Henry David Thoreau
Henry David Thoreau nhắc chúng ta về ý nghĩa của sự giản đơn, sự chân thật và bất phục tùng.
Một cuộc sống thành công thời hiện đại hầu như luôn bao gồm rất nhiều công nghệ, kết nối liên tục với mọi người, lao động hăng say để kiếm được thật nhiều tiền, và thực hiện những gì được bảo phải làm. Những yếu tố này gần như là “đơn thuốc” thông thường cho sự thành công. Thế nên, nhiều người có thể thấy bất ngờ khi biết rằng một trong những lời khuyên hay nhất về đời sống hiện đại đến từ một nhà văn thất nghiệp (tôi thích gọi đó là tự do, hơn là “thất nghiệp” – ND), sống một mình trong rừng và từ chối đóng thuế. Henry David Thoreau (1817-1862) nhắc chúng ta về ý nghĩa của sự giản đơn, chân thật và bất phục tùng một cách cương quyết.
Thoreau sinh năm 1817 tại Concord, một thị trấn bình dị phía tây Boston. Cha ông có nghề sản xuất bút chì còn mẹ nhận người đến ở trọ. Thoreau theo học Đại học Harvard năm 1833 và tốt nghiệp năm 1837 với điểm số cao. Tuy vậy, Thoreau không chọn những con đường sự nghiệp thông thường như luật, y, hay nhà thờ. Ông tham gia giảng dạy một khoảng thời gian nhưng kết cục không thể biến nó thành một công việc ổn định tại trường học địa phương, bởi không chấp nhận nổi việc áp dụng trừng phạt thân thể đối với học sinh tại đây. Nói ngắn gọn, ông bất mãn với bất cứ điều gì giống như một quỹ đạo hiển nhiên.
Sau đó Thoreau khởi đầu một tình bạn đặc biệt với triết gia Ralph Waldo Emerson (1803-1882). Emerson tin theo thuyết siêu nghiệm transcendentalism, một quan điểm cho rằng thế giới được phân ra làm hai thực tại: thực tại vật chất và thực tại tinh thần. Thuyết siêu nghiệm nhấn mạnh tầm quan trọng của tâm linh so với vật chất trong việc tạo nên một cuộc đời hoàn thiện.
Emerson và thuyết siêu nghiệm có ảnh hưởng sâu đậm đến Thoreau. Hơn nữa, Emerson cũng truyền cảm hứng để Thoreau nỗ lực trở thành một nhà văn. Căn nhà nơi Thoreau ở bừa bộn và ồn ào, làm việc ở xưởng bút chì đầy mệt mỏi và chán nản. Tình cờ Emerson sở hữu một mảnh đất trong rừng, bao quanh hồ Walden gần đó. Năm 1845 Emerson để Thoreau dựng một cabin nhỏ (3x4.5m) ở đó. Căn nhà có ba cái ghế, một cái giường, một cái bàn ăn, một bàn làm việc và một cái đèn.
Thoreau chuyển vào đó ở ngày 4 tháng Bảy với hai mục đích: để viết một cuốn sách và để xác định liệu có thể lao động một ngày trong tuần và dành sáu ngày còn lại cho công việc triết học của mình hay không. Trong hai năm sống trong cabin, Thoreau viết nên tác phẩm trứ danh: Walden; hay còn có tên Life in the Woods, sau này đã được xuất bản (1854). Đương thời, Walden đạt thành công thương mại lẫn văn chương ở mức khiêm tốn, nhưng qua thời gian, tác phẩm đã trở thành áng văn truyền cảm hứng khám phá bản thân. Thoreau cho rằng, trốn vào Walden không đơn thuần là đi vào rừng kiếm sự nghỉ ngơi thư giãn. Ông chọn sống ở đó để có thể “sống sâu và hút lấy xương tủy của cuộc sống,”
"Tôi đi vào rừng vì tôi mong muốn sống có chủ đích, để đối diện duy nhất với những sự thật căn bản về cuộc sống, và xem thử tôi có học được những gì cuộc đời có thể dạy cho tôi hay không, và để ngăn cái viễn cảnh đến khi cận kề cái chết tôi mới ngộ ra rằng mình chưa hề sống."
Thoreau tin rằng, con người thường ‘bỏ lỡ’ cuộc sống—họ mắc kẹt trong lề lối của mình đến nỗi không tài nào thấy được rằng có nhiều cách khác để đạt được sự trọn vẹn:
“Có vẻ như người ta cố ý chọn lấy kiểu sống thông thường vì ưa thích nó hơn bất kì kiểu nào khác. Nhưng thực lòng họ cho rằng ngoài cách đó ra, họ không chẳng có lựa chọn nào khác.”
Trải qua một thời gian ở ngôi nhà nhỏ, Thoreau khám phá ra một lối sống khác tỉnh thức hơn. Đầu tiên, ông có một kết luận rằng, thực ra chúng ta cần rất ít. Ông gợi ý chúng ta nên thử nghĩ về những gì mình sở hữu ở khía cạnh chúng ta có thể sống ổn với ít thứ ra sao, thay vì chúng ta có thể kiếm lấy nhiều đến thế nào. Thoreau tin rằng tiền bạc là thừa thãi, vì chúng không giúp ích nhiều cho việc phát triển tâm hồn. Công việc, theo quan niệm truyền thống, cũng không cần thiết: “Về công việc thì, những công việc thật sự quan trọng chúng ta không thực hiện”. Thoreau đặt mục tiêu lao động đúng một ngày trong tuần và thấy việc này hoàn toàn khả dĩ. Ông chỉ ra rằng việc đi bộ 30 dặm sẽ cần một ngày, nhưng lao động để kiếm được đúng số tiền vé tàu cho quãng đường tương đương lại mất nhiều hơn một ngày. Cái hay nhất là khi đi bộ, ta có thể nhìn ngắm thiên nhiên và có điều kiện suy ngẫm. Chính điều này, theo quan điểm của Thoreau, là công dụng của thời gian: “Tôi thấy rằng, khi làm việc 6 tuần trong một năm, tôi có thể lo đủ chi phí sinh hoạt. Toàn bộ thời gian các mùa đông, và phần lớn thời gian mùa hè, tôi có khoảng trống để tự do nghiên cứu.”
“Tôi có ba cái ghế trong nhà; một cho sự cô độc, hai cho bằng hữu, và ba cho sự giao du” —trích từ nhật kí của Thoreau.
Emerson bạn ông viết rằng, “Con người văn minh biết cách đóng được cái sofa, nhưng đã đánh mất công dụng của đôi bàn chân mình.”
The civilized man has built a coach, but has lost the use of his feet. He is supported on crutches, but lacks so much support of muscle. He has a fine Geneva watch, but he fails of the skill to tell the hour by the sun.
Thoreau không tin vào xã hội và sự “tiến bộ” mà nó có vẻ đã làm nên. Ông coi trọng tinh thần tự lực. Với Thoreau, sự độc lập về kinh tế khỏi những người khác, và khỏi chính quyền là cực kì quan trọng. Ông hiểu, có những khi chúng ta cần ở bên những người khác, nhưng đồng thời cảm thấy rằng, chúng ta hay dùng sự có mặt của người khác để lấp những khoảng trống trong đời sống nội tâm, những thứ mà chúng ta sợ phải đối mặt. Nhiệm vụ mà Thoreau đặt ra cho mình—học cách sống cô độc, không liên quan nhiều đến việc tiến hành những công việc vặt thường nhật. Thay vào đó, nó hướng tới việc xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với chính mình, ở đó ta dựa vào bản thân đầu tiên và trước hết để tìm thấy sự đồng hành cùng chỉ dẫn đạo đức.
Tinh thần này cũng đã được Emerson nêu bật trong tác phẩm nổi tiếng Self-Reliance của mình:
“Kiên định với bản thân; đừng bao giờ bắt chước. Thiên tư của bạn, bạn có thể thể hiện ra trong mọi khoảnh khắc với sức lực tích lũy qua quá trình trau dồi suốt cả một đời; nhưng từ tài năng nhận lấy từ người khác, bạn chỉ có sự sở hữu tùy ứng, nửa vời.”
Hơn hết, con người cần thay đổi bản thân trước khi tìm cách thay đổi thế giới. Thoreau cho rằng công nghệ thường là một thứ không cần thiết và gây sao lãng. Ông thấy được những lợi ích thực tiễn của các phát minh mới, nhưng cũng cảnh báo rằng những cải tiến như thế không thể giải quyết thử thách thực sự: đạt được hạnh phúc cá nhân.
“Những phát minh của chúng ta thường giống như món đồ chơi đẹp đẽ, khiến ta sao lãng khỏi những vấn đề nghiêm túc… Chúng ta vội vã tạo ra điện báo từ Maine đến Texas; nhưng Maine và Texas có khi chẳng có gì quan trọng cần truyền đạt cho nhau.”
