Có lẽ nhiều người trong chúng ta dễ dàng chia sẻ với mọi người rằng mình đang bị ung thư nhưng sẽ muốn giấu nhẹm nếu mình bị trầm cảm.
Có lẽ cũng không nhiều người nhận ra rằng ta có xu hướng gán nhãn người mắc bệnh trầm cảm là yếu đuối, rằng để bị mắc bệnh đó là lỗi của họ. Nhưng sẽ hiếm ai nói với một người bị liệt chân/tay rằng họ thật yếu đuối, là lỗi của họ nên họ mới bị như vậy.
Ừm, có lẽ cũng sẽ có nhiều người đọc đến đây nghĩ rằng nhưng trầm cảm đâu là gì với ung thư hay liệt chân. Không. Trầm cảm tệ tương đương hoặc thậm chí còn tệ hơn nhiều, bởi cạnh những đớn đau tâm & thân, người trầm cảm còn phải hứng chịu nhiều kì thị. Hãy xem bảng so sánh mức độ giữa tâm bệnh với các bệnh vật lý khác.
Bảng so sánh mức độ giữa tâm bệnh với các bệnh vật lý khác. Ảnh: Codecuacao (chụp lại từ sách).
Bảng so sánh mức độ giữa tâm bệnh với các bệnh vật lý khác. Ảnh: Codecuacao (chụp lại từ sách).
Và một thông tin quan trọng nữa, trầm cảm là căn bệnh phổ biến. Không phân biệt ngành nghề, địa vị, giới tính, màu da, quốc gia, lứa tuổi (có những người mắc bệnh khá sớm nhưng cũng có người bắt đầu trầm cảm ở tuổi 70).
Có nhiều mức độ và loại bệnh trầm cảm. Mỗi người có biểu hiện bệnh khác nhau và phù hợp với phương pháp chữa trị khác nhau.

Dù đã được chữa trị, trầm cảm vẫn có thể quay trở lại.

Đáng buồn là ở VN người trầm cảm gặp rất nhiều khó khăn trong việc chữa trị và được thấu hiểu. Ngay chính những bác sĩ điều trị cũng có thái độ rất thờ ơ, dửng dưng. Rất nhiều người bệnh đã từ bỏ việc điều trị.
Hiện tại trầm cảm được dùng phổ biến nhưng bị dùng sai nhiều, do đó làm giảm nhẹ nhận thức của mọi người về mức độ nghiêm trọng của bệnh cũng như tác hại mà người bệnh phải gánh chịu. Thậm chí bản thân nhiều người bệnh còn ko cho rằng mình mắc bệnh.
Đó là những ý mình lượm lặt được ở cuốn Đại Dương Đen – Những câu chuyện từ thế giới của trầm cảm. Cuốn sách thuộc thể loại Narrative nonfiction, được chia làm 2 phần với khoảng 30 chương.
Đại Dương Đen là những câu chuyện đầy đau đớn nhưng cũng chứa đựng rất nhiều hy vọng. Ảnh: Codecuacao
Đại Dương Đen là những câu chuyện đầy đau đớn nhưng cũng chứa đựng rất nhiều hy vọng. Ảnh: Codecuacao
Nếu bạn đang không ổn lắm, có lẽ bạn nên khoan đọc phần 1 mà có thể nhảy cóc đọc phần 2 trước. Ở phần 1, tác giả dường như đã gắng vận dụng hết vốn ngôn từ có thể để diễn tả về thế giới của người trầm cảm.
Nhưng dù vậy, có lẽ thế giới ấy vẫn khó hình dung với những người bình thường, một thế giới vô hình nhưng sâu thăm thẳm khó thấy lối thoát,…
Người trầm cảm không muốn chết, họ “bị bệnh ép đến chết”. Có những người trong cơn đau đớn, họ tự hủy hoại bản thân để mong nỗi đau vật lý có thể giúp họ xoa dịu nỗi đau về tinh thần, .v.v…
Khi đã biết hơn về những nỗi đau mà người trầm cảm phải hứng chịu, có lẽ bạn sẽ thấy những câu nói kiểu “vui lên đi, có gì đâu mà buồn”, “đừng suy nghĩ nhiều nữa” hay cái hất hàm ngầm chỉ tình trạng bệnh “chỉ vì 1 người đàn ông/ phụ nữ”, “chỉ vì chuyện cỏn con”, “chỉ vì bị bạn bè trêu chọc”, v.v… chẳng khác nào những nhát đâm liên tiếp vào vết thương đang chảy máu đối với người trầm cảm.
Mình nghĩ, dù bạn ổn, có lẽ bạn cũng ko dễ để đọc hết được phần 1. Đó là những câu chuyện thật nhiều đau đớn, nhưng cũng là những vật lộn, nỗ lực khỏi bệnh đầy cô độc, khổ sở của những người trầm cảm.
Phần 2 là phần thông tin về trầm cảm, những mô hình lý giải, một vài hướng chữa trị, v.v… mà tác giả đã dày công nghiên cứu và hệ thống lại.
Có một khái niệm được nhắc đến trong sách là DALY, đại ý là một chỉ số đo lường số năm sống chất lượng của 1 con người. Kiểu ta thọ 70 tuổi mà dày vò vì bệnh tật đến 20 năm thì chưa chắc ta đã sống thọ hơn một người chết lúc 60 tuổi nhưng bị đau ốm chỉ 2 năm. Và có lẽ với DALY thì ta ko chắc ta có thực sự sống dai hơn tổ tiên ta hay không.
Còn rất nhiều thông tin khác nữa mà mình nghĩ là cần thiết, cần biết và cần được phổ biến.
Vậy nên mình cho rằng dù bạn là ai, hiện ổn, đã ổn hoặc chưa ổn thì Đại dương đen vẫn là cuốn sách bạn nên đọc.,Bạn có thể nghe sách nói trên app fonos hoặc mua sách giấy tại Tiki.
Nếu bạn quan tâm về chủ đề trầm cảm, bạn có thể tìm đọc tác phẩm của cùng tác giả có tên Tìm mình về thế giới hậu tuổi thơ (TMVTGHTT). Cũng như Đại dương đen, TMVTGHTT kể những câu chuyện không dễ nghe, ngôn từ cũng rất trần trụi. Tập trung kể những câu chuyện của lứa tuổi trong độ tuổi teen và đôi mươi. Dù thế nào bạn cũng nên chuẩn bị tinh thần trước khi đọc.
Bên cạnh đó, nếu bạn đang trong cơn chới với bạn có thể tìm tới Ngày mai. Đây là dự án được tạo nên bởi tác giả và các đồng sự. Theo lời giới thiệu, đường dây nóng Ngày mai (hotline: 096 306 1414) sẽ tiếp nhận và tham vấn miễn phí trực tiếp qua điện thoại cho những người đang gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần. Đồng thời dự án cũng sẽ cung cấp các thông tin cơ bản về sức khỏe tinh thần cho cộng đồng.
Cuối cùng, mong những điều tốt lành đến với bạn.