Việc tư duy sáng tạo sẽ mang đến nhiều điều mới mẻ nhưng không quá xa rời thực tế. Chính vì vậy, chúng ta cần cân bằng giữa thực tế cũng như lý tưởng để đảm bảo rằng mục tiêu hoặc kế hoạch của bản thân không chỉ là một lý tưởng hoàn hảo mà còn có thể được thực hiện trong thực tế và ngược lại, dù thực tế có khó khăn đến mấy cũng cần phải sống có lý tưởng.
Lý tưởng là hình ảnh mẫu mực, rực sáng mà con người muốn vươn tới. Nó là một động cơ mạnh mẽ thôi thúc con người hoạt động vươn tới tương lai. Lý tưởng giúp con người ta không ngừng cố gắng, phấn đấu từng ngày để rèn luyện, hoàn thiện bản thân, tạo dựng cho chính mình những giá trị tốt đẹp, hướng đến những điều hay lẽ phải, tránh được cái xấu, cái ác. Con người cần phải có lý tưởng sống bởi lẽ nó chính là kim chỉ nam cho cuộc sống của mỗi người, nếu sống mà không có lí tưởng thì chỉ là tồn tại. Có lý tưởng sẽ giúp con người có một mục tiêu rõ ràng, một hướng đi để tiến lên phía trước, nỗ lực hết sức để mong muốn đạt được những thành tựu cho riêng mình. Lý tưởng sống cao đẹp không chỉ là điều kiện để một con người sống có ý nghĩa, mà còn giúp họ trở nên hoàn thiện về tâm hồn và nhân cách. Minh chứng rõ nhất ở đây là tấm gương chủ tịch Hồ Chí Minh, Người chính vì lý tưởng, khát vọng giải phóng dân tộc dưới ách thống trị tàn bạo của thực dân, mà quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước với hai bàn tay trắng, qua quá trình gian lao đó đã tạo nên con người, phẩm chất, đạo đức Hồ Chí Minh và là tấm gương sáng của cả dân tộc. Nếu sống không có lý tưởng, con người ta dễ bị sa đọa vào các tệ nạn xã hội, đánh mất bản thân và bỏ rơi tương lai. Phải có lí tưởng sống để biết được bản thân mình là ai, khả năng của mình đến đâu và đâu là hướng đi phù hợp, sống có lí tưởng cũng là sống để tự khẳng định giá trị của mình. Sống mà không có lý tưởng, không có mục đích thì cuộc sống của bạn sẽ trở nên vô vị, mất hết ý nghĩa giá trị cuộc sống, sống một cách bàng quang, vô cảm. Để sống có lý tưởng, con người cần xác định đúng đắn những mục tiêu phấn đấu, có hoạch định và lên kế hoạch để thực hiện, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, chính trị để phát huy thế mạnh của bản thân và giúp ích cho xã hội. Những tấm gương sống theo lý tưởng cao đẹp là nguồn cảm hứng và động lực giúp cho mỗi người tự đặt ra cho mình những mục tiêu cao hơn và phấn đấu để đạt được chúng.
Nếu có lý tưởng sống cao đẹp, khát vọng mãnh liệt, ước mơ lớn lao thì đó là điều quý báu đối với mỗi con người, tuy nhiên chính chúng ta cần phải biết cân bằng nó với thực tiễn, phải biết đặt lý tưởng của chính mình vào trong hoàn cảnh của bản thân, của cộng đồng và xã hội. Sống hết mình với lý tưởng nhưng cũng phải biết cân đo với thực tế rằng mình đang ở đâu, khả năng như thế nào, xã hội cần cái gì, không cần cái gì. Thực tiễn là những sự kiện, hoạt động và hiện tượng có thật và xảy ra trong cuộc sống. Nó được coi là những gì đang tồn tại và diễn ra hiện nay, và có thể được quan sát, trải nghiệm hoặc chứng kiến. Thực tế có thể được đo lường và kiểm chứng và nó tạo nên cơ sở cho lý tưởng, mục đích của con người. Bên cạnh đó, thực tế có thể có tác động lớn đến suy nghĩ của chúng ta. Các thông tin và trải nghiệm trong thực tế có thể thay đổi suy nghĩ, ảnh hưởng rất lớn đến cảm xúc và hành động của chúng ta về một vấn đề hoặc giúp chúng ta hiểu rõ hơn về một tình huống. Ví dụ như việc Nguyễn Tất Thành, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh đều có mong muốn giải phóng dân tộc, tuy nhiên trên thực tế thì con đường cứu nước theo khuynh hướng phong kiến hay chủ nghĩa tư sản đều không phù hợp với thực tiễn Việt Nam thời bấy giờ, vì vậy Nguyễn Tất Thành đã lựa chọn con đường khác với các vị tiền bối, con đường cách mạng vô sản.
Việc liên kết chặt chẽ giữa thực tế và lý tưởng là rất quan trọng bởi vì nó giúp chúng ta xác định mục tiêu và hướng đi chính xác trong cuộc sống. Nếu chúng ta chỉ tập trung vào lý tưởng mà không đưa ra các kế hoạch cụ thể để đạt được mục tiêu đó, thì chúng ta sẽ không bao giờ thành công. Ngược lại, nếu chúng ta chỉ tập trung vào thực tế mà không có mục tiêu hoặc lý tưởng, thì cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên vô nghĩa, không có động lực thúc đẩy bản thân phấn đấu đi lên. Từ đó đặt ra một vấn đề hết sức quan trọng rằng bản thân mỗi con người chúng ta cần phải cân bằng được giữa lý tưởng và thực tế. Để làm được điều đó chúng ta cần:
Thứ nhất về việc đặt mục tiêu và kế hoạch hành động, chúng ta cần phải có một kế hoạch rõ ràng và thực tế để đạt được mục tiêu của mình tuy nhiên cũng có thể cải tiến kế hoạch của mình để đạt được những mục tiêu lý tưởng tốt hơn.
Thứ hai, phải chấp nhận và học từ những thất bại: thất bại là một phần tự nhiên của cuộc sống và nó cũng có thể giúp bản thân ta học hỏi và phát triển hơn từng ngày. Chúng ta có thể đưa ra những mục tiêu lý tưởng nhưng đồng thời cũng cần phải chấp nhận thực tế và học hỏi từ những thất bại để rèn luyện, sửa đổi, định hướng tiến bộ hơn.
Thứ ba, tránh suy nghĩ một cách tuyệt đối và phải thận trọng khi đưa ra những quyết định. Cần cân nhắc các yếu tố thực tế nhưng cũng không nên hoàn toàn từ bỏ các mục tiêu lý tưởng của mình. Nên tìm cách kết hợp và tìm ra giải pháp giữa hai cực đối lập.
Thứ tư, tự tin và tư duy tích cực: tự tin và tư duy tích cực là hai yếu tố quan trọng để giúp chúng ta đạt được mục tiêu của mình. Cần phải tin tưởng vào khả năng của bản thân nhưng đồng thời cũng cần nhận thức được giới hạn của chính mình.
Thứ năm, tìm kiếm sự hỗ trợ và nhận phản hồi từ những người xung quanh như đồng nghiệp bạn bè hoặc gia đình. Họ có thể giúp chúng ta nhìn nhận những mục tiêu của mình một cách khách quan nhất và đưa ra những lời khuyên hữu ích để ta có thể cân bằng giữa thực tế và lý tưởng.