Tôi nhẩm nhẩm câu thơ của tác giả Bằng Việt với hồi ức tuổi thơ. 
        Tôi tự thấy may mắn. Mùi khói mặc dù không dễ chịu chút nào, hắc và cay xè, chảy ròng cả nước mắt. Hỡi ôi những ngày mưa dột, phải nắm rơm hay que củi bị ướt mà nhóm thì phải đến khổ thân. Nhưng từ bếp lửa đầy khói đi ra, tôi thấy con người ta biết trân trọng giá trị cuộc sống hơn, biết chịu đựng, biết cố gắng hơn. Để rồi nhìn vào cuộc sống hiện tại mà có biết bao điều phải ngẫm.
        Tôi vẫn thường nghĩ nhiều về sự đi xuống về ý thức và đạo đức mà tôi thường ngày phải đối mặt. Trẻ con thừa nhận rằng càng ngày càng sướng, đó như là một tất yếu của sự phát triển. Nhưng mà thiết nghĩ, chúng ta phấn đầu giàu lên, chúng ta cố gắng phát triển từng ngày ... vì điều gì? Chúng ta muốn có một đứa con khỏe, một đứa con ngoan, chúng ta cố gắng kiếm tiền để lo hết cho con  mọi thứ. Để rồi những đứa bé không còn phải hít mùi khói ấy được ngon giấc trong những vỏ bọc của công nghệ. Chúng tiếp cận với tivi, với điện thoại, với những thứ đồ chơi xa xỉ... và một lời chào hỏi...cũng trở nên xa xỉ. Tôi không vơ đũa cả nắm, tôi chỉ thấy buồn vì những đứa bé tôi gặp đa phần đều như thế mà thôi. 
        Một ngày nọ tôi về một làng quê xa lạ, thật may tôi gặp đúng một làng quê còn nhiều nét xưa cũ. Trẻ con vẫn đầu trần chân đất lang thang khắp xóm, vẫn cởi chuồng nhảy cầu tắm sông... nhìn kiểu ngố ngố chân quê thế mà gặp một chàng thanh niên lạ hoắc, râu mọc lưa thưa đứa nào cũng cười tươi " chào chú"... tôi thực sự bất ngờ. Các bé ngoan thật. Tôi nán lại nơi làng ấy một buổi, đi thăm thú cuộc sống nơi đây... Làng quê không phải là nghèo nhưng cũng chưa được làm khá giả, nhưng thực sự giàu về lòng người. Thứ mà tôi thấy thực sự đang phai dần theo cuộc sống công nghệ. Ngay ở quê tôi, một làng quê miền núi nhưng giờ đây bà ru cháu cũng bật nhạc của ai, mẹ phỉnh con ăn cũng nhờ cái điện thoại... 
        Giờ thì bếp lửa không còn, nhưng còn nhiều bếp khác để trẻ con có thể lớn lên được. Tôi không khuyên nhưng tôi thực sự muốn trẻ con được lớn lên bằng cách tiếp cận và giao tiếp với mọi người. Được yêu thương và nhận được yêu thương từ hơi ấm của những vòng tay, của tiếng nói cười, của những ánh mắt từ thế giới thực thay vì chỉ cầm cái thiết bị thông minh, để bị nhiễm từ phim ảnh mà quên mất mình phải cư xử thế nào để được mến thương và chiều chuộng. Yêu thương con trẻ đúng cách, dạy cho trẻ từ khi còn nhỏ là một việc khó nhưng tôi nghĩ thực sự cần thiết. Tôi chưa có con nhưng tôi thực sự không muốn nhìn những đứa trẻ quanh mình quên đi những giá trị đạo đức cơ bản.
        Cho một đứa trẻ từ bé sinh ra đã có quyền đái lên đầu xã hội liệu rằng có tốt? Người giàu có cách dạy con của người giàu, người nghèo có cách dạy con của người nghèo. Thực ra nói vậy chứ ở dạy con thì không có phân biệt giàu nghèo mà ở khả năng của mỗi bố mẹ. Thiên hạ có câu kệ con người ta nhưng đấy là khi con người ta ở trong nhà họ. Còn ra với xã hội có những quy tắc chuẩn mực chung thì con ai cũng cần nên tuân theo, bởi vô tình sự thiếu ý thức của nó lại ảnh hưởng đến cá nhân khác trong xã hội, ấy thì lại phải lên tiếng.
        Tôi chưa có con, nhưng tôi nhìn ở góc cạnh của một người khách quan, cảm thấy sự vô lễ, sự thiếu tôn trọng của một bộ phận em nhỏ làm tôi chạnh lòng. Rồi rời xa vòng tay bố mẹ ai sẽ là người bảo vệ các em. Chúng ta hãy thực sự nghiêm túc và nghiêm khắc với niềm hy vọng của mình. Đừng vì một sự chạy đua cho bằng người ta, đừng vì những sự nuông chiều mù quáng để chính những sai lầm đó một ngày khiến chính chúng ta sẽ phải trả giá.
        Có chăng mỗi gia đình nên đun một "bếp lửa" ở góc vườn để con em được lớn lên cũng mùi khói?
        ...