Tóm tắt sách So Good They Can’t Ignore You: Kỹ năng đi trước đam mê
Cuốn sách So Good They Can’t Ignore You (Tạm dịch: Giỏi tới mức họ không thể lờ bạn) của Cal Newport là một phân tích thú vị và đầy...
Cuốn sách So Good They Can’t Ignore You (Tạm dịch: Giỏi tới mức họ không thể lờ bạn) của Cal Newport là một phân tích thú vị và đầy hấp dẫn về mối liên hệ giữa đam mê và công việc. Newport đưa ra lý lẽ rằng ý tưởng về việc tìm kiếm một công việc gắn liền với đam mê quả thật có thể dẫn tới bất ổn và thất vọng. Thậm chí, tiềm năng nó sẽ trở thành một lời khuyên tệ hại. Cuốn sách cũng nhấn mạnh khả năng tìm kiếm hạnh phúc và sự hài lòng trong công việc về cơ bản có lẽ chẳng hề xuất phát từ đam mê.
Note: So Good They Can’t Ignore You hiện tại đã có phiên bản tiếng Việt với tên sách là Kỹ năng đi trước đam mê (Dịch giả: Uông Xuân Vy và Trần Đăng Khoa). Ngoài cuốn sách này, Cal Newport cũng nổi tiếng với cuốn Deep Work – chiến thuật “làm việc sâu trong thời đại số có quá nhiều sao nhãng” (click để đọc tóm tắt sách của tôi).
Tóm tắt cuốn sách trong 2 câu: So Good They Can’t Ignore You đã làm sáng rõ điều mà rất nhiều người luôn nói “hãy theo đuổi đam mê của bạn”. Đồng thời, nó chỉ cho bạn rằng con đường sự nghiệp thật sự mà bạn muốn nằm ở việc trở nên thành thạo trong chính công việc mà bạn đang làm, tích lũy những kỹ năng không phải ai cũng có và làm chủ thời gian của bạn.
Những ai nên đọc cuốn sách này: Những người mới tốt nghiệp đại học, những người đang đối mặt với quyết định nhảy việc, những người cảm thấy không hề hạnh phúc dù vừa được tăng lương/thưởng, và bất cứ ai chưa dành thời gian để sáng tạo ra bất cứ thứ gì.
Quy tắc số 1: Đừng theo đuổi đam mê của bạn
Giả thuyết về đam mê
Cốt lõi của niềm vui trong công việc đầu tiên là phải làm rõ được bạn đam mê cái gì. Tiếp theo là tìm một công việc thỏa mãn niềm đam mê đó.
Giả thuyết này là một trong những điều được lặp đi lặp lại nhiều nhất trong xã hội Mỹ hiện đại. Có hàng triệu người ngay từ những năm mới bước “vào đời” đã bị nhồi nhét bởi nó. Thậm chí, họ còn được bảo rằng phải thể hiện sự kính nể đối với những người đã dũng cảm theo đuổi đam mê cá nhân; còn với những người mà chấp nhận cuộc sống “bình bình” và an toàn thì hãy thương hại họ!
Gần đây, một khuynh hướng mới, táo bạo hơn của giả thuyết đam mê đã được lan truyền – một khuynh hướng mà phủ nhận giá trị của “những công việc trong các văn phòng được chia thành vách ngăn” truyền thống, bởi bản chất của chúng chẳng có gì tốt đẹp. Hơn nữa, khuynh hướng này còn nhấn mạnh đam mê đòi hỏi bạn phải bắt đầu thực hiện một điều gì đó khác biệt để trở nên độc lập. “Làm thứ bạn thích, và tiền sẽ về với bạn” đã trở thành một phương châm thực tế (tuy không chính thức) trong lĩnh vực tư vấn nghề nghiệp.
