Kim ji young, born 1982 và những sắc thái của bất bình đẳng giới
Mình mới tìm được phim này trên Netflix: Kim ji young, born 1982. Lúc xem preview thì cũng đoán là về trầm cảm sau sinh, mình cũng...
Mình mới tìm được phim này trên Netflix: Kim ji young, born 1982. Lúc xem preview thì cũng đoán là về trầm cảm sau sinh, mình cũng không muốn khơi lại những kí ức đau lòng nên tự nhủ nếu quá dramatic thì sẽ không xem nữa. Nhưng mà không, phim rất vừa vặn- nó là một phim nữ quyền- như một bài phê bình phân tích, nhưng đấy là kiểu nữ quyền mềm mỏng và ít lố nhất mình từng xem, cũng là kiểu sát với thực tế nhất. Sự thật là hiện nay có rất nhiều phim dán nhãn nữ quyền nhưng thực tế chỉ là thay nhân vật nam chính bằng nhân vật nữ chính, và biến nhân vật nữ chính thành siêu nhân anh hùng bất khả chiến bại. Những phim kiểu đấy thất bại vì nó quá xa lạ với hình tượng nữ giới nói chung và chẳng nêu ra được bất cứ vấn đề nào của nữ giới trong thế giới hiện đại.
Phim này thì khác. Hàn Quốc là một nước châu Á theo chế độ phụ hệ điển hình và thậm chí nổi tiếng trong khối các nước châu Á phụ hệ vì sự bất bình đẳng giới và nam tính độc hại, do đó bộ phim giống như một cái bảo tàng về trọng nam khinh nữ ấy. Người xem sẽ được chứng kiến một lịch sử trọng nam khinh nữ gói gọn trong 3 thế hệ, phát hiện ra những sắc thái của trọng nam khinh nữ từ tinh tế nhất đến thô thiển lộ liễu nhất, trọng nam khinh nữ ở từng độ tuổi, ảnh hưởng của trọng nam khinh nữ lên từng giới...có những chi tiết chắc chắn sẽ nhận được sự đồng cảm của phụ nữ toàn thế giới, có những chi tiết chỉ có phụ nữ châu Á cùng văn hoá mới liên hệ được, và có cả những chi tiết chắc chỉ người Hàn mới hiểu để bức xúc. Một bộ phim có sức nặng thực sự!
Do targer của phim quá rộng nên không có gì bất ngờ khi mỗi bài review mình đọc được về phim này đều rất khác nhau. Dù cùng là khen, nhưng một người đàn ông sẽ review khác một phụ nữ, một phụ nữ chưa lập gia đình sẽ có cảm nhận khác một người đã lấy chồng có con.
Riêng với mình, phim còn mang nhiều ý nghĩa hơn vì bản thân mình cũng là một người (tự coi) là đã sống sót qua tất cả những nỗi gian truân của nhân vật chính mà phim đề cập đến, từ mẹ chồng không thấu hiểu, những tháng ngày đằng đẵng chăm con, mất ngủ và trầm cảm sau sinh, những buổi điều trị tâm lý, những khó khăn khi bắt đầu đi làm...bản thân mình cũng có một người chồng khá giống trong phim, một ngừoi tốt và luôn muốn vợ hạnh phúc, nhưng đồng thời chịu ảnh hưởng của áp lực xã hội và những tư tưởng ăn sâu bén rễ nhiều đời nên không dám hành động đến cùng để sát cánh cùng vợ. Đây cũng là một điểm nhân văn của bộ phim, vì sẽ dễ dàng hơn nhiều để chĩa mũi dùi vào người đàn ông gần mình nhất, đổ hết mọi tội lỗi lên đầu nam giới. Nhưng bộ phim chọn cách khó khăn hơn nhiều. Nó chỉ ra gốc rễ vấn đề nằm ở cơ chế, ở cách các doanh nghiệp đối xử với người lao động, ở cách xã hội rập khuôn vai trò của mỗi giới khi ép họ phải tuân theo những chuẩn mực khác nhau, ở cái cách thế hệ đi trước tiếp tục cổ suý và tạo điều kiện cho sự bất bình đẳng tiếp tục tiếp diễn. Nếu nam giới được tạo điều kiện để giúp đỡ và được khuyến khích tham gia nhiều hơn vào công việc gia đình, nếu những thế hệ trước không dằn vặt con cái bằng những tiêu chuẩn của mình, có lẽ một tương lai nơi phụ nữ và đàn ông đều bình đẳng đã đến gần hơn một chút.
Môt điều cuối cùng mà bộ phim này mang lại cho mình, đấy là sự ấm áp của hy vọng. Bộ phim này cùng rất nhiều phim gần đây mình xem trên Netflix, miêu tả rất tỉ mỉ những nhân vật nữ, cả trên phương diện tâm lý tình cảm lẫn tính cách nhân vật, cho thấy sự chuyển hướng tích cực trong phim ảnh, phụ nữ giờ đã nhận được ánh hào quang mà họ xứng đáng được nhận, thay vì mãi là nhân vật phụ, trợ thủ đắc lực, bóng hồng nóng bỏng, cô nàng ngốc nghếch chuyên gây cười hay một nữ thần hoàn mĩ mà sự tồn tại của cô chỉ để cứu rỗi cuộc đời nhân vật nam chính. Mình không biết giữa coi thường phụ nữ và tôn thờ phụ nữ, cái nào đáng sợ hơn, mình thì chỉ muốn người ta khắc hoạ phụ nữ như một người bình thường.
Kết bài, mình muốn nhắc lại một đoạn của Andrew Salomon trong bài phát biểu kinh điển về trầm cảm trong ted talk, đại ý rằng, mình biết con đường đấu tranh còn rất dài, nhưng mình tin rằng mình đang sống ở đúng thời điểm. Ít nhất tại thời điểm này, những vấn đề mình gặp phải đã được đưa ra ánh sáng, được quan tâm, được đem ra tranh luận. So sánh với tình thế của các bà, các mẹ 20, 50 năm về trước, mình không thể cảm thấy may mắn hơn.
Phim
/phim
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất