VAI TRÒ CỦA TRUYỀN THÔNG, “MỘT NỬA SỰ THẬT”

<i>Đám tang của tài tử “Ký sinh trùng”. </i><i>Nguồn ảnh: ngoisao.vn</i>
Đám tang của tài tử “Ký sinh trùng”. Nguồn ảnh: ngoisao.vn
Khi thần tượng dính “phốt”, một suy nghĩ phổ biến của người đọc chính là: “Không có lửa làm sao có khói.”
Tháng 10, báo chí bắt đầu lên bài về việc diễn viên Lee Sun Kyun vướng bê bối dùng ma túy. Các cuộc xét nghiệm nhanh hay chuyên sâu với ma túy của Lee Sun Kyun đều cho kết quả âm tính. Trong quá trình làm việc với cơ quan điều tra, Lee Sun Kyun khẳng định, anh “hít bột bằng ống hút vì tưởng đó là thuốc ngủ”. Dư luận cho rằng lời khai của anh là một trò cười cho đến khi anh tự tử bằng khí than trong xe hơi. Hàng loạt báo lên bài thương tiếc cho sự ra đi của anh. Cuối bài là link dẫn đến một bài báo khác cùng chủ đề, như là “Truyền thông Hàn công bố thư tuyệt mệnh của nam diễn viên” (dù nội dung thư này đã được gia đình yêu cầu giữ kín), tít giật chuẩn SEO (Search Engine Optimization - tối ưu hóa công cụ tìm kiếm), kèm theo hashtag #leesunkyun và vài hashtag khác cho người đọc dễ theo dõi. Tiếp theo là các tít báo về những người khác nói gì về nam tài tử, các bài viết phân tích vì lý do gì nam diễn viên bị đẩy đến cái chết và các thông tin khác có liên quan. Vòng xoáy thông tin cứ thể xoay vòng, bào mòn tinh thần của người nghệ sĩ từ lúc mọi thứ chỉ là tin đồn, cười cợt trên lời khai của nạn nhân để rồi lại trích dẫn lời khai ấy lúc nam diễn viên nổi tiếng đã từ giã cõi đời, tiếp tục lấy nước mắt người đọc bằng những bài viết phân tích ai là người có lỗi khi “ảnh đế” chọn con đường cực đoan để chấm dứt nỗi đau. Bởi view là KPI, KPI là tiền, còn tiền là nhất. Tại ai? Tại cư dân mạng quá ác ý và không xem sự riêng tư của người nổi tiếng ra gì? Tại phía hành pháp Hàn Quốc thay vì chọn xử kín lại cố tình làm ồn ào vì đây là người có sức ảnh hưởng, thu hút dư luận? Hay tại loài người quá nghiện dopamine, thích drama, “phốt”, scandal, nên truyền thông mới phải giật tít như vậy để phục vụ nền kinh tế của sự chú ý?
Dư luận và giới hành pháp Hàn Quốc vẫn chưa học hỏi được từ vụ việc G-Dragon và cáo buộc sử dụng ma túy gần đây. Báo chí tốn bao nhiêu giấy mực, công ty quản lý lập tức phủi trách nhiệm. Vậy mà, không ai ngờ được, “ông hoàng K-pop” lội ngược dòng dư luận ngoạn mục với kết quả âm tính khi xét nghiệm tóc và móng tay, cùng việc không hề nhuộm hay tẩy tóc để hủy vật chứng và thái độ “ngông một cách dễ thương”, kết lại bằng một hành động vì cộng đồng, vị nhân sinh bằng việc mở quỹ hỗ trợ người cai nghiện chất cấm.
Điều này làm dân chúng tỉnh ngộ, liệu mình có đang quá “lậm” báo chí khi mọi lời nói, chi tiết, hành động của người có tầm ảnh hưởng đều có thể bị bóp méo, thêm thắt cho kịch tính? Báo chí dạy những sinh viên phải viết sự thật khách quan, tuy nhiên, những tít báo khách quan hiện nay đâu rồi? Đâu mới là sự thật? Công lý ở đâu, khi có những người như Lee Sun Kyun đã phải trả giá bằng cả tính mạng của mình để đổi lấy sự trong sạch dưới áp lực của dư luận?

