Bài dài nhưng hướng dẫn chi tiết! Đảm bảo đọc xong thì các bạn sẽ thấy đơn giản không ngờ :)

Dưới đây là đoạn viết của mình khi liên tưởng về nội dung chất lượng với món cà phê chồn:
Nguồn gốc của món cà phê chồn, chính xác là từ phân chồn, khi loài chồn hương ăn món ăn yêu thích là quả cà phê và cho ra phân chứa hạt cà phê. Hạt cà phê được lấy từ chất thải của loài chồn này, sau đó được xử lý vệ sinh nghiêm ngặt, trải qua quá trình rang, xay, chế biến, trước khi trở thành loại cà phê độc nhất vô nhị mà chúng ta biết ngày nay. Giá trị của mỗi kg cà phê chồn có thể lên đến hàng chục triệu đồng, gấp hàng trăm lần so với những loại cà phê truyền thống khác. Doanh thu kinh ngạc khiến người ta đã phát triển việc sản xuất cà phê chồn thành một nền công nghiệp đầy đau đớn!
Ai đời lại đi so sánh cà phê từ chất thải của con chồn để so sánh với một công việc thiêng liêng như viết lách?
Điểm chung của món cà phê chồn và những nội dung thực sự chất lượng là đều trải qua nhiều đau đớn mới có được “đầu ra” đáng giá. Một nội dung tốt có khi trước khi được xuất bản đã bị sửa đi sửa lại hàng chục lần để có một ý hay, một tứ đẹp. Người làm nội dung thậm chí phải trải qua nhiều năm tháng mới có được những đúc rút hợp lý, những chữ nghĩa được nhả bài bản, lớp lang.
Vì vậy, thật thiếu công bằng khi đánh đồng làm một, giữa những thứ bào mòn cả trí não và thể xác với những thứ có sẵn giản đơn!

Đọc đến đây bác nào so sánh người viết như con chồn thì thôi cũng được :))
Hoặc dưới đây là một liên tưởng khác, giữa mối quan hệ của thương hiệu với khách hàng như mối quan hệ hẹn hò đôi lứa:

Một chàng trai chuẩn bị tâm thế cho buổi hẹn hò với trang phục và phụ kiện được chuẩn bị kỹ lưỡng. Nhưng ngồi vào bàn tiệc, chàng trai không đủ sức gây thiện cảm với cô gái vì những câu chuyện không đầu không cuối, những câu hỏi thiếu tinh tế hay lời tán dương nhạt nhẽo. Vậy là, một cuộc hẹn hò đáng ra là nơi tạo ra kết nối lại là dấu mốc 1 đi không trở lại.
Tôi luôn ví von công việc marketing như một cuộc hẹn hò đôi lứa. Ở đó, chàng trai như một thương hiệu, luôn mong muốn hấp dẫn khách hàng (chính là cô gái) cho một mối quan hệ bền lâu.
Tôi cũng ví von, cuộc gặp gỡ này như một cuộc chạm mặt giữa nội dung của thương hiệu, với tâm lý phức tạp của khách hàng. Hành trình chinh phục khách hàng từ quá trình họ biết, hiểu, hiểu rõ, hành động là một quá trình đầy nghệ thuật.

Liên kết những ý tưởng không liên quan đến nhau trong một bài viết là một kỹ thuật nâng cao, nó tạo ra màu sắc khác biệt với những nội dung mang tính chất thông tin đơn thuần. Kỹ thuật này không chỉ giúp cho độc giả dễ hình dung về vấn đề mà người viết đang đề cập, mà nó còn giúp cho tác giả ghi được dấu ấn riêng.

Có thể bạn sẽ thắc mắc rằng, làm thế nào để nghĩ ra được liên tưởng rằng nội dung chất lượng giống như món cà phê chồn, hay mối quan hệ thương mại kia giống như mối quan hệ yêu đương?
Đừng lo, vì ngay cả khi bạn không phải là người sáng tạo thì bạn vẫn có thể tạo ra những liên tưởng thú vị mà chính bạn cũng không ngờ tới.
Hãy thử áp dụng các bước dưới đây nhé:

1. Lựa chọn một từ khoá cụ thể để phát triển ý tưởng
Mình nghĩ đến từ “lửng lơ”, bạn thử nghĩ xem từ này khiến cho bạn liên tưởng đến những điều gì? Mình đã thử đưa ra bài tập này trên trang cá nhân của mình và nhận được rất nhiều câu trả lời ngay lập tức:

Đám mây
Điệu múa
Tàu cao tốc trong thế giới trò chơi
Khinh khí cầu
Phi hành gia
Con gái nhận lời tỏ tình/ cầu hôn
Công trình thi công trên cao ở HN (lửng lơ đắp chiếu)
Chuyển khoản của khách hàng sau khi hoàn thành job
Nằm trôi trên biển
Cảm giác đạt cực khoái
Cảm giác deep work sau khi viết xong một bài mình thấy mãn nguyện
Ăn món ngon
Nụ hôn
Cái chạm nhẹ trên da
Được mát xa
Ngồi trên máy bay

Trong trường hợp bạn vẫn cảm thấy “bi sắc bí” thì bạn có thể gõ từ “lửng lơ” trên các công cụ tìm kiếm bằng hình ảnh (như Google hình ảnh, Pinterest, Unsplash, Freepik…). Lưu ý là nếu bạn tìm kiếm trên các công cụ của nước ngoài thì bạn cần chuyển đổi ngôn ngữ.

Kết quả hình ảnh trả về, bạn hãy nhìn vào các bức tranh và bắt đầu liên tưởng. Chắc chắn là bạn sẽ có ít nhất một vài ý tưởng được nảy ra từ những bức tranh này đấy!

2. “Nhặt” 2 gạch đầu dòng trong số danh sách những ý tưởng trên để kết nối lại với nhau
Lúc này, những ý tưởng đã có chung 1 sợi dây liên kết, chính là trạng thái “lửng lơ”, “lơ lửng” mà mình tìm kiếm ban đầu. Bạn “nhặt” ra 2 trong số đó và móc nối, diễn đạt lại với nhau bằng ngôn ngữ của mình.

Vậy là bạn đã hoàn tất việc tìm kiếm 2 ý tưởng để liên kết chúng lại với nhau. Thật đơn giản phải không nào!

Điều quan trọng nhất trong việc tìm ra những ý tưởng để liên kết chúng lại với nhau chính là việc bạn lựa chọn sợi dây liên kết. Giả sử như trong ví dụ trên, sợi dây liên kết chính là trạng thái “lơ lửng”, dù nghĩa đen hay nghĩa bóng.
Khi bạn viết cho một thương hiệu, bạn cần lựa chọn sợi dây liên kết này sao cho phù hợp với yêu cầu, tính chất của thương hiệu hoặc sản phẩm của thương hiệu đó.
Chẳng hạn, khi viết về một sản phẩm máy lọc nước, mình lựa chọn sợi dây liên kết là sự tinh khiết. Lúc này mình nhấn mạnh đến chất lượng nước sau khi lọc. Và những ý tưởng mình nghĩ ngay lập tức đó là:

Giọt nước
Giọt sữa mẹ
Tâm hồn trẻ thơ
Kim cương
Bầu trời
Không khí
Thiên nhiên
Và cuối cùng mình lựa chọn 2 ý trong đó là giọt nước và kim cương: những giọt nước tinh khiết quý giá và lấp lánh như những viên kim cương.
Giờ thì bạn đã biết “bí mật” để tạo ra những liên tưởng thú vị mà (tưởng chừng) không liên quan rồi. Bạn cũng có thể áp dụng cách này để sáng tạo trong nhiều loại hình nội dung khác nhau, không giới hạn trong định dạng văn bản nhé!