Hà Nội trời mưa phùn nhẹ, lúc đấy hắn đã 29 tuổi, đang ngồi chạy deadline cho kế hoạch hoạt động tuần tới, chuông điện thoại reo lên. Hắn bất ngờ khi đó là số điện thoại của thằng bạn đại học đã lâu không gặp. Họ đã không gặp nhau từ khi tốt nghiệp đại học. Hắn thì ở lại Hà Nội, còn thằng bạn hắn thì vào Sài Gòn  lập nghiệp. Cuộc điện thoại kết thúc bằng một cuộc hẹn cafe vào tối hôm đó.
Trở về từ nơi làm việc, hắn cùng thằng bạn  tấp vào quán cafe bên đường. Lâu ngày không gặp nên cũng có nhiều chuyện để hàn huyên. Nhấp ngụm cafe đắng ngắt, cả hai bắt đầu luyên thuyên đủ  thứ chuyện trên đời. Bầu không khí trùng xuống khi thằng bạn gợi nhớ về khoảng thời gian khó khăn lúc mới ra trường.
“Phải rồi, giờ ta nói về cái tuổi trẻ băn khoăn,” hắn nói, “tao thấy tuổi trẻ cứ như một cuộc phiêu lưu qua cánh rừng, nhưng trong cánh rừng đó lại có một cái hố giếng - một hố mở đen ngòm xuống lòng đất nằm ngay ở nơi đồng cỏ kết thúc và rừng cây bắt đầu. Một giếng hoang với cái miệng rộng hoác. Chẳng có gì đánh dấu chu vi và vị trí của nó, không hàng rào không thành giếng.”
“Mày nói gì mà tao chẳng hiểu gì hết. Sao lại cánh rừng, sao lại hố giếng ?” - Thằng bạn ngơ ngác hỏi.
“Thì đó,” hắn giải thích, “tuổi trẻ như cánh rừng, rất rộng lớn, rất hùng vĩ và rất đẹp. Hành trình đi qua tuổi trẻ cũng như hành trình đi thám hiểm khu rừng. Còn những khó khăn của tuổi trẻ cũng như  một cái giếng, một hố đen, một cái bẫy. Điều không may là chẳng ai biết vị trí cái hố giếng đó ở đâu, kích thước thế nào và độ sâu bao nhiêu. Một số người thì cho rằng nó chẳng có gì đáng sợ, một số người lại mô tả nó sâu khủng khiếp và đầy chặt bóng tối. Như thể tất cả bóng tối của thế giới được chèn chặt vào đó.”
“Thực vậy, nó sâu lắm”, thằng bạn bắt đầu hiểu câu chuyện và nói như vừa nhớ lại tất cả những khó khăn đã trải qua, “nhưng không ai biết nó ở đâu,” nó chậm lại như thể đang tìm những từ chính xác nhất để mô tả, “tao chỉ chắc chắn một điều là nó ở đâu đó trong khu rừng.”
“Một cái giếng sâu, ta có thể ngã vào đó. Aaaaaaa, tũm một cái, thế là hết đời.”
“Chuyện đó chắc phải xảy ra rồi, đúng vậy, lâu lâu lại có một lần. Tự nhiên có một thanh niên biến mất, chẳng ai tìm ra anh ta. Và lúc đó người ta bảo “Ồ, hắn đã ngã xuống giếng rồi”
“Chết như thế thật chẳng ra sao cả,” thằng bạn nói.
“Đúng vậy,” hắn nói. “Chết như thế thật khủng khiếp. Nhưng không phải tất cả. Vẫn có   nhiều người sống sót qua khỏi đó. ”
“Và chắc chắn, dù không bỏ mạng nơi đáy giếng thì việc vượt qua chặng đường còn lại của khu rừng đó cũng không phải dễ dàng phải không?” Thằng bạn hỏi.
“Đúng vậy, sẽ hình thành hai nhóm những người sống sót sau cú ngã đó. Nhóm ít hơn, họ chẳng còn sợ ngã nữa. Họ tiếp tục tìm những con đường mới để khám phá nhiều hơn, và tất nhiên họ sẽ thấy nhiều cảnh đẹp hơn.”
“Còn nhóm thứ hai?”
“Số nhiều hơn, họ không dám đi xa hơn nữa. Vì cái giếng đã là nỗi ám ảnh quá lớn đối với họ. Họ sợ bị ngã lần nữa và như thế họ đi theo những lối mòn, an toàn hơn, ít thử thách hơn và ít cảnh đẹp hơn. Chắc chắn rồi. Vì những người đi trước đã chặt phá cây cối, san bằng đồi núi để đường đi dễ dàng hơn.”
Câu chuyện ngắt quãng bởi thông báo đóng cửa của chủ quán.
Câu chuyện khu rừng và hố giếng khép lại. Không một lời chỉ dẫn được đưa ra, không một lời khuyên, không một lời tổng kết. Bởi cả hai đều hiểu rằng: vị trí và độ sâu của mỗi hố giếng  thì khác nhau và  tất cả mọi người đều phải đi qua khu rừng bằng năng lực của riêng mình.
Ừ thì có người cho rằng tốt nhất không nên để rơi xuống hố giếng đó. Nhưng đối với hai thằng thì rơi vào hố giếng đó mới là điều may mắn.
Hắn và thằng bạn chỉ kịp trao đổi thêm về một số thông tin về gia đình và công việc rồi chào tạm biệt.
“Khu rừng thật đẹp! Hẹn gặp lại”
(Đây là bài viết sau khi tôi đọc cuốn Rừng Nauy, ngôn từ trong bài viết cũng được mượn nhặt ở đó. Có thể các bạn đọc rồi sẽ thấy quen quen. Nên mong các bạn thông cảm. Hình ảnh "hố giếng" tôi cũng mược ở đó. Không có ý đạo văn nhưng cảm xúc thì hòan toàn là của riêng tôi)