Tuy nhiên, có một vấn đề không dễ nhận ra ở đây đó là: khi bạn bỏ qua câu khẩu hiệu này và tìm hiểu sâu hơn thì vấn đề có vẻ phức tạp hơn rất nhiều. Bạn bắt đầu nhận ra những mối đe dọa tiềm ẩn và hiểu sự chắc chắn của việc “theo đuổi đam mê” cực kỳ mỏng manh. Theo đuổi đam mê, có lẽ, chỉ là một lời khuyên tệ.
Steve Jobs
Nếu thời trẻ, Steve Jobs quyết định chỉ theo đuổi công việc mà ông yêu thích thì có thể Steve Jobs (nếu ông vẫn còn sống) ngày hôm nay là một trong những thầy giáo nổi tiếng nhất ở Trung tâm Thiền Los Altos. Nhưng ông đã không nghe làm như vậy. Chiếc máy tính Apple rõ ràng không được tạo thành bởi đam mê, nhưng thay vào đó nó là kết quả của một sự may mắn bất ngờ – một sự kiện “bình thường” nhưng đã mang đến thành công ngoài mong đợi.
Đam mê cực kỳ hiếm
Bạn càng tìm kiếm những ví dụ của việc “theo đuổi đam mê” thì bạn càng nhận ra sự hiếm hoi của nó.
- Theo đuổi đam mê là điều không phải ai cũng thực hiện được: Nhiều khảo sát đã đưa ra bằng chứng về việc chỉ có 4% số người sở hữu niềm đam mê gắn liền với công việc. Chúng ta có thể theo đuổi đam mê với công việc như thế nào nếu chúng ta chẳng hề có bất cứ đam mê nào liên quan để theo đuổi?
- Đam mê cần thời gian: Những người có niềm đam mê nhất, hạnh phúc nhất không phải là những người theo đuổi đam mê của họ ở một vị trí. Thay vào đó, họ là những người đã có rất nhiều kinh nghiệm để trở nên xuất sắc trong thứ họ đang làm.
- Đam mê là “hiệu ứng phụ” một khi đã trở nên “lành nghề”: Dựa trên các nghiên cứu, bạn cần 3 nhân tố tâm lý để cảm thấy hào hứng với công việc: tự chủ (autonomy), thành thạo (competence) và gắn kết (relatedness). Rõ ràng, đam mê không phải là một trong những yếu tố này.
Đam mê nguy hiểm
Bạn càng tập trung yêu thích điều bạn làm thì cuối cùng, bạn càng ít thích nó. Giả thuyết đam mê không chỉ sai mà nó cũng nguy hiểm. Nói với một người hãy “theo đuổi đam mê” không chỉ là một hành-động-lạc-quan-đầy-ngây-thơ nhưng cũng có thể kéo theo một sự nghiệp sai lầm và thất vọng.
Hơn cả đam mê
Đối với nhiều người, theo đuổi đam mê rất có ích. Nhưng sự thật là “theo đuổi đam mê” chỉ khả thi với số rất ít người mà thôi. Thực tế, để có thể hài lòng với công việc mà bạn đang làm và xây dựng sự nghiệp bạn muốn thì bạn còn cần một thứ khác hơn cả đam mê.
Quy tắc số 2: Hãy giỏi tới mức họ không thể phớt lờ bạn
Có hai cách tiếp cận khác nhau khi nghĩ về công việc. Đó là tư duy thợ lành nghề(craftsman mindset) – tập trung vào giá trị mà bạn tạo ra trong công việc. Và tư duy đam mê (passion mindset) – tập trung vào giá trị mà công việc mang đến. Đa phần mọi người nuôi dưỡng tư duy đam mê, nhưng trong thực tế, tư duy thợ lành nghề mới là nền tảng tạo ra công việc bạn yêu thích.
Tư duy thợ lành nghề
Bất luận bạn đang làm công việc gì, tư duy thợ lành nghề cũng là cốt lõi để xây dựng sự nghiệp bạn yêu thích. Nếu không tập trung vào việc trở nên giỏi tới mức họ không thể phớt lờ bạn thì bạn sẽ bị bỏ lại phía sau. Về cơ bản, tư duy thợ lành nghề nhấn mạnh tới giá trị mà bạn có thể tạo ra cho người khác (hay thế giới).
Tư duy đam mê
Tư duy đam mê nhấn mạnh tới giá trị mà người khác (thế giới) mang đến cho bạn. Đây là kiểu tư duy mà đa phần mọi người đều áp dụng khi nói đến sự nghiệp.
Tuy nhiên, khi chỉ tập trung vào những gì mà công việc mang đến thì nó càng khiến bạn nhận thức rõ điều bạn không thích ở công việc. Về lâu dài, bạn sẽ cảm thấy không hạnh phúc và bất mãn.
Tư duy thợ lành nghề mang đến sự rõ ràng. Trong khi đó, tư duy đam mê kéo theo một loạt câu hỏi mơ hồ, khó hiểu và không thể trả lời, chẳng hạn như “Tôi là ai?” hay “Tôi thực sự yêu thích điều gì?”.
Nuôi dưỡng tư duy thợ lành nghề
Bỏ qua câu hỏi liệu rằng công việc của bạn có là đam mê của bạn hay không. Thay vào đó, chuyển sự tập trung sang làm thế nào để trở nên giỏi tới mức họ không thể phớt lờ bạn. Cụ thể, bất kể bạn làm gì để sống thì cũng hãy xem xét công việc giống như thể bạn đã là “bậc thầy” về nó. Đầu tiên, bạn nuôi dưỡng tư duy thợ lành nghề và rồi đam mê sẽ theo đuổi bạn.
Sức mạnh của vốn sự nghiệp (career capital)
Một công việc tuyệt vời khác với những công việc bình thường ở chỗ nó sở hữu những đặc điểm “hiếm” và rất giá trị. Do vậy, nếu bạn muốn có được một công việc tuyệt vời thì bạn cũng cần có những kỹ năng hiếm và giá trị – career capital – như là sự trao đổi.
Các đặc điểm làm nên một công việc tuyệt vời đó là khả năng sáng tạo, khả năng tạo ra ảnh hưởng và khả năng kiểm soát. Ví dụ:
- Sáng tạo: Ira Glass đã mở rộng sự phát triển của ngành công nghiệp radio.
- Ảnh hưởng: Từ Apple II tới iPhone, Steve Jobs đã thay đổi cách mà chúng ta sống trong thời đại số.
- Kiểm soát: Bạn không nhất thiết phải làm việc ở văn phòng từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Bạn được tự do về thời gian miễn là hoàn thành công việc.
Đa phần các công việc không mang đến cho người làm sự sáng tạo, ảnh hưởng và kiểm soát tối đa ở những gì họ làm và cách họ làm nó. Thế nên, chúng rất hiếm và rất giá trị.
Theo lý thuyết kinh tế cơ bản, nếu bạn muốn thứ gì đó vừa hiếm vừa giá trị thì bạn cần thứ gì đó hiếm và giá trị để trao đổi – đây là quy tắc cung cầu. Suy ra, nếu bạn muốn một công việc tuyệt vời, bạn cũng cần có một thứ giá trị và tuyệt vời để đổi lại.
Lý thuyết sự nghiệp của một công việc tuyệt vời
Tư duy thợ lành nghề, với sự tập trung không ngừng vào việc trở nên “giỏi tới mức họ không thể phớt lờ bạn”, là một chiến thuật rất phù hợp để tích lũy được vốn sự nghiệp. Đây là lý do tại sao tư duy này sẽ đánh bại tư duy đam mê nếu mục tiêu của bạn là tạo ra công việc bạn yêu thích.
Khi nào thì áp dụng tư duy thợ lành nghề không hiệu quả?
- Công việc hiện tại có ít cơ hội để tạo ra sự khác biệt cho dù bạn có rèn luyện được các kỹ năng liên quan mà hiếm và giá trị.
- Công việc tập trung vào thứ mà bạn nghĩ rằng vô nghĩa hoặc có lẽ có tác động xấu tới người khác.
