Mặc dù từng thử viết về nhạc rap như một nỗ lực để hiểu những thứ mà mình chưa từng hiểu, tôi cũng chưa thấy được vì sao người ta lại thích rap, hay văn hóa hip hop nói chung.
Tôi đã từng nghe một nhóm ngồi rap freestyle với nhau (gọi là cypher huh), hình như vào nửa đêm ở tiệm cà phê Heritage đầu đường Pasteur cách đây 4 năm. Nhưng lúc đó tôi đã nhìn bọn họ với cái nhìn trịch thượng như Phạm Quỳnh nhìn bọn thanh niên. Chính xác thì, tôi luôn skip qua các bản hip hop của 50 Cent hay Nelly trong các băng đĩa nhạc nhạc Mỹ lậu mua hồi những năm 2000s. Nói tóm lại, tôi chưa bao giờ hiểu nổi vì sao người ta lại thích hip hop.
Nhưng sau hôm nay thì tôi mới hiểu, chí ít là, vì sao freestyle rap là một thứ có thể thích được. Rap freestyle là làm đông nguội ngay lập tức cái dạng thức lỏng lẻo của các ý. Và theo đó, trái với cách nghĩ thường thấy rằng rap thì tự do, freestyle rap thực ra lại giống như trò đi thăng bằng trên dây, một bên là hỗn loạn của vô thức, một bên là trật tự của ngôn ngữ. Nếu quan niệm tự do là sự không bó buộc trong bất kỳ khuôn khổ nào, thì rap không tự do, vì nó phải đặt trong khuôn khổ của ngôn ngữ. Ngay cả khi chúng ta tạo ra những đoạn vô nghĩa như:
Con mèo xám không bị hen
nhưng em lại thích heineken
thì chúng ta vẫn phải suy nghĩ về một cấu trúc ngữ pháp mà ở đó có trật tự được quy định về vị trí của chủ ngữ và vị ngữ. Còn nếu chúng ta nhét vào đủ mọi từ nhảm nhí:
trên con bò trật tự khóc lóc
nhưng con cóc hạt thóc không trách móc
thì chúng ta vẫn phải đảm bảo cái từ mình nói ra là một từ đã có trong từ điển, và phải có rhyme.
Không có gì là bất định thuần túy, theo đó, không có gì là tự do tuyệt đối trong rap, mà ở đó có sự nhượng bộ cho văn phạm, cho vần, để người khác hiểu được câu rap của mình.
Cái khó của freestyle rap, cũng là cái hay của nó với tư cách một bộ môn trình diễn, nằm ở chỗ, phải có một sự sắp đặt rất nhanh các ý trong những vòng lặp thời gian rất ngắn của beat (chính xác thì gọi là metre huh). Và quan trọng hơn nữa là sự chính xác: chính xác trong chọn đúng từ (i.e, “ba gai” hay “hi-fi” hay “đẹp trai” cho vần “ai”), và chính xác về thời điểm bật ra cái từ đó. Nó giống như trò Audition ngày xưa, phải nhấn spacebar đúng vào cái millisecond đó thì mới perfect.
Và cái thú vị của freestyle rap với người rap nằm ở tính chất ứng biến của nó. Tính chất ứng biến cũng là một đặc điểm của jazz, và đó là lý do mà Sebastians trong La la land yêu thích Jazz. Nhưng jazz thì có melody, còn rap thì không. Khi một người rap freestyle, họ thi thoảng sẽ giật cục để tránh sai sót, nhưng phải luôn uyển chuyển để không trật nhịp beat. Đó là một kiểu “vừa học vừa làm”, giống như cuộc đời.
Chúng ta không bao giờ chuẩn bị đủ cho một cuộc rap freestyle, cũng như chúng ta không bao giờ chuẩn bị đủ để sống một cuộc đời tuyệt đối đúng. Nói như một cách ngôn: “Cuộc đời là một bản freestyle rap”. Liên tục những vòng lặp mà vần phải rơi đúng nhịp. Chúng ta không bao giờ được chuẩn bị đầy đủ cho cuộc sống này, nhưng vẫn phải xoay sở để tiếp tục đi tới, bởi vì nhịp beat thì không dừng lại, và những người xung quanh thì vẫn đang trông chờ ở mình những line hay.
Stephen Strange: I’m not ready.
The Ancient One: No one ever is. We don’t get to choose our time.
The Ancient One : Death is what gives life meaning. To know your days are numbered. Your time is short. You’d think after all this time, I’d be ready. But look at me. Stretching one moment out into a thousand… just so that I can watch the snow.
Tôi cũng chợt nhớ đến người bạn bảo tôi hãy thử lên Đà Lạt với nghề dạy học. Dù có bằng cử nhân chuyên ngành giảng dạy, sao tôi vẫn cảm thấy mình chưa thật sự sẵn sàng. Và rồi, tôi nghĩ, có lẽ đến hết đời tôi cũng sẽ không bao giờ sẵn sàng cho nó, dù cho có chuẩn bị kỹ đến thế nào. Teaching is an uncertain job. Có lẽ, cũng như freestyle rap, cách duy nhất là vừa làm, và vừa học từ những gì mình đã làm. Liên tục.
Photo: Yoshi24k