Vì sao là tuổi 30?
Vấn đề không phải là tuổi 30, không phải mình bao nhiêu tuổi, mà là lúc nào thì mình nhận ra ba mẹ mình đã già.
Có thể đối với nhiều người đó là năm 25, 26, hoặc 32, 33, 35 tuổi,… năm mà một ngày bình thường, trong lúc nói chuyện với mẹ, bạn nhận ra: “Ồ, mẹ mình già rồi!”, và thấy nghẹn ở cổ họng.
Đó là một cuộc video call của mình và mẹ, vẫn như mỗi cuối tuần khác. Khoảnh khắc đó in sâu trong mình, khoảnh khắc mình thấy ba mẹ mình già. Như tất cả những đứa con trên đời, từ nhỏ mình take granted sự tồn tại của ba mẹ; cho đến khoảnh khắc này, chỉ 1 khoảnh khắc, thay đổi mọi ý thức, tư duy của mình về mọi mặt của cuộc sống. Da mẹ nhìn có vẻ mỏng hơn, trong hơn, như hồi nhỏ mình nhìn tay bà ngoại và nói “tay bà ngoại ngộ hén, nó trong trong”; mình chưa bao giờ thấy mặt mẹ nhiều đồi mồi như bây giờ, nếp nhăn sâu như bây giờ; tay mẹ sao nhăn quá, nhăn nhúm lại; còn ba, nhìn rõ sự khắc khổ trên mặt ba, 2 chữ tuổi tác in hằn trên trán ba.
Mình, chị cả của 1 đứa em trai, đi làm xa nhà; từ nhỏ tới lớn tự thấy mình có cuộc sống tuy không giàu nhưng đầy đủ, thoải mái. Những năm 20 có công việc không vất vả, đủ nuôi mình sống thoải mái; có cuộc sống vô cùng tự do.
Sau khoảnh khắc đó, lần đầu tiên mình cảm thấy mọi thứ như đổ sập xuống, mọi bức tường bao quanh mình những năm 20 đổ sập, lần đầu tiên mình cảm nhận nhiều nỗi lo cuộc sống; lần đầu tiên mình thấy lo lắng về mọi thứ mình đang có; lần đầu tiên mình thấy khủng hoảng, năm mình 30 tuổi.

Tài chính

Một người chưa bao giờ lo lắng về tình hình tài chính của mình, nhận ra công việc chỉ đủ nuôi mình, nhưng không đủ phụng dưỡng ba mẹ, không đủ để ba mẹ được hưởng tuổi già một cách thoải mái mà không lo nghĩ.
Sự thật phũ phàng, mình hoàn toàn không có 1 khoản tiền nào để dùng những lúc như này; không tiền nhàn rỗi, không quỹ khẩn cấp, nói chung là không có tiền để dành. Mình phải hạn chế các khoản entertainment, để gửi thêm về gia đình.
Mình thay đổi tư duy về tài chính nhiều; thấy mình cần suy nghĩ nghiêm túc hơn về tiền bạc và đầu tư; không chỉ giảm chi, mình cần tăng thu.
Lấy đó làm động lực, mình mạnh dạn nói chuyện với sếp (ngay trong thời gian còn nghỉ Tết Nguyên Đán ở nhà). Phải biết, mình là người khá ngại trong việc đòi hỏi trong công việc, đặc biệt là yêu cầu thăng chức, tăng lương; lần này là kiểu… đánh liều, phải hành động thôi. Sau đó, mình may mắn được 2 lần upgrade lương và vịt trí trong 9 tháng đầu năm.
Rồi nhận ra, ồ,…phải chủ động, không ai tự mang lợi ích đến cho mình, phải tự mình tìm cơ hội, chủ động nắm bắt.

Công việc

Trong một khoảng thời gian, mình tự hỏi, không chỉ tự hỏi, mình còn hỏi đồng nghiệp: “Hông lẽ mình cứ làm việc như này, công việc “8 to 5”, ngày ngày ngồi trong 4 bức tường, cày cho tư bản. Rồi sau này mình già rồi sao? Đâu có làm việc này đến già được, vậy già mình làm gì nuôi mình đây?,…"
Tuổi 30, vẫn chưa tìm được câu trả lời; nhưng mình vẫn đang tập trung update bản thân, để một khi cơ hội đến, mình sẽ sẵn sàng để nắm bắt.

Cuộc sống

Quyết định theo đuổi con đường độc lập-tự do-hạnh phúc; mình chưa bao giờ nhưng bây giờ lại thấy lo lắng như mẹ mình hay lo cho mình “không có con rồi sau này già ai lo cho con?”
Cuối cùng, mình quyết định, mình của tuổi trẻ sẽ lo cho mình của tuổi già, bằng cách đầu tư vào 3 thứ.
Thứ nhất, mình mua bảo hiểm nhân thọ; mình tập yoga, chạy bộ, hiking các kiểu, đầu tư vào sức khỏe, thứ tuổi nào cũng cần.
Thứ 2, đầu tư vào vật chất; mình vay ngân hàng mua đất, để sau này không phải phụ thuộc vào ai. Đây là nguyên nhân dù được upgrade lương 2 lần, mình vẫn đang sống trong khủng hoảng tài chính.
Thứ 3, đầu tư vào tinh thần; mình đẩy mạnh hoạt động xã hội, thiện nguyện; mình đang là điều phối của một tổ chức mang tính chất Phật Giáo, hy vọng sau này sẽ có cơ hội chia sẻ thêm. Các dạng hoạt động này khiến mình không cảm thấy cô đơn, khiến mình thấy bản thân có ích cho cộng đồng, xã hội; thứ mình tin rằng sẽ là 1 điểm tựa tinh thần vững chắc. Bên cạnh đó, hoạt động tôn giáo cũng giúp mình cải thiện kiến thức, tư duy, cách ứng xử trong cuộc sống và công việc.

Vậy,

Khủng hoảng tuổi 30 của mình đến từ 1 tích tắc trong nhận thức; nhìn ra được nhiều thứ mà trước đó mình không thấy. Mình vẫn vậy, gia đình, cuộc sống, mọi thứ xung quanh mình vẫn vậy, chỉ có tư duy mình khác đi; dẫn đến mình nhìn mọi thứ khác đi, và hành động khác đi.
Gọi là khủng hoảng, nhưng nó không quá áp lực với mình, vì mình tiếp nhận tất cả bằng tâm thái chấp nhận. Mình chấp nhận ba mẹ mình đã già, mình chấp nhận trong tay mình không có gì, mình chấp nhận bắt đầu từ bây giờ.
Gọi là khủng hoảng, nhưng nó giúp mình bắt đầu sống có định hướng, có mục đích, và tích cực hơn.
Khủng hoảng tuổi 30 không đáng sợ bạn ạ, không đáng sợ nếu mình hành động.
Còn bạn, khoảnh khắc đó đã đến với bạn chưa?