L’érotisme – Khiêu Dâm Là Khẳng Định Đối Với Sự Sống? (Phần 1)
Dạo gần đây, tôi mới hoàn thành cuốn sách ‘ l’érotisme ’ của Georges Bataille, một triết gia người Pháp bàn về vấn đề khiêu dâm qua...
Dạo gần đây, tôi mới hoàn thành cuốn sách ‘l’érotisme’ của Georges Bataille, một triết gia người Pháp bàn về vấn đề khiêu dâm qua biện chứng giữa kiêng kỵ và vi phạm (or vượt qua). Có thể nói đây là một sách triết học mang góc nhìn mới lạ và thẳng thắn về vấn đề tình dục, cái chết và bạo lực. Nói như thế có vẻ cuốn sách này mang khoác trên người mình một ấn tượng khá là đồi trụy từ cái nhìn đầu tiên, nhưng thật chất nội dung bên trong có thể nói rất phong phú và không kém phần chuyện nghiệp. Thích hợp cho những bạn có mong muốn tìm hiểu về những vấn đề mà chúng ta hay né tránh bàn luận trên bề mặt đời sống bình thường. Nhưng dù gì thì đây cũng chỉ là bàn luận, không phải dùng để so bì hay lạm dụng rồi hợp lý hoá những hành vi đồi trụy quá mức. Mong độc giả đều có thể xem như đây là một quá trình khám phá kiến thức và bàn luận ở mức độ thích hợp.
Tôi đến với cuốn sách của Bataille như một quá trình đi ngược thời gian. Tại vì trước khi biết được Bataille, tôi đã đọc những tác phẩm của hai triết gia Michel Foucault và Jacques Derrida. Một người được xem là ngôi sao sáng rạng của hậu cấu trúc (post-structuralism) và một người là cha đẻ của giải cấu trúc (deconstruction), cả hai đều là những biểu tượng cho triết học ở thời hâu hiện đại. Tuy rằng hai người đều để lại dấu ấn hoặc bóng dáng của Bataille trong phong cách hoặc tư tưởng của mình, nhưng đều bị những triết gia tiêu biểu như Nietzsche, Heidegger, Sartre, (chữ viết của Derrida lại là một vấn đề khá là thú vị…)… đắp kín hoặc chôn vùi, không dễ dàng phát hiện nếu không có tìm hiểu kỹ lưỡng trên phong cách viết. Với kinh nghiêm như thế, khi đọc tác phẩm của Bataille sẽ như là đi vào vườn sau nhà, cầm xẻng lên mà đào bới ra những bí ẩn còn nằm ở dưới góc cây, hoặc là một chiếc hộp nằm ở góc kín trong nhà sau bao nhiêu năm không chú ý đến. Điều này mang đến một cảm giác vừa gần gũi vừa lạ lẫm đến bất an ở cùng một lúc.
Nội dung chính của cuốn ‘l’érotisme’ nhấn mạnh sự bí ẩn của khiêu dâm nằm sâu trong con người, cho rằng khiêu dâm là một vấn đề cơ bản không chỉ ở trên mặt sinh lý, mà còn về kinh tế, tôn giáo, xã hội,… Chính vì thế mà Bataille đã dùng lịch sử lao động và tôn giáo của loài người thông qua biện chứng giữa kiêng kỵ và vi phạm để dẫn dắt người đọc vào vấn đề bàn luận về khiêu dâm.
1. Tình dục, Cái Chết và Bạo Lực:
Đầu tiên và cũng là chủ chốt của cuốn sách là quan hệ giữa tình dục, cái chết và bạo lực. Theo như Bataille, con người là sinh vật cô độc, là một cá thể không nối liền nhau và đều sẽ phải chết trong cô độc. Quan hệ tình dục và cái chết đều mang lại cơ hội giao tiếp, hòa hợp và kết nối giữa những cá thể. Cái chết có thể vượt qua được sự không nối liền của cá thể mà mở cửa cho sự nối liền của con người trở nên khả thi. Nhưng lạ thay, bàn luận về cái chết và tình dục đều là hai vấn đề kiêng kỵ của con người từ trước đến nay.
Lý do cho cái chết là một sự nối liền là do nói xóa bỏ sự không nối liền của một cá thể, đưa nó vào sự hiện diện của nối liền. Hãy tưởng tượng một bầu trời đầy sao, những ngôi sao có thể phát sáng không đơn thuần là do bản thân nó có thể làm điều đó, mà còn có sự hiện diện của màn đêm, một bức tranh lớn đưa ra không gian cho những ngôi sao đó có thể phát sáng. Thì trong tình huống của cái chết, khi một ngôi sao dập tắt, tắt đi một cá thể không nối liền nhau và hoà nhập vào màn đêm nối liền và hòa hợp với nhau.
Ngoài cái chết có thể mang lại sự kết nối của cá thể, quan hệ tình dục cũng là một nguyên tố để phá vỡ kết cấu hay cấu trúc khép kín trong con người để đạt đến một hành động giao tiếp. Tình dục mang lại xung lực về mặt tinh thần và khiến cho con người có ham muốn đi ra khỏi cấu trúc riêng của bản thân (cá thể không liên kết nhau). Thông qua quan hệ, cá thể với nhau có thể hòa hợp và kết nối vào nhau, vượt qua những sự không nối liền trong cuộc sống đời thường. Suy ra quan hệ tình dục còn mang trong mình tính chất thăng hoa như một lễ hội. Lễ hội là hình thức tôn giáo hoặc truyền thống trong văn hóa cho phép con người chuyển hóa những hành động, ước muốn và suy nghĩ không thường đề cập ở trong đời sống mỗi ngày được bộc lộ tự do. Cho nên, cái chết và tình dục đều mang tính chất liên quan với nhau và đều được giải tỏa trong những thời điểm nhất định. Một thời điểm mà Bataille gọi là “linh thiêng” vì đã xóa bỏ sự không nối liền giữa các cá thể mà đến với nhau thành một màn đêm. Cũng vì thế mà những khúc “lên đỉnh” trong quan hệ tình dục đều được những người phóng đãng (Libertine) thay với tên gọi “cái chết nhỏ” (la petite mort). Cũng như Xuân Diệu đã viết trong thơ của mình:
“Yêu là chết trong lòng một ít.” — Yêu, Xuân Diệu
Cái chết và tình dục là hai nguyên tố có một số điểm chung và đều được Bataille gọi là một hình thức “liêng thiêng”, hay gọi là “bạo lực”. Bạo lực trong lập luận khiêu dâm của Bataille cũng mang vị trí quan trọng ngang bậc với cái chết và tình dục. Để giải thích thì phải quan sát qua lịch sử phát triển của con người: con người lao động để sinh tồn, ý thức được cái chết, quan hệ tình dục là một điều kiêng kỵ. Con người muốn sinh tồn thì cần lao động, nhưng cái chết cướp đoạt đi sinh tồn của con người, quan hệ tình dục lại là một hành động cản trở lao động tích lũy. Cho nên, cái chết và tình dục đều là hai hình thức bạo lực đối với cuộc sống đời thường. Để tránh ảnh hưởng đến đời sống, con người đã đặt điều kiêng kỵ để ngăn chặn cái chết và tình dục. Suy ra đối tượng của kiêng kỵ là bạo lực. Nhưng ngang cấm không có nghĩa là bạo lực không còn tồn tại, mà nó vẫn nằm ở một gốc nào đó trong đáy con người, hoặc là nói: nó là một bộ phận của con người.
2. Lịch Sử Lao Động và Tôn Giáo:
Con người mang trên mình một yếu tố khác hẳn với loài vật, đó là cách sử dụng trí tuệ trên công cụ. Vì phải sinh tồn, cho nên con người đã dùng trí tuệ trên công cụ và bắt đầu có định nghĩa lao động. Định nghĩa này mang lại tích lũy về tài sản và khẳng định sự phát triển của con người hoàn toàn không chỉ hoạt động theo bản năng như những loài thú. Điều quan trong hơn nữa là: Để tránh hoặc kéo dài sự sống khỏi sự tước đoạt bởi cái chết. Ví dụ đơn giản là: con người phải làm lông để có lương thực tiêu thụ cho no bụng, phần dư ra sẽ thành tài sản chất chứa trong kho rồi tiêu thụ dần dần hoặc làm những trao đổi khác về mặt kinh tế,… Những hành động như vậy đều thể hiện sự chống đối hoặc phản kháng lại Tử Thần có thể đến với con người ở bất kỳ giây phút nào. Cho nên, đời sống cơ bản nhất của con người là một “thế giới lao động” theo như lời của Bataille. Ở thế giới này, mọi người đều chú tâm vào việc làm, đặt vấn đề trên phát triển và đặt quy luật đảm bảo hiệu lực của lao động mà mọi người phải tuân theo, tránh những suy nghĩ hoặc hành động có thể tước đoạt sự sống của con người, ảnh hưởng đến năng suất ở thế giới lao động. Cho nên, trong thế giới này nảy sinh kiêng kỵ đối với những yếu tố mang tính phá hoại, bạo lực.
Như ở trên đã nói, đối tượng của kiêng kỵ là bạo lực, ngoài bạo lực của cái chết, còn mang phần bạo lực của tình dục. Đời sống lao động yêu cầu năng suất, hiệu quả trên sự tích lũy của tài sản và phát triển của cộng đồng. Nghiêm cấm những vấn đề mang tính chất phá hoại đến sự tiến bộ. Cho nên, tình dục cũng như cái chết, mang tính chất tiêu thụ hoàn toàn trên mặt kinh tế, tiêu xài thành quả lao động của con người (chỉ là cái chết có cái dứt triệt để hơn). Khi con người đang trong tiến hành quan hệ tình dục, là một quá trình tiêu thụ tinh khí mà bình thường đã tích lũy qua lao động.
Quá trình quan hệ tình dục được miêu tả như sự kết hợp, giao hòa giữa hai cá thể, mở rộng cấu trúc khép kín, không nối liền trong cuộc sống. Tình dục lại là bạo lực và bạo lực là đối tượng của kiêng kỵ. Như vậy, ngoài thế giới lao động ra, còn có vị trí cho một thế giới mở rộng cấu trúc khép kín, quy luật của lao động. Theo lời của Bataille là thế giới bạo lực hoặc gọi là “linh thiêng”. Theo như thế giới lao động, mọi việc đều đảm bảo năng suất và phát triển, cho nên cần có quy luật để mọi người đi theo, để con người biết được mục đích tuân theo luật lệ mang lại yếu tố như thế nào. Một thể chế có thể đạt được mục đích linh thiêng và đặt quy luật cho hoạt động đời sống của con người thì không ngoài thứ gì khác, đó chính là tôn giáo. Vì tôn giáo có thể đảm bảo tín ngưỡng đức tin của con người tuân theo và mở cửa cho kết cấu khép kín của quy luật qua những buổi lễ hội. Lễ hội ở đây bao quát hết toàn bộ hình thức (lễ hiến tế người sống, hoặc hội Dionysos,…). Từ đó có thể quan sát được lễ hội ngoài mang tính chất linh thiêng ra, còn mang đến cho con người sự giải tỏa những yếu tố bị buộc chặt hoặc bị chôn vùi bởi kiêng kỵ ở đời sống bình thường. Nhưng hiệu lực của lễ hội chỉ mang tính chất tạm thời, trong vòng một thời điểm quy định, sau đó con người lại trở về với đời sống lao động hằng ngày. Lễ hội trong tôn giáo cho phép những hoạt động bình thường vi phạm kiêng kỵ đã mang đến sự thỏa mãn của bạo lực, nên ở lĩnh vực này mang tính chất linh thiêng và bạo lực. Do đó mà những điều bị kiêng kỵ lại mang cho con người cảm giác sợ hãi và đồng thời lại lôi cuốn bởi sự bí ẩn của nó.
Từ đây bắt đầu thấy được hình dáng biện chứng giữa kiêng kỵ và vi phạm. Kiêng kỵ đặt ra để chống sự tàn phá, hủy hoại đến từ bạo lực, vi phạm những điều kiêng kỵ mang đến trải nghiệm khoái lạc với những điều kiêng kỵ né tránh, phát hiện những cảm giác hoặc gốc nhìn khác đối với bản chất của con người. Tuy hai thứ trái ngược và đối đầu nhau, nhưng đều bám lấy nhau một cách mâu thuẫn. Theo tinh thần của biện chứng, thì luôn mang trên mình một nguyên tác theo Hegel trong tiếng Đức gọi là ‘Aufhebung’ (vừa vượt qua quan điểm ban đầu đồng thời lưu giữ lại chứ không từ bỏ hoàn toàn.), nguyên tắc này thể hiện cấu tạo biện chứng của kiêng kỵ và vi phạm là hai hình thức không thể bãi bỏ lẫn nhau. Khi con người có kiêng kỵ mới có thể đè nén dục vọng, đến lúc vi phạm hoặc được giải thỏa mới mang lại ý nghĩa sự vượt trội như thế. Nói ngược lại, con người nếu chỉ thỏa mãn dục vọng mà không kiềm chế khi cần thiết thì ngoài việc ảnh hưởng kinh tế, đời sống ở thế giới lao động, kiêng kỵ cũng mất đi vị trí của mình.
(To be continued…)
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất