Từng ngụp lặn trong mớ thông tin dinh dưỡng thượng vàng hạ cám trên mạng, mình hoàn toàn ủng hộ mọi người tìm hiểu thông tin ở những nguồn tin chính thống. Tuy nhiên, mình cũng thấu hiểu rằng các kết quả nghiên cứu chỉ mang tính tương đối, nhất là ở một số lĩnh vực đặc thù.
Có một hiện thực không thể phủ nhận về các nghiên cứu khoa học liên quan đến dinh dưỡng: không phải mọi thông tin khoa học chính thống liên quan đến dinh dưỡng đều đáng tin cậy tuyệt đối!
Việc hiểu rõ tác động thực sự của các loại thực phẩm đối với sức khỏe vẫn luôn là một vấn đề phức tạp. Hiện nay, hầu như tất cả nghiên cứu dinh dưỡng đều sử dụng ba phương pháp chính:
- Nhật ký thức ăn (food diaries),
- Khảo sát dựa trên trí nhớ (recall surveys), và
- Bảng câu hỏi tần suất sử dụng thực phẩm (food frequency questionnaire hay FFQ).
Điều này đồng nghĩa với việc hầu hết các nghiên cứu thường đo lường việc tiêu thụ thực phẩm dựa trên câu trả lời chủ quan và khả năng ghi nhớ của những người tham gia.
Phương thức này tiềm ẩn nhiều khả năng thu thập phải dữ liệu sai lệch. Ví dụ như chúng ta đôi khi không thể nhớ mọi thứ mình đã ăn, kể cả những gì đã ăn hôm qua. Hơn nữa, không phải ai cũng có khả năng tính toán chính xác khẩu phần ăn, đặc biệt là khi đi ăn ngoài hay ăn các món quá phức tạp.
img_0
Thực tế là, nếu không đưa những người tham gia nghiên cứu vào một môi trường có kiểm soát và quan sát cẩn thận toàn bộ chế độ ăn uống của họ trong thời gian kéo dài, thì sẽ rất khó để xác định chính xác những gì họ ăn.
Việc đo lường chính xác mọi thứ chúng ta ăn đã vô cùng phức tạp, việc phân tích và đánh giá mối quan hệ giữa các yếu tố dinh dưỡng và sức khỏe cũng là một quá trình gian nan không kém.
Trong một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2013, John Ioannidis, một chuyên gia về độ tin cậy của kết quả nghiên cứu tại Đại học Stanford, đã lựa chọn 50 nguyên liệu phổ biến từ các sách nấu ăn ngẫu nhiên và tiến hành tìm kiếm các nghiên cứu khác nhau đánh giá mối liên hệ giữa những nguyên liệu này và nguy cơ mắc bệnh ung thư. Kết quả đã gây ngạc nhiên khi khoảng 80% trong số những nguyên liệu này, bao gồm thịt bò, bắp, muối, khoai tây, trứng, và bánh mì, đều được cho rằng có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Nói cách khác, hầu như mọi loại thực phẩm mà chúng ta có thể nghĩ đến đều có liên quan ít nhất đến một vấn đề về sức khỏe nào đó. Tuy nhiên, mối liên hệ giữa chúng mang ý nghĩa gì trong những ngữ cảnh khác nhau lại là một bài toán phức tạp đòi hỏi sự cẩn trọng trong việc đánh giá dữ liệu.
Đương nhiên, chúng ta không thể phủ nhận toàn bộ những công trình nghiên cứu dinh dưỡng được tiến hành bao lâu nay. Tuy nhiên, chúng ta cần tỉnh táo nhìn nhận một sự thật rằng sẽ có ít nhiều sai sót trong những thông tin mình tiếp nhận. Điều này giúp chúng ta không bị cuốn theo một cách mù quáng mà bỏ quên việc lắng nghe cơ thể chính mình.
Các phương tiện truyền thông và đại chúng chắc chắn sẽ vẫn bị thu hút bởi các xu hướng mới về dinh dưỡng và không ngừng tìm kiếm một chế độ ăn uống hoàn hảo. Do đó, chúng ta cần phải áp dụng tư duy phản biện đối với các chế độ ăn và phương pháp dinh dưỡng mới.
Đối với mình, việc xây dựng một chế độ ăn lành mạnh có thể đơn giản hơn so với những gì chúng ta nghĩ, nhưng cũng có thể khó khăn hơn so với những gì chúng ta tưởng tượng.
Cơ thể con người thực sự rất kỳ diệu! Chúng có khả năng thích nghi, gửi tín hiệu và cung cấp hướng dẫn cho chúng ta về những gì cần thiết để duy trì sự sống. Tuy nhiên, thách thức lớn ở đây là khả năng lắng nghe cơ thể của chúng ta, để từ đó tìm ra một chế độ ăn uống cân bằng, phù hợp với từng người.
Có những người cả đời không ăn rau củ nhưng vẫn duy trì sức khỏe tốt, cũng như có không ít người ăn chay và vẫn rất khỏe mạnh. Các dưỡng chất quan trọng có thể được cung cấp từ nhiều nguồn thực phẩm khác nhau, và việc lựa chọn thực phẩm phù hợp với sở thích, lối sống và tình hình sức khỏe là tùy thuộc vào mỗi người.
Hiện tại, mình duy trì chế độ ăn chay khoảng 90% thời gian, có nghĩa là đôi khi đi ăn ngoài với bạn bè, không có quá nhiều sự lựa chọn, hoặc chỉ đơn giản là… thích, mình vẫn ăn thịt như bình thường. Mình không áp đặt bản thân vào một chế độ ăn cụ thể, nhưng cố hết sức để đảm bảo cơ thể được cung cấp đầy đủ dưỡng chất cần thiết.
Bằng việc tìm hiểu những kiến thức cơ bản về dinh dưỡng, cùng với việc hiểu rõ đặc tính của từng loại thực phẩm, và phát triển sự thông thái bên trong, lắng nghe cơ thể, học cách nhận biết cảm giác đói và no, cũng như nhận thức các dấu hiệu sức khỏe của cơ thể, chúng ta không cần phải cất công tìm kiếm một "phương thuốc thần kỳ" cho sức khỏe ở đâu xa xôi.