Không có mô tả ảnh.

Trước nay mình đã nghe quá trời giả thuyết, cả thuyết âm mưu về vụ Nga Hoàng bán Alaska cho Mỹ.  Quanh đi quảnh lại cũng chỉ là chửi Nga hoàng ngu. Các bạn thực tế hơn thì trình bày lý do Nga sợ mất trắng Alaska vào tay người Anh ở Canada (thực tế thì cái này hợp lý nhất).
Mới đây, mình vừa được mấy ông Nga thông não cho chút ít, có thêm một góc nhìn nữa quanh vấn đề này từ chính nội tình Đế quốc Nga. Cụ thể, vừa tìm hiểu được thực chất vùng đất nối Siberia với Alaska là bán đảo Chukchi - một nơi người Nga đã không chinh phục được hoàn toàn, và do đó Nga sợ rằng sẽ không thể triển khai quân tới Alaska thuận lợi nếu chiến tranh nổ ra. Đế quốc Nga, thực sự chính họ thừa nhận, đã thất bại trong việc khuất phục tộc người Chukchi ở đây. Chi tiết thì đang tìm hiểu, nhưng hôm nay mình giới thiệu về 2 trận đánh, mà sự trùng hợp khó ngờ của nó đã dẫn đến việc người Nga thời đó truyền miệng nhau về ''lời nguyền Chukchi''.
Kết quả hình ảnh cho chukchi peninsula map
Bán đảo Chukchi và eo biển Berinh nối giữa châu Á và Châu Mỹ.
*Trận Yegach ngày 14/3/1730
Cho đến năm 1727, đế quốc Nga đã chinh phục gần như toàn bộ các dân tộc Siberia, nhiều dân tộc thậm chí bị xóa sổ. Chỉ còn duy nhất đối thủ cuối cùng: người Chukchi ở cực Đông Bắc. Để loại bỏ kẻ thù này, năm 1729 Nga cử một đội quân Cossack do tướng tướng Afanasy Shestakov chỉ huy, hành quân về bán đảo Chukchi để tiêu diệt người Chukchi. Afanasy Shestakov mang 400 lính Cossack của mình và thêm một số lính chư hầu từ các dân tộc mới chinh phục ở Tây Siberia như Tatar, Yakut, Samoyed,... hành quân về phía Đông trong điều kiện thiếu thốn thông tin về địa hình, khí hậu cũng như lực lượng đối phương.

Quá trình hành quân của Nga mất hơn 1 năm. Trên đường đi, dù bị hao hụt binh lính do lạnh giá và bệnh tật, thì quân Cossack của Shestakov cũng bổ sung bằng cách bắt các dân tộc bản địa phục tùng mình đi lính. Quân số lên đến khoảng 1.000 người (rất khó chính xác vì quân số các dân tộc thiểu số trong quân đội Nga thường ít được kiểm kê đầy đủ). Đến năm 1730, đoàn quân đến biên giới Chukchi - trên sông Yegach. Tại đây, họ thu nạp thêm nhiều lính của các dân tộc ''hàng xóm'' của người Chukchi. Phải để chữ ''hàng xóm'' trong ngoặc kép vì kỳ thực, mối quan hệ giữa người Chukchi với các dân tộc quanh họ không êm đẹp cho lắm. Họ bao gồm người Koryak, người Even và một số dân tộc bản địa trên bán đảo Kamchatka. Trước đây, họ thường xuyên xung đột với người Chukchi. Người Chukchi là những chiến binh thiện chiến và hung hãn hơn, nên phần thiệt thường thuộc về các dân tộc còn lại. Vì vậy khi người Nga đến mang theo quân đội hùng mạnh, họ đã đầu quân cho người Nga với hy vọng ngăn chặn được sự bành trướng địa phương của người Chukchi.
Kết quả hình ảnh cho chukchi war
Ảnh này thường được chú thích là chiến binh Chukchi. Tuy nhiên một số nguồn khác nói họ là người Eskimo.
Kết quả hình ảnh cho chukchi war
Tranh vẽ chiến binh Chukchi điển hình.
File:Warrior armor and sinew bow, Chukchi, 19th century - AMNH - DSC06208.JPG
Tượng chiến binh Chukchi với áo giáp và cung tên trong bảo tàng Nga.
Ngày 13/3/1770, quân Chukchi tới bờ sông và nhìn thấy quân Nga đã ở bên kia sông. Tướng Afanasy Shestakov (sách ghi là hàm Thiếu tá - nhưng đây là hàm khá cao mà một lính Cossack có thể đạt được) quyết định vượt sông băng tấn công vào người Chukchi. Họ chia làm 3 cánh quân rõ ràng: cánh phía Bắc của dân tộc Koryak, phía Nam của dân tộc Even còn quân Nga đi ở giữa, ở sau có thêm người Yakut bọc hậu. Thiếu tá Shestakov mang theo 144 quân Cossack theo mình ở cánh quân trung tâm. Quân số của 2 cánh quân còn lại khoảng 200 người, nhưng không chắc chắn vì số quân các dân tộc thiểu số thường không được kiểm kê chính xác. Quân Nga cũng có một số xe trượt tuyết bằng tuần lộc để di chuyển - với hy vọng giúp họ có lợi thế hơn với quân Chukchi vốn không có phương tiện đi lại.

Nhưng đêm hôm đó, quân Chukchi đã bất ngờ đột kích cánh quân của người Koryak và thảm sát họ. Người Koryak - vốn đã hứng chịu các cuộc tấn công của người Chukchi từ lâu nay - nhanh chóng bỏ chạy. Đến rạng sáng, quân Chukchi ''chào đón'' lính Cossack bằng một trận mưa tên - những mũi tên được làm bằng xương thú rất cứng, dù không xuyên được giáp nhưng bắn xuyên qua da thịt những vết thương rất lớn. Họ bắn rát đến nỗi quân Nga không kịp nạp đạn. Kết quả là quân lính người Koryak và Even bỏ chạy mặc kệ lính Cossack Nga, với quân số chỉ còn chừng 30 người.

Thiếu tá Afanasy Shestakov thấy vậy nhảy ra khỏi công sự, rút gươm cùng quân Nga đánh dữ dội với quân Chukchi. Kỹ năng chiến đấu và vũ khí của quân Nga vượt trội hơn: họ có súng trường và gươm sắc so với giáo bằng gỗ và xương của người Chukchi. Nhưng giữa trận chiến thì bất ngờ Afanasy Shestakov bị trúng một mũi tên bằng xương vào cổ họng. Ông chạy đến một chiếc xe kéo định chạy trốn thì bất ngờ con tuần lộc kéo xe chạy loạn, đưa thiếu tá vào giữa đội hình quân Chukchi. Hậu quả khiến viên thiếu tá chết thảm, hứng một trận mưa tên và lao phóng từ người Chukchi.

Toàn bộ lính Nga sau đó bị giết, chỉ còn lại viên thông dịch được thả về để thông báo cho quân Nga còn ở phía sau. Sau khi biết thủ lĩnh đã chết, quân Nga rút về. Tổng kết thiệt hại, cánh quân của người Nga thấy có 31 người chết, các cánh quân còn lại (chủ yếu là dân thiểu số bản địa) hầu hết bỏ chạy. Quân Chukchi thu được nhiều thuốc nổ, da thú, súng trường và áo giáp của Nga. Và có nhiều lời đồn đại, các phù thủy người Chukchi sau trận chiến đã phù phép thi thể các lính Nga tử trận, khiến linh hồn họ trở nên căm thù. Đây chính là khởi đầu cho ''lời nguyền Chukchi'' được truyền tai nhau sau đó.
Kết quả hình ảnh cho сибирские государства

Trận Yegach năm 1730 là trận thua nặng nhất đến lúc đó của quân Nga trước một dân tộc bản địa Siberia. Trận đánh cũng truyền cảm hứng để các dân tộc bản địa khác là Koryak và Itelmen nổi dậy chống Nga. Nhưng quân Nga đã cử viên tướng khác là Dmitry Pavlutsky tới dẹp loạn thành công, đồng thời lên kế hoạch trả thù người Chukchi.

*Cuộc trả thù người Chukchi của Dmitry Pavlutsky 
Như đã nói ở trên, sau trận Yegach năm 1730, quân Nga cử tướng Dmitry Pavlutsky tới dẹp các cuộc nổi loạn của dân bản địa và sẵn sàng trả thù người Chukchi. Từ năm 1731, quân của Dmitry Pavlutsky đã liên tục tấn công, gây thiệt hại nặng nề cho người Chukchi. Lính Cossack Nga được miêu tả là đặc biệt tàn ác, trong nhiều năm đã gần như diệt chủng nhiều dân tộc bản địa không phục tùng.
Đoàn quân của Dmitry Pavlutsky (Дмитрий  Павлуцкий) hành quân - ảnh chụp từ sách thiếu nhi Nga.
Đối với người Chukchi, thậm chí điều này còn được hợp thức hóa bằng sắc lệnh năm 1742 của Nữ hoàng Elizabeth: Xóa sổ bọn Chukchi! Thế là các phương pháp tàn bạo: đốt phá làng mạc, giết gia súc (nguồn lương thực chính của Chukchi), giết đàn ông, bắt phụ nữ và trẻ em, cưỡng hiếp,... được quân Nga sử dụng tràn lan, khiến dân số bản địa ở Siberia giảm mạnh trong thời kỳ này. Những ghi chép về tội ác của quân Nga với người Chukchi còn được lưu giữ đến tận sau này, đến cả thời Xô Viết, và cả trong văn học dân gian Chukchi. Cụ thể, trong truyện dân gian Chukchi thế kỷ 19, có một hình tượng ''ác quỷ Yakunin (Якунина)'' - là một con quái vật tàn phá nhiều làng mạc Chukchi với những đặc điểm được miêu tả giống người Nga. Thực chất, người ta cho rằng hình tượng quái vật Yakunin được xây dựng nguyên mẫu từ Thiếu tá Pavlutsky trên thực tế.
Cũng trong thời gian này, người Chukchi phải chịu nhiều dịch bệnh, khiến dân số của họ suy giảm khá mạnh. Chủ yếu các bệnh là đậu mùa và giang mai. Người Chukchi - với hiểu biết hạn chế, đã gọi các bệnh này là ''Bệnh Nga'' (Русская болезнь).
Để tạo cơ sở lâu dài cho sự kiểm soát quân sự ở bán đảo Chukchi, Pavlutsky cho xây pháo đài Anadyrsk, vừa để phòng thủ vừa để làm nơi thu thuế của dân cư địa phương. Lưu ý rằng, thuế mà người bản địa Siberia phải đóng cho Nga rất đặc biệt - hầu hết trả bằng da thú, đọc là yasak (có lẽ nên có một bài viết riêng về loại thuế này). Trong quá trình xây dựng pháo đài, người Chukchi từng nhiều lần tấn công nhưng họ đều bị quân Nga đẩy lùi, chịu tổn thất lớn. Do pháo đài cũng dùng để nhốt tù nhân, dân địa phương quen gọi là ''Nhà tù lớn Anadyrsk'' (Анадырский острог).
Kết quả hình ảnh cho
Tranh vẽ pháo đài Anadyrsk, khoảng năm 1740.
Một trong những tấm ảnh cuối cùng về nhà tù Anadyrsk, ít lâu trước khi nó bị thiêu hủy hoàn toàn năm 1774.
*Trận Orlova ngày 14 tháng 3 năm 1747
Tuy nhiên, Pavlutsky càng tàn bạo thì chỉ càng làm người Chukchi thêm dữ dội. Đến năm 1747, họ phản công mạnh mẽ, thậm chí trả thù tàn bạo các dân tộc cộng tác với người Nga. Người Koryak hay Even liên tục hứng chịu các cuộc tấn công tàn bạo của người Chukchi. Tháng 3 năm 1747, người Koryak bị tấn công dữ dội bởi Chukchi ở khu vực xung quanh nhà tù Anadyrsk, đã cầu xin quân Nga của Dmitry Pavlutsky giúp đỡ. Sau đó Pavlutsky phát hiện người Chukchi đang đóng khoảng 500 người ngay cửa sông Orlova đổ ra biển Bering - đúng vị trí pháo đài của ông.
Kết quả hình ảnh cho Anadyr map
Vị trí thành phố Anadyrsk (Anadyr) trên bán đảo Chukchi - là nơi sông Orlova đổ ra biển.
Thế là ngày 12/3/1747, Dmitry Pavlutsky mang hơn 200 quân Cossack và chư hầu tới bờ sông Orlova, nơi họ nhìn thấy khoảng 500 quân Chukchi đang chờ. Các tướng lĩnh hối thúc Dmitry Pavlutsky tấn công ngay, nhưng ông lại trì hoãn chờ quân tiếp viện và xây dựng công sự vững chắc.

2 ngày sau, trận chiến nổ ra, và Dmitry Pavlutsky có lẽ đã quên rằng đúng ngày này 17 năm trước, Thiếu tá Afanasy Shestakov đã chết thảm chính tại vùng đất này, và được cho rằng đã bị nguyền rủa.

Diễn biến diễn ra tương tự 17 năm trước. Quân Chukchi bắn tên bằng xương như mưa khiến quân Nga tổn thất nặng. Dù tên xương của người Chukchi không xuyên được giáp sắt của quân Nga nhưng bất cứ không may trúng tên vào các vị trí khác trên người đều bị thương rất nặng. Quân Chukchi đông gấp đôi nhanh chóng áp đảo quân Cossack. Dmitry Pavlutsky, một tay cầm súng một tay cầm gươm chiến đấu dũng cảm nhưng cuối cùng bị nhiều người Chukchi quây lại đè xuống. Họ bóp cổ và đâm anh ta bằng giáo gỗ, nhưng không xuyên qua được giáp.
Theo lời kể lại sau đó của những người sống sót, Dmitry Pavlutsky chọn cho mình cái chết dũng cảm. Biết không thể thoát khỏi cái chết, ông tự mở giáp của mình để người Chukchi đâm chết. Chính vì sự dũng cảm này của Dmitry Pavlutsky mà có lẽ sau này, người Chukchi đã giữ lại đầu của ông để sử dụng trong các nghi lễ của mình.
Kết quả hình ảnh cho Битва на реке Орловой
Tranh vẽ trận Orlova (1747)
Chukchi Wars: Episode II

Chukchi Wars: Episode II
Tranh vẽ trận Orlova trong truyện thiếu nhi Nga
Quân Nga tiếp tục rút lui cho đến khi một toán kỵ binh khác đến cứu viện. Hai bên Nga và Chukchi quyết định cùng rút lui. Quân Nga rút lui về pháo đài Anadyrsk - lúc này chỉ còn chừng dưới 100 người bảo vệ. Quân Nga sau đó phải cử gấp quân đến tăng viện cho Anadyrsk.
Tổng kết sau trận đánh Orlova, quân Nga chết 51 người và nhiều người bị thương nặng. Nó cũng mất 1 khẩu pháo, 40 khẩu súng, 50 cây giáo và nhiều xe kéo - đây là một chiến lợi phẩm khổng lồ với người Chukchi. Không rõ thiệt hại của người Chukchi, nhưng một hiện tượng lạ khi đây là lần đầu tiên người Chukchi không truy đuổi kẻ thù sau khi đánh bại họ. Vì vậy nhiều người suy đoán rằng người Chukchi đã chịu tổn thất lớn, trả giá đắt cho chiến thắng, hay người ta hay gọi là ''Chiến thắng kiểu Pyrros''.
*Lời nguyền Chukchi
Sau khi nhìn lại, người Nga phát hiện ra 2 tướng hàng đầu trong cuộc chinh phục Viễn Đông của họ chết cùng ngày 14 tháng 3, cách nhau 17 năm. Sự trùng hợp này cùng với những lời đồn trước đó về việc người Chukchi đã phù phép những người lính Nga tử trận trong trận Yegach năm 1730, khiến cho nhiều người tin vào một ''lời nguyền Chukchi'' đeo bám những người lính Nga định xâm chiếm vùng đất Chukchi.
Không rõ đó có phải là lời đồn mà cư dân bản địa cố tình tung ra hay không, nhưng chắc chắn 2 điều: Một, người Chukchi đúng là đã dùng thi thể lính Nga tử trận cho các nghi lễ tâm linh của họ. Đáng kể nhất, chính là tướng Dmitry Pavlutsky. Số phận của thi thể tướng Dmitry Pavlutsky được truyền tai nhau nhuốm màu huyền bí. Theo đó, ông bị người Chukchi chặt đầu giữ lại, phù phép và coi như bảo vật cần gìn giữ. Nhiều người Chukchi sau này nói rằng họ quyết định giữ lại đầu của Pavlutsky là để hiến tế cho thần linh, hy vọng họ ban cho người Chukchi lòng dũng cảm như vị tướng Nga. Cần chú ý rằng, phần lớn cư dân bản địa Siberia theo tôn giáo bản địa của họ, tên gọi là ''Shaman giáo''. Đặc trưng của tôn giáo này là gắn chặt cuộc sống với các vị thần và các nghi lễ tâm linh, bao gồm cả việc hiến tế kẻ thù. Đến thế kỷ 19 cư dân bản địa vẫn truyền tai nhau đầu của Pavlutsky được giữ ở làng Nizhnekolymsk vùng Yakutia ngày nay, trong khi thân được chôn ở Yakutsk - thủ phủ của Yakutia (điều sau này được xác nhận). 

Thứ hai, chắc chắn rằng việc lan truyền một lời đồn huyền bí như thế đã khiến người Nga ít nhiều nhụt chí trong việc chinh phục người Chukchi. Kể từ đó, họ thay đổi chính sách với người Chukchi để chung sống hòa bình. Do vậy, sau năm 1747 gần như không còn cuộc tấn công lớn nào của người Nga vào người Chukchi nữa. Cho đến ngày nay, người Chukchi vẫn được thừa nhận là dân tộc duy nhất chặn được cuộc xâm lược của người Nga. 
Chính sách của Nga thế nào, và quá trình người Chukchi hòa nhập vào nước Nga ra sao, xin hẹn vào một dịp khác với bài viết cụ thể hơn. Nhưng tiết lộ là sau trận Orlova năm 1747, nữ hoàng Elizabeth của Nga đã ra lệnh rút hết quân Nga, phá hủy toàn bộ pháo đài, vũ khí của Nga ở nơi này để người Chukchi được sống hòa bình.
Chukchi Wars: Episode II
Nữ hoàng Nga Elizabeth ký sắc lệnh hòa bình - Nhà tù Anadyrsk bị thiêu rụi (Tranh vẽ trong truyện thiếu nhi Nga).
Đến năm 1870, ''Lời nguyền Chukchi'' lại trở lại, nhưng lần này nó được phá bỏ. Đó là khi một thủ lĩnh Chukchi địa phương, đã giao nộp lại đầu của Pavlutsky cho cảnh sát trưởng người Nga ở Kolyma. Lúc này, người Chukchi đã có được hòa bình. Còn lý do họ có được hòa bình là do sau trận Orlova năm 1747, quân Nga thấy rằng không thắng được người Chukchi, nên đã xin chung sống hòa bình. Hàng năm, họ tổ chức hội chợ chung ở Kolyma, buôn bán giữa người Nga với các dân thiểu số. Dần dần qua nhiều thế kỷ, người Chukchi chấp nhận hòa nhập vào nước Nga và cuối cùng trở thành một Khu tự trị dưới thời Xô Viết.
Chukchi Wars: Episode II


Chukchi Wars: Episode II
Người Chukchi buôn bán hòa bình với người Nga (tranh vẽ trong truyện thiếu nhi Nga).

Tham khảo: Aleksandr Nefëdkin - Quân sự người Chukchi, Trung tâm "Nghiên cứu Phương Đông Petersburg", 2003.
(Nefedkin vốn là học giả nghiên cứu Hy Lạp. Viết về quân sự người Chukchi chỉ là một lần thử tay ngang của ông)