Ai đó ở đây đã từng tưởng tượng một ngàn lần về con quái vật dưới gầm giường sắp thò tay lên tóm chân mình hồi 5 tuổi; nhịn tè buổi đêm vì không dám bước ra khoảng tối bên ngoài chiếc giường dù công tắc đèn chỉ cách đó một bước chân—làm ơn hãy để lại bình luận ở cuối bài.
Tôi cá là một cơ số không nhỏ trong chúng ta cũng có chung nỗi ám ảnh về lũ rắn bò trườn liên tục thè cái lưỡi gớm ghiếc của chúng, về ngày Thứ Hai mỗi đầu tuần, về một cuộc phỏng vấn công việc mới, về những lần phải đứng thuyết trình trước đám đông hay bài kiểm tra môn Hoá cuối kỳ. 
Mót quá rồi... nhưng nhịn thôi...
Có muôn vàn thứ mà con người chúng ta sợ hãi, có những nỗi sợ còn được "di truyền" từ đời này qua đời khác, lây lan qua không gian và thời gian. Một số thuộc về bản năng từ thời ông bà của ông bà của ông bà chúng ta nhằm củng cố khả năng sinh tồn từ thuở hồng hoang, một số gia tăng cùng với sự phát triển chóng mặt của cuộc sống hiện đại—như là nỗi sợ không bằng bạn bằng bè, hoặc nỗi sợ đăng tút bị ít like trên Facebook chẳng hạn. 
Rất nhiều nhà nghiên cứu đã cố gắng để tìm ra một sợi dây liên kết tất cả mớ hổ lốn nói trên—thứ có thể khiến phần hạch hạnh nhân (amygdala) trong não bạn bị kích hoạt, làm bạn dựng tóc gáy, la hét, tim đập loạn nhịp hay đơn giản là đổ mồ hôi đầm đìa. Và họ đã rút ra rằng nỗi sợ hãi có một điểm chung: chúng là những thứ mà ta không hiểu rõkhông kiểm soát được
Trên thực tế, đa phần những điều ta không hiểu rõ và không kiểm soát được là những thứ mới mẻ. Một vùng đất mới, một dự án mới, một nơi toàn người lạ. Loài người đơn giản là được lập trình để cảm thấy an toàn và dễ chịu với những thứ quen thuộc. Chúng ta luôn sợ môn Toán: cho tới khi chúng ta giỏi nó, thành thạo nó thì nỗi sợ ấy cũng tan biến. Chúng ta sợ thất bại trong một thương vụ kinh doanh, vì chúng ta không biết cuối cùng số tiền lời có đủ số vốn đầu tư hay không. 
Vậy nên về cơ bản mà nói, mỗi người trong mọi thời điểm của cuộc đời đều có những nỗi sợ khác nhau, và chúng ta luôn luôn phải "sống trong sợ hãi" ở một số khía cạnh nhất định. Nếu như việc sợ rắn, sợ tiêm, sợ độ cao chỉ xảy đến thi thoảng; thì việc sợ bản thân kém cỏi, sợ những áp lực từ xã hội hay công việc chính là những thứ dai dẳng đeo bám chúng ta hàng ngày. 
Có lẽ, việc đầu tiên để chung sống với lũ là hiểu rằng mình đang lo sợ cái gì, bằng cách nhìn thẳng vào chúng thật khách quan. Bạn có thể học cách đặt những câu hỏi bản chất.
Ví dụ, bạn rất sợ Thứ Hai. Chỉ riêng việc nghĩ rằng việc sáng mai phải dậy sớm và lê lết tới cơ quan cũng làm cho bạn phát ốm. Thứ Hai là một trong những cơn ác mộng kinh dị nhất của con người hiện đại. 
Bạn cũng giống tôi và chắc là hàng triệu người khác. Tôi đã từng trải qua cảm giác cứ mỗi sáng Thứ Hai là dạ dày sôi ùng ục. 
Truyện kinh dị cực ngắn: Thứ-Hai
Thứ Hai bản thân nó đâu có tội tình gì. Nhưng mức độ đáng sợ của nó tỷ lệ nghịch với mức độ tự tin trong công việc của bạn. Vì ngày mai sếp sẽ phê bình KPI chưa đạt? Vì bạn sắp phải nghĩ về một bài toán chưa có lời giải? Vì bạn biết khoảng thời gian trì hoãn và lười biếng cuối tuần đã kết thúc, và đã đến lúc nhấc mông lên để sắp xếp mọi thứ vào đúng vị trí của nó?... 
Nếu bạn đã đặt ra được những câu hỏi như thế, thì câu trả lời của bạn đã có một phần rồi. 
Và nếu như nỗi sợ đồng nghĩa với những thứ ta chưa hiểu rõ, tức là ta sẽ có cách chế ngự chúng bằng cách tìm hiểu về chúng. Dần dần. 
Có rất nhiều thứ dù cố gắng đến mấy bạn cũng không tài nào hiểu ngay được, mà cần phải có thời gian và kinh nghiệm (ví dụ như tình yêu, meow). Giả sử khoảng thời gian đó là X. Trong khoảng X đó, điều tốt nhất bạn có thể làm được là: 
(1) nỗ lực tìm mọi cách để xoá bỏ những điều mơ hồ về "nỗi sợ", bằng cách đi hỏi những người có kinh nghiệm hơn, hoặc tự mình học hỏi trong sách và mạng Internet; 
(2) kiên nhẫn. 
Tại sao sự nhẫn nại lại quan trọng trong việc đương đầu với nỗi sợ? Vì ngay cả khi xù lông nhím lên để chống chọi, nỗi sợ vẫn ở đó nằm sâu bên trong chúng ta. Nếu hiểu rằng mọi thứ đều cần thời gian để giải quyết, ta sẽ bình tĩnh hơn và xử lý những vướng mắc một cách thông suốt hơn. Cố gắng gò ép bản thân tìm ra lời giải ngay lập tức chỉ khiến cho bạn trở nên rối bời. 
***
Hàng ngày mỗi khi đi làm về qua đoạn dừng đèn đỏ dưới chân một cây cầu vượt gần nhà, tôi lại nhìn thấy một người bán hàng rong rách rưới đang chìa cái rổ nhựa con con chất đầy những kẹo cao su, bật lửa, tăm... ra phía đoàn người nườm nượp dừng đèn đỏ. Hoạ hoằn thì có một ai đấy rút tờ tiền lẻ ra mua, nhưng phần lớn là mọi người cũng chẳng buồn nhìn. 
Có đôi lúc tôi trộm nghĩ, người đàn ông gầy gò ghét gúa đen đủi ấy đang nghĩ gì? Ông ấy có sợ ngày hôm nay không đủ tiền về nộp cho "chủ"? Ông ấy có gia đình không, và nếu có, ông ấy có sợ những đứa con của mình bị đói hôm nay hay không? 
Và rồi tôi lại nghĩ, nếu sự thực ông ấy có những nỗi sợ đó, thì những nỗi sợ của tôi giờ đây trở nên thật ngốc nghếch theo một cách nào đó. 
Trong cuốn sách 12 Rules for Life - An Antidote to Chaos, J. B. Peterson đã một lần nữa chỉ ra mối quan hệ của Trật Tự (Order) và Hỗn loạn (Chaos). OrderChaos lần lượt đại diện cho tính Dương và tính Âm trong biểu tượng Âm Dương đã rất quen thuộc trong văn hoá phương Đông. Order đại diện cho nam tính, sức mạnh, sự ổn định, nề nếp và kỷ luật. Chaos là biểu tượng cho nữ tính, của sinh sôi, sự sáng tạo và những gì mới mẻ. Quá nhiều Order sẽ dẫn tới sự rập khuôn, hà khắc, bóp nghẹt sáng tạo; trong khi Chaos quá nhiều sẽ gây nên sự hỗn loạn, vô tổ chức, thậm chí là nguy hiểm. 
Yin-yang
Do đó, OrderChaos là hai nửa tất yếu của cuộc sống. Và là hai yếu tố nên được cân bằng. 
Những nỗi sợ của chúng ta nằm ở một nửa Hỗn loạn trong vòng tròn cuộc đời. Quá nhiều sợ hãi sẽ khiến cho ta không thể đứng vững để tập trung làm bất cứ việc gì, nhưng một tỷ lệ hợp lý nỗi sợ có thể là chất xúc tác giúp cho những tiềm năng trong bạn có cơ hội được khai phá.  
Và, theo như lời khuyên của Peterson, bạn nên đặt một chân vào vùng an toàn, trong khi bước chân còn lại vào một mảnh đất mới mẻ, lạ lẫm, nhưng đầy cơ hội. 
Không ai có thể chuẩn bị mọi trước những biến cố hay đủ thông thái để vượt qua mọi nỗi sợ. Nhưng chí ít, ta có thể lường trước một số trường hợp tồi tệ nhất, và hình dung bạn có thể làm gì trong tình huống đó? Bạn có gì để mất ở thời điểm đó? 
Mà tóm lại, dẫu bạn có trót tè dầm do sợ đi ra khỏi giường buổi đêm đi chăng nữa, cũng xin hãy nhớ rằng chính bạn đã từng rất nhiều lần vượt qua những nỗi sợ để trở thành bạn như ngày hôm nay—vẫn sợ bóng tối nhưng chắc đã không còn sợ môn Toán, hoặc không còn sợ thuyết trình trước đông người, hoặc không còn sợ nắm tay bạn gái. Bạn hôm nay có lẽ đã tiến bộ hơn hôm qua một chút rồi. 
Bởi vì What doesn't kill you makes you stronger, chúc bạn luôn can đảm mỗi ngày!
Tham khảo: