[Góc phân tích chiến thuật] - Liverpool đại thắng Manchester United trong ngày Salah rực sáng với một cú hat-trick ngay tại thánh địa Old Trafford
Dù không phải là người theo dõi bóng đá thường xuyên hoặc là những khán giả trung lập thì hai cái tên Liverpool và Manchester United...
Dù không phải là người theo dõi bóng đá thường xuyên hoặc là những khán giả trung lập thì hai cái tên Liverpool và Manchester United luôn mang đến một sự hấp dẫn đặc biệt với mọi người trên thế giới. Ngoài tính chất khốc liệt của trận đấu được mang tên là "Trận derby nước Anh" thì những lần đối đầu giữa hai đội bóng giàu thành tích nhất nước Anh này luôn để lại những dấu mốc rất đặc biệt, và trận đấu hôm 24 tháng 10 vừa qua cũng không phải ngoại lệ.
Trước khi bước vào trận đấu này, cả đội chủ nhà Manchester United lẫn Liverpool đều trải qua những trận đấu khó khăn ở giữa tuần trước các đối thủ là Atalanta và Atletico Madrid tại UEFA Champions League vừa qua, điều trùng hợp là cả hai đội đều cùng giành chiến thắng với tỉ số 3-2. Phong độ của cả hai đội ở giải quốc nội là hoàn toàn trái ngược nhau, trong khi Liverpool tính đến thời điểm này vẫn đang giữ được thành tích bất bại thì Manchester United đang trải qua bốn trận đấu toàn hòa và thua.
Huấn luyện viên Ole Gunnar Solskjaer vẫn giữ nguyên đội hình xuất phát trong trận thắng trước Atalanta, trong khi huấn luyện viên Jurgen Klopp có hai sự thay đổi khi đưa Konate và Jota vào sân ngay từ đầu. Trong khi Ole sử dụng sơ đồ 4-2-3-1 với Ronaldo làm trung phong thì Klopp vẫn sử dụng sơ đồ quen thuộc 4-3-3.
Manchester United lộ rõ ý định chơi pressing của mình khi ngay từ những phút đầu tiên họ đã tràn lên phần sân của Liverpool và Ronaldo chính là lớp đầu tiên của tuyến pressing đó. Thông thường, nếu một tiền đạo thực hiện việc pressing thì họ sẽ nhắm đến việc không cho hậu vệ đối phương chuyền bóng qua lại hoặc đứng án ngữ để chặn không cho trung vệ đối phương dẫn bóng lên. Tuy vậy Ronaldo lại không thể nào hoàn thành tốt cả hai công việc này, do đó chúng ta có thể thấy Konate khá thoải mái trong việc dốc bóng lên sát vạch giữa sân và thực hiện các đường chuyền cho tuyến trên. Và chính vì việc Ronaldo không quá tích cực trong việc pressing đã khiến cả đội hình Manchester United bị xáo trộn, nên khi Bruno dâng cao pressing hỗ trợ Ronaldo thì anh đã vô tình để lộ khoảng trống nơi tuyến giữa hàng tiền vệ của Manchester United. Điều này càng nguy hiểm hơn khi Roberto Firmino vốn là cầu thủ có thói quen lùi sâu và Henderson lẫn Milner đều có thể trở thành những tiền vệ thu hồi bóng phía trước hàng hậu vệ, trong khi Keita có thể thoải mái lẻn ra phía sau lưng hàng tiền vệ của Manchester United. Vậy nên khi Fred muốn bọc lót cho tuyến tiền vệ thì anh sẽ không biết phải theo kèm Firmino hay Naby Keita và lúc nào cũng bị đặt ở thế 1 đấu 2, vô hình chung chính lối chơi pressing nửa vời và sự thiếu tích cực của Ronaldo đã khiến hàng tiền vệ của Manchester United bị áp đảo về quân số.
Điều này có thể thấy rõ nhất qua bàn thằng mở tỉ số của Liverpool, Greenwood lao lên áp sát Van Dijk và hậu vệ người Hà Lan lập tức chuyền qua cho Andy Robertson, ngay lập tức Aaron Wan-Bissaka dâng lên hỗ trợ Greenwood áp sát Robertson. Chính vì Aaron Wan-Bissaka lao lên quá xa như vậy đã khiến toàn bộ hàng hậu vệ của Manchester United cũng phải di chuyển lệch hẳn sang một bên để lấp vào khoảng trống mà Wan-Bissaka để lại.
Và điều tương tự cũng xảy ra ở bàn thua tiếp theo của đội chủ sân Old Trafford, hàng hậu vệ của Manchester United tiếp tục bị kéo lệch về một bên trong khi Fred và Scott McTominay luôn ở trong thế 1 đấu 2. Thêm vào đó là sự vụng về của cả Luke Shaw và Harry Maguire trong tình huống treo bóng không có gì là nguy hiểm của Robertson và nó đã giúp cho Trent Alexander-Arnold có đường căng ngang chuẩn xác để Diogo Jota đệm bóng ghi bàn nhân đôi cách biệt.
Ở bàn thắng thứ ba của Liverpool thì mọi chuyện còn diễn ra khôi hài hơn, cả bốn người trong hàng hậu vệ của Manchester United đều dồn lại thành một khối (có cả McTominay và Greenwood cùng tham gia) và bỏ mặc hai bên cánh trống trải, không một ai nhận ra sự có mặt của Keita đang lẳng lặng băng xuống ở biên trái.
Không hiểu vì lý do gì trong trận đấu này Luke Shaw rất thích đá dẫm chân vào vị trí của đồng đội mình. Bàn thắng thứ tư của Liverpool lại càng cho thấy rõ điều đó, Luke Shaw tái diễn lại tình huống bỏ cánh như bàn thua thứ hai và tạo điều kiện cho Jota kiến tạo để Salah có được bàn thắng thứ hai cho riêng mình. Và thêm một điều buồn cười nữa là dù Bruno và Rashford có tham gia phòng ngự nhưng cả hai cầu thủ này lại kiểu... như người dưng nước lã và đứng nhìn Salah dứt điểm ghi bàn.
Vào hiệp hai, Ole tung Paul Pogba vào sân thay cho Greenwood với mục đích cải thiện tuyến tiền vệ. Nhưng hiệu quả chưa thấy đâu thì chính Pogba là người đã làm mất bóng ở khu vực giữa sân, tạo điều kiện cho Henderson thực hiện một cú vẩy bóng điệu nghệ kiến tạo cho Salah ghi bàn để hoàn thành cú hat-trick của mình trong trận đấu này, qua đó trở thành cầu thủ đầu tiên ghi được một cú hat-trick ngay tại Old Trafford trong khuôn khổ Premier League.
Không những không để lại bất cứ dấu ấn nào trên sân, Pogba còn để lại một hình ảnh rất xấu khi anh có một pha vào bóng thô bạo với Naby Keita và bị trọng tài Anthony Taylor truất quyền thi đấu.
Tựu chung, trận đấu này Manchester United không chỉ thua Liverpool về trình độ và chiến thuật mà còn cả sự nhiệt tình. Cứ nhìn cái cách Wan-Bissaka đi bộ lững thững và để mặc cho James Milner thoải mái xâm nhập vào vòng cấm ở bàn thua thứ hai của Manchester United là đủ để nói lên tất cả.
Nếu các Manucian có muốn trách ai ở trận đấu này thì đừng nên chỉ đổ lên đầu mỗi Harry Maguire, vì nói thật sau khi tôi chụp từng bức hình ra và phân tích từng tình huống thì tất cả các cầu thủ của Manchester United đều thi đấu dưới sức mình, kể cả Ronaldo.
Còn về phần Ole Gunnar Solskjaer thì có lẽ ông chắc không còn có thể giữ được chiếc ghế huấn luyện viên của mình. Tuy vậy, dù có sa thải Ole thì cũng chưa chắc giải quyết được vấn đề khi tư duy chơi bóng của các cầu thủ Manchester United trong trận đấu vừa qua thật sự rất có vấn đề.
Một số thông tin bên lề:
*Đây là lần đầu tiên Manchester United thua với một tỉ số cách biệt như vậy trong xuyên suốt lịch sử thi đấu của họ tại vòng thi đấu thứ 9, lần cuối họ thua với tỉ số cách biệt như vậy vào vòng 9 là vào tháng 10 năm 1985 khi họ cũng thua chính Liverpool tại Anfield với tỉ số 7-1. Đây cũng là trận thua đậm nhất trên sân nhà của họ trong xuyên suốt lịch sử thi đấu tại vòng thi đấu thứ 9 của mình.
*Liverpool là đội thứ hai trong nhóm đại gia của bóng đá Anh có được hai chiến thắng liên tiếp với cách biệt 5 bàn trở lên mà không để lọt lưới bàn nào, đội làm được điều này là Manchester United ở giai đoạn tháng 2 và 3 năm 1960.
*Đây là lần đầu tiên Manchester United thua với cách biệt 5 bàn trở lên ngay tại Old Trafford mà không ghi được bàn nào, kể từ lần cuối cùng họ thua Manchester City cũng với tỉ số 5-0 ngay tại sân nhà vào tháng 2 năm 1955 (lúc đó Matt Busby là huấn luyện viên trưởng đội Manchester United).
Bài phân tích được thực hiện bởi Lambdadelta Umineko
Ngày 26 tháng 10 năm 2021
Thể thao
/the-thao
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất