ND: Bài dịch được lấy cảm hứng nhân kỳ nghỉ Quốc khánh dài nhất đầu tiên nhưng không thể ra khỏi nhà.
Làm thế nào để bạn vẫn có thể nhìn ngắm thế giới khi đang cách ly hoặc buộc phải hủy bỏ chuyến du lịch của mình? Câu trả lời của Reif Larsen là ứng dụng Google Street View (GSV).
Ảnh: Nathan Asplund
Gần đây, trong bối cảnh bùng lên toàn cầu của đại dịch corona, tôi đã chuyển việc du lịch qua màn ảnh, ngồi thấp thỏm trên ghế, mắt chăm chăm nhìn vào những bức ảnh không người: một trận cầu tại Đức không có khán giả, quảng trường Piazza San Marco (Venice, Ý) lác đác vài chú câu ngơ ngác, thánh địa Mecca im lìm trong những tòa thánh lớn, vốn trước đây thường xuyên là nơi hội tụ của rất đông các tín đồ hồi giáo đổ về cầu nguyện quanh tượng đá Ka’bah. Những công trình vốn đầy ắp người giờ trở nên trơ trọi. Có cảm giác như ta đang sống trong một bộ phim viễn tưởng mà ở đó không có vết tích của con người.
Trong một thước phim quay chậm, nước Mỹ đang dần thu mình lại trước cơn thảm họa. Loài người hẳn nhiên sẽ không thể quay trở lại cuộc sống bình thường trước đó, ít nhất ở một tương lai gần. Tất cả chúng ta đều đang vật lộn với việc phải làm mọi thứ một mình. Không có ngoại lệ. Vài ngày trước, một người bạn gọi điện để hủy một cái hẹn ăn trưa với tôi, “Chỉ là tớ phải thực hiện giãn cách thôi, chứ không cố ý hủy kèo đâu nhé”, bạn phân trần.
Ừ, cố ý gì đâu. Chẳng phải kho từ vựng của chúng ta đang có thêm một loạt thuật ngữ mới liên quan đến tiêm chủng: Tự cách ly, giai đoạn truyền nhiễm, kiểm soát dịch lây lan, đỉnh dịch. Chúng ta được dạy khoảng cách chính xác bao nhiêu thì được coi là tiếp xúc gần. Chúng ta chạm khuỷu tay thay cho bắt tay, hát “chúc mừng sinh nhật” hai lần trong khi rửa tay (thật ra tôi còn chưa hát qua nổi 1 lượt), làm việc ở nhà thay vì đến công sở. Chúng ta đánh vật với việc triển khai các lớp học trực tuyến, đổ xô đi mua giấy vệ sinh (hành động mà cho đến giờ tôi vẫn không tài nào hiểu nổi). Tại thời điểm bài viết này đến tay độc giả, thế giới có lẽ đã được sắp xếp lại theo một trật tự hoàn toàn mới.
Khởi sự cho những bức ảnh không người mà tôi đang xem gần đây bắt nguồn từ một lượng lớn hành khách đã hủy bỏ các chuyến đi của mình. Đây là con số lớn chưa từng thấy kể từ sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9. Gia đình tôi đã lên kế hoạch cho kỳ nghỉ ngắn ngày ở Charleston, tiểu bang South Carolina vào trung tuần tháng ba, nhưng cuối cùng đã quyết định không đi nữa. Giống như nhiều gia đình người Mỹ có con nhỏ, chúng tôi ngồi xúm lại trong một căn phòng cách ly tự nguyện, với một cái tủ chất đầy hạt đậu, 1 giá sách toàn tiểu thuyết của Roald Dahl, một bộ boardgame Hungry Hungry Hippos, và một mớ dự cảm bất trắc.
Tôi và vợ cũng luôn cố gắng tỉnh táo trước những tin tức về dịch bệnh. Giả như việc tìm kiếm những mẩu chuyện của một ai đó trong các bệnh viện ở Ý, những biểu đồ về tỉ lệ lây lan khủng khiếp của vi-rút, và mối lo lắng chung cho người già trong bối cảnh dịch bệnh đều ảnh hưởng không tốt đến huyết áp của chúng ta. Thông tin trên Twitter có thể là quá nhiều mà cũng là quá ít tùy thuộc vào sự lựa chọn tiếp nhận của độc giả. Rõ ràng, tôi cũng đang cố nốc đầy mồm Cheetos để quên đi rằng mình đang căng thẳng.
Thành thực mà nói, tôi đã luôn nghĩ về chuyến du lịch sắp tới của gia đình mình. Nếu bạn vừa trải qua một mùa đông dài, đường phố ngập ngụa bởi tuyết tan thì chắc hẳn bạn sẽ thèm khát một kỳ nghỉ để thoát khỏi những công việc lặp đi lặp lại mỗi ngày, những bữa sáng ngán đến tận cổ hay những mẩu ngũ cốc Rice Krispies vương vãi trên áo. Du lịch chính là cách để bạn thoát khỏi vòng lặp ấy, để được xả hơi, được sống ở một nơi chốn khác, địa điểm khác dù là ngắn ngủi. Đi thật xa để trở về, để thêm trân quý những điều bình thường quen thuộc.
Mấy năm qua tôi đã không còn đi thật xa nhiều nữa do bản thân đã bắt đầu quan tâm và viết nhiều hơn về biến đổi khí hậu. Chính câu hỏi về việc có nên tiếp tục di chuyển bằng máy bay hay không cũng khiến tôi đánh vật kha khá, vì như bạn biết đấy nghề viết về du lịch đòi hỏi tôi phải đi đây đi đó khá nhiều.
Sau vài lần trăn trở và cân nhắc giữa trách nhiệm của cá nhân và của nền công nghiệp hóa thạch, tôi quyết định chọn một giải pháp trung lập: hạn chế tối đa (chứ không phải từ bỏ hoàn toàn) việc di chuyển bằng máy bay, lựa chọn các chặng đi một cách kỹ lưỡng, ưu tiên các địa điểm trong nước và thử thêm nhiều cách khác với mục tiêu tối thượng là giảm ảnh hưởng tới môi trường.
Quan điểm này thành ra lại trở nên hữu dụng trong hoàn cảnh đại dịch và tự cách ly hiện tại. Ngay khi chúng tôi hủy bỏ chuyến đi đến Nam Carolina, tôi đã rủ Max, cậu con trai ba tuổi của mình dẹp bộ bàn cờ sang một bên và trải nghiệm chuyến du lịch vừa bị hủy bằng việc sử dụng một trong những công cụ yêu thích nhất của mình: GSV. 
Từ màn hình, chúng tôi giả bộ hạ cánh xuống sân bay Charleston. Tôi đích thân dẫn đường. Chúng tôi thuê một chiếc xe có mùi kẹo dẻo Twizzlers lẫn với mùi thuốc lá nồng nặc. Trên đường ra khỏi sân bay, Max nhận thấy có một nhân viên của Tổ chức Quản lý An ninh và Vận chuyển Hoa Kỳ vừa đi vừa đọc một cái gì đó ở bên kia đường một cách lơ đễnh (hẳn phải là một cuốn của Albert Camus, tôi tự nhủ).
Chúng tôi mua thêm 1 ít cá tươi ở cửa hàng hải sản Crosby để lát nữa nướng. Max ném mấy viên đá xuống mặt nước. Sau một hồi lái xe vòng vòng, chúng tôi tình cờ bắt gặp một bữa tiệc trên bãi biển, mọi người đang nhảy rộn rã. Từ bờ bên này của đảo Chuột, chúng tôi cứ nhìn mãi về ngọn hải đăng phía bên kia đảo Morris. Rồi như bị đánh lạc hướng, chúng tôi chuyển tầm nhìn về phía những người đang đi bộ trên những lối đi kỳ lạ chạy dài nối tới những nhà hàng nổi tách biệt, và rồi tự hỏi: Mãi mãi là bao xa. Chẳng mấy chốc Max tỏ ra mất hứng và bỏ ra ngoài còn tôi tranh thủ tán gẫu với anh bạn này. Dù không thể phủ nhận cả hai có khá nhiều bất đồng về mặt chính trị, chúng tôi vẫn có thể chia sẻ với nhau nhiều thứ, giả như việc làm cha, câu chuyện tán gia bại sản của Red Sox hay về tình yêu dành cho bộ phim thời thơ ấu của cả 2: “Bảo mẫu phiêu lưu ký“.
Tóm lại, tôi đang trải nghiệm và khám phá dù không phải bằng da bằng thịt, tôi là một nhà thám hiểm dù có hiểu theo cách nào đi nữa. GSV thực sự đã tạo ra một thế giới đầy hấp dẫn với tôi trong suốt hơn 10 năm nay. Nó đã trở thành một công cụ tìm kiếm mỗi khi tôi viết lách, hoặc thường xuyên hơn, là giúp tôi trở thành một con người ham hiểu biết. Thật là tiện cả đôi đường. Một nguồn bất tận các tiểu tiết vụn vặt. Bạn có thể nhẩn nha đi khắp thế giới mà không quan tâm trời đang đổ mưa, có tuyết hay mây mù, tuyệt đối an toàn, trong khi vẫn có thể tự thưởng cho mình một phần Cheetos. Nếu chán quá, bạn hoàn toàn ngay lập tức có thể di chuyển đến một địa điểm mới, ở một lục địa mới.
Điều khiến tôi cảm thấy đặc biệt thu hút về GSV nằm ở việc nó mang ý nghĩa như một ghi chép khách quan về thế giới, cũng giống như việc bạn lái xe ô tô (hoặc xe máy, hoặc đi bộ đường dài) dọc đường, và chụp lại những bức ảnh lưu niệm. Tất nhiên khái niệm khách quan này khác xa với khái niệm khách quan mà chúng ta vẫn hiểu bởi trong mỗi bức ảnh đều mang dấu ấn và câu chuyện của những người đã tạo ra nó. Chúng tôi hóa trang thành những chú ngựa. Chúng tôi đặt những em bé ở trước những cửa hiệu của Gucci. Một chiếc Google Car lướt qua khi bọn tôi đang cắt cỏ, một anh chàng nổi hứng vén áo khoe thân với cả thế giới. Thế đấy!
Ảnh: Nathan Asplund
GSV còn thể hiện một ưu điểm vượt trội hơn hẳn so với phương thức du lịch truyền thống: nó chỉ ra được một địa điểm nào đó đã thay đổi qua thời gian như thế nào. Mỗi một hành trình khác nhau sẽ tạo ra những ký ức khác nhau. Các ghi chép cũ không ngừng được bổ sung. Có thể lấy khối nhà phía trước đài tưởng niệm vụ khủng bố 11/9/2001 ngày nay làm một ví dụ khi hình ảnh của nó đã liên tục được cập nhật qua các năm 2009, 2011, 2014, và 2019. Những khối bê tông dang dở ngày nào được hoàn thiện dần qua từng thước phim quay chậm.
Giờ hãy thử bắt đầu từ nơi bạn ở. GSV có những cách rất bí ẩn để biến những điều thân thuộc trở thành xa lạ. Đã bao lần bạn rời đi và nhìn căn nhà hồi lâu lắc của mình từ nhiều hướng? Hoặc mái trường xưa, hay nơi bạn trao cho người ấy nụ hôn đầu đời, nay đã hô biến thành một trung tâm thương mại mới?
Trớ trêu thay tại cùng một thời điểm bạn sẽ có cảm giác về việc mình ở đây mà không phải ở đây, ở khắp mọi nơi mà lại chẳng phải ở đâu cả. Càng đi nhiều, bạn càng có xu hướng muốn đi thêm. Tôi cực thích một vài lỗi kỹ thuật xung quanh những địa điểm có sự xuất hiện của con người, cái cách mà chân họ đôi khi tách rời khỏi cơ thể, cái cách mà khuôn mặt họ bị làm nhòe đi như thể họ không hề tồn tại (thảng hoặc họ cũng không tồn tại thật) như nhắc rằng đây vừa giống với thế giới của chúng ta, lại vừa không phải.
Năm 2015, nhà xuất bản Visual Editions tại London đã liên hệ với tôi về việc cho ra đời một cuốn sách số hóa nằm trong loạt truyện có tiêu đề “Các ấn bản khi chơi”. Ý tưởng của họ là muốn làm ra một tác phẩm mà người ta chỉ có thể đọc được trên điện thoại thông minh. Với sự trợ giúp của nhân viên coding thuộc đội ngũ sáng tạo của Google tại Úc, tôi đã soạn ra cuốn “Lối vào và lối ra“, được kể qua lăng kính của GSV về một anh bạn đang thất tình nhưng sở hữu chiếc chìa khóa có thể mở được mọi cánh cửa trên thế giới. Dễ đoán được câu truyện không thể có hồi kết, giống như cách mà GSV dẫn chúng ta đi khắp mọi nơi.
Tuy nhiên tôi cũng sẽ là người đầu tiên khẳng định rằng GSV không thể nào thay thế cho du lịch truyền thống. Việc xách mông lên và đi có ý nghĩa lớn về mặt giao tiếp: với những con người mới, diện mạo mới, ẩm thực mới, hương vị mới, bầu không khí mới, và ngôn ngữ mới. Điều kỳ lạ là tại thời điểm chúng ta đang bị bủa vây bởi những mối đe dọa vô hình của sự lây lan, chúng ta có lẽ sẽ phải từ chối mọi sự tiếp xúc để lui về ở ẩn, cách ly bản thân với thế giới bên ngoài.
Vậy thì chúng ta nên làm gì? Khi buộc phải ở trong nhà, khi không thể chạm vào một nơi thực thể nào đó, làm thế nào chúng ta vẫn có thể duy trì cảm giác tò mò và đam mê khám phá?
Một phần của câu trả lời (có lẽ) nằm ở cách mà các nhà văn viết về du lịch làm việc với các công cụ tuyệt vời mà công nghệ mang lại. Điều mà chúng ta thường mong mỏi là tìm những người có cùng chung chí hướng, để theo chân một cô gái có khiếu tò mò khi cô ta lên đường sang một quốc gia khác, khám phá, đi lạc, tin vào trực giác. Và rồi đến một thời điểm nhất định nào đó, chúng ta muốn tách ra để được tự mình quan sát, tự mình đi lạc, tự mình tin vào trực giác của mình. Như nhà văn Albert Camus đã từng viết: “Một người sẽ tìm được đường trở về từ chính nơi anh ta đi lạc”.
Cũng có một vài mô hình đi theo hướng trải nghiệm 3D, được trình bày bắt mắt kiểu này, tỉ như dịch vụ “Đi dạo buổi tối” vốn đã ngừng hoạt động từ lâu, chuyên về các tour nghệ thuật đường phố tuyệt đẹp vào ban đêm ở Marseille, hay “Chào mừng đến Pine Point“, một dạng phim tài liệu tuyệt vời, cảm động, có khả năng tác động lớn đến người xem, kể về một cộng đồng làm nghề khai thác mỏ thuộc vùng Tây Bắc Canada đã không thể giữ được mảnh đất nơi mình đã sinh ra, lớn lên và có cả một kho tàng ký ức ở đó. Cả 2 ví dụ kể trên đều là những sản phẩm kì diệu của nghệ thuật online dù so với hình thức du lịch truyền thống vẫn có khá nhiều điểm khác biệt.
Gần đây, với sự xuất hiện của công nghệ thực tế ảo (phiên bản không khiến khán giả phải nôn thốc nôn tháo khắp nơi), các ứng dụng ăn theo đã bùng nổ mạnh mẽ. Google Earth nhanh chóng cho ra phiên bản thực tế ảo của mình, trong khi những ông lớn khác khẳng định sẽ đưa người dùng đến công viên quốc gia Grand Canyon (bang Arizona, Mỹ) hay thậm chí bơi với bầy cá mập. Dù không có ý hạ thấp giá trị giáo dục mà những trải nghiệm này đem lại nhưng việc gắn lên đầu một thiết bị dường như vẫn giống một dạng chạy trốn khỏi hiện thực hơn là một hình thức giao tiếp. Những video khơi gợi được suy tư của người xem như tour đi bộ trong lòng thành phố vẫn được tôi ưa thích hơn cả. Khi những video như thế này trở nên phổ biến hơn, có lẽ người dùng sẽ chấp nhận khám phá nhiều cung đường mới hơn mà không sợ bị mất phương hướng.
Song song với đó, câu trả lời về việc nên làm gì khi không thể đi du lịch có lẽ đơn giản chỉ là đọc nhiều sách hơn nữa. Đây là cách xoa dịu tâm hồn bằng nghệ thuật tuyệt vời nhất và phù hợp nhất trong thời điểm hiện tại. Tôi đã đọc cuốn “Hành trình Dawn Treader” cho Holt, cậu con trai cả 6 tuổi của mình nghe. Tôi cảm thấy việc đọc thật to những câu chữ và kể nó dưới dạng tương tác giữa 2 ba con là một hoạt động rất ý nghĩa.
“Hành trình Dawn Treader” là câu chuyện giả tưởng về chuyến thám hiểm đại dương kỳ thú của con tàu mang tên Dawn Treader. Vượt qua nhiều quần đảo nơi có những kẻ buôn bán nô lệ, rồng, và người cá vốn có khả năng sử dụng phép thuật, con tàu quyết tâm đi đến nơi tận cùng của thế giới. Holt và tôi không ngừng tranh cãi về việc liệu rằng thế giới của chúng ta có một nơi gọi là tận cùng hay không. Đó là chuyến hành trình sống động nhất mà tôi còn nhớ được.
Nhưng có lẽ phương án khả dĩ nhất để những điều kì diệu có thể xảy ra ngay trong chính thời điểm dịch bệnh này đến từ cách chúng ta tự tạo những chuyến du hành tại nơi mình sống. Ngày hôm nay tôi và Max phá lệ đi vô rừng. Hai ba con lúc thì chú mục vào từng bước chân để kiếm cho ra mấy cây gậy gỗ, khi thì trầm trồ trước một chú giun đất chẳng mảy may bận tâm đến việc mình không có nổi 1 cái chân, lúc lại giả đò gọi bé gấu Steve bí ẩn quay về. Đôi khi từ đâu đó trong bụi rậm xuất hiện một đàn nai quay mòng mòng thảng thốt khi nhận ra có sự xuất hiện của con người. Những lúc như thế, Max gần như chết lặng vì kinh ngạc.
Trở về nhà, hai ba con pha một tách sô cô la nóng ấm, cảm thấy thế giới bên ngoài vừa rất gần mà cũng rất đỗi xa xôi.
Max từ tốn nhấm nháp ly cacao của mình như thể nó muốn giữ lại hương vị này cho cả những tuần sắp tới.
Cuối cùng nó cũng dừng lại, thỏ thẻ: “Hôm nay đi cũng xa ba ha?”
“Ừ,” tôi trả lời. “Rồi mai mình lại chơi tiếp nhé.”
Chú thích: Reif Larsen là tác giả của 2 cuốn tiểu thuyết “Tôi là Radar” và “Tuyển tập T. S. Spivet”. Cả hai cuốn sách đã được chuyển thể thành bộ phim điện ảnh “Ước vọng trẻ thơ” (2013).