- Công việc buộc bạn phải làm việc với những người mà bạn thực sự không thích.
Trở thành một người thợ lành nghề
Các nhà nghiên cứu đã lựa chọn một con số kỳ diệu cho một sự rèn luyện đích thực: 10.000 giờ. Điều này có nghĩa nếu bạn muốn đạt được mục tiêu thì bạn cần phải dành 10.000 giờ dồn tâm huyết và thời gian cho nó. Tuy nhiên, nếu chỉ như thế này thì bạn vẫn chưa đủ. Để có thể trở thành một người thợ lành nghề, bạn phải luyện tập chủ động (deliberate practice).
Luyện tập chủ động là việc bạn chủ động bước ra khỏi vùng an toàn của mình, làm nhiều hơn mức mà bạn có thể và sau đó, đón nhận phản hồi (feedback) liên tục về những gì bạn đã làm được. Nhạc sĩ hay các vận động viên chơi cờ hiểu rất rõ về luyện tập chủ động. Nhưng có rất nhiều người làm công việc tri thức thì không hề biết.
Quy tắc số 3: Từ chối thăng chức
Sức mạnh của kiểm soát
Dành cho mọi người nhiều sự kiểm soát hơn ở điều họ làm và cách họ làm sẽ tăng niềm vui, sự gắn kết và cảm giác hài lòng.
Nếu mục tiêu của bạn là thích điều bạn làm thì bước đầu tiên là đạt được vốn sự nghiệp. Bước tiếp theo là đầu tư vốn này vào những đặc điểm mà làm nên một công việc tuyệt vời. Kiểm soát là mục tiêu quan trọng nhất mà bạn có thể chọn để đầu tư. Tuy nhiên, giành được quyền kiểm soát có thể phức tạp.
Các bẫy kiểm soát:
- Chưa tích lũy đủ vốn sự nghiệp nhưng đã đòi hỏi có nhiều kiểm soát hơn trong công việc. Được trao quyền kiểm soát mà không có vốn sự nghiệp thì không bền vững.
- Có đủ vốn sự nghiệp để đòi quyền kiểm soát nhưng vấp phải sự kháng cự của người quản lý. Họ không bao giờ sẵn sàng giành cho bạn sức mạnh kiểm soát vượt quá giới hạn. Họ sẽ sử dụng những cách tưởng thưởng như xe hơi, thăng chức, tăng lương… để ngăn bạn đòi quyền kiểm soát.
Nghĩ nhỏ, làm lớn
Có được một sứ mệnh rõ ràng và hấp dẫn sẽ tạo ra niềm vui trong sự nghiệp. Nó không chỉ mang đến ý nghĩa công việc mà còn cung cấp cho bạn năng lượng để tận hưởng cuộc sống ngoài công việc. Một sứ mệnh có thể là nền tảng cho việc bạn xây dựng tình yêu với thứ bạn đang làm.
Có sứ mệnh nghĩa là bạn có sự tập trung thống nhất trong sự nghiệp. Nó rộng hơn một công việc cụ thể và có thể mở rộng ra nhiều thứ. Nó giúp bạn trả lời câu hỏi “Tôi nên làm gì với cuộc đời tôi?” và tạo ra tác động cực kỳ mạnh mẽ.
Sứ mệnh đòi hỏi chúng ta phải nhìn xa hơn những gì chúng ta thấy ở vẻ ngoài của công việc. Đồng thời, kiên nhẫn và nỗ lực làm việc để đạt được sứ mệnh.
So Good They Can’t Ignore You thực sự là cuốn sách lý tưởng cho những ai đang loay hoay khi chưa tìm được đam mê của mình. Bạn không cần đi tìm đam mê nữa mà hãy dồn hết sức mình cho những gì bạn đang làm là được.
Tham khảo: So Good They Can’t Ignore You by Cal Newport
Đọc tóm tắt và review sách Deep Work của tôi.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất