựng, cứ ném hết cái hay cái đẹp (và những cái ngược với Victorian gender norms) vào thôi.
Còn những người phụ nữ nghe có vẻ đáng chán kia, họ đã có giờ phút phản kháng của mình. Cô giáo quyết định đánh lại kẻ đe doạ, không bằng vũ lực, mà bằng những tuyên bố và quyết định tha thứ. Kẻ đe doạ lập tức kích động và đánh cô liên tục đến mức ngất đi, lời nói cuối cùng của hắn vang bên tai: "Cô không thể tha thứ cho một người đàn ông được." Nghĩa là cô không bao giờ ở được chiếu trên để tha thứ cho đàn ông, hay những gì người đàn ông kia làm là không thể tha thứ? Mình không biết. Cô giáo tỉnh dậy với khuôn mặt biến dạng, nhưng kẻ đe doạ sẽ không đụng đến cô nữa. Trong viện, một cô y tá trò chuyện với cô và kể rằng mình cũng là nạn nhân bạo lực gia đình, đã đánh lại chồng và bị anh ta đánh nhập viện, "đó là lần anh ta bạo lực nhất từ trước đến nay". Và đến khi đó cô mới nhận ra, "điều tôi sợ nhất, là phải nhìn thẳng vào sự thật rằng mình yếu đuối và không có chút sức lực nào trong tay." Để chúng ta thấy rằng, thứ nạn nhân sợ không phải hay không chỉ là những thứ hữu hình như kẻ bạo hành, nỗi đau thể xác, hay đánh mất mối quan hệ; và nhận ra rằng giúp đỡ họ có thể không đơn giản như ta hình dung. Nhân tiện, tương tác của nam nữ chính sau vụ này là một trong những điểm làm mình cho đây là relationship goals. Nhờ trò chuyện với Niizuma (nam chính) mà cô giáo có quyết tâm phản kháng, cô đã đến gặp kẻ đe doạ một mình mà không có hỗ trợ gì. Có thể cô vừa không muốn Niizuma liên luỵ, vừa muốn đây là cuộc chiến của cô. Sau khi bị đánh thì cô nghỉ một tuần, không phản hồi tin nhắn cuộc gọi nào của Niizuma. Cô chỉ nhắn "Cô ổn, vẫn còn sống" một ngày trước khi quay lại trường. Cô lên trường với bộ mặt vẫn biến dạng, né tránh Niizuma. Cậu bình tĩnh, đứng phía bên kia tủ giày, nói vọng sang với cô rằng cậu hiểu giờ cô sẽ ngại đối diện với cậu, và: "Em nghĩ cô đã trải qua một chuyện đáng sợ đến mức không muốn nói ra. [...] Em bức bối vì đã không thể làm gì giúp cô. [...] Nhưng em mừng vì cô còn sống." Ba ý này đã thể hiện sự thông cảm, cảm tính, và quan tâm/trân trọng. Thường thì cái thứ hai mọi người hay cho nó là cái encompassing, tức là trong đấy có cả quan tâm, cả yêu (vì nó protective chăng). Nhưng với mình, có cả ba mới là yêu. Cái thứ hai là quan tâm bằng điểm nhìn người nói, cái đầu và cái cuối mới là cố gắng hiểu đối phương cần được quan tâm thế nào. Bé tí mà giỏi quá, ghen tị với cô giáo 🥹
Mình để tâm hơn về vấn đề quyền lực giới trong các mối quan hệ sau khi nói chuyện với bạn mình - an enthusiast on these matters. Bài học mình nhận được là, con trai nên có ý thức hơn về việc bản thân đang lạm dụng quyền lực, con gái nên có ý thức hơn về việc thế nào là mình đang chịu ảnh hưởng của quyền lực; but it goes both ways. Nghe có vẻ to tát, vì khái niệm quyền lực cũng không được sử dụng phổ biến trong bối cảnh đời thường, nhưng nó hoàn toàn có thể được thấy khi có người lên giọng hay im lặng (chính là dùng quyền lực) với bạn để bạn hành động hợp ý họ. Lấy một ví dụ hẹp trong truyện là bối cảnh trên giường: Khi được học sinh hỏi "Học sinh cấp hai có được quan hệ không?", cô giáo Hara đáp "Được. [...] Nhưng chỉ vì cơ thể em đã đến lúc trưởng thành không có nghĩa là mọi chuyện sẽ suôn sẻ. Ngay cả người lớn chúng tôi đây, cũng sẽ làm tổn thương nhau và bị tổn thương khi quan hệ." Đấy, đấy chính là power dynamics, khi nó không được kiểm soát/ý thức thì sẽ có người bị tổn thương.
Qua đây, mình cho rằng nếu mọi người (đặc biệt là con trai và trai thẳng) đọc Josei nhiều hơn thì thế giới sẽ tốt đẹp hơn, khì. Nhìn thế giới qua góc nhìn của người nữ cũng giúp mở rộng đường chân trời của mình mà. Truyện đã hoàn thành, tuy nhiên không có bản dịch tiếng Việt đầy đủ (bản dịch duy nhất thì dịch "white lie" thành "lời nói dối trắng trợn", nên mình không khuyên dùng). Mình sẽ chơi nốt con bài cuối để dụ các bạn nam đọc, đó là tác giả Akane Torikai là vợ cũ của Inio Asano, nếu bạn đã thích Inio thì cũng nên thử qua gu của ổng chút, nhỉ?