Không gian công và không gian tư
Hai khái niệm đời sống công/tư được đặt nền tảng bởi các triết gia Hy Lạp bằng việc mô tả như các không gian, gồm polis (không gian...
Hai khái niệm đời sống công/tư được đặt nền tảng bởi các triết gia Hy Lạp bằng việc mô tả như các không gian, gồm polis (không gian công) và oikos (không gian tư/gia đình). Những ý niệm này đặt nền tảng dựa trên sự phân biệt giữa hai cấp độ mà con người quần hợp với nhau (human association): một con người chính trị, được hình thành vì lợi ích mang tính tập thể, đó là không gian trình diện của lời nói và hành động, đại diện cho sự tự do của con người. Người còn lại là con người của tự nhiên, quan tâm chủ yếu với những nhu cầu thiết yếu hằng ngày. Theo Aristotle, oikos không có mục đích tự thân, nó tồn tại cho sự kiến lập của polis. Tức là việc kiểm soát được nhu cầu thiết yếu là điều kiện tiền định cho sự tự do. Do đó, không gian công cộng vừa được phân biệt bởi không gian tư, vừa đặt trên nên tảng của nó.
Để tiêp tục phân biệt hay khái niệm công/tư, các nhà tư tưởng tự do cổ điển như Rousseau và Hume lý tưởng hóa gia đình bằng việc giả định “cảm tình và sự thống nhất về mặt lợi ích chiếm ưu thế trong gia đình, khiến cho các tiêu chuẩn về công lý không áp dụng được với họ”. Trong khi đó, không gian công đại diện cho lý tính và sự đa nguyên. Nói một cách chính xác thì “cảm tình và sự thống nhất về mặt lợi ích”, ít nhất, đã phân biệt giữa không gian công và không gian tư.
Hannah Arendt cũng chỉ ra cách nhìn nhận tương tự, khi tái khẳng định công cộng là không gian của hoạt động con người, nơi mà chính trị được tạo tác, và không gian tư là không gian của sự thiết yếu (necessity). Khi con người đến với nhau như là một không gian công, thì dấu hiệu của nó là sự kiến tạo khả thể của sự tự do (possibility of freedom). Cụ thể hơn, khi một cá nhân xuất hiện trong một không gian công đa nguyên, thì sự hiện diện đó có thể bị thách thức hoặc nuôi dưỡng bởi họ sẽ giống hoặc khác những người còn lại. Do đó, người tham gia vào đời sống công sẽ ghi nhận rằng, sự khác biệt cấu tạo nên thực tại. Chính vì thế, sự tự do, với Arendt, là khả thể của sự hiện diện được thay đổi thông qua sự tương tác với những luồng quan điểm khác nhau, và hệ quả là nó tạo ra một hiện thực mới được chia sẻ bởi những con người khác nhau. Khi đó, sự tồn tại của con người được hình thành từ sự ghi nhận của cộng đồng. Tự do là là một thành tố quan trọng trong không gian công, trong khi đó, không gian tư được xem là nơi chỉ quan tâm về các “nhu cầu hằng ngày” thì lại thiếu khả năng để thúc đẩy thực hành sự tự do.
Nhưng có đúng là không gian gia đình thiếu vắng sự đa nguyên, lý tính và không đủ điều kiện để thực hành sự tự do?
Điều này buộc chúng ta phải đặt lại khái niệm về chính trị. Ở cách hiểu rộng nhất về khái niệm này, Leftwich (2015) nhận định rằng chính trị là trung tâm của tất cả các hoạt động xã hội tập thể, chính thức hoặc phi chính thức, công hoặc tư, trong mọi nhóm người, mọi thiết chế và mọi xã hội. Còn theo Michel Foucault, chính trị gắn liền bởi sự móc nối của các mối quan hệ quyền lực, tồn tại xuyên suốt trong xong hội. Bất cứ nơi đâu có sự tương tác giữa người với người, nơi đó có chính trị. Nhìn ở góc độ này, gia đình là một lãnh địa lớn của các hoạt động có tính chính trị, ở đó có thể có bạo lực hoặc lạm dụng của một ông bố lớn tiếng ép con mình học trường y, hoặc cũng có thể có sự giải tỏa xung đột sau đó, khi ông ta ôm con mình trấn an. Tất cả hành vi đều thể hiện một thông điệp chính trị nào đó, ngay cả khi chủ thể không có ý thức về hành vi của mình như là một “chiến lược chính trị”, thì nó vẫn thể hiện tính chính trị nội tại được tạo ra qua quá trình tương tác liên cá nhân. Nhìn gia đình dưới một thực thể thì ta lại thấy được một cấu trúc chính trị nằm sau đó, nơi mà sẽ thiết lập các quy ước để nó có thể vận hành. Vì vậy, không gian gia đình không hẳn được xem là không gian tư một cách hoàn toàn, mà nó là sự giao thoa của cả công và tư, là nơi ươm mầm cho những tương tác có tính chính trị để một người có thể hiện diện đầy đủ trong không gian công.
Tài liệu tham khảo
Christopher Philip Long, Hannah Arendt, the family and the public/private dichotomy. Philosophy & social critism, 1998
Jon Simons, Foucault and the Political. London: Routledge, 1995.
Adrian Leftwich. What is politics: The Activity and its study. John Wiley & Sons, 2015.
Khoa học - Công nghệ
/khoa-hoc-cong-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất