Năm nay tôi bước sang tuổi 34, tính cả tuổi mụ thì là 35. Trước đây tôi thường nghĩ chỉ có ở độ tuổi 2x, ở những năm đầu va chạm trường đời thì người ta mới hay gặp khủng hoảng. Rồi tôi nhận ra rằng: ở độ tuổi nào thì người ta cũng gặp khủng hoảng cả thôi. Tôi vừa trải qua những ngày khủng hoảng đó, và khi tìm hiểu sâu hơn, tôi thấy quả thực không phải riêng mình gặp vấn đề này. Vậy thì khủng hoảng tuổi 35 thật sự là gì? Nó khác gì với khủng hoảng tuổi 20-25 không? Tại sao lại là 35 mà không phải là 1 con số khác?
Tôi không thích việc nói lại từ 1 bài báo hay 1 cuốn sách, mà tôi muốn nói từ những gì mình đã trải qua và nghiệm lại, vậy nên mục đích bài này tôi viết cho chính mình đọc lại, suy ngẫm lại và chia sẻ để mọi người cùng tham khảo, chứ không hướng tới việc tranh luận đúng/sai hay nghiên cứu tâm lý học. Vậy nên tôi sẽ đặt bài viết thuộc nhóm: trò chuyện, tâm sự,  mặc dù văn phong có thể mang tính quan điểm-tranh luận.

Khủng hoảng tuổi 35 là gì?

Cảm nhận đặc trưng nhất của cuộc khủng hoảng này là: mất hứng thú với MỌI THỨ, không thấy ý nghĩa trong cuộc sống. Xin nhắc lại là với mọi thứ, bao gồm cả những điều tưởng như quan trọng nhất: gia đình, sự nghiệp, tiền, tình, dục...
Nếu như ở giai đoạn khủng hoảng tuổi 25, tôi thường đứng trong phòng tắm, để mặc chiếc vòi sen xả nước lên đầu, nhắm mắt và suy nghĩ xem mình sẽ trở thành 1 thằng đàn ông như thế nào? làm cách nào để kiếm tiền? làm thế nào để có chỗ đứng trong xã hội... nói chung là cảm giác của 1 kẻ mù đường, không có trong tay bất cứ thứ gì, không biết đích đến, hoang mang, vô định và đầy trăn trở. Thứ quan trọng nhất khi ấy có lẽ là tìm được 1 chỗ đứng trong xã hội, để có thể kiếm tiền, để có thể nuôi được bản thân, gia đình nhỏ của mình. Có lẽ chỉ vậy thôi.
Và bạn có thể đọc seri: [Cà phê 1 mình] Những bài học trường đời của tôi để hiểu rõ hơn về tôi trong giai đoạn đó.
Tôi đã đọc, học, làm nhiều thứ để đi qua được giai đoạn đó, để tự khẳng định mình. Cũng có một chút may mắn nữa, nhưng không thể phủ nhận những nỗ lực, sự gan lì của bản thân. Để rồi khi đã có trong tay 1 công việc (tương đối) ổn định, một gia đình (tương đối) hạnh phúc, mọi thứ đều ở trạng thái ổn định và đầy đủ (mọi ham muốn đều có thể được thỏa mãn) thì bỗng dưng... tôi bị mất thăng bằng.
Tôi không tự lý giải được trạng thái này, vì sao nó lại xảy ra. Tôi không tìm ra được bất kỳ lý do nào khiến tôi có cảm giác mất hứng thú đó. Tôi cũng có mục tiêu lớn lao trong sự nghiệp, tôi cũng ý thức rõ được trách nhiệm với gia đình, vợ con. Tôi tưởng mình sẽ không bao giờ rơi vào trạng thái đó, nhưng thực tế là nó đã xảy ra, ở độ tuổi 35 của tôi.

Lý do của khủng hoảng tuổi 35

Có 2 lý do mà tôi suy đoán được:
- Một là: khi có tất cả thì tức là không có gì. Một phản xạ tâm lý "ngược" khiến tôi lo lắng trong vô thức: càng nghĩ mình có cái gì đó, thì mình càng sợ mất. Và vì sợ mất nên mình muốn giữ nó. Việc đi tiếp sẽ không còn quan trọng nữa, mà thay vào đó là đứng im 1 chỗ để nghĩ cách bảo vệ thứ mình đang có. Tôi không chủ động có suy nghĩ này, nhưng nó đến như 1 phản xạ và các hành động của tôi diễn ra trong vô thức. Khi suy ngẫm về hành động của mình trong thời gian qua, tôi thấy đúng là mình hướng tới điều này.
- Hai là: tôi đã đạt được tới "ngưỡng" của tuổi 25 mà mình mơ ước. Trước giờ tôi chỉ nghĩ là: sự nghiệp ổn, gia đình hạnh phúc, con cái đủ đầy, hàng ngày đi làm công việc đúng chuyên môn, cuối tuần vui vẻ chơi đùa cùng vợ con... thì hiện tại tôi đã đạt được rồi. Và một điều "nguy hiểm" là tôi không có mong ước gì khác. Vì lẽ đó mà tôi mất phương hướng. Tôi đã đi đến "đích" mà mình đặt ra, và không hề thay đổi cái đích đó trong suốt nhiều năm. Giờ đến đích rồi thì làm gì tiếp đây?
Ngày trước đọc truyện Touch - Tầm với, tôi cũng đọc đến đoạn nhân vật chính khi đã đạt được đích đến thì anh ta bỗng hoang mang, trốn chạy khỏi hiện tại. Tôi cứ nghĩ đó là trạng thái tâm lý của 1 chàng trai mới lớn, nhưng quả thực ở độ tuổi nào thì cũng gặp trạng thái đó. Chỉ là nó thường đến ở tuổi 35 - sau 10-15 năm vật lộn trường đời thì thường cũng đi tới đích.
Và một lẽ nữa: người ta càng đặt kỳ vọng cao vào bạn thì bạn càng sợ thất bại. 
Ai cũng nghĩ mình giỏi, ai cũng tin tưởng vào mình, vì thế làm bất cứ một việc gì, mình thường nỗ lực nhiều hơn bình thường. Nó khiến cho áp lực trở nên nặng hơn. Dần dần nó trở nên "mất cân bằng" bởi chính mình đã có thói quen như vậy. Ở tuổi này, khi đã có kinh nghiệm, có năng lực, có tư duy, có kiến thức, có mọi sự hỗ trợ... thì việc "thất bại" khi làm gì đó trong khả năng là một thứ tưởng như "không thể", hoặc hết sức "vô lý". Chính vì thế mà mình bị sợ cái cảm giác thất bại - thứ mà mình luôn nói với các bạn trẻ là: Đừng có sợ. Vì các bạn còn trẻ nên các bạn dễ làm lại sau vấp ngã, vì các bạn chưa nếm trải sự đời nên vấp ngã là bình thường, vì các bạn còn nhiều thời gian, không bị áp lực gia đình, tài chính... nên dễ làm lại được. Còn khi đã bước sang tuổi 35, người ta thường "sợ thất bại", bởi lúc này những điều kiện của tuổi trẻ đã không còn nữa. Càng có nhiều cái để mất thì người ta càng sợ mất.
Khi đọc điều này thì người ta dễ dàng bảo: mới có 35 mà làm như 55. Người ta 6x còn làm lại từ đầu được kia kìa. Mình cũng biết điều đó. Nhìn người ta làm thì dễ, tự mình làm thì khó. Với cả thế giới này có được mấy người như thế? Vài tỉ người mà chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Mình không thích chơi xổ số với cuộc đời mình.

Vượt qua khủng hoảng tuổi 35

Nói "vượt qua" thì cũng hơi quá, bởi mình chỉ mới thoát khỏi trạng thái ấy được hơn 1 tuần. Nó diễn ra trong khoảng 2-3 tuần và đó là giai đoạn khá tệ với mình.
Để vượt qua được trạng thái này, bản thân mình phải trải qua một "cuộc chiến" tâm lý thực sự. Không có ai chia sẻ, không ai giúp đỡ, có chăng thì vợ mình hỗ trợ một chút, vì cô ấy không hiểu rõ được vấn đề của mình nên cũng không giúp được nhiều.
Ban đầu mình khá hoảng loạn và nghi ngờ mọi thứ. Mình nghi ngờ mục tiêu của công việc, bất an với những phút giây bên người thân, không có tâm trạng hay sự tập trung khi làm việc... thậm chí chia sẻ với người khác cũng rất khó vì không diễn tả được vấn đề, cũng sợ rằng nói ra người ta cũng không hiểu và không giúp được. Tìm kiếm trên mạng thì các bài viết hầu hết đều nói tới "sự nghiệp, công việc" chứ không bài viết nào nói trúng 100% vấn đề của mình. Công việc chỉ 30% thôi. Vậy nên mình chọn giải pháp tự xử. Đối đầu trực diện với chính mình để tìm cách vượt qua nó.
Đầu tiên mình phải "ép" bản thân chấp nhận trạng thái này như một lẽ bình thường, tất yếu. Bằng việc tìm ra 2 lý do trên, mình dần dần biết nguyên nhân của nó, biết là nó xảy ra là do mình, nên để giải quyết nó cũng phải do mình. Việc chấp nhận không hề dễ dàng, bởi nó chính là cảm giác thất bại. Mình xây lên 1 tòa lâu dài, rồi tự mình phá bỏ nó, xong phải chấp nhận thực tại là mình muốn làm một tòa lâu đài khác. Vậy nên cảm giác nó như 1 bước lùi, phải trả giá cho nó (1 tháng không đạt KPI và sẵn sàng bị giảm lương, nghe chửi, mất lòng tin... - mà không thể đổ lỗi cho ai, cho điều gì ngoài chính mình). Có thể nói là "Khi càng sợ thất bại thì càng phải thất bại", chủ động thất bại để thoát khỏi nỗi sợ đó, để rồi làm lại thôi.
Nhắc lại câu mà trước đây mình luôn tâm niệm: Đã biết đằng nào cũng bị ăn tát thì cứ giơ mặt ra cho người ta tát, càng sớm càng tốt, để rồi không còn lo lắng về việc đó nữa. Ăn tát một cách chủ động dù sao cũng đỡ đau hơn là bị động, cứ phải nơm nớp lo sợ không biết ăn đòn lúc nào. Mà ăn đòn lúc không phòng bị chắc chắn sẽ đau hơn.
Tiếp theo là thả lỏng bản thân để tìm lại cảm hứng, tìm lại điểm xuất phát và xác định mục tiêu mới. Sống, làm việc mà không có mục tiêu là một cảm giác rất tệ, nên mình cần xác định một mục tiêu mới. Dù nó chưa rõ ràng bởi không phải ngay lập tức mà tìm được, nhưng chắc chắn là mục tiêu mới sẽ khác mục tiêu cũ, và cách làm cũng sẽ khác. Việc nhìn nhận lại điểm xuất phát cũng giúp mình đỡ hoang mang, bởi nhìn lên thì không bằng ai, nhưng nhìn xuống thì cũng hơn nhiều người. Vậy nên không suy nghĩ lan man nữa, mà nghĩ lại các việc mình đang làm, tập trung vào nó hơn và thử cách khác đi.
Mình nhắc nhở vợ mình là "tâm trạng của anh đang rất tệ" và khuyên cô ấy quan tâm hơn tới mình. Cô ấy cũng đang trong giai đoạn khá căng thẳng, áp lực trong công việc mới nên việc mình muốn cô ấy quan tâm hơn cũng thật khó, chỉ là "nhắc nhở" để cả 2 chú ý hơn mà thôi. Cũng không quá kỳ vọng vào người khác có thể giúp mình, nhưng cũng không thể tự mình làm mọi thứ. Bởi mình tin là những người thương yêu ta nhất, tin tưởng ta nhất thì họ sẽ luôn sẵn sàng tha thứ cho thất bại của ta, luôn có mặt khi ta cần họ nhất. Quan trọng là phải nói ra cho họ biết là ta cần họ, chứ không nên im lặng chờ họ tự nhận ra. Dù là đàn ông thì vẫn có lúc muốn nằm gục trên đùi người phụ nữ mình yêu, để được họ vỗ về với câu nói: "không sao đâu anh".
---
22/03/2021