Làm thế nào để bắt đầu lại thói quen đọc sách?
Đọc sách không phải để làm gì cả. Giống như âm nhạc, không có cũng không sao — nhưng có thì cuộc đời vui hơn
“Đọc sách để thành công.” “Phải đọc sách thì mới nên người.” “Wow, cậu ấy đang đọc kìa… mà đọc nhiều thế để làm gì chứ?” “Cậu đang đọc gì vậy? Cuốn này có ích gì không?” “Đọc sách suốt mà rồi cũng chỉ thế thôi…” Trong hai mươi năm sống trên đời, đó là những câu tôi từng nghe, từng thấy – cả lời tán dương và những lời mỉa mai – dành cho thói quen đọc sách. Nhưng trước khi bàn sâu hơn, tôi muốn kể cho bạn nghe hành trình đọc sách của chính mình.
Tôi bắt đầu đọc từ năm lớp Một, ngay khi vừa biết ghép chữ. Không phải điều gì cao siêu, chỉ là những tập truyện tranh cũ như Doremon, Thần đồng đất Việt, Tý quậy… mà tôi lục được trong đống sách giấy cũ bà tôi thu mua. Tôi đọc say mê đến mức bỏ ngủ trưa, đi đâu cũng mang theo sách.
Lên lớp Ba, tôi quen một người bạn có cả một tủ truyện. Nhờ bạn ấy, tôi đọc thêm Danh nhân thế giới, Mười vạn câu hỏi vì sao, Conan… rồi bắt đầu nài mẹ dẫn ra hiệu sách cũ mỗi tháng. Lúc đó ai cũng gọi tôi là mọt sách. Tôi không nghĩ gì nhiều.
Đến cấp Hai, tôi bắt đầu đọc sách chữ. Ban đầu là truyện ngôn tình, tản văn, rồi đến lớp Tám, một người bạn mới chuyển đến cho tôi mượn Nhà giả kim. Tôi đọc hết, dù chẳng hiểu gì mấy — nhưng cuốn sách ấy đã mở ra một cánh cửa khác. Tôi bắt đầu mua sách, đọc sách, như từng say mê đọc truyện tranh.
Nhưng rồi, tôi đã ngộ độc self-help. Thời cấp Ba, tôi đọc rất nhiều sách phát triển bản thân, với một áp lực ngầm: phải trở thành người thành công. Dần dần, việc đọc sách cũng bị cuốn vào vòng quay "phải làm", "phải đạt", "phải nhớ". Dần dần, tôi bắt đầu có những dấu hiệu trầm cảm. Không vì sách, mà vì một số điều khác tôi không tiện đề cập. Kỳ 2 lớp Mười, đại dịch xảy đến, tôi thu mình lại trong căn phòng, trốn vào mạng xã hội,dấu hiệu trầm cảm càng nặng thêm, tôi bỏ bê học hành và cũng mất thói quen đọc sách.
Phải đến hè lớp Mười Một, nhờ một người bạn, tôi mới bắt đầu đọc lại — lần này là tiểu thuyết mạng. Mặc dù nhiều người phản đối thể loại này, nhưng đối với tôi, chúng chính là sự cứu rỗi vào lúc đó, giúp tôi thay đổi rất nhiều trong đó có việc quay lại với việc đọc sách. Tuy tần suất không nhiều vì vẫn còn ảnh hưởng từ tư tưởng self-help trước đó, nhưng tôi đã bắt đầu chọn lọc hơn. Tôi dần dần có những suy nghĩ của chủ nghĩa hiện sinh, và vì vậy, những cuốn sách tôi đọc cũng mang tính chất sâu sắc và bản chất hơn. Dù mỗi tháng chỉ đọc tầm một cuốn, nhưng những cuốn sách ấy tôi thi thoảng vẫn đọc lại cho đến tận bây giờ.
Khi vào đại học, tôi lại chững lại. Quá nhiều điều mới mẻ, quá nhiều thứ tôi phải làm quen. Tôi ít đọc hơn, có khi mấy tháng mới xong một cuốn. Tôi quay lại với tiểu thuyết mạng, nơi tôi không bị ép buộc phải làm gì cả, chỉ đơn giản là đọc vì thích.
Cho đến gần đây, khi tôi đọc một bộ tiểu thuyết mình rất thích. Một nhân vật trong đó mỗi khi mệt mỏi lại mở sách ra để tìm sự giải tỏa. Tôi từng nghĩ: "Đọc sách không phải là để nhớ sao? Nếu đọc lúc mệt thì chẳng phải càng mệt hơn sao?" Và hôm sau, khi tôi vừa chạy deadline đến stress, tôi nghĩ đến điều này nên mở một cuốn sách tôi đã để trên giá rất lâu rồi ra, hẹn giờ đọc khoảng 30 phút, và rồi, thật tuyệt, tâm trí tôi thư thả, bình tĩnh và tầm nhìn rõ ràng hơn.
Lần đầu tiên sau rất lâu, tôi hiểu: hóa ra đọc sách cũng có thể giống như nghe nhạc. Không cần mục tiêu, không cần phải nhớ, chẳng cần phải hiểu hết — chỉ đơn giản như là một cuộc đối thoại lặng lẽ giữa tôi và ai đó xa xôi. Quan trọng nhất, là tôi thấy vui khi đọc.
Và tôi gặp một cuốn sách viết đúng điều ấy. Trong đó, tác giả nói: “Đọc sách không phải để làm gì cả. Giống như âm nhạc, không có cũng không sao — nhưng có thì cuộc đời vui hơn.”
Nên nếu bạn đang loay hoay giữa bao nhiêu mục tiêu đọc sách — phải đọc bao nhiêu cuốn, phải ghi nhớ bao nhiêu điều, phải gạch chân, ghi chú, tóm tắt… thì thử điều này xem. Mở một cuốn sách ra — và chỉ cần đọc. Nếu thấy hay, bạn sẽ quay lại lần nữa, như một bản nhạc cũ mà mình muốn "nghe lại". Chỉ vậy thôi. Và rồi bạn sẽ ngạc nhiên nhận ra: những điều thật sự quan trọng, ta chẳng cần cố, vẫn nhớ.

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất