Ngày trước mình thường đặt ra khá nhiều mục tiêu trong cuộc sống. Nào thì mỗi ngày giải 1 bài Leetcode, tạo một trang blog riêng để đăng mấy thứ nhảm nhí,... Nhưng rồi qua một thời gian, mình chẳng còn nhớ mục tiêu ngày đó mình đặt ra là gì nữa. Và sau một thời gian vật lộn với các thử nghiệm, mình đã tìm ra câu trả lời, ngắn gọn và đơn giản.
Câu trả lời là, mình bị nhầm lẫn giữa 2 khái niệm: Mục tiêu và mong muốn.

Mong muốn

Cách đây 2 năm mình mong muốn sẽ trở thành Fullstack Developer trong vòng 3 năm tới, mong muốn đấy xuất hiện trong đầu mình vào thứ 2, mình ngồi ngay vào bàn học, mở máy tính lên, tìm hiểu mọi tài liệu nói về cách trở thành Fullstack Developer, mình thấy ôi sao phải học lắm thế, thế này thì khó quá thôi từ từ đã để mai rồi tính tiếp.Rồi đến ngày hôm sau, đầu lại như mới, tiếp tục đắm chìm vào "thức ăn nhanh", cái mục tiêu to lớn ấy đi vào dĩ vãng. 6 tháng sau tình cờ xem được một bạn kém mình 2 tuổi đã lập trình ra website bán hàng sử dụng NodeJS với ReactJS. Ôi sao mà ghen tị quá, phải học ngay thôi. Tiếp tục ngồi vào bàn và cái vòng tuần hoàn đấy lại tiếp tục.
Từ câu chuyện thực tế của mình ngày trước bạn có thể thấy mong muốn đơn giản chỉ là suy nghĩ thoáng qua trong đầu bạn, nó không rõ ràng, không chi tiết, không khiến bạn phải hành động.Ví dụ như bạn muốn bạn có 6 múi, nhưng hàng ngày bạn lười ra phòng tập, bạn đăng ký vé tập 1 tháng và bạn đi được chừng 3 buổi, như vậy đấy chỉ là mong muốn, không phải là mục tiêu.

Mục tiêu

Mục tiêu phải là thứ rõ ràng, chi tiết, nó đong đếm được, và nó phải có một mức giá. Ví dụ thay vì bạn viết vào cuốn sổ tay rằng "Tôi muốn có 6 múi" thì hãy viết
Mỗi ngày tôi sẽ chống đẩy 50 cái và gập bụng 5 hiệp mỗi hiệp 20 cái, nếu có điều kiện tôi sẽ ra phòng gym.
Như bạn vừa thấy, cách viết đầu tiên chỉ là mong muốn của bạn, cách viết thứ hai mới chính là mục tiêu. Cách viết thứ hai cho bạn biết ngay ngày mai bạn cần phải làm gì, cho thấy mức giá mà bạn phải trả để có được 6 múi. Tức cách viết thứ nhất chỉ cho bạn thấy đỉnh núi, còn cách viết thứ hai cho bạn biết đường leo lên đỉnh núi còn bao xa, có những vật cản gì không, bạn cần phải mua dụng cụ gì và phải chấp nhận những rủi ro gì khi leo lên núi.
Nếu bạn mới từ Sài Gòn lên Hà Nội sinh sống, bạn sẽ không thể tự đi từ Hoàng Mai đến Cầu Giấy một mình nếu như không biết đường, để đi bạn cần có Google Maps. Khi có Google Maps bạn cảm thấy việc di chuyển từ Hoàng Mai đến Cầu Giấy dễ dàng hơn rất nhiều.Hãy tưởng tượng bạn đang ở Hoàng Mai còn mục tiêu của bạn ở Cầu Giấy, giờ bạn làm thế nào để đi? Làm thế nào để tự vẽ ra bản đồ của riêng bạn?
Làm thế nào để tự vẽ ra bản đồ của riêng bạn?
Làm thế nào để tự vẽ ra bản đồ của riêng bạn?

Để đạt được mục tiêu, bạn cần phải trả giá cho nó

Khi bạn mong muốn, bạn không phải trả giá. Còn khi bạn sẵn sàng rút ví ra trả, thì đó chính là mục tiêu, mặc dù có thể bạn chỉ có rất ít tiền để trả, nhưng ít nhất là bạn có trả. Một ngày có thể bạn chỉ chống đẩy 5 cái, nhưng ngày nào bạn cũng chống, khác với việc cả năm bạn chống được vài lần, mỗi lần chắc cũng....5 cái. Nếu bạn sẵn sàng rút ví ra trả, trả đều đặn, dù nhiều hay ít thì sớm muộn bạn cũng sẽ đạt được điều mà bạn mong muốn.

Hãy tập trung vào đường đi, đừng chỉ nhìn vào đích đến

Khi tập trung vào đích đến, bạn sẽ thấy rất áp lực. Áp lực vì không biết còn bao xa nữa mới đến nơi. Bạn nhìn lên đỉnh núi và thấy sao nó cao quá, chắc mình không leo lên nổi đâu.
Đa phần chúng ta chỉ nhìn vào đỉnh núi, và từ đấy đưa ra những đánh giá sai lệch.
Sẽ chẳng ai quan tâm bạn đã vất vả như nào để đạt được mục tiêu, họ chỉ quan tâm kết quả bạn đã làm được gì. Chỉ có bạn mới cảm nhận được những vị ngọt đắng của hành trình ấy. Vậy nên hãy tập trung vào đường đi đến mục tiêu, cố hết mình để đạt được nó, trả giá để có nó, và tận hưởng hành trình gian nan mà bạn đã trải qua.
Nếu bạn mong muốn mà không trả giá, thì nó mãi mãi chỉ là ước mơ viển vông