L’érotisme – Khiêu Dâm Là Khẳng Định Đối Với Sự Sống? (Phần 2)
Theo như ở trên đã nêu, tình dục, cái chết và bạo lực đều là hình thức tiêu thụ tài sản và thành quả được tích trữ, không mang lại...
3. Quà Tặng và Luân Lý:
Theo như ở trên đã nêu, tình dục, cái chết và bạo lực đều là hình thức tiêu thụ tài sản và thành quả được tích trữ, không mang lại cống hiến gì cho thế giới lao động. Như vậy, quà tặng (gift) trong kinh tế đã đóng vai trò như thế nào? Vì sao con người nghĩ quà cho đi là không lấy lại được, nhưng tặng quà lẫn nhau lại là biểu hiện luân lý làm người? Vấn đề quà tặng được đề cập ra từ Marcel Mauss trong cuốn sách cùng tên ‘The Gift’(1925). Mauss đưa ra lập luận cho rằng quà tặng mang tính chất trao đổi trong hình thức kinh tế xã hội và thể hiện ra rằng quà tặng không phải là hình thức cho đi vô điều kiện, mà là một ước nguyện hoặc háo hức cho sự đáp lại ở trong tương lai. Việc con người “cho đi” đồng thời cũng mong được “nhận lại” ở tương lai mới là mục đích của quà tặng nảy sinh hiện tượng trao đổi. Ví dụ như một câu hỏi thú vị: “tình cảm cho đi có lấy lại được không?”, từ đây mà suy luận ra.
Hiển nhiên Bataille cũng phát hiện vấn đề quà tặng và đưa nó vào lập luận triết học của mình. Lặp lại câu nói trên là: quà tặng cho đi là không lấy lại được, có thể thấy được quà tặng thuộc thành quả lao động của người cho đi đến với người nhận với vô điều kiện. Suy ra quà tặng cũng là một hành động mang tính chất tiêu thụ tài sản tích lũy. Cho nên quà tặng không những không thể trao đổi mà một khi đã cho đi là không còn mang ý nghĩa trong kinh tế, là sự dân hiến vô điều kiện cho người đưa đến với người nhận, việc chờ đợi sự đáp trả trong tương lai không hoàn toàn hợp với ý nghĩa của quà tặng.
Lấy một nhân vật được truyền cảm hứng từ Bataille và bàn luận tới vấn đề này là Jacques Derrida, ông đi theo lập luận của Bataille và nhìn nhận quà tặng ở một gốc nhìn rất “giải cấu trúc” (Deconstruction). Derrida cho rằng: quà tặng là một hình thức cho đi vô điều kiện nhưng đó cũng là trách nhiệm của con người. Như con người đều tạo ra từ thượng đế, đó là món quà của thượng đế mà con người không thể đáp trả được, từ đó suy ra tinh thần của việc tặng quà là thể hiện tầm quan trọng và trách nhiệm của người nhận lấy quà tặng từ “người (hoặc thứ) khác tuyệt đối”(Absolute other) như là thượng đế, chân lý, chính nghĩa, cái đẹp,… Người nhận quà sẽ phải có trách nhiệm tiếp tục tạo nên món quà và trao tặng cho những người sau để con người có thể đi đến tương lai chân lý hơn, chính nghĩa hơn và đẹp hơn.
Trở về với Bataille, ta có thể thấy được tầm quan trọng của ông khi đề ra tinh thần của quà tặng vô điều kiện là một phần của luân lý đạo đức, quan hệ giữa người và người. Con người không cần phải đưa ra món quà để đáp trả cho người đã đưa mình món quà, mà phải mang cho mình trách nhiệm đi tạo dựng một món quá mới truyền lại cho người sau. Hay dùng một gốc nhìn khác, con người cho đi đồng thời cũng đã “chết” đối với món quà, còn lại là chuyện của người nhận món quà đó. Và cũng chính sự không hiện diện của người cho đi đã thúc đẩy cho người nhận có tinh thần và trách nhiệm về việc cho đi món quà vô điều kiện.
4. Hầu Tước de Sade: Trở Về Với Tự Nhiên:
Để nói về những tác phẩm văn học có nội dung khiêu dâm táo bạo, kinh dị nhất thì không ai khác ngoài hầu tước de Sade, một nhân vật có ảnh hưởng sâu rộng đến lý luận chủ chốt trong bàn luận về vấn đề khiêu dâm của Bataille, Foucault,… Có nhiều người nói Sade là người đàn ông trở về từ địa ngục, quả thật không sai khi ông đã vào tù sau những thành quả thách thức kiêng kỵ, luật pháp quá mức đối với thể chế xã hội thời ấy, rồi viết ra những tác phẩm đồi trụy tạo bạo quá mức không kém phần những gì ông ta làm khi còn tự do. Có nhiều người tôn sùng ông như một biểu tượng cho sự phóng đãng, sự tự do cho những gì đồi trụy nhất của loài người và cho rằng đó mới là mặt thật của con người. Tuy nhiên, những sự tôn sùng hay miêu tả như vậy đều thể hiện sự hiểu biết chỉ trên bề mặt với những gì Sade đã viết. Cũng như đọc Nietzsche xong chỉ biết con người làm chủ đạo đức, đọc Sartre xong chỉ biết tồn tại đi trước bản chất,… Thật chất khi đọc vào những tác phẩm của nhân vật mang tính tranh luận, thì ta đều cần một gốc nhìn đầy sự cẩn thận và mạnh dạn trong phán đoán (chưa kể đúng sai). Việc đề cập đến Sade ở đây là do đây thuộc một bộ phận của cuốn sách và cũng do ông mà cuốn sách này mới hoàn thiện.
Từ phong cách viết văn của Sade, không khó nhận ra sự cô lập hoàn toàn không chỉ trên thể xác mà lẫn cả tinh thần khi ông đã dành phần lớn thời gian mình ở trong tù. Sự cô độc của một con người sẽ mang người đến với khao khát tự do đối với thế giới bên ngoài, một sự khao khát giao tiếp mãnh liệt với cộng đồng. Điều làm cho Sade trở nên đặc biệt không phải sự khao khát này mang lại tinh thần giao tiếp với cộng đồng, mà là khiến cho ông có thể thúc đẩy những suy nghĩ đồi trụy, táo bạo đến một đỉnh cao của sự cô độc, trung thành với việc đồ họa một bức tranh với cá thể vượt ngoài nhìn nhận của công chúng. Đó cũng là điều phù hợp với tư tưởng của Sade: không quan tâm đến những người khác có suy nghĩ gì, chỉ cần chuyện ông làm mang lại niềm vui cho bản thân thì việc xâm hại hay tổn thương người khác cũng không hối tiếc mà còn là động lực kích thích ông làm những việc như thế. Tuy nhiên, việc ông không quan tâm đến vấn đề giao tiếp với người khác thì không hẳn cực đoan như vậy, vì khi ông bị chuyển tù đến nơi khác, ông đã khóc ra “máu” vì bộ phận bài viết của tác phẩm ‘Cent vingt Journées de Sodome’ (mấy bạn trẻ ngây thơ trong sáng đừng đi tìm hiểu nếu không có tinh thần và tâm lý mạnh mẽ nha…) đã bị để lại không được mang theo trước thời điểm cách mạng Pháp nổ ra. Từ đây phản ứng được tinh thần phản động, phê phán chế độ của Sade mang tính giao tiếp cực cao, chỉ là phong cách viết của ông là một trong những vấn đề phản cảm và ngăn cản độc giả gần gũi với tư tưởng của ông.
Trong phong cách viết của Sade mang những hình ảnh đồi trụy, bạo lực, thái quá, hoang đường, nhưng đều chất chứa một sự phủ nhận ‘quá mức’ (excès). Quá mức này là diễn tả ngoài vòng lý tính (reason) của con người, vì lý tính liên quan đến công việc lao động. Cho nên Sade thể hiện rằng: phạm tội có thể mang lại cảm giác khoái lạc hơn và tùy mức độ tàn bạo của tội lỗi sẽ mang lại khoái lạc càng sâu sắc. Thông qua điều này nêu ra việc hưởng thụ khoái lạc là phủ nhận đối với người khác và cũng chính là sự phủ nhận ‘quá mức’ đối với luật lệ mà sự sống cá thể dựa dẫm vào. Từ sự quá mức như thế đưa ra những kinh nghiệm mà lý tính không thể với tới được. Nhưng mức độ phủ nhận ‘quá mức’ không chỉ dừng lại ở việc khoái lạc từ thực hiện những phạm tội, nó còn là nhằm mục đích sâu đậm hơn: giải phóng linh hồn. Sự giải phóng này là một sự “tê liệt”, là thành quả của linh hồn con người thông qua sự đè nép của quy luật hoặc luật pháp đến mức độ vô cảm, từ đó thì mới có thể phát huy được tiềm lực của nó (có thể hiểu tạm thời như khái niệm return of the repression của Freud). Khi linh hồn của con người phá vỡ hết và phủ nhận hết ton bộ kể cả bản thân đến độ tê liệt, đồng thời cũng sẽ tích tụ lại một nguồn năng lượng cực lớn. Cũng như Trang Tử có câu:
「忘足,履之適也;忘腰,帶之適也;忘是非,心之適也;不內變,不外從,事會之適也;始乎適而未嘗不適,忘適之適也。」
— 莊子·南華經
Giải thích: “Giày mà thật thích hợp thì làm cho ta quên chân mình đi, dây lưng mà thật thích hợp thì làm cho ta quên ngang lưng mình đi, tâm tình thật thích hợp thì ta quên cái phải cái trái đi, không phân biệt phải trái nữa. Không thay đổi trong lòng, không theo ngoài vật, luôn luôn thích hợp với việc. Có khả năng thích hợp thì không gì không thích hợp được mà không hay rằng mình đã thích hợp với vật.”
— Nam Hoa Kinh, Trang Tử
Kết hợp với tư tưởng của Sade, việc quên đi sự hiện diện hoặc ánh mắt của người khác là biểu hiện của sự khoái lạc thật thụ và con đường đi đến khoái lạc như thế lại ngược lại với Trang Tử, đó là hủy hoại với bản thân thành một linh hồn “tê liệt”, từ đó tạo ra một nguồn sức mạnh lớn. Nhưng cả hai đều nhắm đến một mục đích chung: về với tự nhiên. Chỉ là tự nhiên của Sade mang yếu tố bạo lực.
Với sự tê liệt, ta đạt đến tự nhiên, mà trong tự nhiên lại bao gồm yếu tố bạo lực thì có thể suy ra bạo lực là một nguyên tố nằm ngoài vòng ý thức (consciousness) của con người: chỉ có tê liệt mới đạt tới khoái cảm thật thụ, tê liệt trên linh hồn sẽ không mang lại hiểu biết gì đến bạo lực. Suy ra, bạo lực là một nguyên tố không thể dùng lời nói giải thích được, hoặc ngược lại: bạo lực không có tiếng nói, luôn tồn tại một cách trầm lặng. Ngôn ngữ giao tiếp là biểu hiện của văn minh, mà bạo lực lại không mang tiếng nói, cho nên ngôn ngữ và văn minh như hợp tác với nhau để đẩy bạo lực ra khỏi vòng hiểu biết của con người. Cho dù con người có miêu tả bạo lực đi cho nữa, thì bản chất của bạo lực vẫn rất xa lạ với con người. Điều này cũng thể hiện qua tính chất của bạo lực là bị phủ nhận bởi lý tính, và bị phủ định bởi chính bản thân của bạo lực. Do đó bản chất của bạo lực không nằm hoàn toàn trong sự nhận thức của loài người: khi người sử dụng bạo lực, họ không dùng ngôn ngữ của bạo lực, mà họ sử dụng ngôn ngữ của quyền lực (power) để hợp lý hóa hành động của mình. Từ việc bạo lực không thể ngôn luận cho bản thân thì trong văn của Sade đã thể hiện nên một hiện tượng khá thú vị: Sade “phát ngôn” bằng chữ viết, dùng danh nghĩa của sự cô độc triệt để lên tiếng, mà khi một cá thể cô độc lên tiếng thì không cần biện hộ cho bản thân và cũng không cần có trách nhiệm với những người khác. Đảm bảo sự phủ nhận lên tiếng của bạo lực và cho con người có cảm nhận về sự tồn tại của bạo lực.
Đây không chỉ khơi dậy bạo lực nằm trong con người, những chữ viết của Sade còn lại lời lẽ cho những nạn nhân. Vì như nêu ở trước, người sử dụng bạo lực sẽ dùng ngôn từ của quyền lực để củng cố, hợp lý hành động của mình. Thay vào đó, nạn nhân chỉ có thể nhẫn nhịn, mất đi tiếng nói cho bản thân. Cho nên bản thân Sade trong tù đã phát ra tiếng nói, dùng ngôn từ của những kẻ đạo đức để tấn công. Vì chỉ có ngôn ngữ mới nảy sinh hình phạt và cũng chính ngôn ngữ mới có thể nghi ngờ mức độ chính đáng của hình phạt. Suy ra, hiệu quả trong tư tưởng của Sade mang lại là sự phản cảm và không thể lý giải của toàn thể loài người. Đó là điều những người tôn sùng Sade không thể nhìn thấy được, chỉ có thể nhấn mạnh sự phóng đãng, sự khoái lạc cô độc mà không nhìn thấy bản chất và bí ẩn của bạo lực. Nếu không đi tìm hiểu về sự bí ẩn đó thì luôn luôn sẽ không nghe được “tiếng gọi” của thế giới bạo lực cũng không thể về với tự nhiên. Lời văn của Sade muốn gợi sự phản cảm của độc giả qua ý thức và đồng thời muốn truyền cảm hứng cho nó, nhưng hiển nhiên là không thể đều đạt được như mong muốn. Nhưng ít ra lại khơi dậy một ý thức quan trọng rằng: những gì phản cảm đều nảy sinh từ bản thân con người.
Kết Luận:
So với hầu tước de Sade mang linh hồn con người về với tự nhiên, Bataille lại mang phần “bảo thủ” hơn, ông cho rằng chỉ có kiêng kỵ mới mang lại ý nghĩa cho vi phạm, lao động tích lũy mới mang lại ý nghĩa cho sự tiêu thụ vô thức, cả hai đều biến chứng với nhau tạo thành một cấu trúc khá khép kín trong bàn luận về khiêu dâm. Vấn đề khiêu dâm cũng sẽ như là một hiện tượng luôn bị đèn ép, né tránh, kiêng kỵ, rồi cũng sẽ có người luôn vi phạm, vượt qua. Bataille cổ vũ cho những hành động chống đối, nhưng lại mang lòng tôn trọng đối với quy luật, xem có vẻ như xung đột nhưng lại cung cấp cho con người một hướng suy nghĩ khác lạ.
Sống trong xã hội, con người không thể tránh khỏi sự ảnh hưởng của truyền thống, văn hóa, khuôn mẫu nhưng cũng chính vì thế mà góp phần tạo nên ý nghĩa của việc đi hoài nghi mức độ chính đáng và giá trị của những yếu tố ấy, cung cấp cho sự vi phạm một vị trí bởi vì như ở kết của cuốn sách, Bataille đã nói:
“Đối với những người không thể tránh khỏi bản thân, những người dùng nhiệt huyết để ôm lấy sự sống, khiêu dâm là vấn đề cá nhân nhất mà cũng là phổ biến nhất.”
— L’érotisme, Georges Bataille.
Những gì Bataille làm là đưa khiêu dâm lên bề mặt, bắt buộc mọi người phải trực tiếp nhìn nhận về vấn đề này. Tuy ông không đề ra được giải pháp hoặc hướng đi cụ thể nhưng đã góp phần kiến thức và cơ hội cho con người có thể hiểu biết hơn về mặt khác của mình.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất