Nhiều người bị lo âu hoặc trầm cảm có thể sẽ trải nghiệm rằng các triệu chứng của chúng đôi khi chồng chéo và khó có thể xác định một cách rõ ràng. Những triệu chứng nhập nhằng giữa hai vấn đề này có thể kể đến như: khó tập trung, khó ngủ, mệt mỏi và mất hứng thú với các hoạt động từng được yêu thích trước đây.

Không phải lúc nào cũng dễ dàng để xác định rõ nguyên nhân gốc rễ gây ra triệu chứng. Trong nhiều trường hợp, mọi người dường như trải nghiệm hầu hết các triệu chứng của lo âu và trầm cảm. Họ có thể không xác định rõ liệu họ đang đối phó với rối nhiễu lo âu, trầm cảm, hay thậm chí cả hai. Một lý do cho sự hoang mang, bối rối này là bởi triệu chứng của vấn đề này có vẻ giống như triệu chứng của vấn đề kia.

Xác định một nguyên nhân chính gây ra rối nhiễu không phải lúc nào cũng có thể hoặc cần thiết. Nhưng biết nguyên nhân gốc rễ của các triệu chứng có thể giúp bạn tìm ra phương pháp trị liệu phù hợp nhất. Hiểu sâu hơn về trải nghiệm của bản thân cũng có thể giúp bạn cảm thấy hy vọng hơn trong quá trình tìm kiếm sự giúp đỡ.

Sự khác biệt chính giữa Lo âu và Trầm cảm

Lo âu là một cảm giác lo lắng thường trực.  Nó có thể tự xuất hiện hoặc được kích hoạt bởi các sự kiện hay những yếu tố cụ thể khác. Dấu hiệu thể chất của lo âu thường bao gồm khó thở và cơ bắp căng thẳng. Những người có rối nhiễu lo âu đôi khi trải qua các cơn hoảng loạn với các biểu hiện: tim đập nhanh và chóng mặt.
Trầm cảm là nỗi buồn kéo dài hoặc mất hứng thú trong các hoạt động thú vị trước đây. Nó được đặc trưng bởi tình trạng năng lượng thấp, cảm giác giá trị bản thân thấp, và đôi khi có ý nghĩ tự tử.  
Các triệu chứng chồng chéo giữa lo âu và trầm cảm thường có nguồn gốc khác nhau. Ví dụ, rối nhiễu lo âu có thể khiến một người ngừng thực hiện một hoạt động hoặc rút lui khỏi môi trường xã hội. Điều này bình thường bởi vì đối với họ những trải nghiệm đó có thể kích hoạt cơn hoảng loạn. Trầm cảm cũng có thể khiến ai đó thu mình lại theo cách tương tự. Trong trường hợp trầm cảm, biểu hiện thu mình lại có thể là do mất hứng thú với hoạt động này.
Mệt mỏi hoặc mất năng lượng là các triệu chứng thường liên quan đến trầm cảm. Nhưng lo âu cũng có thể gây mất năng lượng, và có thể dẫn đến cảm giác kiệt sức. Sự mệt mỏi này thường được gây ra bởi các kiểu suy nghĩ lo lắng, suy nghĩ ám ảnh hoặc nghĩ ngợi miên man. Trong trường hợp trầm cảm, mất năng lượng có thể xảy ra như là một triệu chứng chính.
Cả hai vấn đề trên đều có thể khiến người bệnh né tránh xã hội hoặc thay đổi mức độ hoạt động. Những triệu chứng này có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau. Do đó, cần có những cách tiếp cận khác nhau có thể để xác định các nguyên nhân của vấn đề.

Dấu hiệu của lo âu

Nếu bạn có hầu hết các triệu chứng sau, bạn có thể gặp phải hội chứng lo âu:
  • Bàn tay hoặc bàn chân lạnh, đổ mồ hôi, tê hoặc ngứa ran
  • Thở ngắn, thở dốc
  • Đánh trống ngực (tim đập nhanh)
  • Suy nghĩ dồn dập
  • Khô miệng
  • Khô miệng
  • Buồn nôn
  • Chóng mặt
Được chẩn đoán mắc một loại rối loạn lo âu cụ thể nào đó cũng có nghĩa là lo lắng là nguyên nhân gốc rễ. Ví dụ, một người trải qua các cơn hoảng loạn hoặc lo lắng xã hội vẫn có thể có các triệu chứng trầm cảm. Những triệu chứng lo âu có thể khiến cá nhân thu mình lại với cuộc sống, các mối quan hệ hoặc các định chế xã hội. Từ đó có thể kích hoạt cảm giác tuyệt vọng và cô đơn - là những biểu hiện gần như tương tự với biểu hiện khi bị trầm cảm.
Lo âu cũng có thể gần như chắc chắn là một nguyên nhân nếu:
  • Bạn có một tiền sử gia đình người thân bị chứng lo âu
  • Bạn từng trải qua sự nhút nhát khi còn nhỏ
  • Bạn đã trải qua những triệu chứng này từ khi còn trẻ
Những người được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm có thể trải qua cảm giác lo âu. Thuật ngữ của triệu chứng này là Chứng lo âu quá độ. Nó được đặc trưng bởi cảm giác căng thẳng, bồn chồn và khó tập trung. Cảm giác tuyệt vọng có thể đi kèm với trầm cảm có thể gây ra lo lắng về tương lai. Những người trải qua trầm cảm và lo âu quá độ có thể có nguy cơ có ý tưởng tự sát cao hơn các trường hợp còn lại. Điều quan trọng là họ cần được giúp đỡ và trị liệu phù hợp.

Dấu hiệu của trầm cảm

Theo cách phân loại trong Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần (DSM-5), chứng bệnh trầm cảm còn được gọi là rối loạn trầm cảm chủ yếu. Để nhận biết trầm cảm, chúng ta chủ yếu dựa vào biểu hiện của các giai đoạn trầm cảm. Trong giai đoạn trầm cảm, các triệu chứng trầm cảm có thể trở nên nghiêm trọng đến mức gây cản trở chức năng sống hàng ngày. Bên cạnh đó, trầm cảm còn có một số dấu hiệu cơ bản khác như là:
  • Cảm giác buồn dai dẳng
  • Rối loạn giấc ngủ
  • Mệt mỏi hay cảm giác "đè nặng"
  • Cảm giác tuyệt vọng hay mặc cảm
  • Quá trình suy nghĩ chậm lại
  • Suy nghĩ về cái chết hoặc tự tử
Một số loại trầm cảm dễ xác định hơn như là: Trầm cảm gây ra bởi một sự kiện cụ thể trong cuộc sống. Trầm cảm sau sinh, xảy ra sau khi sinh con, hoặc rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD), bao gồm các triệu chứng trầm cảm có các tác nhân kích thích khác biệt.
Những người chủ yếu trải qua lo âu cũng có thể được chẩn đoán mắc một trong những dạng trầm cảm này. Trong những trường hợp này, các triệu chứng sẽ được coi là xảy ra đồng thời, hoặc rối loạn hỗn hợp lo âu - trầm cảm. Thuật ngữ này được sử dụng khi cả hai triệu chứng riêng biệt đều hiện diện. Trải nghiệm cảm giác "đánh đu" qua lại giữa lo âu và trầm cảm có thể là một điều khó chịu. Nó có thể giống như một vòng xoáy tiêu cực mà sự cân bằng là rất cần thiết nhưng lại khó đạt được.
Trầm cảm cũng có thể là gần như chắc chắn là một nguyên nhân, nếu:
  • Nó diễn ra trong gia đình bạn
  • Gần đây bạn đã trải qua một mất mát đau thương
Nếu một người chỉ được chẩn đoán mắc chứng lo âu, họ vẫn có thể có dấu hiệu trầm cảm. Những người mắc chứng lo âu có thể dành phần lớn năng lượng của họ cho sự lo lắng. Những suy nghĩ lo âu có thể khiến họ chỉ còn ít năng lượng để thực hiện các công việc hoặc sở thích hàng ngày. Khi lo âu gây ra sự áp đảo hoặc suy sụp, nó có thể bắt đầu trông giống như trầm cảm.

Tôi có vừa bị cả hai hội chứng lo âu và trầm cảm không? 

Có thể khó để nhận biết chính xác bạn đang đồng thời mắc cả hai chứng lo âu và trầm cảm; hay thực tế các triệu chứng của hội chứng này chỉ trông giống với biểu hiện của hội chứng còn lại. Trong một nghiên cứu, 72% những người mắc chứng lo âu lan tỏa có tiền sử trầm cảm. Trong khi đó, chỉ có 48% người bị trầm cảm có tiền sử lo âu. Nhưng nghiên cứu cũng cho thấy rằng tỷ lệ những người cùng một lúc mắc phải chứng lo âu và trầm cảm phổ biến hơn so với chúng ta nghĩ.
Nghiên cứu chỉ ra việc mắc hai chứng bệnh cùng lúc có thể bắt nguồn từ việc chủ thể đã mắc một trong hai chứng bệnh từ trước. Điều này có nghĩa là một người có thể trải qua lo âu và trầm cảm ở các giai đoạn khác nhau trong cuộc sống. Một số chuyên gia cho rằng lo âu khi còn trẻ có thể làm tăng khả năng bị trầm cảm trong tương lai. Nhưng chứng trầm cảm cũng có thể mắc phải trước chứng lo âu.
Làm gì khi bạn bối rối về các triệu chứng của mình?
Câu hỏi hoặc mối quan tâm về trầm cảm và lo âu nên được chuyển đến một chuyên gia sức khỏe tâm thần đáng tin cậy. Các nhà trị liệu thường được đào tạo để xác định nguyên nhân gốc rễ của các vấn đề. Thảo luận về các triệu chứng của bạn trong trị liệu có thể giúp bạn khám phá nguồn gốc của vấn đề khiến bạn phải tìm kiếm sự giúp đỡ. Khi bạn và nhà trị liệu xác định vấn đề, bạn có thể tìm hiểu cách khắc phục hoặc kiểm soát nó.
Liệu pháp trò chuyện (Talk therapy) có thể hữu ích trong việc xác định nguyên nhân của các triệu chứng nhất định. Một nhà trị liệu đã qua đào tạo có thể giúp làm sáng tỏ các triệu chứng của bạn và xem xét những nguyên nhân gì gây ra chúng. Cho dù bạn trải qua lo âu, trầm cảm hoặc cả hai, nhà trị liệu của bạn có thể giúp tạo ra một kế hoạch để giải quyết các tình trạng đó trong dài hạn. Điều này có thể có nghĩa là tham gia nhiều buổi trị liệu, một nhóm hỗ trợ, điều trị tâm lý hoặc dùng thuốc và điều trị với bác sĩ tâm thần kết hợp với trị liệu.
Bất kể những bước tiếp theo bạn thực hiện là gì, điều quan trọng cần nhớ là mỗi người trải qua lo âu và trầm cảm theo những cách khác nhau. Không phải lúc nào cũng cần biết hết mọi nguyên nhân của vấn đề sức khỏe tâm thần mới điều trị được. Nhưng gọi tên hoặc xác định một vấn đề, đặc biệt là vấn đề gốc, có thể giúp giảm cảm giác lo âu hoặc mơ hồ ở một số người. Hãy nhớ rằng bạn không bao giờ cô đơn. Bất kỳ trợ giúp và hướng dẫn để cải thiện sức khỏe tâm thần của bạn chỉ nên tham vấn với một nhà trị liệu đáng tin cậy.
Đọc thêm:
---------------------------------------------
© Copyright 2018 GoodTherapy.org. All rights reserved
Tài liệu tham khảo bài viết gốc:
Ankrom, S. (2018, February 15). Depression and anxiety. Retrieved from      https://www.verywellmind.com/depression-and-anxiety-2584202
  1. Anxiety disorders: Risk factors. (2016). Retrieved from      https://www.nimh.nih.gov/health/topics/anxiety-disorders/index.shtml#part_145335
  2. Davis, J. (n.d.). Is it really depression? Retrieved from      https://www.webmd.com/anxiety-panic/features/is-really-depression#1
  3. Moffitt, T. E., Harrington, H., Caspi, A., et al. (2007). Depression and generalized      anxiety disorder cumulative and sequential comorbidity in a birth cohort      followed prospectively to age 32 years. Arch Gen Psychiatry, 6(64), 651-660. doi:10.1001/archpsyc.64.6.651
  4. Smith, K. (2018, February 13). Anxiety vs. depression: How to tell the difference.      Retrieved from https://www.psycom.net/anxiety-depression-difference
  5. Stressed or depressed? Know the difference. (n.d.). Mental Health America.      Retrieved from http://www.mentalhealthamerica.net/stressed-or-depressed-know-difference
  6. Wilcox, M. A., Kent, J., Canuso, C., & Wittenberg, G. (n.d.). The DSM-5 MDD      anxious distress specifier: A useful predictor of risk: Suicide, comorbidities, disability, and treatments? Retrieved from https://isctm.org/public_access/Autumn2015/Poster/Abstracts/1-Wilcox.pdf
Khuyến cáo quan trọng về bài đăng: Các bài đăng trên Compassion.vn được thực hiện bằng cách sử dụng nguồn lực cộng đồng (được dịch lại từ các nguồn khác nhau hoặc do chuyên gia cộng tác viết) - Compassion luôn nỗ lực cải thiện chất lượng nội dung (bằng cách tối ưu hóa quy trình tại hotro.compassion.vn) và nâng cao tính chuyên môn (bằng cách cộng tác với chuyên gia tại: www.compassion.vn/expert). Tuy nhiên người đọc cần tự kiểm chứng lại thông tin và đặc biệt các bài đăng không thể thay thế các giải pháp cần chuyên môn khác như trị liệu, tham vấn, coaching... (bạn có thể tham khảo danh sách từ Compassion: www.compassion.vn/booking).
Nguồn bài dịch: Good Therapy Organization. (Jun 30, 2018). Is It Anxiety or Depression? How to Tell the Difference. Trích nguồn từ: https://www.goodtherapy.org/blog/is-it-anxiety-or-depression-how-to-tell-the-difference-0630187 
Người dịch: Anh Đào Lê Người biên tập: Nhung Lê
Chuyên gia review: Thạc sĩ Đoàn Thị Hương - Nhà trị liệu
Hình thức dịch: Dịch & biên tập theo hình thức crowdsourcing tại www.compassion.vn/crowdsourcing 
Về Compassion: www.compassion.vn/about