Quyền lực. Tai tiếng. Bí ẩn. Ít cái tên nào gây ra nhiều phản ứng trái chiều tại Mỹ hơn gia đình Rockefeller. Điều đáng nói về gia tộc huyền thoại này không chỉ là về một đế chế kinh doanh hùng mạnh, mà đằng sau khối tài sản khổng lồ của họ là một câu chuyện hấp dẫn về tham vọng, sự đổi mới và ý chí kiên cường để vượt qua mọi nghịch cảnh.
img_0
Nhưng trước khi trở thành biểu tượng của một gia tộc danh giá, họ đã bắt đầu từ đâu? Làm thế nào một cậu bé lớn lên trong cảnh nghèo khó lại có thể xây dựng nên đế chế tài chính kinh doanh khổng lồ góp phần định hình nên lịch sử Hoa Kỳ? Và quan trọng hơn cả, những bài học nào còn đọng lại từ câu chuyện phi thường này?
Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về gia tộc Rockefeller qua bài viết dưới đây:

I. Thời thơ ấu gian truân

John Davison Rockefeller sinh năm 1839 tại một trang trại nhỏ ở Richford, New York. Là con trai thứ 2 trong một gia đình nghèo khó, John sớm hiểu được sự nghiệt ngã của cuộc sống. 
Mẹ Eliza, một người sùng đạo, nghiêm khắc và kỷ luật luôn dạy con mình về đức hy sinh cùng sự tiết kiệm. Từ nhỏ, John đã học cách ghi lại chi tiêu trong cuốn sổ tay nhỏ để quản lý tài chính cẩn thận. 
Ngược lại, người cha William lại nổi tiếng với biệt danh "Devil Bill", dịch ra là Bill Ác Quỷ. Ông thường đi lang thang khắp nơi để bán thứ thuốc thần dược rởm. Vì thế, hành tung của Bill lúc nào cũng bí ẩn và mờ ám. Có khi mất tích nhiều tháng hay cả năm trời. Nhưng thỉnh thoảng lại trở về với vài thùng đồ và tiền mặt. Có những lần tài khoản nợ của ông ở các cửa hàng địa phương đã lên tới 1000 Đô La. Đó là một con số khổng lồ vào thời ấy.
William Avery "Devil Bill" Rockefeller Sr.
William Avery "Devil Bill" Rockefeller Sr.
"Tôi trải qua một quá trình rèn luyện kỳ lạ ở nhà", John D. từng nhớ lại. "Dường như là một sự đào tạo về kinh doanh ngay từ bé." Bill có thói quen giao dịch và cố gắng lừa tiền chính những cậu con trai của mình để tôi luyện cho họ sự nhanh nhạy và sắc sảo. Ông cho các con vay với lãi suất cao, rồi đột ngột đòi nợ và buộc chúng phải tìm cách trả. John không thích những bài học ấy, nhưng ông đã hoàn toàn thấm nhuần chúng. Từ cha, ông học được sự linh hoạt và mưu mẹo trong kinh doanh. Cộng với sự kiên trì từ mẹ, John đã dần hoàn thiện tố chất của một thương gia trẻ tiềm năng.
Năm 1849, thế giới sụp đổ đối với gia đình Rockefeller. Bill bị buộc tội cưỡng hiếp một người hầu gái. Thay vì đối mặt với các cáo buộc, ông đã bỏ trốn, để lại gia đình một mình đối mặt với vụ bê bối. Đó là khoảnh khắc vô cùng xấu hổ và tạo nên một vết thương lòng đối với John, lúc đó mới 10 tuổi. Có lẽ chính từ thời điểm này, ông bắt đầu tìm đến niềm an ủi ở nhà thờ Baptist địa phương.
Mỗi Chủ nhật, khi đĩa quyên góp được chuyền tay, mẹ John luôn thúc giục con bỏ vào vài đồng xu ít ỏi. Ông bắt dần liên tưởng nhà thờ với hoạt động từ thiện. Một mục sư từng khuyên John kiếm thật nhiều tiền, để rồi lại cho đi càng nhiều càng tốt. John hồi tưởng lại thì chính ngay khoảnh khắc ấy, "kế hoạch tài chính của cuộc đời tôi đã được định hình". 
Vài năm sau, vụ việc của Bill Ác Quỷ không thể kết luận do thiếu bằng chứng. Ông trở về và mang cả gia đình chuyển đến Cleveland. Những tưởng chuyến di cư này là để hướng đến một cuộc sống tươi đẹp hơn. Nhưng sự thật không như là mơ. John phát hiện ra cha mình đã lấy vợ hai dưới một cái tên giả. Và việc chuyển đến Cleveland là nhằm mục đích che đậy và tiếp tục cuộc sống hai mặt của Bill. Rồi ông lại biến mất, để mặc 5 mẹ con nơi thành phố xa lạ. Eliza một mình vật lộn mưu sinh, còn John phải bỏ học để phụ giúp kinh tế gia đình. Năm 1855, cậu thiếu niên 16 tuổi nhanh chóng xin được việc thư ký kế toán cho công ty môi giới nông sản tại Cleverland có tên Hewitt & Tuttle với mức lương 50 xu mỗi ngày. Và đó là bước khởi đầu cho sự nghiệp vĩ đại của John D. Rockefeller.
Tinh thần làm việc mẫn cán ngay lập tức tạo nên dấu ấn của chàng trai trẻ. Ông luôn xem xét chi tiết từng tờ hóa đơn và chỉ ra những sai lầm dù chỉ vài xu. Sự cẩn trọng và cần mẫn ấy thực sự tạo ra điều khác biệt. Chẳng bao lâu John đã rèn luyện cho mình một óc quan sát sắc bén trong công việc.
Song song với đó, John vẫn ghi lại cẩn thận mọi khoản thu chi cá nhân vào sổ sách, từ những khoản nhỏ nhất. Trong mắt cậu, con số là thứ linh thiêng. Cuốn sổ kế toán dần trở thành thứ "lương tâm thứ hai" chi phối mọi hoạt động hằng ngày.
Chỉ sau vài năm làm thuê với thu nhập khiêm tốn, John D. đã dành dụm được một khoản tiền tiết kiệm. Cộng thêm 1000 đô la vay từ người cha Bill, đương nhiên là đi kèm với lãi suất, John Rockefeller quyết tâm rũ bỏ quá khứ nghèo khó và bắt đầu công việc kinh doanh của riêng mình.  Trải nghiệm đầu tiên của ông diễn ra với việc mua bán thịt và ngũ cốc vào năm 18 tuổi. Ít lâu sau, một cơ hội đổi đời đã xuất hiện. 

II. Kỷ nguyên Standard Oil

Thời điểm ấy, cơn sốt dầu mỏ đang bùng nổ tại Pennsylvania. Năm 1859, người ta đã khoan được giếng dầu thương mại đầu tiên tại Titusville, thổi bùng ngọn lửa trong ngành công nghiệp non trẻ này. Hàng nghìn thợ mỏ tràn về "mỏ vàng đen" với hy vọng đổi đời.
Nhưng John Rockefeller lại có cách tiếp cận khác biệt. Thay vì đầu tư mạo hiểm vào việc khoan dầu, John nhận ra cơ hội lớn hơn nằm ở khâu lọc dầu và phân phối sản phẩm. Năm 1863, ông góp vốn cùng Maurice B. Clark thành lập công ty tinh chế dầu đầu tiên ở Cleveland nằm cạnh đường ray xe lửa nối trực tiếp tới mỏ dầu. Chi phí vận chuyển thấp cùng năng lực phân phối tối ưu giúp công ty thu lời lớn từ sản phẩm dầu hỏa.
John D. đã đặt cược cả cuộc đời mình vào ngành công nghiệp non trẻ này. Ông vay hàng chục ngàn đô la, một con số tương đương hàng triệu đô ngày nay để tiếp tục tái đầu tư. Nhưng John có một tầm nhìn mạnh mẽ, một niềm tin sâu sắc rằng đây chính là định mệnh của ông và của cả nước Mỹ. Ông tin rằng đất nước non trẻ này, cũng giống như ông sẽ cưỡi trên làn sóng dầu mỏ để đạt tới sự vĩ đại.
Song song với hoạt động kinh doanh, John D. cũng không ngừng bồi đắp đức tin và hoạt động thiện nguyện của mình. Từ khi còn là một nhân viên văn phòng không mấy dư dả, ông đã trả tiền để trả tự do cho một nô lệ và tặng cho một trại trẻ mồ côi Công giáo. Khi trở nên giàu có, số tiền quyên góp của ông ngày càng hào phóng hơn, đặc biệt là cho nhà thờ ở Cleveland. 
Trở lại với công việc kinh doanh, năm 1865, trong khi Clark muốn dừng lại, John Rockefeller quyết định mở rộng đầu tư. Ông mua lại phần của Clark trong công ty, rồi kêu gọi thêm vốn từ người em trai William và một vài thành viên gia đình khác. Chẳng bao lâu, công ty đã phát triển với tốc độ chóng mặt với sản lượng và lợi nhuận gấp 4 lần so với trước. Năm 1870, John D. đã sẵn sàng cho một thương vụ lớn hơn: sáp nhập 5 nhà máy lọc dầu khác để hình thành Standard Oil. Đây được xem như hạt giống đầu tiên tạo nên đế chế Rockefeller sau này.
img_1
Standard Oil không chỉ là một công ty dầu mỏ. Đó là một cuộc cách mạng trong cách vận hành doanh nghiệp. Rockefeller đã áp dụng những phương pháp quản lý tiên tiến chưa từng có trong thời đại của ông. Từ việc tối ưu hóa quy trình sản xuất, kiểm soát chặt chẽ chi phí đến việc xây dựng hệ thống phân phối, mọi khía cạnh đều được tính toán một cách tỉ mỉ.
Nhưng quan trọng hơn cả với John D. Rockefeller chính là việc loại bỏ các đối thủ cạnh tranh. Mọi quyết định ông làm đều luôn hướng đến sự kiểm soát tuyệt đối để hoàn toàn khống chế và chi phối thị trường. 
Ban đầu, John D. hợp tác với các đối thủ và chia sẻ lợi nhuận để họ cùng theo cái gọi là chuẩn mực của Standard Oil. Nhưng sau đó, ông dần tìm cách triệt hạ những công ty này bằng mọi giá. Có lúc ông để họ "chảy máu" bằng một cuộc chiến giá không hồi kết. Lúc khác, ông vung tiền mua lại các công ty. 
Trong nỗ lực ngăn chặn âm mưu này, nhiều người đã từ chối bán dầu thô cho Rockefeller và các cộng sự của ông. Trước sức kháng cự mạnh mẽ, John D. không ngần ngại áp dụng mọi chiến thuật để đánh gục đối thủ. Ông đã phát triển mạng lưới vận tải ưu việt với sự hợp tác chiến lược của các công ty đường sắt để đảm bảo quyền phân phối độc quyền. Từ năm 1870, Standard Oil đã bí mật thỏa thuận với 3 công ty đường sắt lớn nhất khu vực để có mức phí vận chuyển thấp hơn 50% so với các đối thủ. Động thái này lập tức tạo ra sức ép nghiền nát lên hàng loạt công ty không tuân theo, buộc họ phải chọn giữa sáp nhập hoặc diệt vong.
Ngoài lựa chọn này, đôi khi John D. còn cắt nguồn cung hóa chất xử lý dầu khiến các đối thủ không có nguyên liệu sản xuất. Lúc khác, ông lại chi tiền mua sạch thùng chứa trên thị trường để họ không thể bảo quản và vận chuyển hàng hóa được. Thậm chí cả xe bồn chuyên dụng cũng bị John D. kiểm soát rất chặt chẽ, từ đó gây khó khăn tối đa cho bất kỳ công ty nào ngoài Standard Oil
Những biện pháp mạnh tay nhanh chóng có hiệu quả. Chỉ trong vòng ít tháng, Standard Oil đã thâu tóm 22 trong tổng số 26 nhà máy lọc dầu ở Cleveland. 
Đếm năm 1879, ở tuổi 40, John D. Rockefeller đã nắm trong tay 90% hoạt động lọc dầu thế giới. Dễ hiểu vì sao tập đoàn Standard Oil có ảnh hưởng to lớn về mặt địa chính trị.
Tuy nhiên, sự độc quyền quá mức cũng đã dẫn đến vô số những chỉ trích dành cho Standard Oil. Dư luận bắt đầu gọi Rockefeller với các danh từ không mấy hay ho như kẻ cướp hay tay trùm độc tài. 
Các phiên điều trần, điều tra và kiện tụng bắt đầu thách thức đế chế Standard Oil. John D. được triệu tập để làm chứng tại một diễn đàn này đến diễn đàn khác. 
Năm 1897, John D. Rockefeller nghỉ hưu tại Standard Oil và, chỉ còn giữ chức chủ tịch trên danh nghĩa. Không có thông báo công khai nào được đưa ra. Tuy nhiên, những rắc rối pháp lý và tranh cãi đạo đức xung quanh đế chế độc quyền này vẫn chưa kết thúc.
Đặc biệt, năm 1901, nhà báo Ida Tarbell của tạp chí McClure đã quyết tâm vén màn bí ẩn về vị doanh nhân quyền lực nhất nước Mỹ này. Với tài năng tìm kiếm và phân tích của mình, từng kỳ điều tra của Tarbell đã gây chấn động dư luận. Bà vạch trần hàng loạt vụ việc mờ ám, từ việc độc quyền với các tuyến đường sắt, hối lộ đến thôn tính đối thủ. Tiết lộ của Tarbell đã khiến độc giả phẫn nộ và thúc đẩy sự vào cuộc của chính phủ.
Thậm chí Tổng thống Theodore Roosevelt cũng công khai chỉ trích Rockefeller là kẻ vi phạm pháp luật. Nhà văn Lev Tolstoy tuyên bố không người trung thực nào nên làm việc với ông ta. Dư luận gọi Rockefeller là kẻ cướp. Thậm chí ông còn nhận phải nhận hàng loạt thư đe dọa và lăng mạ.
Nhưng có lẽ đòn chí mạng nhất lại đến từ việc Tarbell phanh phui cha của Rockefeller - Bill Ác Quỷ là một kẻ đa thê, buôn hàng giả và bị cáo buộc hiếp dâm. Rockefeller vẫn một mực im lặng trước vụ bê bối. Đây là điều mà ông đã học từ sự kiên nhẫn của mẹ mình trong quá khứ.
Năm 1911, sau một loạt các cuộc điều tra và phiên điều trần, chính phủ liên bang đã công bố các bản cáo trạng chống độc quyền toàn diện đối với Standard Oil. Theo đó, họ buộc đế chế này phải tái cơ cấu và tách thành hơn 30 công ty nhỏ để tránh vi phạm luật
Những tưởng điều này sẽ khiến Standard Oil suy yếu. Nhưng lịch sử đã cho thấy điều ngược lại. Sau khi tách rời, các công ty Standard Oil riêng lẻ có giá trị hơn một tập đoàn duy nhất. Trong vài năm tiếp theo, giá trị cổ phiếu của họ tăng gấp đôi và gấp ba. Cuối cùng, Rockefeller đã có khối tài sản cá nhân lớn nhất trong lịch sử, gần hai phần trăm nền kinh tế Hoa Kỳ. Thực sự việc thua vụ kiện chống độc quyền đã biến John D. Rockefeller thành tỷ phú USD đầu tiên trong lịch sử. 
Chuỗi may mắn của ông vẫn chưa kết thúc. Ngay khi bóng đèn điện đe dọa xóa sổ nhu cầu về dầu, ô tô đã xuất hiện. Sự cất cánh của nền công nghiệp xe hơi bất ngờ giúp sản phẩm xăng dầu lập tức trở thành "vua" mới trên thị trường năng lượng. Sự phát triển như vũ bão này được cho là đã hỗ trợ cho Standard Oil và các công ty con hồi sinh mạnh mẽ. Và con trai của John D. Rockefeller là một trong số những người hưởng lợi. 

III. Người kế vị

John D. Rockefeller, Jr, còn được gọi là "Junior" để phân biệt với người cha vĩ đại của mình, là người thừa kế duy nhất sản nghiệp khổng lồ của gia đình Rockefeller. Sinh năm 1874, Junior có một tuổi thơ nghiêm khắc và tuân thủ theo đúng tôn chỉ của cha mẹ.
Từ nhỏ, Junior đã được dạy cách tiết kiệm chi tiêu, ghi chép mọi thu nhập và làm từ thiện. Ông lớn lên trong những kỳ vọng và phải  gánh trên vai một gánh nặng lớn khi là người con trai và người thừa kế duy nhất. Sức ép lớn đến mức làm Junior bị suy nhược thần kinh hai lần ngay trước năm 18 tuổi.
img_2
Junior vào Đại học Brown vào tháng 9 năm 1893. Ông vẫn ghi chép mọi khoản chi tiêu của mình vào sổ cái và sống một cuộc đời giản dị so với gia sản khổng lồ mà gia đình mình có. Dẫu vậy, nhờ cuộc sống tự lập ở đại học mà lần đầu tiên trong cuộc đời, Junior mạnh dạn làm những điều từng cấm kỵ như đi xem kịch, tham gia các trò tiêu khiển hay hút thuốc lá. Đặc biệt, đây cũng là lúc ông gặp gỡ vợ tương lai của mình là Abby Aldrich, cô gái xinh đẹp đến từ một gia đình quyền quý ở Rhode Island.
Năm 1897, sau khi tốt nghiệp, Junior chính thức gia nhập Standard Oil với khát vọng được sát cánh bên người cha vĩ đại. Nhưng mọi chuyện không suôn sẻ như kỳ vọng. Thay vì được giao nhiệm vụ cụ thể, Junior thấy mình lạc lõng giữa một văn phòng xa lạ. Một chiếc bàn trống, vài việc vụn vặt, không định hướng rõ ràng. Quyết tâm chứng tỏ bản thân, Junior liều lĩnh nhảy vào thị trường chứng khoán. Nhưng rồi bi kịch ập đến. Lời khuyên thiếu thực tế từ một nhà đầu cơ mờ ám khiến anh đánh mất 1 triệu đô la của gia đình. Một sai lầm đắt giá cho người kế vị
Dần dần, dù đảm nhiệm những vai trò quan trọng của đế chế nhưng Junior nhận ra mình khác biệt hoàn toàn so với hình mẫu lý tưởng trong mắt cha. Ông không có gen của một nhà tư bản lão luyện, cũng chẳng mấy hứng thú với mưu đồ thâu tóm kiểm soát thị trường. Thay vào đó, Junior đồng cảm với nhiều đối thủ và sẵn sàng cho họ lối thoát về tài chính. 
Đầu những năm 1910, khi Standard Oil buộc phải tái cơ cấu và ngày một phát triển, Junior đã tranh thủ cơ hội để thoát ly vai trò lãnh đạo. Ông chuyển hướng tập trung vào đam mê thực sự của mình. Đó là làm từ thiện và duy trì di sản gia đình. 
Từ năm 1913, Junior cùng cha mình đồng sáng lập Quỹ Rockefeller với khoản tài trợ ban đầu là 100 triệu USD. Mục tiêu đầy tham vọng của quỹ là "thúc đẩy phúc lợi của nhân loại trên toàn thế giới". Và nó đã thật sự trở thành một trong những quỹ từ thiện lớn nhất lịch sử, đưa tên tuổi nhà Rockefeller trở thành biểu tượng của việc làm giàu để từ thiện.
Khi cơn thịnh nộ về Standard Oil lắng xuống và các hoạt động từ thiện được triển khai, Junior quyết tâm xóa bỏ vết nhơ dường như tồn tại xung quanh sự giàu có của gia tộc Rockefeller. Nhưng hy vọng cứu vãn danh tiếng gia đình của ông lại có nguy cơ tan vỡ.
Ngày 20/4/1914, những viên đạn xé toạc bầu trời yên bình của Ludlow, Colorado. Vệ binh Quốc gia nổ súng vào khu lều trại, nơi các gia đình công nhân đang đình công tại mỏ than thuộc sở hữu của gia tộc Rockefeller. Trong cuộc đụng độ ác liệt suốt 14 tiếng đồng hồ, ít nhất 21 người đã thiệt mạng, trong đó có 2 phụ nữ và 11 trẻ em. Sự kiện này đi vào lịch sử với cái tên tang thương - Vụ thảm sát Ludlow.
Đứng giữa bão chỉ trích là John D. Rockefeller Jr., Lần đầu tiên toàn bộ sức nặng của dư luận đổ dồn trực tiếp lên vai Junior. Ông không chỉ bị quy trách nhiệm cho thảm kịch Ludlow, mà còn gánh chịu sự khinh bỉ của toàn nước Mỹ trước những mánh khóe độc quyền tàn bạo mà cha mình từng sử dụng. Áp lực nặng nề đến mức Junior không khỏi lo lắng cho tương lai mờ mịt của dòng họ.
Nhưng cũng từ đống tro tàn ấy, Junior đã quyết tâm biến thảm kịch thành bước ngoặt lịch sử. Ông đích thân đến Ludlow để đối thoại và lắng nghe những người công nhân và gia đình họ. Sự thấu cảm và ý chí cải cách của Junior đã dẫn tới một loạt thay đổi tích cực trong chính sách lao động, qua đó từng bước cải thiện đời sống người thợ mỏ.
Quan trọng hơn, Ludlow là khởi đầu cho sứ mệnh gột rửa danh tiếng nhà Rockefeller, một nhiệm vụ tưởng chừng bất khả thi. Như nhà viết tiểu sử Ron Chernow từng nhận xét: "Nếu bạn nói với bất kỳ ai ở Mỹ rằng một ngày kia, Rockefeller sẽ đồng nghĩa với những việc tốt đẹp thay vì lòng tham, họ sẽ không bao giờ tin. Junior đã tự hy sinh để cứu vãn danh tiếng gia tộc."
Trải qua nhiều thập kỷ, Junior đã biến mình thành biểu tượng của thiện nguyện và trách nhiệm xã hội. Ông không chỉ cải tổ doanh nghiệp, mà còn đóng góp hàng triệu Đô La cho y tế, giáo dục và nghệ thuật. Từ tai tiếng của Standard Oil, một hình mẫu doanh nhân nhân văn đã được định hình.

IV. Thế hệ thứ ba

Năm 1937, John D. Rockefeller qua đời ở tuổi 97 tại biệt thự ở Florida. Tang lễ của ông được tổ chức trọng thể tại tư gia Pocantico Hills. Tất cả các hoạt động của đế chế Standard Oil trên toàn cầu đều tạm dừng 5 phút để tưởng nhớ người đã khai sinh ra nó.
Sự ra đi của John D. Rockefeller cũng mở màn cho một chương hoàn toàn mới của gia tộc Rockefeller với thế hệ các cháu nối nghiệp. Từ những năm 1930, gia tộc Rockefeller dường như đã rũ bỏ hoàn toàn hình ảnh thị phi và gây tranh cãi năm nào. Các thế hệ sau của dòng họ hầu hết đều tập trung vào các hoạt động xã hội, nghệ thuật và từ thiện. 
Nhưng Nelson Aldrich Rockefeller, con trai thứ hai của Junior lại có định hướng khác. Sinh năm 1908, Nelson thừa hưởng nhiều nét tính cách của ông nội, từ tài năng lãnh đạo đến tham vọng chính trị. Dù trải qua nhiều biến cố, Nelson cuối cùng cũng trở thành thống đốc bang New York và Phó Tổng thống Mỹ.
img_3
Dẫu vậy, cảm giác tiếc nuối lại chiếm phần đa nếu nhìn lại sự nghiệp chính trị của Nelson. Thực tế, ông đã nắm giữ cơ hội vàng để đại diện cho Đảng Cộng Hòa ra tranh cử Tổng thống. Nhưng cuộc ly hôn với người vợ đã chung sống với nhau 30 năm cộng thêm việc tái hôn trong giai đoạn tranh cử nhạy cảm đã khiến Nelson đánh mất đi toàn bộ lợi thế. 
Sự đổ vỡ trong chiến dịch trở thành tổng thống của Nelson đã khiến gia tộc Rockefeller không thể vươn được đến nấc thang quyền lực đỉnh cao của xã hội Mỹ, điều mà Donald Trump - một người cũng có xuất thân tài phiệt lại làm được ở thế kỷ thứ 21.
Trong khi đó, những người con khác của John D. Rockefeller Jr. cũng để lại dấu ấn đậm nét trong nhiều ngành nghề lĩnh vực khác nhau. Abigail và John D., III nổi tiếng với các hoạt động từ thiện. Laurance là người đi đầu trong lĩnh vực bảo tồn.  David giữ vai trò Chủ tịch Ngân hàng Chase Manhattan. Winthrop cũng đã trở thành một nhân vật của công chúng. Năm 1966, ông được bầu làm thống đốc Arkansas.
Tuy nhiên, chính sau này các anh em trong gia đình Rockefeller đã xảy ra một cuộc đấu đá quyết liệt. Nelson Rockefeller sau thời gian làm chính trị muốn trở về và nắm quyền điều hành gia đình Rockefeller như điều mà ông đã từng đảm nhiệm trước đó. Nhưng anh trai John III đã đứng lên giành lại vị trí trong triều đại của mình. 
Xung đột đẩy lên cao trào khi những đứa cháu tiết lộ cho giới truyền thông về nội bộ bất ổn của gia đình. Nhiều diễn biến của cuộc đấu đà này sau đó bị công khai trong một cuốn sách được phát hành vào năm 1976. Cuốn sách mô tả gia đình Rockefeller là một gia đình "có đầy đủ mọi thứ trừ cảm xúc". 
Nelson là người tức giận nhất trước sự rò rỉ thông tin nội bộ. Ông gọi những đứa cháu là "bất trung, vô ơn và vô trách nhiệm". Trừ một vài trường hợp ngoại lệ, chúng không thể được tin tưởng giao phó các tổ chức của gia đình.
Mối bất hòa này dẫu sao cũng dần dịu đi và được giải quyết giữa những người cháu. Nhưng John III và Nelson không bao giờ có cơ hội hòa giải. John III qua đời trong một vụ tai nạn xe hơi gần nhà ở Pocantico vào tháng 7 năm 1978. Còn Nelson cũng chỉ sống thêm được 6 tháng sau đó.
Trong thế kỷ 21, gia tộc Rockefeller vẫn là một trong những dòng họ giàu có và quyền lực nhất nước Mỹ. Tuy nhiên, ảnh hưởng của họ đã giảm đi đáng kể so với thời kỳ đỉnh cao vào thế kỷ 20.
Theo Forbes, tổng tài sản của gia tộc Rockefeller ước tính rơi vào khoảng 10 tỷ đô la. Tuy nhiên, khối tài sản khổng lồ này đã được chia nhỏ giữa nhiều thành viên trong gia tộc qua nhiều thế hệ. Ngày nay, không có cá nhân nào trong gia tộc Rockefeller nằm trong danh sách những người giàu nhất nước Mỹ.
Mặc dù vậy, gia tộc Rockefeller vẫn duy trì ảnh hưởng đáng kể thông qua các tổ chức từ thiện và quỹ đầu tư mà họ thành lập, như Quỹ Rockefeller hay Quỹ Anh em Rockefeller. Các tổ chức này tập trung vào các lĩnh vực như y tế, giáo dục, nghiên cứu khoa học và phát triển bền vững.
Về mặt chính trị, một số thành viên của gia tộc Rockefeller vẫn có những hoạt động tích cực. Nổi bật như trường hợp của cựu Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Jay Rockefeller. Tuy nhiên, ảnh hưởng chính trị trực tiếp của gia tộc không còn mạnh như thời hoàng kim.
Ngày nay, người ta còn biết đến gia tộc Rockefeller thông qua sự xuất hiện của những gương mặt tiêu biểu như giáo sư Steven Clark Rockefeller hay đại tiểu thư Ariana Rockefeller. 
Có thể nói mặc dù không còn là một thế lực thống trị như trong quá khứ, gia tộc Rockefeller vẫn là một gia tộc giàu có và có ảnh hưởng trong xã hội Mỹ thông qua các hoạt động từ thiện và đầu tư.

Lời kết

Và đó là lịch sử hình thành và phát triển của gia tộc Rockefeller từ khi chẳng là ai cho đến khi trở thành một trong những tập đoàn hoàn toàn chi phối nền kinh tế của nước Mỹ trong thế kỷ 20. Chỉ trong khoảng hơn nửa thế kỷ, đế chế này đã chiếm một vị trí độc nhất vô nhị, gần như không có đối thủ trong lịch sử. Qua thời gian, gia tộc Rockefeller chính là ví dụ điển hình cho định nghĩa của sự vươn lên và thành công một cách bền vững nhưng cũng không kém phần thị phi và tai tiếng.