CÁI GIÁ CỦA SỰ NỔI TIẾNG

Cái lợi của sự nổi tiếng là tiền tài danh vọng. Mặt trái của “tiền tài danh vọng”, theo nghiên cứu của Giáo sư Marketing Marlene Morris Towns tại Đại học Georgetown, là bị các chuyên gia cũng như công chúng từ chối và suy xét kịch liệt. Năng lực tinh thần của một người để xử lý các thế lực đối nghịch và phản ứng dữ dội là điều cần thiết để tạo nên một người nổi tiếng bền vững. Người sống trong ánh hào quang thường mất đi sự riêng tư, sống dưới ánh nhìn soi mói của người đời, chịu áp lực phải duy trì một hình ảnh nhất định và đôi khi là những thách thức trong các mối quan hệ cá nhân. Rất nhiều celeb, để trốn khỏi hiện thực nghiệt ngã đã phải tìm đến rượu bia, tình dục và chất kích thích làm cơ chế phòng vệ. Và rất nhiều lần, như vậy là không đủ vì cốt lõi vẫn là sự tàn ác của loài người. Vì miếng cơm manh áo và sự chú ý, người đời phê bình những gì nổi tiếng để “ké” fame, dìm người khác xuống để nâng mình lên. Hậu quả để lại không phải điều lành: Taylor Swift tìm đến rượu khi cô trải qua “cái chết về mặt tinh thần” tuổi 27 sau scandal “rắn độc” với Ye và Kim Kardashian. Robert Downey Jr. vào tù ra tội vì chất kích thích sau ánh hào quang của Hollywood. Trầm trọng hơn, diễn viên - ca sĩ Sulli cũng gia nhập câu lạc bộ 27 năm 25 tuổi, tài tử Lee Sun Kyun tự mình ra đi năm 48 tuổi, để lại bao lời tiếc thương cho người hâm mộ Hàn nói chung và thế giới nói riêng.
Nàng Sulli xinh đẹp nhưng mãi mãi tuổi 25. Nguồn ảnh: last.fm
Nàng Sulli xinh đẹp nhưng mãi mãi tuổi 25. Nguồn ảnh: last.fm

LẮM TÀI NHIỀU TẬT: HIỂU NHƯNG KHÔNG CHIỀU

Xin trích lời bài hát Snow On A Beach của Taylor Swift feat Lana Del Rey rằng:
“Life is emotionally abusive” (Cuộc đời vốn hành hạ chúng ta về mặt cảm xúc).
Ai cũng cần một phương thức để trốn tránh hiện thực nghiệt ngã. Đôi khi đó là giấc ngủ, thể thao, thức ăn, vật nuôi, điếu thuốc, cây vape, tình dục. Với mức độ áp lực cao của người nổi tiếng, rất nhiều khi đó là rượu và chất kích thích. 
Tôi nghĩ rằng, sở dĩ vai Tony Stark thành công đến thế là vì cuộc đời và trải nghiệm sau song sắt của Robert Downey Jr. đã giúp ông dễ dàng đồng cảm với tội lỗi và sự ái kỷ của Stark, người đứng đầu đế chế kinh doanh vũ khí. Có thể nói rằng, nếu không có việc nghiện ngập và vào tù, có lẽ vai diễn “thiên tài, tỷ phú, tay chơi, nhà từ thiện” đã không “iconic” như vậy.
Robert Downey Jr. đóng Tony Stark nhưng thật ra đang là chính mình. Nguồn ảnh: Getty
Robert Downey Jr. đóng Tony Stark nhưng thật ra đang là chính mình. Nguồn ảnh: Getty
Ngay cả với Seungri, người đứng mũi chịu sào trong vụ việc bê bối môi giới mại dâm, tất cả cũng chỉ bắt đầu từ việc bị ám ảnh bởi đồng tiền như đại gia Gatsby, nỗi ám ảnh nguyên thủy của loài người, nhất là người đàn ông bị xã hội điều kiện hóa phải trở thành trụ cột của gia đình."
"Gatsby" xứ Hàn phiên bản tăng cân
"Gatsby" xứ Hàn phiên bản tăng cân
Tôi nói ra những ví dụ này không phải có ý muốn nói rằng chúng ta hãy ủng hộ thần tượng mình 100% bất kể hành động, bất kể thái độ, ngay cả khi đó là chuyện phạm pháp như dùng chất kích thích và môi giới m.ại d.âm. Đâu là ranh giới giữa việc ủng hộ và phản đối thần tượng? “Hiểu nhưng không chiều”, đó là tôn chỉ của tôi khi thần tượng phạm sai lầm. Nếu bạn thấy đúng, bạn có thể làm theo. Nếu thấy không phù hợp, tôi chỉ mong bạn biết rằng: Thần tượng cũng là con người, có nỗi đau, áp lực như ai. Các fan không cần phải hôn ghế người nổi tiếng khi họ gặp scandal, nhưng rất cần có niềm tin vào người mình yêu quý, tỉnh táo trước các chiêu trò truyền thông, tìm hiểu thông tin đa chiều có xác thực, giảm bớt việc áp đặt những giá trị truyền thống và nhân sinh quan một chiều vào idol. Tội phạm đã có pháp luật trừng trị, không cần cư dân mạng phải dùng trí thông minh và chat GPT “múa bút”. Dù rất khó, nhưng chất gây nghiện có thể cai nghiện, người vào tù vẫn có thể ra tù, kẻ phạm tội năm nay những năm sau vẫn có thể được chứng minh vô tội, bất cứ ai cũng xứng đáng có cợ hội lần hai, lần ba, bởi vì trước, trong và sau khi là người của công chúng, họ vẫn là con người.

BẠO LỰC MẠNG - ĐỪNG ĐẨY THẦN TƯỢNG ĐẾN CÁI CHẾT

Ngôi sao SHINEE Kim Jonghyun “vụt tắt” bằng khí than ngày 18/12/2017, để lại những lời cuối: “Cuộc đời nổi tiếng không phải dành cho tôi.” Anh xăm trên mình hình “con chó đen” - biểu tượng của trầm cảm.
Nạn nhân của trầm cảm và bạo lực mạng, Kim Jonghyun, để lại bao tiếc thương cho người hâm mộ. Nguồn ảnh: AFP
Nạn nhân của trầm cảm và bạo lực mạng, Kim Jonghyun, để lại bao tiếc thương cho người hâm mộ. Nguồn ảnh: AFP
Choi Sulli, nàng thơ quốc dân K-pop, treo cổ bằng một sợi dây đèn, sau khi bị netizen Hàn chỉ trích vì quen người lớn hơn mình 14 tuổi, mải yêu đương bỏ bê f(x), truyền bá tư tưởng ấu dâm vì chụp hình biểu cảm Lolita, thả rông vòng 1,... Nàng đã kêu cứu bằng hành động cắt cổ tay, nhưng dư luận không tha cho nàng.
“Búp bê sống” Goo Hara đã không còn trên cõi đời sau khi bị chỉ trích khi có lối sống buông thả, quan hệ tình dục khi chưa đủ tuổi vị thành niên, vô lễ với tiền bối, chụp hình cổ xúy tư tưởng ấu dâm với Sulli,...
Tôi tự hỏi, những “tội danh” có thể có mức độ nghiêm trọng khác nhau, tuy nhiên, tội ác nào nghiêm trọng đến mức có thể bức người đến chết như vậy.
(Nếu bạn còn nhớ, Minh Béo, diễn viên hài nổi tiếng, sau khi thừa nhận hai tội danh “xâm hại tình dục trẻ em và toan có hành động dâm ô với trẻ dưới 14 tuổi”, đã nhận mức phạt 18 tháng tù giam, hiện tại đã rời chốn song sắt, bắt đầu cuộc sống mới.)
Tiến sĩ Kwon Hea Kyung, nhà trị liệu tâm lý người Mỹ gốc Hàn đã nhận xét:
“Xã hội Hàn Quốc không hào phóng với những người mắc sai lầm.”
Hàn Quốc có tỉ lệ tự tử cao nhất trong số 38 quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Năm 2021, chính phủ cho biết số vụ tự tử trên 100.000 người là 24.7 vào năm 2018. Đó là người bình thường, còn với những ngôi sao Hàn đã phải bỏ biết bao nhiêu công sức để đạt được danh vọng, họ không được xem là con người. Họ bị xem là những sản phẩm, phải luôn xinh đẹp, hoàn hảo, phẩm chất đầy mình, thay đổi liên tục để mua vui cho người đời như những búp bê Barbie, búp bê Ken xứ kim chi, bị tước đi những quyền cơ bản của con người như phạm sai lầm, có người yêu, lập gia đình,... Họ là những con rối của dư luận.
Nhân vốn vô thập toàn, vậy tình người ở đâu?
Rapper Rhymastic đã vẽ nên bức tranh đầy màu sắc của những “anh hùng bàn phím” trong bài hát “Khi màn hình tắt”:
Đó là “những lý luận gia, thiếu niên chỉ biết quyết đoán vội vã; chẳng tha bất cứ một ai, dành trọn kiếp phán xét người lạ. Và người thấy bỗng có chút hả hê, chê nó thêm một lúc để cho đầu óc đỡ nhức cả đêm, comment mấy câu thô tục người dùng Facebook chắc cũng đã quen, để còn che giấu đi hiện thực, bớt đi chút vô dụng hèn kém…”
Cư dân mạng vốn tiêu chuẩn kép, chính họ chẳng hoàn hảo, nhưng lại đòi các celeb phải hoàn hảo thay họ, vì đó là người nổi tiếng, là người có tầm ảnh hưởng. Họ mặc sức trở thành “phản diện bàn phím” để thỏa mãn chính mình, bóc tách, mỉa mai, cười cợt người nổi tiếng, hạ người khác xuống để nâng bản thân mình lên, để quên đi một chút cái thực tại đáng buồn của bản thân mình, núp sau những nick clone để không ai tìm ra họ. Họ “cào phím” như thể đó là một kỹ năng có thể cho vào CV, để rồi nếu áp lực quá lớn khiến người họ yêu thương từ xa phải chọn cách cực đoan để chấm dứt nỗi đau, họ lại gõ vài dòng tiếc thương “Tôi không ngờ mọi chuyện lại tệ đến vậy”. Rồi  khi celebrity ra đi, những anh hùng bàn phím máy cơ giả danh tri thức này sẽ trích dẫn bộ phim “It’s a wonderful life” và “12 angry men” để ngẫm nghĩ về giá trị của một đời người mà không nhận ra rằng, lúc đó đã là quá trễ.
Một tờ báo khác bình luận về việc Lee Sun Kyun dùng ma túy: “Riêng việc có dính líu đến ma túy chưa cần biết thực hư ra sao cũng đã “đâm một nhát dao” không thể chữa lành vào lòng tin của người hâm mộ.”
Dư luận thật dễ tổn thương, dễ shock, dễ xôn xao, dễ bàng hoàng biết bao. Một tin chưa rõ thực hư cũng là “đâm một nhát dao không thể chữa lành vào tim họ”. Vậy ai sẽ “chữa lành” cho nỗi đau từ cái chết của Lee Sun Kyun?
Immanuel Kant, một triết gia Đức, đã nhận định:
“Con người là vô giá.”
Còn cuộc sống vốn vô thường. 
Vốn là fan ruột của DBSK, hồi nhỏ tôi mong được dự concert đầy đủ năm người. Tuy nhiên, sau vụ kiện lịch sử của JYJ và SM Entertainment, sau scandal bê bối tình dục và ma túy của Yoochun và tất cả những thăng trầm của giới K-biz nói chung và cuộc đời nói riêng, tôi chỉ mong các anh còn sống và bình yên, không ra nhạc cũng được, lập gia đình nếu các anh muốn, lấy người các anh yêu, miễn là các anh vui và hạnh phúc. Ước muốn của tôi chỉ đơn giản như vậy thôi, nhưng đôi khi, những điều đơn giản lại là điều khó đạt được.
Narcy Nguyễn