A.Tại sao Việt Nam có Sài Gòn ?
Từ thuở sơ khai, dân tộc Kinh chỉ sống tập trung tại các khu vực  như Thanh Hóa, Nghệ An hay đồng bằng sông Hồng. Nhưng theo thời gian, dân cư ngày càng tăng lên thì những khu vực ấy sẽ phát sinh ra chuyện “Đất chật người đông”, là nguyên do chính khiến cho các vua chúa trong hầu hết  các triều đại phong kiến Việt Nam đều phải xem xét kỹ lưỡng. Để giải quyết tình trạng đó, họ quyết định thực hiện công cuộc Nam tiến xuống đến phần còn lại của Việt Nam bây giờ. Sài Gòn chính là kết quả của công cuộc vĩ đại ấy của dân tộc. Sài Gòn được một con sông bao quanh cộng thêm là hệ thống kênh rạch chằng chịt đã giúp cho thành phố này có cơ hội phát triển toàn diện. Nhưng ít người biết qua về quá khứ đằng sau lưng của vùng đất này.   
B. Lịch sử Sài Gòn (xa xưa-1976)
1.Xa xưa-1698
     Trong lịch sử đã từng xuất hiện một quốc gia cổ tên là Phù Nam, là một đế quốc trong khu vực Đông Nam Á trước cả Xiêm La hay Miến Điện. Quốc gia ấy trải dài từ Thái Lan đến dải đất miền Trung Việt Nam ngày nay bao gồm cả miền Đông lẫn Tây Nam Bộ. Theo dòng lịch sử xoay chuyển thì Phù Nam đã chịu sự cai trị của một vương quốc mới nổi khác là Chân Lạp.
Chân Lạp ( Campuchia) trải dài một phần lãnh thổ khá lớn tại Đông Nam Á
Chân Lạp ( Campuchia) trải dài một phần lãnh thổ khá lớn tại Đông Nam Á
Thuở ấy, phía Nam Việt Nam chịu sự quản lý của nhà nước Chân Lạp. Theo học giả Vương Hồng Sển thì Thủy Chân Lạp ( tên gọi cho phía Nam Việt Nam thời xa xưa) rộng lớn, phì nhiêu màu mỡ, được bồi đắp phù sa hằng năm từ con sông Mekong rộng lớn. Nhưng dân cư lại thưa thớt, các bộ tộc người Miên sống rải rác, độc lập với nhau và với cả chính quyền Chân Lạp. Vùng đất Sài Gòn lúc bấy giờ vẫn còn cây cối um tùm bao quanh, ao tù nước đọng còn nhiều, thú hoang như cọp, beo, rắn, voi xuất hiện thường xuyên.
1620: Công chúa Ngọc Vạn, con gái chúa Nguyễn Phúc Sãi kết hôn với vua nước Chân Lạp. Quan hệ giữa hai nước trở nên gắn kết, hữu nghị hơn.
1623: Chúa Nguyễn từng yêu cầu vua Chân Lạp cho lập hai đồn thu thuế quanh vùng đất Sài Gòn.
(Theo tiến trình Nam tiến, dân Việt từ miền Bắc, Trung vào Nam ngày càng nhiều, khai khẩn đất hoang, lặp ấp mở cõi, xây cất nhà cửa.)
1680: Một nhóm người Hoa lãnh đạo bởi nhóm tướng lãnh “Phản Thanh phục Minh" không thuần phục thiên triều mới bên Trung Hoa rời bỏ sang Đàng Trong xin chúa Nguyễn cho nơi tỵ nạn. Được chúa Sãi phái vào vùng Đồng Nai, Mỹ Tho vì bản chất những vùng đất ấy còn hoang vắng, xa xôi.
1623<>1698: Xảy ra rất nhiều mâu thuẫn tranh giành ngôi vương trong nội bộ nước Chân Lạp. Từng phải cầu xin Xiêm La (Thái Lan) lẫn các chúa Nguyễn vào can thiệp. 
1698: Chúa Nguyễn Phúc Chu phái công thần Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lý vùng đất phía Nam. Ông vào lập ra cơ sở hành chính, hoạch định xóm lành, xã huyện, chiêu mộ dân lưu tán vào khai khẩn lập ấp.
Tiểu kết: Vùng đất Sài Gòn từng phải đổi chủ khá nhiều lần trước khi về tay người Việt. Dù chỉ mới thực sự thuộc về lãnh thổ Việt Nam trong khoảng hơn 300 năm nhưng sự đa dạng về sắc tộc đã phôi pha phát triển.
2.  1698- 1859                                                        1778: Nguyễn Nhạc cho phá khu phố Tàu ở Cù Lao Phố ( Biên Hòa) vì cho rằng người Hoa đã hỗ trợ Nguyễn Ánh chống nhà Tây Sơn. Họ đã xuôi theo con sông Tân Bình, lấy vùng đất nay gọi là Chợ lớn xây dựng lại.  
1782: Khu người Hoa ở vùng Gia Định bị đốt phá bởi quân Tây Sơn. Sau này, người Tàu gọi vùng Chợ lớn là Đề Ngạn phiên âm tiếng Quảng “ Thầy-ngồn”         
Vua Gia Long ( Nguyễn Ánh)
Vua Gia Long ( Nguyễn Ánh)
Lúc Nguyễn Ánh còn đang dốc sức đánh nhà Tây Sơn thì Gia Định ( Sài Gòn) trở thành hậu cứ vững chắc cho ông.
 1790: Khi Nguyễn Ánh đã làm chủ cả vùng đất phía Nam, với sự cố vấn và giúp đỡ từ linh mục Bá Đa Lộc và hai kỹ sư người Pháp khác cộng với một người Việt, ông đã cho xây nên thành Bát quái theo phong cách Vauban.
1801: Sau khi thâu lại Phú Xuân ( Huế) ông cho dời kinh đô ra Huế.
1845: Sau cuộc khởi nghĩa Lê Văn Duyệt thất bại, vua Minh Mạng cho phá nát thành Bát quái vì Duyệt đã dùng thành làm căn cứ địa chống lại ông.
Tiểu kết: Sài Gòn trong giai đoạn cuối TK18 đã chứng kiến rất người đến và đi.
3. Dưới thời Pháp thuộc, tới trước 1945
1859: Nhận thấy bị cầm chân lâu dài sẽ mang đến thiệt hại về nhân của nếu liên quân Pháp-Tây Ban Nha tiếp tục đánh chiếm Đà Nẵng. Nên tướng Genouilly quyết định ⅔ số quân xuống đánh Gia Định.
Ông chọn Gia Định bởi vì địa thế nằm trên một con sông lại thêm hệ thống kênh rạch chằng chịt, thuận lợi cho việc sử dụng hải quân. Và vì Gia Định nói riêng và toàn miền Nam nói chung là vựa lúa cả nước, nếu chặn lại được sẽ có thể gây áp lực  cho triều đình nhà Nguyễn.
1861: Sau chiếm xong thành Gia Định, người Pháp gấp rút xây dựng, quy hoạch thành phố này trở thành một trung tâm về kinh tế, hành chính, quân sự,..
1865:  Thống đốc Nam kỳ quy định lại địa giới thành phố Sài Gòn chỉ với 3km^2, lập thêm thành phố Chợ lớn.                                                         1885: Sài Gòn trở thành thủ đô của liên bang Đông Dương.
1902: Thủ đô của liên bang Đông Dương được đổi sang Hà Nội.
1931: Tổng thống Pháp ký sắc lệnh hợp nhất hai thành phố lại thành Sài Gòn-Chợ lớn
Phía đối diện nhà hát thành phố
Phía đối diện nhà hát thành phố
Nhờ vào ưu thế địa lý nên người Pháp đã rất đầu tư vào Sài Gòn. Họ cho xây dựng rất nhiều cơ sở hành chính, cảng biển,  trường học, bưu điện,... Họ quy hoạch Sài Gòn theo mô hình các thành phố  kiểu mẫu bên châu Âu.
Nhưng theo nhiều nhà sử học trong đó có cụ Vương Hồng Sển từng nhận định rằng sự phát triển đô thị sầm uất đó chỉ tập trung quanh khu vực quận 1 hiện nay. Những khu vực xung quanh hay lân cận thì vẫn nhà ngói, đường đất, ao sình nước đọng. Không được quy hoạch một cách chuẩn mực, đúng cách.
Tiểu kết: Sau khi được người Pháp đầu tư tiền của thì Sài Gòn đã vươn lên trở thành một đô thị sầm uất, phát triển. Nhưng đó là Sài Gòn 3km^2.
4. 1945-nay
1945: Sài Gòn cũng như những thành phố miền Nam khác là nơi đầu tiên quân Pháp đổ bộ vào nhằm tái chiếm Đông Dương.
1951: Thủ tướng chính phủ Quốc gia Việt Nam cải danh khu Sài Gòn-Chợ lớn thành  Đô thành Sài Gòn-Chợ lớn.
Sau hiệp định Geneve, Sài Gòn là thủ đô của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa.
1956: Sài Gòn lần nữa đổi tên thành Đô thành Sài Gòn.
Là phía cuối đường Đồng Khởi bây giờ dẫn ra bến Bạch Đằng
Là phía cuối đường Đồng Khởi bây giờ dẫn ra bến Bạch Đằng
Trong suốt cả cuộc chiến tranh Việt Nam, Mỹ đã viện trợ rất nhiều cho chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Vì vậy, Sài Gòn cũng như toàn Miền Nam Việt Nam khá là phát triển ở mức độ nào đó.
Sài Gòn là thành phố lớn nhất trong cả Miền Nam Việt Nam. Thế nhưng, số lượng nhà cửa cũng như các dịch vụ an sinh xã hội như y tế, giáo dục gần như là không đủ cho toàn thành phố. 
Số lượng người sống trong khu ổ chuột hay vùng ngoại ô thành  phố gặp hạn chế trong việc tiếp cận y tế, giáo dục, cũng như bưu chính viễn thông. 
Dân cư Sài Gòn tăng lên khá nhiều qua năm tháng. Đặc biệt sau khi hợp nhất lại với thành phố Chợ lớn. Trong những năm cao điểm của cuộc chiến, dân tỵ nạn đổ về Sài Gòn mỗi lúc một đông.
1975: Sài Gòn thất thủ, kết thúc chiến tranh Việt Nam.
1976: Sài Gòn đổi tên thành Thành phố Hồ Chí Minh.
Tiểu kết: Quy mô về diện tích cũng như dân số đã tăng lên đáng kể từ những năm 30, 40 thế kỉ trước. Nhưng Sài Gòn vẫn chưa thể sánh được với Singapore hay Tokyo về mức độ phát triển.
C. Kết
Dù chỉ với hơn ba trăm năm lịch sử nhưng  Sài Gòn đã phát triển khá nhiều. Đã chứng kiến rất nhiều kẻ đi người đến.Người ta hay nói nếu bạn thích nơi yên tĩnh thì đừng về Sài thành bởi nó khó mà hợp gơ với bạn. Bởi Sài Gòn vốn là vậy, vẫn luôn nhộn nhịp, tất bật, hối hả, ồn ào, náo nhiệt. 
Thân tặng Sài Gòn
Từ đứa con sinh ra và lớn lên tại đây