Cái chúng ta cần để được hạnh phúc chẳng phải công việc, tiền bạc, hay công nghệ hay thậm chí là nhiều bạn bè. Ta cần thời gian. Bên cạnh đó, Thoreau tin rằng chúng ta cần hướng về tự nhiên, nơi tràn đầy ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Ông cố gắng sao cho mình “luôn ở trạng thái cảnh giác, để tìm thấy Thượng đế trong tự nhiên.” Với Thoreau, các loài động vật, những cánh rừng, thác nước có giá trị cả ở vẻ đẹp và vai trò của chúng trong hệ sinh thái. Ông hẳn sẽ rất vui mừng “nếu tất cả đồng cỏ trên trái đất được để yên ở trạng thái hoang dã,” vì chúng ta sẽ thấy rằng “tự nhiên, ngay cả khi đặt dưới phương thức đánh giá của chúng ta, vẫn đáng giá hơn so với những cải tiến con người chúng ta làm nên.” Chúng ta có khả năng hiểu bản thân rõ nhất với tư cách là một phần của tự nhiên; ta nên xem chính mình là “tự nhiên nhìn vào tự nhiên,” thay vì là một thế lực bên ngoài hay bá chủ của tự nhiên.
Hơn hết, tự nhiên cho ta ý nghĩa mà tiền bạc và công nghệ, hay quan điểm từ những người khác không thể mang lại, bằng cách dạy ta khiêm nhường và ý thức hơn thông qua suy xét nội tâm và khám phá bản thân. Thoreau tin rằng khi có được sự tỉnh thức một cách đúng đắn, con người có thể vượt lên khỏi những giới hạn hay ý tưởng trước kia của họ. Trạng thái tinh thần này mới là thứ đem đến tiến bộ đích thực, chứ không phải tiền bạc hay công nghệ. Ông tuyên bố đầy lạc quan rằng, “Ngày chỉ rạng khi chúng ta tỉnh giấc. Ngày hãy còn đang hiện ra. Mặt trời chỉ là một ngôi sao ban sớm.” (Only that day dawns to which we are awake. There is more day to dawn. The sun is but a morning star). Nếu chúng ta loại bỏ những phiền nhiễu khỏi đời sống và dành ra thời gian cho một chút suy ngẫm, những khám phá mới mẻ đang chờ đón ta ở phía trước.
Có lẽ bằng chứng tốt nhất về giá trị mà sự chiêm nghiệm cá nhân và tính chân thật của Thoreau mang lại đó là việc những ý tưởng của ông đã dẫn đến những kết luận về chính trị đầy sức mạnh. Ông tin rằng, con người cần cư xử sao cho chính quyền của họ trở nên đạo đức hơn, đặt lương tâm đạo đức ở trên quyền hành của pháp luật. Trong ‘Resistance to Civil Government’ (1849), Thoreau lập luận, con người có nghĩa vụ đạo đức phải thách thức chính phủ khi nó duy trì sự ủng hộ đối với những điều luật ngụy thiện hay bất công một cách trắng trợn. Chính phủ Mỹ vào thời của Thoreau được ông nhận định là đã dồn Mexico vào chiến tranh năm 1846 nhằm mở rộng lãnh thổ của mình. Thêm vào đó, chính phủ còn ủng hộ chế độ nô lệ. Vậy nên, Thoreau tìm đến cái ông gọi là ‘bất tuân dân sự’—chống lại những điều luật phi đạo đức theo hướng hòa bình—bằng cách biểu thị sự phản đối. Tháng 7 năm 1846, ông ngừng thanh toán nghĩa vụ thuế thân nhằm để không góp phần chi trả cho cuộc chiến Mexico-Mỹ và chế độ nô lệ. Ông trải qua một đêm trong nhà tù bởi những rắc rối này, một chuyến phiêu lưu đã dẫn đến việc viết nên tiểu luận ‘Resistance to Civil Government’.
“Sẽ không bao giờ có một Nhà nước thực sự tự do và khai minh cho tới khi Nhà nước công nhận rằng cá nhân là một quyền lực cao hơn và có tính độc lập, mọi quyền lực và quyền uy của nhà nước đều chính từ cá nhân mà ra, và vì thế đối xử với cá nhân một cách tương ứng. Điều tôi yêu cầu không phải là ngay lập tức không có chính phủ, mà ngay lập tức có được một chính phủ tốt hơn."
Không cần chờ đến ngày được các nhà cải cách tiếp nối đón nhận, Civil Disobedience—tên tác phẩm được đặt sau này—đã trở thành một trong những áng văn triết học chính trị Mỹ có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử. Mohandas Gandhi đã tiếp thu ý tưởng của Thoreau về bất tuân phi bạo lực, đưa nó trở thành mô hình cho cuộc đấu tranh chống lại Chủ nghĩa thực dân Anh của ông. Nhắc tới Thoreau, Gandhi nhận xét đó là “một trong những con người ưu tú và đạo đức bậc nhất nước Mỹ từng sản sinh.” Trong Thế chiến II, một số người ở Đan Mạch đã áp dụng các phương pháp ‘Bất tuân Dân sự’ để chống lại phong trào của Đức Quốc xã, và Thoreau đã trở thành một anh hùng tại đây. Martin Luther King nổi tiếng là đã dùng những ý tưởng của Thoreau trong đấu tranh giành bình đẳng cho người Mỹ gốc Phi. King lần đầu tiếp xúc với những phương pháp phản kháng phi bạo lực khi đọc tác phẩm của Thoreau năm 1944; nó thuyết phục ông rằng “bất hợp tác với cái xấu xa cũng là một nghĩa vụ đạo đức tương đương hợp tác với cái tốt đẹp.”
Dù dành ra thời gian sống như một ẩn sĩ, Thoreau đã dạy cho chúng ta một cách tiếp cận xã hội hiện đại rộng lớn đáng sợ, có tính kết nối cao và đầy nhiễu nhương. Ông đặt ra thách thức cho chúng ta làm sao để sống chân thật, không phải chỉ bằng cách né tránh cuộc sống vật chất cùng những thứ gây sao lãng, mà thông qua việc gắn bó với thế giới, rút lại sự ủng hộ cho chính phủ khi chúng ta tin rằng chính phủ đang hành xử bất công. Điều này có lẽ sẽ khiến chúng ta cảm thấy có chút không thoải mái: có bao nhiêu người trong chúng ta muốn đánh cược sự tự do và những gì mình sở hữu cho một hành động phản đối ? Dẫu vậy, bất tuân dân sự đã trở thành một trong những hình thức mạnh mẽ nhất cho việc không-làm-gì (tránh một số hành động nhất định) mà thế giới từng chứng kiến.
Ý tưởng của Thoreau vẫn còn nguyên giá trị tới ngày nay, bởi chúng ta chưa hề đi xa khỏi những vấn đề Thoreau tìm cách giải quyết trong thời của ông. Sự nhấn mạnh vào nếp sống thanh đạm và quay lưng đối với thế giới vật chất là một chiêm nghiệm tươi mới trong một thế giới bao phủ bởi những vấn nạn kinh tế. Quả thật là vậy, sự quan tâm dành cho Thoreau đạt mức cao nhất quanh thời điểm những cuộc khủng hoảng kinh tế; trong giai đoạn khủng hoảng những năm 1930, triết học của Thoreau được yêu thích đặc biệt tại Mỹ. Tuy vậy, cũng như chính Thoreau hẳn sẽ lên tiếng, không nên phải đến mức có khủng hoảng trầm trọng chúng ta mới có động lực suy xét một cuộc đời nặng yếu tố vật chất. Chúng ta cũng có thể tiếp tục học từ Thoreau tấm lòng trân trọng dành cho tự nhiên và những điều kiện tâm lí (lợi ích về tâm lí – ND) mà tự nhiên mang lại. Sau này Thoreau trở thành vị thánh bảo hộ của phong trào môi trường; Siera Club—một trong những tổ chức môi trường lớn nhất Mỹ—sử dụng khẩu hiệu của Thoreau, “sự bảo tồn thế giới này nằm ở thiên nhiên hoang dã.” (In wildness is the preservation of the world) làm chân ngôn dẫn đường của họ.
Sau khi rời Walden, Thoreau chu du khắp nơi, dành thời gian làm công việc khảo sát và cho ra thêm nhiều bài luận, đặc biệt về chủ đề môi trường. Ông vật lộn với bệnh lao suốt từ những năm sinh viên, và ngã bệnh trở lại sau một buổi dã ngoại xác định tuổi cây. Ba năm sau đó ông mất khi mới 44 tuổi. Dù vậy, các tác phẩm của ông có đời sống lâu dài, nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng phải loại bỏ sự sao lãng đến từ tiền bạc, công nghệ và quan điểm của những người khác, để ta có thể sống theo tự nhiên bên trong con người mình.
Original: The School of Life - Henry David Thoreau
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất