Cùng với một mục tiêu chung là hỗ trợ khách hàng nhận diễn ra những khuôn mẫu tiêu cực trong cuộc sống và sống đúng với tiền năng của bản thân, các dịch vụ như “tham vấn, trị liệu tâm lý" hay “coaching/khai vấn" ngày càng được quan tâm nhiều hơn tại Việt Nam, vậy, sự khác biệt giữa “tham vấn tâm lý", “trị liệu tâm lý" và “coaching, hay khai vấn” là gì?
Ảnh: Talkspace
Ảnh: Talkspace

1. SỰ KHÁC BIỆT VỀ QUY CHUẨN ĐÀO TẠO

Để thực sự phân biệt được giữa ba dịch vụ trên, trước hết chúng ta phải hiểu được sự khác nhau giữa định nghĩa của Tham vấn viên [counselor], nhà Trị liệu tâm lý [psychotherapist], và Khai vấn viên [life coach].
- Nhà Trị liệu tâm lý [psychotherapist]: Ở Anh, Úc, Mỹ và các quốc gia khác, nhà trị liệu tâm lý được đào tạo chính quy và chuyên sâu để đánh giá, chẩn đoán và hỗ trợ điều trị các rối loạn tâm thần [mental disorders] bằng các phương pháp trị liệu tâm lý, bằng lời nói, múa chuyển động, nghệ thuật hoặc âm nhạc chứ không phải bằng việc sử dụng thuốc. Tại Mỹ, các nhà trị liệu có thể đi vào hai hướng trị liệu chuyên sâu. Thứ nhất là trị liệu sức khoẻ tinh thần và thứ hai là trị liệu hôn nhân và gia đình. 
Các nhà trị liệu thường có ít nhất là bằng thạc sĩ về Tâm lý Trị liệu và cần thi để có chứng chỉ hành nghề tại khu vực. Tại Việt Nam, tuy chưa có quy định về chứng chỉ hành nghề, các nhà trị liệu tâm lý thường tốt nghiệp “Thạc sĩ Tâm lý học Lâm sàng" tại các trường đại học như Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn hay Đại học Giáo dục Hà Nội. 
- Tham vấn viên [counsellor]: Ở Anh, Úc, Mỹ và các quốc gia khác, một tham vấn viên được đào tạo chính quy và chuyên sâu để đưa ra hướng dẫn về các vấn đề cá nhân, xã hội hoặc tâm lý dựa trên các kiến thức chuyên môn về tâm lý và hành vi con người. Tuy hai cụm từ “tham vấn" và “trị liệu" thường được dùng thay thế cho nhau nhưng những nhà trị liệu thường được đào tạo để xử lý các vấn đề nghiêm trọng hơn. Tại Việt Nam, những tham vấn viên thường tốt nghiệp “Thạc sĩ Tâm lý Lâm sàng", “Thạc sĩ Tham vấn Học đường”. Đôi khi, những sinh viên tốt nghiệp “Cử nhân Tâm lý học” cũng có thể thực hành vai trò tham vấn viên tại các trường học hoặc các cơ sở hỗ trợ cộng đồng.
- Khai vấn viên [life coach] là những cá nhân được đào tạo hoặc huấn luyện để tư vấn và khuyến khích khách hàng về những vấn đề trong cuộc sống liên quan đến nghề nghiệp, hôn nhân hoặc những thách thức cá nhân. Tại Việt Nam cũng như trên thế giới, các khai vấn viên thường có kinh nghiệm sống và làm việc dày dặn, sau đó tham gia huấn luyện ngắn hạn tại các tổ chức trong nước hoặc quốc tế để nhận Chứng chỉ Chuyên viên Khai vấn.

2. SỰ KHÁC BIỆT TRONG TIẾP CẬN HỖ TRỢ

Bên cạnh những khác biệt trong định nghĩa, mỗi nhóm chuyên gia cũng có cách tiếp cận và vai trò khác nhau trong việc hỗ trợ thân chủ. Dù Khai vấn viên có thể có vai trò lớn trong việc truyền cảm hứng cho sự phát triển cá nhân của thân chủ trong cuộc sống, họ lại không được đào tạo chính thức để giúp đỡ các thân chủ trong các vấn đề liên quan tới sức khoẻ tinh thần như trầm cảm, lo âu, nghiện chất.
Mặt khác, với kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn, các Tham vấn viên và đặc biệt là các Nhà trị liệu sẽ đóng góp trực tiếp vào việc hỗ trợ giải quyết các vấn đề này. Trong tiến trình hỗ trợ thân chủ các Tham vấn viên và các Nhà trị liệu còn cần phải cung cấp cho thân chủ hay khách hàng các kiến thức về tâm lý học và tâm bệnh học dựa trên các mô hình, lý thuyết và nghiên cứu từ khoa học Tâm lý. Đây là cấu phần bắt buộc trong tiến trình tham vấn trị liệu tâm lý mà có thể không xuất hiện trong tiến trình khai vấn.
Ngoài ra, khác với khai vấn, các nhà tham vấn trị liệu được đào tạo về các trường phái trị liệu khác nhau. Mỗi trường phái trị liệu lại có những giá trị cốt lõi và mục tiêu riêng. Ví dụ như, theo Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ:
- Trị liệu theo trường phái Phân tâm học sẽ tập trung khai thác phần vô thức của thân chủ, bao gồm những trải nghiệm tích cực và tiêu cực trong suốt quá trình trưởng thành. Các phương pháp và nghiên cứu nền tảng cho trị liệu theo trường phái Phân tâm đang ngày một phát triển và mở rộng. Hiện nay, các nghiên cứu về mối quan hệ gia đình, thuyết gắn bó hay về sự ảnh hưởng vô thức của cách tư duy đến hành vi đều nằm trong phạm trù nghiên cứu của các nhà Tân Phân Tâm [Neo-Freudians]
- Trị liệu Hành vi tập trung vào việc hiểu về sự hình thành của các hành vi “bình thường” và “bất thường", từ đó có thể thay đổi các hành vi cá vấn đề và gia tăng các hành vi có ích. 
- Trị liệu Nhận thức chú trọng vào các khuôn mẫu tư duy của một người, có thể là cách người đó nghĩ về bản thân, nghĩ về người khác, hay cách họ thường suy ngẫm về một vấn đề cụ thể trong cuộc sống.
- Trị liệu theo trường phái Nhân bản nhấn mạnh vào việc tối ưu hóa tiềm năng và thúc đẩy năng lực ra quyết định tự thân của thân chủ. Trường phái trị liệu này được ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các nhà triết gia như Jean-Paul Sartre, Martin Buber và Soren Kierkegaard. Ba nhánh nhỏ hơn của trường phái này đó là trường phái trị liệu Thân chủ Trọng tâm - đề cao cảm nhận cá nhân và quyền tự chủ của thân chủ, trường phái trị liệu Gestalt - hướng thân chủ vào việc nhận thức hiện thực một cách toàn diện, và trường phái Hiện sinh - tập trung vào hành trình tìm ý nghĩa cuộc đời.
Hầu hết các nhà Tâm lý trị liệu ở Việt Nam được đào tạo theo trường phái Phân tâm, Nhận thức - Hành vi và Thân chủ Trọng tâm. Bạn cũng đừng ngại đặt câu hỏi cho các nhà tham vấn trị liệu về trường phái trị liệu họ đã được đào tạo.

3. SỰ KHÁC BIỆT TRONG CÁC VẤN ĐỀ CÓ THỂ GIẢI QUYẾT

- Trong “Tham vấn”, thân chủ sẽ tiếp nhận điều trị trong thời ngắn, số lượng từ 3-10 buổi tuỳ vấn đề. Trong tiến trình tham vấn tâm lý, nhà tham vấn và thân chủ sẽ cùng tìm hiểu và tập trung giải quyết một tình huống hay một vấn đề cụ thể trong cuộc sống. Đây thường là các vấn đề thường gặp trong đời sống hàng ngày như lo lắng, buồn bã, khó bỏ chất kích thích, các vấn đề trong gia đình hay các mối quan hệ, và định hướng nghề nghiệp. Thân chủ, dưới sự hỗ trợ từ Tham vấn viên, tự lên đưa ra các cách giải quyết vấn đề.
- Trong “Trị liệu tâm lý”, thân chủ sẽ tiếp nhận điều trị trong thời gian dài. Có khi, tiến trình trị liệu sẽ kéo dài hàng năm trời. Trong các phiên trị liệu, nhà trị liệu sẽ tập trung phân tích cảm xúc, suy nghĩ cùng trải nghiệm của thân chủ nhằm giải quyết các rối loạn tâm lý đã xảy ra trong một thời gian dài. Thân chủ, với sự hỗ trợ của Nhà trị liệu, cùng nhau tìm ra gốc rễ vấn đề và loại bỏ nó.
- Trong “Khai vấn", thân chủ tiếp nhận sự tư vấn hỗ trợ trong một thời gian ngắn. Trong các phiên khai vấn, các nhà khai vấn sẽ cùng xác lập mục tiêu của thân chủ trong cuộc sống, đặt các câu hỏi để định rõ được các mục tiêu và trở ngại đang và sẽ gặp phải, từ đó thiết lập và theo dõi kế hoạch về những bước đi cần thiết để đạt được mục tiêu. Thân chủ, dưới sự hỗ trợ từ Khai vấn viên, cùng nhau tìm ra các trở ngại trong quá trình hoàn thành những mục tiêu đề ra.
Ảnh: Unsplash
Ảnh: Unsplash

VẬY, TÔI NÊN GẶP AI?

Theo nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), ước tính tại Việt Nam có ít nhất 3 triệu thanh thiếu niên đang gặp khó khăn với các vấn đề về sức khỏe tâm lý. Vì thế, tầm quan trọng của Tham vấn và Trị liệu tâm lý đang ngày càng trở nên rõ rệt trong cuộc sống hiện đại. Vậy khi nào thì bạn nên tới gặp chuyên gia Tham vấn trị liệu hay nhà Khai vấn?

1. Hãy tìm gặp một Tham vấn viên nếu như bạn đang:

- Trải qua một sự kiện khó khăn (như mất việc, cai nghiện,...).
- Gặp phải các vấn đề về tâm lý (căng thẳng, stress,...).
- Phải đi qua những thay đổi lớn (đi du học, chuyển cấp, kết hôn, trở thành phụ huynh, ly hôn...).

2. Hãy tìm gặp một Nhà trị liệu tâm lý khi:

- Bạn ám ảnh bởi một sự việc nào đã xảy ra trong một thời gian dài.
- Hoạt động hằng ngày của bạn bị gián đoạn (mất ăn, mất ngủ, làm việc thiếu hiệu quả,...) bởi những cảm xúc, suy nghĩ thiếu ổn định.
- Các rối loạn tâm lý của bạn vẫn tiếp diễn trong trong thời gian dài sau khi bạn được giúp đỡ bởi Tham vấn viên.

3. Hãy tìm gặp một Khai vấn viên khi:

- Bạn cần đạt được những bứt phá mới trong công việc
- Bạn mong muốn được đơn giản hóa và giải mã cuộc sống cá nhân và nghề nghiệp của bạn.
- Bạn muốn phát triển sự chấp nhận và tự tin vào bản thân, từ đó vượt ra khỏi vùng an toàn cá nhân.
Tuy nhiên, việc lựa chọn tìm kiếm sự giúp đỡ của Tham vấn viên hay Nhà trị liệu tâm lý còn phụ thuộc vào việc cách tiếp cận của họ có phù hợp với cá nhân và hoàn cảnh của bạn hay không. Trong trường hợp bạn nhận thấy Tham vấn không phù hợp với mình sau thời gian tư vấn, bạn hoàn toàn có thể linh hoạt thử tiếp nhận Trị liệu Tâm lý và ngược lại, hoặc thử tìm tới các nhà Tham vấn với các cách tiếp cận điều trị khác.
Trong nhiều trường hợp, một người có thể quyết định sử dụng cả dịch vụ khai vấn và tham vấn trị liệu bởi sự khác biệt trong kết quả chúng có thể mang lại.
Minh hy vọng, những chia sẻ trên đã phần nào giúp các bạn hiểu hơn về sự khác biệt giữa Tham vấn, Trị liệu tâm lý và Khai vấn cũng như hỗ trợ các bạn đưa ra các quyết định phù hợp với nhu cầu và năng lực cá nhân.
Biên tập viên: Keira Ngo, đội ngũ cộng tác viên Minerva Education.
Tham khảo: 
American Psychological Association. (n.d.). Different approaches to psychotherapy. American Psychological Association. Retrieved October 13, 2022, from https://www.apa.org/topics/psychotherapy/approaches
Fogel, L. J. (2022, April 12). What's the difference between a therapist and a coach? What's The Difference Between A Therapist And A Coach? Retrieved October 13, 2022, from https://meetmonarch.com/health-resources/articles/therapy-101/whats-the-difference-between-a-therapist-and-a-coach
Stobierski, T. (2022, February 23). Counselors vs. therapists vs. psychologists: Key differences. Northeastern University Graduate Programs. Retrieved October 13, 2022, from https://www.northeastern.edu/graduate/blog/counselor-vs-therapist-vs-psychologist/ 
-----------------
Nếu bạn đang trên con đường tìm hiểu bản thân và chữa lành những nỗi đau trong quá khứ, đừng bỏ lỡ series livestream “Vui” lên bạn ơi ?!? Lời khuyên từ những chuyên gia tâm lý trị liệu do đội ngũ “Để Tâm lý học Dẫn đường" sản xuất.
Thông tin về chuỗi livestream sẽ được chúng mình cập nhật trên website và fanpage của Spiderum tại đây.