LẠM PHÁT ĐÃ LÀM SILKROAD ONLINE NGẮC NGOẢI NHƯ THẾ NÀO?
Chính thức ra mắt vào tháng 9 năm 2006, Silkroad Online ( Con Đường Tơ Lụa ) đã trở thành một cơn sốt trong làng game thủ Việt. Trước đối thủ là các game nhập vai có lối chơi “ cắm chuột ” truyền thống ( MU, Võ Lâm Truyền Kỳ... ) SRO với đồ họa 3D đẹp mắt, gameplay mới lạ đã nhanh chóng thu hút một số lượng lớn người hâm mộ, hình thành nên một cộng đồng game thủ hết sức trung thành. Có thời điểm, chỉ với duy nhất một sản phẩm SRO, VDC – Net2E ( nay là Net2E ) cũng đã đủ sức cạnh tranh với “ tứ trụ” của làng game Việt ( Vinagame, FPT, VTC Game, Asiasoft ) lúc bấy giờ. Tuy nhiên, cuộc vui nào rồi cũng có lúc phải tàn, SRO cũng không thoát khỏi thực tế đó. Đáng buồn hơn, nguyên nhân khiến SRO đi xuống lại xuất phát từ chính những yếu tố nội tại.
Nghịch lý “ càng hấp dẫn, càng đi xuống ”
Thuở ban đầu, tất cả các Sever của SRO chỉ giới hạn level của nhân vật người chơi đến 60, đồng thời chỉ có duy nhất một class là chiến binh châu Á. Ngoài hệ thống nghề với 3 lựa chọn: thương nhân, bảo tiêu, đạo tặc thì các hoạt động in – game của SRO không có gì nổi bật. Không có Công thành chiến, chiến trường Tống – Kim, cũng không có chiến Guild như của MU Online ... Thời kì này, trình độ người chơi SRO cũng chưa phát triển nhiều, họ chủ yếu train theo kiểu “ tự kỷ ” để lên level ở các bãi quái. Tuy nhiên, đây lại là thời điểm SRO phát triển mạnh nhất. Cộng đồng người chơi liên tục được mở rộng, các hoạt động nghề trong game diễn ra hết sức sôi nổi vì đó là nguồn thu nhập duy nhất để người chơi mua đồ phục vụ cho việc train quái, up level.
Hoạt động đi buôn của SRO thời kỳ đầu luôn thu hút lượng lớn người chơi
Sau này, giới hạn cấp độ của người chơi được nới lỏng dần, gameplay có nhiều cải tiến mà nổi bật nhất là thêm vào class chiến binh châu Âu cùng hệ thống quái vật nhóm. Châu Âu được đánh giá là class cực mạnh trong game với cách xây dựng nhân vật, hệ thống kĩ năng khoa học. Để chơi được class châu Âu, gamer cần phải tiến hành train quái theo nhóm, điều này đã khắc phục điểm yếu lớn nhất trước đó của SRO là tính đồng đội không cao. Với sự xuất hiện của class châu Âu, nhà phát hành VDC – Net2E kì vọng SRO sẽ trở thành một trong những MMORPG lớn mạnh nhất làng game Việt.
Tuy nhiên, thực tế thường khác với những gì người ta mong đợi. Khi class nhân vật mới được ra mắt, quả thực số lượng người chơi có tăng lên đáng kể. Nhưng dần dần, lượng người chơi cứ thế đi xuống, đồ vật trong game ngày càng mất giá trị. Trước thực trạng đó, VDC đã đưa ra nhiều biện pháp để tìm lại sức hấp dẫn cho đứa con cưng của mình: tích cực cập nhật các phiên bản mới, thêm vào các boss, các bản đồ mới để tăng sự thử thách cho người chơi...  Nhưng lượng người chơi cứ thế rơi rụng dần, từ chỗ có đến gần chục máy chủ hoạt động thuở ban đầu, đến nay, qua những lần gộp tách server, SRO chỉ còn 4 máy chủ hoạt động.
“ Lạm phát vàng ” trong SRO
Để một MMORPG duy trì sức hút được lâu dài, bên cạnh ý thức chăm sóc khách hàng của nhà phát hành, còn cần một yếu tố quan trọng khác là “ sự cân bằng ”. “ Sự cân bằng ” có thể biểu hiện ở cân bằng các lượng tài nguyên trong game, cân bằng sức mạnh của class trong game... từ đó duy trì sự hứng thú được trải nghiệm, được vượt qua thử thách nơi game thủ. SRO đã không làm được điều đó.
Sự xuất hiện của class châu Âu tuy hết sức ấn tượng, song cũng mang lại một bất lợi lớn cho game. Class châu Âu sở hữu lợi thế quá lớn khi đi train so với class châu Á. Trước đây, class châu Á chỉ có một cách train duy nhất là solo. Khoản tiền mua HP, MP phục vụ việc farm quái là hết sức tốn kém, chỉ có thể bù đắp được bằng 2 cách: bán tài nguyên thu được qua quá trình train hoặc thông qua 1 trong 3 nghề ( thương nhân, bảo tiêu, đạo tặc ) để kiếm tiền chi trả. Châu Âu thì không như vậy, chỉ cần một party với các nhân vật được build skill phù hợp ( có ít nhất 1 mục sư, một chiến binh, một nhạc công ) các class Châu Âu hoàn toàn có thể farm quái từ ngày đến đêm mà mất rất ít hoặc không tốn một xu nào.
Đi kèm với sự xuất hiện của class Châu Âu, NPH cũng tung ra quái vật nhóm – loại quái có sức mạnh vượt trội quái thường, nhưng cũng mang lại nguồn lợi về kinh nghiệm và vàng ingame rất lớn. Điều đáng nói là đối với các chiến binh châu Á, việc săn các loại quái này một mình là bất khả thi, nếu có lập tổ đội để đi săn, lợi nhuận chia cho các thành viên cũng không được nhiều. Song các chiến binh châu Âu thì làm việc đó hết sức dễ dàng, chỉ cần một điều kiện duy nhất: xây dựng được party với các nhân vật phù hợp.

Chỉ cần một party châu Âu phù hợp là đã có thể farm quái dễ dàng
Cứ thế, lượng tiền đổ ra “ thị trường SRO “ từ việc train quái ngày một nhiều. Song lượng tiền đáng nhẽ phải hao hụt phục vụ cho việc tiêu dùng trong game lại không lớn lên tương ứng. Có thể điểm ra một số hệ quả: người người đổ xô theo đuổi class châu Âu, các nhân vật châu Á được xây dựng tâm huyết cứ ngày một ít dần, giá trị của đồ vật ingame ngày càng rẻ mạt, con người ta không cần đi buôn hay tranh cướp quyết liệt như trước... mà chỉ cần có trong tay 1 party châu Âu để farm quái kiếm tiền. Ở thị trường giao dịch vàng in - game, có thời kì 1 triệu vàng được bán với giá 20.000 VNĐ, đến khi class châu Âu xuất hiện, mỗi 1 triệu vàng chỉ được định giá 3.000  đồng. So với thời kỳ đầu, hệ thống nghề và các yếu tố kinh tế cực kỳ logic của SRO, gần như đã bị xâm hại nghiêm trọng.
Trước những khó khăn đó, SRO cần hơn bao giờ hết bàn tay tiết chế của NPH VDC – Net2E. Tuy nhiên, những gì họ làm được lại thật đáng thất vọng: thả nổi cho người chơi sử dụng Auto, Bot tràn lan. Với một phần mềm bot có phí sử dụng 20 ngàn VNĐ/ tuần, người chơi có thể log bao nhiêu Account châu Âu tùy ý. Thậm chí không cần điều khiển, chỉ cần đưa nhân vật đến vị trí phù hợp, các gamer này chỉ việc nhàn rỗi nhìn tiền chảy vào túi mình.
Trước việc kiếm tiền, build char, sắm cho mình các set đồ dạng khá trở nên quá dễ dàng...SRO mất dần đi sự hấp dẫn và tính thử thách, vốn là một yếu tổ quan trọng đối với mọi tựa game online. Lượng người chơi cứ thể giảm dần. VDC sau nhiều lần tìm giải pháp khắc phục mà không thành, đã phải đưa ra server Thanh Long: một server chỉ cho phép tạo class Châu Á. Đây đơn giản chỉ là một giải pháp nhằm cố gắng duy trì lượng người chơi trung thành, chứ không phải một giải pháp khả dĩ có thể giành lại sự hấp dẫn cho Con đường tơ lụa.
Tạm kết 
Với một tựa game online có trên 10 năm tuổi như Silkroad Online, lại phải chinh chiến trong thị trường game online Việt Nam – một thị trường có sự cạnh tranh cực kỳ khốc liệt thì việc sức hấp dẫn suy giảm là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, tiến trình suy thoái đó không phải là tất yếu và hoàn toàn có thể bị đẩy lùi, nếu NPH VDC đưa ra những quyết sách hợp lý để duy trì tình yêu nơi game thủ. Các NPH hiện tại hoàn toàn có thể rút ra bài học từ câu chuyện này. Đối mặt với cơn bão webgame, không phải lợi nhuận, mà chính sự trung thành của game thủ mới là yếu tố giúp một tựa game phát triển và đứng vững