Let's eat. Vietnamese food - Cơ bản( Phần 1)
Vị trí địa lý và lịch sử là một trong những yếu tố ảnh hưởng tới văn hóa của một quốc gia. Vậy nên Việt Nam cũng không phải là trường...
Vị trí địa lý và lịch sử là một trong những yếu tố ảnh hưởng tới văn hóa của một quốc gia. Vậy nên Việt Nam cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Để nói về vị trí địa lý thì Việt Nam khởi nguồn từ nhà nước Văn Lang bắt đầu từ khu vực hạ lưu sông Hồng, phát triển mạnh mẽ về nền văn minh lúa nước, nông nghiệp và thủy sản chính vì vậy gạo là một trong những nguyên liệu chính không thể thiếu trong nền ẩm thực của Việt Nam.
Gạo đối với người dân Việt Nam có ý nghĩa cực kì to lớn. Gạo là hạt ngọc trời, trải qua bao quá trình từ hạt thóc, gieo mạ rồi cấy cày, thu hoạch và đem vào cối giã để cho ra được hạt gạo trắng tinh. Không biết đã phải trải qua bao nhiêu công đoạn và lấy đi không ít công sức của người nông dân.
Ở Việt Nam có thể kể ra một vài lễ hội, nghi thức tín ngưỡng của người dân đã trở thành truyền thống, với người Kinh và một số người dân tộc thiểu số như Tày và Nùng, vào đầu năm người ta tổ chức Lễ Tịch Điền ( nhằm cầu cho mùa vụ năm đó được trúng to), Ở trên các vùng Thái Nguyên, Tuyên Quang và một số tỉnh vùng phía Tây Bắc người ta thường tổ chức lễ Lồng Tồng, cầu mưa và cầu mùa, cũng nhằm mục đích mong mọi điều tốt lành trong trồng trọt và gieo cấy. Ở một số vùng dân tộc, sau mỗi vụ mùa thu hoạch người ta cũng có những nghi thức " Cơm mới" ăn mừng sau một mùa vụ vất vả... Nói chung, từng đó ví dụ đã đủ để chúng ta hình dung ra một điều rằng : Ẩm thực Việt Nam có nguồn gốc từ cây lúa.
Việt Nam là thiên đường của gạo, từ những bữa ăn hằng ngày, người Việt Nam thích ăn cơm, cơm là một trong những món được làm từ gạo đơn giản nhất, cho tới những món phức tạp hơn như xôi làm từ gạo nếp và được nấu cách thủy.
Không thể thiếu những món bánh được làm từ bột gạo nếp như bánh chưng, bánh dày, bánh rợm, bánh lẳng( bánh gio hay bánh tro, tùy vào từng vùng có tên gọi riêng).Đối với gạo tẻ, loại gạo có độ dính thấp hơn và dẻo hơn, được dùng phổ biến hơn trong những món ăn thường ngày như bánh cuốn, bánh phở, bánh đa, hay bánh giò, bún... Chỉ tính sơ sơ cũng đã có hằng trăm món được làm từ gạo hay bột gạo... Đủ để thấy nền ẩm thực của Việt Nam đồ sộ như thế nào.
Về Lịch Sử, Việt Nam chịu sự cai trị của người Trung Quốc ở phía Bắc hằng nghìn năm, không thể phủ nhận được những yếu tố văn hóa của Trung Quốc ảnh hưởng tới văn hóa của Việt Nam trong đó có cả ẩm thực, nhưng đừng nên đánh đồng ẩm thực Trung Hoa với ẩm thực Việt Nam. Người Việt Nam tuy áp dụng học hỏi những kĩ thuật nấu của người Trung Quốc như hấp cách thủy, xào, hầm, kho nhưng đã được điều chỉnh và cải biên sao cho phù hợp với người Việt Nam, cụ thể như:
1. Người Việt Nam thích ăn những món luộc.
Khác với người Trung Quốc luôn phải xào và những món ngập tràn dầu mỡ thì người Việt Nam thích ăn những món luộc, một phần là vì trong nhiều giai đoạn lịch sử, Việt Nam bị cai trị và bóc lột bởi người Trung Quốc dẫn tới việc người dân không có nhiều điều kiện để dùng dầu hay mỡ trong nấu ăn. Một phần vì lý do Việt Nam tuy gần với Trung Quốc nhưng phần lãnh thổ cũng đã gần với phía Nam nơi có khí hậu nóng ẩm, việc ăn đồ luộc cũng có thể là một cách để giải nhiệt vào mùa Hè. Không khó để bắt gặp những món canh là sản phẩm của quá trình luộc rau trên mâm cơm của người Việt Nam...
2. Người Việt Nam không ăn quá nhiều dầu mỡ
Cũng giống như Trung Quốc, Việt Nam cũng có những món xào, chiên, rau xào, thịt xào, cá chiên thịt chiên nhưng phần lớn các món xào đều được giảm lượng dầu mỡ ít hơn gấp 3- 4 lần so với những món xào của người Trung Quốc, và để giảm thiểu lượng dầu mỡ người Việt Nam còn rất thích những món rang, thịt rang, tôm rang,... về cơ bản chính là dùng mỡ của chính thực phẩm đó để nấu, giảm thiểu lượng dầu mỡ thừa ở bên ngoài vào món ăn.
3. Người Việt Nam không ăn quá nhiều đường và những hương liệu mạnh.
Có thể nói rằng người Việt Nam ít khi dùng đường trong quá trình nấu ăn, trừ những món chè ngọt hoặc những món kho. Gia vị của người Việt Nam cũng rất đơn giản, chủ yếu là hành, tỏi, gừng, nghệ, tiêu, sả, đối với món phở thì phức tạp hơn một chút nhưng chúng ta sẽ nói về nó ở bài sau. Ngoài ra người Việt cũng rất hay sử dụng nước mắm trong hầu hết các món ăn. Khác với người Trung Quốc thường sử dụng xì dầu ( nước tương).
Đó là những điểm khác biệt chính giữa ẩm thực Việt Nam và ẩm thực Trung Hoa. Nếu so sánh mùi vị của những món ăn Trung Hoa như một cơn sóng biển vỗ mạnh vào vách đá rồi tung những gợn nước lên bờ cát thì những món ăn của Việt Nam sâu thẳm như mặt hồ mùa Thu, phẳng lặng, yên bình, mát mẻ và dịu êm nhưng không kém phần phực tạp và chiều sâu về hương vị.
Ngoài Trung Quốc ở phía Bắc thì nền văn hóa của Thái Lan, Campuchia ở phía Đông Nam cũng là một trong những điểm khiến cho văn hóa ẩm thực của Việt Nam trở nên phong phú. Có thể nói rằng mắm là một trong những yếu tố không thể thiếu khi nói đến ẩm thực của Việt Nam nói riêng và những nước trong khu vực Đông Nam Á nói chung. Việt Nam cũng có nhiều loại mắm ngon mà phổ biến nhất có thể kể tới mắm tôm, mắm tép, tương, và ngoài ra còn có mắm ruốc...
Ngoài ra không ít món ăn của Việt Nam cũng có sự tiếp thu văn hóa từ những nước ở phía Nam, có thể nhận thấy những món ăn có kết hợp vị chua, vị cay và những loại trái cây nhiệt đới như xoài và dứa phần lớn đều có nguồn gốc từ khu vực phía Nam...
Trong giới hạn bài viết này chỉ nêu ra một số kiến thức nền về đặc điểm của ẩm thực Việt Nam và cách thức nhận biết nó so với những nền ẩm thức lân cận. Ở bài viết sau sẽ nói rõ hơn về những vấn đề đó.
Du lịch - Ẩm thực
/an-choi
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất