Cuộc sống luôn có những điều bất ngờ xảy ra, khi đứng trước những lựa chọn và tình huống không ngờ đến yêu cầu bạn phải tìm ra hướng giải quyết linh hoạt, nhanh chóng. Lúc này, bạn sẽ cần đến kỹ năng giải quyết vấn đề. Với cuộc sống hiện đại ngày càng phát triển như hiện nay, rèn luyện kỹ năng này sẽ giúp bạn dễ dàng hơn trong công việc và cuộc sống.

Kỹ năng giải quyết vấn đề là gì?

Kỹ năng giải quyết vấn đề (Problem Solving Skills) là khả năng tổng hợp, nhìn nhận, đánh giá sự vật, sự việc, vấn đề nhằm đưa ra hướng giải pháp và quyết định đúng đắn ở những tình huống phát sinh ngoài ý muốn.
Đây là một loại kỹ năng mềm có thể được trau dồi qua học tập và làm việc. Ứng dụng kỹ năng giải quyết vấn đề vào thực tiễn hằng ngày sẽ giúp đảm bảo và cải thiện chất lượng cuộc sống cũng như công việc của bạn.

Tầm quan trọng của kỹ năng giải quyết vấn đề

Trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển với sự xuất hiện của những tình huống bất ngờ buộc bạn phải đưa ra lựa chọn nhanh chóng, việc rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề sẽ giúp bạn ứng phó với nó và chủ động đưa ra những quyết định đúng đắn.
Đặc biệt, khi đã thành thạo kỹ năng mềm này sẽ giúp bạn tự tin, bình tĩnh hơn trước mọi tình huống xảy ra. Từ đó, bạn sẽ đưa ra những phân tích, đánh giá, tổng hợp dựa trên cái nhìn chủ quan và khách quan trước sự vật, sự việc, vấn đề phát sinh đó để có sự lựa chọn chính xác nhất.
Kỹ năng giải quyết vấn đề sẽ giúp bạn nhạy bén hơn trong mọi trường hợp, giúp bạn gia tăng khả năng phân tích và phán đoán vấn đề dễ dàng hơn. Người sở hữu kĩ năng này sẽ trở nên chủ động, tự tin và tích cực trong cuộc sống.

Các bước giải quyết vấn đề

Bước 1: Nhìn nhận vấn đề

Bước đầu tiên để bạn có thể giải quyết được vấn đề là phải tìm ra vấn đề cần giải quyết. Vấn đề này xuất phát từ đâu? Nguồn cơn gây ra nó là gì? Khi xác định được gốc rễ của nó, bạn sẽ phần nào đưa ra được những giả thuyết và định hình được hướng giải quyết của mình thay vì phải đoán già đoán non và suy nghĩ cả tá những cách quyết định vấn đề không đúng đắn.

Bước 2: Xác định chủ sở hữu vấn đề

“Ngu dốt cộng nhiệt tình thành phá hoại" là câu thành ngữ chỉ những người thiếu hiểu biết nhưng luôn nhiệt tình sẽ làm hỏng việc. Trong kỹ năng giải quyết vấn đề, câu thành ngữ này cũng phần nào có sự liên kết.
Đôi khi, không phải tất cả các vấn đề có ảnh hưởng đến bạn đều do chính bạn giải quyết. Nếu không có quyền hạn hay năng lực để giải quyết nó, cách tốt nhất là bạn hãy tham khảo lời khuyên hoặc chuyển nó sang cho những người có thẩm quyền, hiểu biết hơn mình để có thể đưa ra được quyết định đúng đắn.

Bước 3: Phân tích để hiểu vấn đề.

Hầu hết mọi cách giải quyết đều được quyết định bởi nguồn gốc của vấn đề, hay nói cách khác, nguồn gốc vấn đề chính là tiền đề dẫn đến cách giải quyết. Bởi vậy, nếu xác định sai nguồn gốc vấn đề sẽ dẫn đến việc đưa ra những quyết định sai lầm. Để tránh sai phạm, bạn nên tỉ mỉ nghiên cứu, phân tích lại thông tin của vấn đề bằng cách trả lời một số câu hỏi dưới đây:
- Vấn đề đó có quan trọng không?
- Yêu cầu của vấn đề như thế nào?
- Giải quyết vấn đề này sẽ được thực hiện bởi những người nào?
- Vấn đề này có thuộc quyền giải quyết của mình hay không?
- Bản chất, tính chất của vấn đề này là gì?
- Nó có mục đích gì?
- Mức độ của nó khó, dễ hay trung bình?

Bước 4: Đặt ra mục tiêu.

Khi làm bất kì công việc gì, chúng ta cũng đều đặt ra mục tiêu để bản thân hướng tới. Đối với việc xử lý giải quyết vấn đề cũng vậy, bạn cần đặt ra mục tiêu của nó để hướng đến sự lựa chọn đúng đắn.

Bước 5: So sánh và đánh giá các giải pháp.

Khi xác định rõ mục tiêu của công việc, sẽ có rất nhiều các giải pháp đưa ra để lựa chọn. Chính vì vậy, bạn cần so sánh và đánh giá các giải pháp theo nhiều tiêu chí của vấn đề như: thời gian, tính chất, khối lượng công việc và hiệu quả của nó,... để quyết định được hướng giải quyết chính xác và hiệu quả nhất.

Bước 6: Xác định giải pháp và lên kế hoạch.

Sau khi so sánh, đánh giá và lựa chọn được hướng đi tối ưu, bước tiếp theo, bạn cần lập kế hoạch chi tiết, rõ ràng để có thể giải quyết một cách nhanh chóng và triệt để.
Hãy chắc chắn kế hoạch của bạn diễn ra hiệu quả và hạn chế rủi ro bằng cách trả lời một số câu hỏi sau:
- Kế hoạch của bạn sẽ tiến hành như thế nào?
- Tiến độ xử lý vấn đề theo hướng này có khiến bạn hài lòng không?
- Dự trù về những tổn thất và hạn chế nếu bạn gặp phải?
- Bạn có chắc chắn hài lòng với kết quả đem lại?

Bước 7: Thực hiện 

Nếu đã có được kế hoạch chi tiết và chắc chắn với kế hoạch của mình, hãy bắt tay vào thực hiện luôn nhé.

Bước 8: Đánh giá kết quả

Sau khi tiến hành thực hiện giải pháp, hãy nhớ kiểm tra xem hướng giải quyết đó có ổn và đem lại kết quả như bản thân mình mong đợi hay không. Nếu chưa thực sự đem lại ảnh hưởng cao, bạn có thể xem lại lý do tại sao, từ đó bạn sẽ đúc rút ra được những bài học kinh nghiệm cho các lần thực hiện tiếp theo.
Có thể bạn sẽ thấy hơi rườm rà rắc rối nếu áp dụng các bước trên để giải quyết vấn đề mình gặp phải, nhưng khi đã áp dụng lần đầu và đạt được hiệu quả thì các lần về sau sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Đọc thêm:

Sách về kỹ năng giải quyết vấn đề

Với tầm quan trọng của kỹ năng giải quyết vấn đề trong cuộc sống cũng như công việc, đã có rất nhiều cuốn sách được xuất bản nhằm giúp người đọc hiểu hơn về kỹ năng này để rèn luyện nó. Tiêu biểu có thể kể đến:

Rèn luyện kỹ năng ra quyết định và giải quyết vấn đề - David Cotton

Cuốn sách tổng hợp các ý tưởng từ nhiều nguồn. Từ các phương pháp giải quyết vấn đề theo kiểu truyền thống cũng như sáng tạo, cho đến việc sử dụng các phương án cộng tác trên quy mô lớn. Cuốn sách này sẽ giúp bạn tổ chức lại các vấn đề và tìm cho nó các giải pháp tốt nhất. Ngoài ra, nó cũng rèn luyện cho bạn có những lối suy nghĩ sáng tạo hơn, giúp bạn tự tin hơn khi đứng trước một vấn đề nan giải.

Bản đồ tư duy trong giải quyết vấn đề - Nguyễn Thuỵ Khánh Chương

Cuốn sách do tác giả Nguyễn Thuỵ Khánh Chương chủ biên sẽ giúp bạn tìm hiểu và khám phá các bước để cải thiện và xử lý vấn đề thông qua việc sử dụng bản đồ tư duy. Nội dung sách được chia làm 3 phần gồm: Khả năng giải quyết vấn đề bằng bản đồ tư duy; Năm bước giải quyết vấn đề bằng bản đồ tư duy và Tám lời khuyên.

Người thông minh giải quyết vấn đề như thế nào? - Ken Watanabe

Sử dụng phương pháp sơ đồ để xác định quy trình xử lý vấn đề một các tốt nhất, Ken Watanabe đã trình bày các sơ đồ và hình minh họa bổ ích, mang đến cho người đọc những công cụ thực tiễn và kỹ năng rèn luyện, giúp bộ não chúng ta tư duy được những cách giải quyết vấn đề nhanh chóng, chính xác hơn.
sach-ve-ky-nang-giai-quyet-van-de
sach-ve-ky-nang-giai-quyet-van-de

Rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề trong 1 phút - Katsumi Nishimura

“Mình nên đơn giản hóa vấn đề, biến những vấn đề phức tạp trở nên đơn giản và dễ dàng hơn” là cách mà cuốn sách của tác giả Katsumi Nishimura truyền tải đến bạn đọc. Với việc cung cấp những kiến thức cơ bản cùng ví dụ minh hoạ sinh động, cuốn sách sẽ đem đến cho bạn kiến thức về phương pháp, tri thức, trình tự và cách tư duy hữu ích đối với việc giải quyết các vấn đề. Bên cạnh đó, sách cũng đề cập đến rất nhiều biện pháp khắc phục đối với những doanh nghiệp tự cho là mình có thể lường trước được tất cả mọi việc.

Giải quyết vấn đề theo phương thức Toyota - OJT Solutions

Trên thế giới này có vô vàn phương pháp giải quyết vấn đề. Không có vấn đề nào mà bạn không thể giải quyết được. Trong cuốn “Giải quyết vấn đề theo phương thức Toyota” với 8 bước giải quyết vấn đề và những câu chuyện thực tiễn của các chuyên gia đào tạo đồng thời là cựu nhân viên Toyota sẽ truyền tải đến bạn những kinh nghiệm quý báu nhất khi đứng trước một vấn đề phải xử lý ra sao mà vẫn hợp lý đem lại hiệu quả trong công việc.

Các khóa học về kỹ năng giải quyết vấn đề

Bên cạnh việc đọc sách, bạn có thể tham khảo một số khóa học về kỹ năng giải quyết vấn đề để rèn luyện cho mình kỹ năng mềm này giúp ích cho cuộc sống cũng như công việc của bản thân. Một số khoá học tiêu biểu bao gồm:
Các khóa học về kỹ năng giải quyết vấn đề theo hình thức online như: Khóa học “Rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề với mô hình IDEAS” của thạc sĩ Lê Đình Bảo Quốc; Khoá học “Tư duy logic và giải quyết vấn đề” của thạc sĩ Dương Ngọc Dũng. Cả hai khóa này bạn đều có thể đăng ký học trên nền tảng trực tuyến Kyna.
Các khóa học về kỹ năng giải quyết vấn đề theo hình thức offline như: Kỹ năng giải quyết vấn đề tại Masterskills;  Kỹ năng giải quyết vấn đề & ra quyết định tại Smartskills;...

Các bài test về kỹ năng giải quyết vấn đề

Để kiểm tra kỹ năng giải quyết vấn đề của bản thân có tốt hay không, bạn có thể tham khảo một số các bài test theo các link sau:
Như vậy, có thể thấy, kỹ năng giải quyết vấn đề là một trong những kỹ năng thiết yếu trong cuộc sống. Rèn luyện và trang bị cho bản thân kỹ năng này sẽ giúp bạn tự tin và chủ động hơn trước mọi tình huống bất ngờ, từ đó đảm bảo chất lượng cho cuộc sống cũng như công việc của chính bạn.
Nguồn tham khảo:
Đọc thêm: