Đa số bạn đọc bài viết này, có lẽ đều là Gen Z - một thế hệ khác rất nhiều so với thế hệ của bố, mẹ mình khi mà chồng bộ đội, vợ giáo viên không còn được cho là một “gia đình hoàn hảo” nữa, khi mà việc bố mẹ đặt đâu, con ngồi đó gần như chẳng còn tồn tại. Chúng ta đang sống trong thời đại bùng nổ thông tin, “bùng nổ cơ hội" và nhiều quá nên mình chẳng phải chọn gì, làm gì?
Vậy, làm gì để không lầm đường, lạc lối, biết được mình có đang đi đúng hướng mà mình mong đợi hay không? Làm gì khi mình không biết muốn điều gì?
Với mình, self-reflection (tự chiêm nghiệm hành trình bản thân) là một người bạn đồng hành và lớn lên cùng mình mỗi ngày, trong đó có 2 “công cụ" mà mình thường hay sử dụng.

MBTI - 16PERSONALITIES:

Nhiều người hay giới thiệu rằng đây là công cụ giúp định hướng nghề nghiệp trước khi bước vào ngưỡng cửa đại học. Tuy nhiên, mình luôn quan niệm rằng không có gì là trường tồn, luôn đúng với thời gian, vạn vật đều có thể đổi rời. Chính vì thế, mình coi đây là công cụ giúp mình “đo đạc” sự phát triển của bản thân để xem liệu bản thân mình có đang phát triển đúng hướng mà mình mong đợi hay không. Vậy tại sao lại gọi là “công cụ đo đạc"? Cách đây 4-5 tháng, mình dành rất nhiều thời gian để quản lý nhân sự và có rất nhiều người nói rằng dạo đó mình rất “bossy" và nghiêm khắc với mọi người (16personalities lúc đó nói mình là ENTJ-A), hay áp đặt quan điểm cá nhân lên người khác và thiếu đi sự cảm thông. 
Chính vì thế, mình quyết định thay đổi thói quen, tư duy, tập lắng nghe mọi người nhiều hơn. Đồng thời, trong cùng thời gian đó thì mình khá hay làm các guest speaker cho một vài nơi, tổ chức training đào tạo cho nhân sự, tổ chức các buổi nói chuyện, chia sẻ nhiều hơn. Và sau khoảng tầm 3 tháng thay đổi, mình lại trở lại với MBTI test để kiểm tra xem mình đã thay đổi như thế nào rồi. Kết quả đã chuyển từ ENTJ-A sang thành ENFJ-A, nôm na thì là một người lãnh đạo có thể truyền cảm hứng cho mọi người và thấu cảm họ nhiều hơn. 
Qua câu chuyện này, mình cũng muốn nhấn mạnh rằng một vấn đề sẽ có rất nhiều cách tiếp cận khác nhau và nếu chỉ tiếp cận theo cách của số đông thường làm thì chưa chắc đã hiệu quả với bản thân mình.

MOOD-TRACKING - YEAR IN PIXELS:

“Mình không thể đánh giá chính xác bất cứ thứ gì nếu mình không đo nó"
Đây là câu nói mà mình luôn nhắc nhở bản thân và mình đo tất cả mọi thứ, bao gồm cả cảm xúc, Year in Pixels là tool mình chọn để có thể “đo" cảm xúc. Để mọi người dễ hình dung thì chúng ta sẽ có một vài màu sắc, biểu thị cho các trạng thái khác nhau của một ngày.
VD:
Màu đen - một ngày kiệt sức
Màu xanh lá - một ngày học được rất nhiều điều mới, blow my mind
Màu vàng - một ngày bình thường, normal day
Mỗi ngày, mình sẽ dành một khoảng thời gian nhất định để tô màu ngày đó và mỗi một tuần, mình sẽ xem lại tất cả màu của một tuần vừa rồi. Chuyện gì xảy ra nếu mà 5/7 ngày trong một tuần của mình đều là màu đen? Đây sẽ là một lời cảnh tỉnh, nhắc nhở bản thân mình để mình sẽ tự phản tư, nhìn nhận lại xem tuần vừa rồi, điều gì đã khiến mình kiệt sức hầu hết tất cả các ngày? Liệu những điều ấy có đáng để mình làm thế? Hoặc, có phải là do tuần trước nữa mình lười, mình bỏ bê nên tuần này mới phải dồn để chạy deadline dẫn đến kiệt sức? Mình luôn cố gắng tự hỏi, tự phản tư để có thể tìm ra cốt lõi của vấn đề và Year in Pixels giúp mình rất nhiều trong công việc đó. Điều đó giúp mình luôn có thể biết được điều gì tốt, không tốt đối với bản thân mình.
Hi vọng rằng chút chia sẻ nho nhỏ của mình ở phía trên sẽ phần nào giúp mọi người bớt lạc lối trên hành trình phát triển bản thân của mình.