Mình đã từng sống một cách thỏa mãn trong những lời khen của bố mẹ, thầy cô hay anh em làng xóm. Có vẻ mọi người rất tự hào và hy vọng về mình. Đó quả là một cảm giác dễ chịu khi cái tôi được vuốt ve:
- Con lại được điểm 10 à, giỏi lắm.
- Cháu quả là một đứa trẻ thông minh.
- Con bé ấy thật lanh lợi, chắc chắn sẽ làm nên việc.
- Ông bà sướng nhé, sau này được nhờ vào con rồi.
Mình thường không dám để vuột mất những lời khen ấy. Thậm chí, chỉ tưởng tượng đến ánh mắt ngỡ ngàng của ai đó khi họ hỏi “Ơ, giỏi như cháu mà không xin được việc à?” hay “Sao lương lại có chừng này?” là mình đã sợ sệt. Đó là một trong những lý do khiến mình ngại thay đổi, sợ thất bại và không bao giờ chịu bước ra khỏi vùng an toàn cá nhân.
Bạn biết hậu quả rồi đấy. Mình đã có ba năm dậm chân tại chỗ so với bản thân và thụt lùi so với xã hội. Tất cả chỉ vì tâm lý: "tôi không được thất bại, cách tốt nhất để không thất bại là đừng thử!" Khoảng thời gian sống trong mai rùa ấy thật kinh khủng, việc tự giới hạn bản thân đã khiến từ một đứa tự tin sáng tạo, mình dần trở nên thui chột.
Một vòng tròn tiếp theo của cuộc sống lại đến, mình có con, và nó y như mình hồi nhỏ: thông minh, lanh lợi, biết làm vừa lòng mọi người. Lần đầu nó vẽ những nét nguệch ngoạc trên giấy, bác hàng xóm đã khen: “Cháu có năng khiếu vẽ đấy, đúng là con nhà nòi nên giỏi bẩm sinh”. Mình chợt bừng tỉnh và nhận ra, thứ kìm hãm mình trước việc thử và sai chính là những lời khen thiên về năng lực bẩm sinh như thế. Sao không ai khen ngợi sự cố gắng của mình, không ai thấy những lúc mình mày mò để đến được điểm đúng? Sâu xa hơn, liệu lời khen của mọi người có thực sự quan trọng đến thế? 
Như vớ được chiếc phao cứu sinh, mình lao vào học viết, thử viết và rèn luyện kỹ năng viết, thay vì chấp nhận sống đời với công việc an toàn hiện tại. Sẽ có lúc mình viết chưa hay, nhưng có sao. Ai cũng nên được phép thất bại đôi lần trên con đường xây dựng bản thân. Nếu Ê-đi-xơn và những nhà phát minh khác không làm hỏng 10.000 cái bóng đèn thì phải chăng, chúng ta vẫn đang cặm cụi viết lách bằng chiếc bút chì dưới ánh đèn dầu?
Bác hàng xóm đi về, mình nhẹ nói với con:
- Mẹ đã thấy con tập vẽ mấy ngày qua. Con quả là một cô bé chăm chỉ và kiên nhẫn! Ngay cả trong trường hợp cô giáo không chấm điểm bức tranh này, mẹ tin là con vẫn thấy rất vui vì công sức của con, đúng không?
Linh bút chì.