Bạo lực hiện diện khắp nơi. Có bạo lực có tính vật lí và cả bạo lực bên trong con người. Người ta có thể nhân danh đủ thứ để viện đến bạo lực, nhưng theo Krishnamurti, thông qua phá hoại, không bao giờ có thể tạo ra bất cứ cái gì.
Tutankhamen, Pharaoh, Egypt
Nguồn: pixabay
Bạo lực hiện diện khắp nơi trên thế giới. Có bạo lực có tính vật lí và cả bạo lực bên trong con người. Bạo lực có tính vật lí có biểu hiện là hành vi giết chóc, làm đau người khác một cách có ý thức, có chủ đích, hay vì thiếu suy nghĩ, là nói lời tàn nhẫn, chất chứa sự đối nghịch và thù hằn. Bạo lực bên trong là thái độ không ưa, là thù ghét, là chỉ trích. Ở bên trong, chúng ta luôn cãi vã, gây chiến, không chỉ với những người khác, mà với chính mình. Ta muốn người khác thay đổi, muốn áp đặt suy nghĩ của mình lên họ.
Khi lớn lên, chúng ta thấy trên thế giới rất nhiều bạo lực ở đủ mọi cấp độ tồn tại của loài người. Hình thức bạo lực ở mức độ cao nhất là chiến tranh – giết chóc vì ý niệm, vì những cái gọi là nguyên tắc tôn giáo, vì quốc gia dân tộc, giết chóc để giữ lấy một mảnh đất nhỏ. Để làm điều đó, người ta sẽ đi giết, đi phá, gây ra thương tật cho kẻ khác, bản thân cũng bị giết chết. Bạo lực dường như vô hạn trên thế giới này; người giàu muốn duy trì đói nghèo, người nghèo muốn trở nên giàu có và cùng lúc thù ghét người giàu. Và bạn cũng đang bị cuốn theo xã hội mà góp phần vào đó.
Có bạo lực giữa chồng, vợ và những đứa con. Có bạo lực, đối đầu, thù ghét, tàn nhẫn, chỉ trích độc địa, căm giận – tất cả những điều này mang tính cố hữu trong con người, trong bạn. Và giáo dục vốn là để giúp bạn vượt lên những thứ ấy, chứ không nhằm mục đích để bạn thi đỗ và kiếm được việc làm. Có giáo dục, bạn mới có khả năng trở thành một con người thực sự đẹp đẽ, lành mạnh, sáng suốt, duy lý, chứ không phải con người hung bạo, sở hữu một bộ óc thông minh để cãi lý, bảo vệ thói bạo tàn của mình. Khi lớn lên, bạn sẽ phải đối mặt với tất cả bạo lực này. Rồi bạn sẽ quên đi tất cả những gì hôm nay bạn nghe ở đây, và bị cuốn vào dòng chảy xã hội. Bạn sẽ trở nên giống như phần còn lại của một thế giới tàn nhẫn, khó khăn, cay đắng, căm giận và bạo lực và không góp sức để kiến tạo một xã hội mới, một thế giới mới khác đi.
Nhưng cần phải có một thế giới mới. Cần có một văn hóa mới. Văn hóa trước kia đã chết, đã bị chôn vùi, thiêu đốt, đã tan tành và tiêu biến. Bạn phải tạo ra một thứ văn hóa mới. Văn hóa mới ấy không thể nào sinh ra trên nền tảng bạo lực. Thứ văn hóa mới này phụ thuộc vào bạn, bởi vì những thế hệ trước đã dựng nên một xã hội với nền tảng bạo lực, tính hiếu chiến. Điều này đã gây ra mọi rối ren và thống khổ. Những thế hệ trước đã tạo ra thế giới như ta đã thấy và nhiệm vụ của bạn là thay đổi nó.  Bạn không thể ngồi đó và nói, “Tôi sẽ tiếp bước những người khác, tìm kiếm thành công và địa vị.” Nếu thế, con cháu bạn sẽ là người gánh chịu. Có thể bạn vẫn có thể quãng đời tốt đẹp, nhưng con cháu của bạn sẽ phải trả giá. Thế nên, bạn cần tính đến tất cả những điều đó: sự tàn ác ở bên ngoài mà con người gây ra cho nhau nhân danh chúa, nhân danh tôn giáo, nhân danh lòng tự trọng, nhân danh sự tìm kiếm yên ổn cho gia đình. 
Bạn sẽ phải suy xét về sự tàn nhẫn và bạo lực bề ngoài, cùng với bạo lực bên trong mà bạn còn chưa biết tới. Các bạn vẫn còn trẻ, nhưng tuổi tác càng tăng, bạn sẽ nhận ra, thì ra ở bên trong, con người ta cũng phải trải qua địa ngục, thống khổ, bởi họ luôn ở trong trạng thái chiến đấu với bản thân, với vợ chồng, với những đứa con, với hàng xóm, với những vị thần mà họ tôn thờ. Họ chìm trong đau khổ và nhiễu loạn, và cũng không có sự hiện diện của tình thương, sự trìu mến, lòng tốt, sự hào phóng hay lòng bác ái. Một con người có thể sở hữu danh xưng tiến sĩ, có thể trở thành một doanh nhân với nhà cao cửa rộng nhưng nếu người đó không có tình thương, lòng yêu mến, sự tử tế, sống vô tâm thì quả thực tệ hơn một con vật vì anh ta phục vụ cho một thế giới mang tính phá hoại. Thế nên, khi hãy còn trẻ, bạn cần biết tất cả những điều này. Bạn cần phải được cho thấy, được tiếp xúc với những điều này để trí óc bắt đầu suy nghĩ. Còn không, bạn sẽ trở nên giống như phần còn lại của thế giới. Và thiếu vắng tình yêu, lòng thương mến, thiếu đi tinh thần bác ái và rộng lượng, cuộc đời biến thành một việc tồi tệ. Đó là lí do tại sao một con người cần nhìn vào tất cả những vấn đề xoay quanh bạo lực. Không hiểu bạo lực sẽ dẫn đến vô minh, tức là không có cho mình trí tuệ và văn hóa. Cuộc sống vô cùng rộng lớn; chỉ lo đào cho mình một cái hố và ở yên trong đó thì đấy không phải là sống. Quyết định là ở bạn. Từ đây trở đi, bạn phải biết tất cả những điều này, phải lựa chọn có chủ đích việc mình sẽ đi theo con đường bạo lực hay đứng lên chống lại xã hội.
Tự do, sống hạnh phúc, vui vẻ, không đối địch và không thù hận. Rồi cuộc sống sẽ trở nên khác đi. Cuộc sống sẽ có một ý nghĩa, chan chứa niềm vui và sự sáng rõ.
Khi thức dậy vào sáng nay, bạn có nhìn ra ngoài ô cửa sổ? Nếu có, hẳn bạn đã thấy những đỉnh đồi ngả màu đỏ nghệ khi mặt trời lên, ánh nắng phả vào vùng trời xanh biếc. Và cùng với tiếng chim ca ban mai, khắp xung quanh được bao trùm bởi một sự tĩnh lặng vô cùng, cho ta cảm giác về vẻ đẹp tuyệt vời và sự cô độc. Nếu không còn có thể cảm thấy được những điều này, có khác gì đã chết rồi? Vậy mà, số người cảm thấy được thì rất ít. Bạn chỉ có thể ý thức về sự hiện diện của những điều đó khi tâm trí và trái tim rộng mở, không chất chứa sợ hãi và bạo lực. Sau đó, sẽ có niềm hân hoan, vui sướng phi thường mà rất ít người biết tới, và một phần của giáo dục sẽ giúp mang đến trạng thái ấy cho tâm trí con người.
Học sinh hỏi: Thưa ngài, liệu việc phá hủy toàn bộ xã hội có đem đến một văn hóa mới hay không?
Krishnamurti: Phá hủy hoàn toàn có đem đến văn hóa mới hay không à? Các bạn cũng biết đến những cuộc nổi dậy trong quá khứ: Cách mạng Pháp, Cách mạng Nga, Cách mạng Trung Hoa. Họ phá hủy tất cả mọi thứ để bắt đầu cái mới. Họ đã tạo ra cái gì mới chưa? Mỗi xã hội có 3 tầng lớp/ giai cấp: tầng cao – tầng giữa – tầng thấp; trên cao là nơi của người giàu có, thông minh; vị trí ở giữa – tầng lớp trung lưu, những người luôn làm việc, rồi đến tầng lớp lao động. Có sự tranh đấu giữa các tầng lớp với nhau. Người thuộc tầng lớp trung lưu muốn leo lên vị trí đầu, họ tiến hành các cuộc nổi dậy và khi đã lên đến nơi, họ giữ chặt địa vị mới có được đi kèm uy danh, phúc lợi, của cải, và điều này lặp lại với tầng lớp trung lưu mới - những người này sẽ lại tìm cách trèo lên trên. Những người dưới thấp cố gắng với tới vị trí ở giữa, ai đang ở giữa cố gắng lên trên cùng; cuộc chiến như vậy diễn ra suốt chiều dài lịch sử, ở mọi xã hội và mọi nền văn hóa. Tầng lớp trung lưu nói: “Tôi sẽ vươn tới vị trí cao nhất, và làm nên cuộc cách mạng.” Và khi quả thực đã đạt được vị trí ấy, bạn có thể thấy điều họ sẽ làm. Tầng lớp này biết làm thế nào để kiểm soát con người thông qua suy nghĩ, thông qua hành hạ, giết chóc, phá hoại, và thông qua nỗi sợ hãi.
Thế nên, thông qua phá hoại, không bao giờ có thể tạo ra bất cứ cái gì. Nếu bạn thấu hiểu toàn bộ quá trình của sự rối loạn và tàn phá, nếu bạn nghiên cứu không chỉ về những biểu hiện của chúng ở cả bên ngoài lẫn bên trong bản thân mình, thì từ sự thấu hiểu, quan tâm, tình thương, một trật tự hoàn toàn mới sẽ xuất hiện. Nhưng nếu không hiểu được, chỉ đơn thuần tạo ra biến loạn, khuôn mẫu sẽ đi rồi quay trở lại y hệt, bởi loài người chúng ta, trước kia, giờ đây và sau này không đổi. Không giống như việc phá dỡ một ngôi nhà để từ đó dựng lên một ngôi nhà mới - con người không được tạo ra theo cách ấy, bởi con người, ở bên ngoài họ được giáo dục, khoác lên văn hóa, họ có trí lực nhưng bên trong, họ hung bạo. Trừ khi bản năng loài vật của con người thay đổi một cách căn bản, còn không, bất kể điều kiện bên ngoài có là gì đi chăng nữa, yếu tố bên trong luôn có cách để vượt lên cái bên ngoài. Giáo dục là để thay đổi con người-bên trong.
Học sinh: Thưa ngài, ngài có nói ta cần thay đổi thế giới. Làm thế nào ta làm được điều đó?
Krishnamurti: Thế giới là gì? Đó là nơi bạn sinh sống – là gia đình, bè bạn, hàng xóm. Và gia đình, bè bạn, hàng xóm có thể mở rộng ra và đó là cả thế giới. Bạn ở trung tâm của cái thế giới đó. Đó là thế giới nơi bạn sống. Vậy thì, bạn sẽ thay đổi thế giới như thế nào? Chính bằng việc thay đổi bản thân.
Học sinh: Thưa ngài, làm sao để thay đổi bản thân?
Krishnamurti: Làm sao để ta làm điều đó? Trước hết, nhìn. Trước hết nhìn ra được rằng bạn là trung tâm của thế giới này. Bạn cùng gia đình mình nằm ở vị trí giữa. Đó là thế giới và bạn xác định mình sẽ phải thay đổi nó và rồi bạn đặt ra câu hỏi “Làm sao để tôi có thể thay đổi thế giới?” Làm thế nào ư? Đó chính là một trong những điều khó khăn nhất bởi vì hầu hết chúng ta không muốn thay đổi. Khi trẻ, bạn muốn thay đổi. Trong bạn đầy sinh lực, năng lượng, bạn muốn trèo cây, muốn nhìn ngắm, bạn có rất nhiều sự tò mò. Vây mà khi lớn hơn một chút, đi học đại học, bạn đã dần yên vị rồi. Bạn không muốn thay đổi. Bạn nói “Hãy để mặc tôi, để tôi được yên.” Có rất ít người muốn thay đổi thế giới và càng ít hơn những người muốn thay đổi bản thân họ, cũng bởi họ chính là trung tâm của thế giới nơi họ sống. Và tạo ra thay đổi đòi hỏi một sự-hiểu lớn lao. Một người có thể chuyển từ cái này sang cái kia. Nhưng đấy không phải là thay đổi. Khi người ta nói rằng “Tôi đang đổi từ cái này sang cái đó”, họ tưởng rằng mình đang vận động, đang có sự chuyển biến. Nhưng sự thật, họ chưa chuyển mình một chút nào. Họ mới chỉ dựng nên ý niệm về phiên bản họ nên trở thành. Ý niệm về cái họ “nên là” thì dĩ nhiên khác so với cái-hiện-đang-là. Và do vậy, họ cho rằng sự đổi khác để hướng đến cái-nên-là là một chuyển động. Nhưng đấy lại không phải là chuyển động. Họ tưởng đó là thay đổi, nhưng thay đổi trước tiên phải bắt nguồn từ việc ý thức được rõ cái gì mới thực sự “là” và chung sống với nó, rồi từ đó người ta mới quan sát để nhận thấy rằng chính việc nhìn là cái đem lại sự thay đổi.
Học sinh: Con người ta có cần phải nghiêm túc hay không?
Krishnamurti: Có cần nghiêm túc hay không ư? Một câu hỏi rất hay. Trước tiên, bạn cho rằng thế nào là nghiêm túc? Đó có phải là việc ngưng lại tiếng cười? Sự hiện diện của nụ cười trên gương mặt có phải có phải là chỉ dấu của sự thiếu nghiêm túc? Mong muốn nhìn ngắm một cái cây và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nó, liệu đó có nghĩa là thiếu nghiêm túc? Mong muốn hiểu được vì sao con người trông ra sao, ăn vận thế nào, vì sao họ ăn nói như vậy, liệu đó có phải biểu hiện của sự thiếu nghiêm túc? Luôn luôn trưng ra khuôn mặt dài ngoẵng, với câu nói thường trực: “Tôi có đang làm điều đúng không, tôi có đang tuân theo đúng khuôn mẫu?” – như vậy là nghiêm túc? Tôi sẽ nói rằng, đó chẳng phải là nghiêm túc đâu. Gắng gượng để thiền định không phải là nghiêm túc, nỗ lực để tuân thủ một khuôn mẫu xã hội không có nghĩa là nghiêm túc – dù nó có là kiểu mẫu thấy ở Đức Phật hay Sankara. Đơn thuần tuân thủ, xuôi theo không bao giờ là nghiêm túc. Đó chẳng qua là sự bắt chước. Thế nên, bạn có thể nghiêm túc cùng với một nụ cười trên gương mặt, bạn có thể nghiêm túc khi nhìn một cái cây, khi bạn vẽ tranh, khi nghe nhạc. Sự nghiêm túc có giá trị ở chỗ theo đuổi cho đến tận cùng một suy nghĩ, một ý tưởng, một cảm giác, đi đến tận cùng, không bị lung lạc bởi bất cứ yếu tố nào khác; khai thác mọi suy nghĩ cho tới xa nhất có thể, bất chấp tất cả những gì có thể xảy đến đi chăng nữa, ngay cả khi trong hành trình ấy, bạn lâm vào cảnh thiếu ăn, mất trắng của cải - tất cả mọi thứ; đi cho tới điểm cuối cùng của ý nghĩ, đó là nghiêm túc. Câu trả lời của tôi đã thỏa mãn thắc mắc của bạn chứ?
Học sinh: Rồi thưa ngài.
Krishnamurti: Tôi e là chưa đâu. Bạn tán thành dễ dàng như vậy vì bạn chưa thực sự hiểu điều tôi nói. Sao bạn không dừng tôi lại và nói rằng: “Tôi không hiểu ông đang nói gì.” Thẳng thắn như vậy là nghiêm túc. Nếu bạn không hiểu điều gì, dù đó là lời của ai, kể cả có là chúa thần, cũng không quan trọng, hãy cứ mạnh dạn nói “Tôi không hiểu điều ông nói, hãy nói thêm cho rõ ràng”. Nói được như vậy, đó là nghiêm túc. Còn việc ngoan ngoãn tán thành chỉ vì một người nói như vậy cho thấy tính nghiêm túc đã bị thiếu mất rồi. Tính nghiêm túc bao gồm việc nhìn các thứ rõ ràng, trong tâm thế khám phá, chứ không phải để chấp nhận. Nhưng sau này khi bạn kết hôn và có con cái, đi kèm là các trách nhiệm, sẽ có thêm một kiểu nghiêm túc khác. Lúc ấy bạn không muốn phá bỏ kiểu mẫu, bạn muốn có nơi nương náu, bạn muốn sống trong sự bao bọc an toàn, không bị ảnh hưởng bởi các cuộc nổi dậy nữa.
Học sinh: Tại sao người ta tìm cách có được lạc thú và loại trừ nỗi đau?
Krishnamurti: Bạn có vẻ khá nghiêm túc buổi sáng hôm nay đúng không? Vì sao? Vì bạn cho rằng có lẽ lạc thú nghĩa là được thuận tiện hơn, còn buồn khổ nghĩa là bị đau đớn. Một thứ bạn muốn tránh, và thứ kia bạn bám víu vào. Vì sao? Bản năng tự nhiên là vậy mà phải không? Nếu tôi nhức răng, tôi muốn né tránh. Tôi muốn đi dạo, việc đó đem lại cảm giác dễ chịu. Nhưng vấn đề không phải nằm ở lạc thú hay nỗi đau, mà ở việc né tránh một trong hai điều đó. Cuộc sống có cả vui sướng và đau khổ. Cuộc sống có bóng tối lẫn ánh sáng. Vào một ngày như hôm nay, trên trời vừa có mây, vừa có mặt trời chiếu sáng; rồi thì, có mùa đông và mùa xuân; chúng là những phần làm nên cuộc sống, sự tồn tại. Nhưng tại sao chúng ta cố né tránh thứ này và bám víu vào thứ kia? Sao chúng ta nên đeo đuổi lạc thú và né tránh đau khổ? Sao không đơn thuần sống với cả hai? Khi bạn cố gắng tránh đau đớn, phiền muộn, bạn sẽ tự tạo ra các cách thức để trốn chạy - trích dẫn Đức Phật, Gita (Bhagavad Gita – ND), đến rạp chiếu phim hay tự đúc ra đức tin. Vấn đề sẽ không được giải quyết bằng khổ đau hay lạc thú. Nếu bạn sống dựa vào lạc thú, điều gì sẽ xảy đến? Bạn sẽ dính mắc đúng không? Và nếu có chuyện xảy ra với người mà bạn dính mắc vào, hay tài sản của bạn, hay quan điểm của bạn, bạn sẽ lạc lối. Thế nên bạn nói rằng, tốt nhất là có sự tách rời (detachment). Đừng như vậy, đừng dính mắc cũng như đừng buông thả; hãy nhìn vào những thông tin thực tế mà thôi, và khi bạn hiểu được thực tế rồi, thì khía cạnh đem lại lạc thú hay đau khổ cũng không còn; chỉ có sự thật mà thôi.


Original: Krishnamurti on education talk to students - 07 'On Violence' 
Bài dịch cùng chủ đề: