Ngay từ cái thời học đòi đọc sách tiếng Anh, tui đã phát hiện một nghịch lý...cực kỳ khó hiểu đối với tui lúc đó. Đó là đọc sách tiếng Anh...dễ hiểu hơn đọc sách dịch, nhất là những sách chuyên ngành.
Ngay cái thời sơ khai của máy tính ở Việt Nam. Người ta dùng chữ...tệp để chỉ khái niệm File trong tiếng Anh. Mà tui cực kỳ dị ứng với chữ này. Nghe tệp tệp cứ thấy sao sao đó, dù biết chính xác nó là cái gì. Sau này chữ tập tin được dùng phổ biến hơn, thay cho tệp, nhưng vẫn cảm thấy không thật sự thoải mái lắm.
Rồi khi người ta hỏi tui học ngành gì, tui nói tui học Tin Học. "Tin học là...IT đó hả ?". Ờ, Tin học tiếng Anh là Informatics hay Công nghệ thông tin tiếng Anh gọi là Information Technology nó "hơi" khác nhau tí nhưng cùng một nghĩa. Nhưng tại sao đang hỏi tui tiếng Việt mà phải xác nhận lại bằng tiếng Anh nhỉ ? Đó là vấn đề tui phải suy nghĩ rất lâu, rất nhiều.
Hay như từ Marketing trong tiếng Anh dịch ra tiếng Việt là Tiếp thị. Bản thân tui thấy cũng hay hay, vậy mà nhiều người lại nói là không nên dịch Marketing là Tiếp thị, vì...Tiếp thị...không đủ nghĩa !! Họ giải thích rằng : dùng từ Tiếp thị không thể nói hết được "cái bao la" của Marketing ! Trong khi đó, chẳng ai giải thích được cho tui là dùng từ Marketing sẽ mang đến ý nghĩa bao la như thế nào.
Hiểu nôm na, Tiếp thị là...Tiếp cận thị trường, tiếp sức thị trường, thúc đẩy bán hàng, quảng bá thương hiệu, hiểu như vậy đã đủ cái bao la của chữ Marketing chưa ? Bản thân chữ Tiếp thị đã mang đủ chừng đó ý nghĩa rồi đó, không cần phải học kiến thức chuyên ngành Kinh tế đâu. Vậy sao lại nói không nên dịch ? Vậy sao lại ngại dùng ?
Có lần tui đụng phải một câu hỏi : "Giá trị sống của bạn là gì ?". Người ta hỏi bằng tiếng Việt, tiếng mẹ đẻ của tui, nhưng tui thật sự không hiểu họ hỏi gì. Sau này tìm hiểu, tui mới biết giá trị sống tiếng Anh là living values, đó là những phẩm chất, tính cách của con người làm cho cuộc sống có ý nghĩa, cổ vũ người ta vui sống, hăng say làm việc..v...v. Chính vì vậy mà tạo nên những giá trị đáng quý sống mãi với thời gian. Thật là hay ho phải không ? Nếu giải thích theo ý nghĩa đó thì Giá trị sống cũng...tương đối hợp, có thể sử dụng được, vậy mà vẫn có nhiều người không ủng hộ dịch nó ra.
Organizational Culture dịch ra tiếng Việt là Văn Hóa...Tổ Chức hay dễ hiểu hơn chút là Văn Hóa của Tổ Chức. Nghe xong quả thật là hơi ...bối rối. Trong khi nếu biết tiếng Anh thì đọc Organizational Culture là người đọc đã ..hơi hơi hiểu hiểu rồi.
Một tổ chức (Organization) thì có thể là cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, công ty, doanh nghiệp..v...v. Nên nhiều khi nói Văn Hóa Doanh Nghiệp cũng là đang nói tới Organizational Culture.
Organizational Behaviour dịch ra tiếng Việt là Hành vi Tổ Chức cũng không được xuôi tai, trong khi để nguyên tiếng Anh thì đã giúp người ta có một chút ý tưởng về ý nghĩa của nó rồi.
Vậy thì, rốt cuộc, tại sao đọc trực tiếp lại dễ hiểu hơn dịch ra ? Tại sao không nên dịch ?
Theo tui, là vì người Việt mình hay có lối liên tưởng theo nghĩa đen của từ, nếu từ dịch có nghĩa đen liên tưởng tới cái...mơ hồ hoặc một khái niệm mới nào đó thì dễ dẫn đến...bối rối, khiến người ta không thích, mà không thích rồi thì không muốn dùng. Đó là lý do chính khiến nhiều người không thích dịch, hay đọc các bản dịch.
Trong chuyên ngành dịch, có lẽ có một khái niệm nào đó khuyên người ta lựa chọn lúc nào nên dịch theo nghĩa đen , lúc nào nên sáng tạo theo hướng dẫn dắt suy nghĩ để hiểu được ý nghĩa thật sự người ta muốn truyền tải. Học đòi nói theo ngôn ngữ học một chút thì bản chất của ngôn ngữ chung trên toàn thế giới cơ bản nhất vẫn là...chỉ mặt đặt tên. Giống như gọi ông A, B, C gì đó, gọi riết thì quen. Thì các khái niệm mới người ta cũng có thể đặt đại một tên nào đó rồi xài riết là quen !
Nhưng khi đã có nhiều từ rồi thì buộc phải tuân thủ theo những quy tắc ngữ pháp nhất định, để đảm bảo thông tin được chuyển tải một cách đúng đắn, đơn nghĩa, ít bị hiểu nhầm.
Việc vay mượn từ ngữ là chuyện ngôn ngữ nào cũng có, nó xuất phát từ "nguồn khởi tạo" ra khái niệm mà từ ngữ đó mô tả. Tiếng Anh là tiếng phổ biến nên người ta càng vay mượn nhiều. Tuy nhiên, như ở Nhật, người ta có cả một bảng chữ cái dùng để diễn tả những từ vay mượn, nhưng họ cũng giữ lại một chút truyền thống rất riêng.
Thí dụ : Video trong tiếng Anh, họ lại viết trong tiếng Nhật là Bideo, Hotel viết là HoTeRu(Lu).
Nếu tiếng Việt mình vay mượn theo lối đó thì cũng không có gì phải phàn nàn. Thí dụ, thay vì nói Em...Cực kỳ xinh xắn, mình có thể nói Em...Sô Kiu(so cute!) - nghe được hông ? Hoặc khi nói Thật là...Thích quá đi, mình có thể nói ngắn gọi là....Khun (Cool !)
Vấn đề ở đây, theo tui, xuất phát từ cách thức ..tiếp thị ngôn ngữ. Họ đưa ra một từ mới, đi kèm theo đó là cả một bài giảng, bài luận hay cả một cuốn sách ăn khách. Họ khiến cho người đọc có ấn tượng đậm nét, thích thú sử dụng từ đó thành cả một trào lưu! Ai lần đầu tiếp xúc với từ đó có thể không hiểu thì bị cho là...quê, và phải tự đi tìm hiểu.
Ví dụ như có khá nhiều thuật ngữ mới trong khoa học để chỉ những khái niệm kiến thức mới. Những lúc như vậy người ta thường lấy một từ gốc rồi thêm thắt một chút hoặc kết hợp 2 chữ với nhau. Hay như trong tiếng Pháp, máy tính gọi là Ordinateur nghĩa gốc của nó là : Cái sắp xếp mọi vật theo một thứ tự đúng! Cực kỳ hay phải không? Đây là một cái tên hoàn toàn chính xác.
Ở Việt Nam có từ....Ô sin (hay Ô - xin) , tiếng Nhật là Oshin, tên một phụ nữ trong phim, vì Oshin có thời gian đi ở (người ở - người hầu, người giúp việc) nên người Việt mình cũng đang có xu hướng dùng từ Ô sin để nói về người giúp việc.
Vậy vấn đề ở đây không đơn thuần là dịch ra một từ, mà còn phải làm sao đó để người ta có cảm tình, thích dùng từ đó. Các dịch giả dịch sách (nhất là sách khoa học) đã chưa làm tốt được điều này. Họ chỉ tìm đại một từ khô khan nào đó để diễn giải ý của từ gốc. Nếu muốn từ dịch được dùng phổ biến, họ phải sử dụng chính kiến thức của mình, viết ra một bài...hoành tráng nào đó về khái niệm, ý nghĩa của từ dịch, từ đó làm cho người ta quen thuộc, chấp nhận từ dịch mà không còn kêu ca là....không nên dịch nữa!
(Của một người bạn)