Hôm trước, tôi mới xem được bộ phim Our Blues. Một bộ phim giàu chất nhân văn với những phận người khác nhau: một người mẹ ly hôn chồng vật vã chống lại trầm cảm để dành quyền nuôi con, một ông chú nợ nần để nuôi con ăn học, một người em bôn ba nuôi người chị bị Down,...Những con người làng chài ấp ôm bởi sóng biển, được nuôi lớn lên bằng những con cá tươi vẩy vàng óng đậm mùi biển cả như Huy Cận từng viết:
Ta hát bài ca gọi cá vào, Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao, Biển cho ta cá như lòng mẹ, Nuôi lớn đời ta tự buổi nào. _Huy Cận_
Nhưng tôi kể bạn nghe về một đứa bé tại cái làng chài ấy. Con bé tên Eun-gi, mấy người tại làng hay gọi là những con người đất liền. Con bé về quê ở với bà vì mẹ phải chăm bố bị tai nạn giao thông. Bố bé hay nói rằng khi chúng ta chết đi rồi sẽ biến thành những ngôi sao thắp sáng cả bầu trời. Trên bầu trời ấy, nơi có con cún đã chết của bé, có người ông nội,...to nhất là mặt trăng-thứ bảo vệ những vì sao. Đối với bé đó là một lời nói thật của người bố yêu quý nhưng với ta chắc chắn nó là một lời nói dối.
Dù vậy tôi tự hỏi, khi chết mình sẽ đi về đâu?
Nguồn: Internet
Nguồn: Internet

Niềm an ủi cho người ở lại.

Tôi không phải là một người quá tin vào mê tín, người lớn bảo gì thì tôi vẫn làm cũng bởi có thờ có thiêng có kiêng có lành. Tôi từng chứng kiến hai cuộc chia tay của đời mình là bà nội và ông nội lần lượt vào năm 8 tuổi và 13 tuổi. Lúc đó, tôi đã khóc, không phải ở đám tang mà tại lúc thấy họ vật vã vì bệnh tật. Điều sót lại duy nhất khi ấy tôi còn nhớ là: "Vậy là họ đã sống hết một đời, một đời không ngắn cũng chả dài!". Bác tôi lại hầu bên phủ cô cậu, hằng năm đến giỗ chạp bác lại bảo ông bà nhập vào người thân. Trong tâm trí non nớt hồi ấy, tôi không biết nó thật hay không, chỉ biết nghe vậy và gật gù với "ông bà". Đến giờ, tôi vẫn không tin và cũng không biết là thật hay không, tôi chỉ biết họ đã đi xa và ngày nào đó mình cũng giống họ.
Đến dịp Tết nhất, tôi lại thấy bố đi mua những thùng vàng mã to hơn người tôi về nhà. Tôi ngó vào thì thấy mấy tờ tiền đô giấy mua ở Hàng Mã với giá 20 nghìn một 1 xấp dày cộm, hai ba bộ quần áo, thậm chí có cả điện thoại, đồng hồ. Tôi còn thắc mắc với bố liệu có cần đốt xe xuống cho ông bà không, hay đốt như thế ông bà có nhận được không. Bố tôi chỉ cười, mẹ cũng vậy và tôi cũng không biết là làm như thế các cụ thấy được tấm lòng của mình thế nào. Bà họ tôi thì bảo hằng ngày họ hay quan sát tôi, họ vẫn ở bên tôi bằng một cách kì diệu nào đấy và phù hộ cho mình. Mọi người vẫn được an ủi phần nào khi tin rằng những người ra đi vẫn ở bên mình dù không nhìn thấy được, không một cái ôm nào, không thấy được những nụ cười.
"Bà vẫn ở đâu đấy phù hộ cho con thôi, bà vẫn sẽ đến nhà mình thấy con học, thấy con ăn, thấy con ngủ, thấy con hạnh phục, thấy con trưởng thành. Đừng mè nheo để bà buồn bà sẽ không về thăm con đâu, con vẫn được gặp bà mà đúng không bà ở trên bàn thờ vẫn nhìn con từng ngày.
- Nhưng con không thấy được bà đâu mẹ..."
Mọi người vẫn tin những người đã khuất vẫn ở quay đây như niềm an ủi cuối cùng sau những ngày thất vọng.
Sự vắng mặt của những người ta yêu thương còn tệ hơn cái chết, và hy vọng trong vô vọng còn khổ sở hơn tuyệt vọng.

Không sợ chết chỉ sợ...

Tôi nói tôi không sợ chết cũng chẳng phải, tôi vẫn muốn sống vì tôi còn trẻ, tôi vẫn muốn cống hiến hết mình. Đời tôi không quá nhiệm màu: hồi nhỏ bị mẹ mắng, lớn lên là xã hội dạy, vẫn gục ngã rồi lại thành công cứ như vậy như một hình chữ V. Lúc tôi chui tụt xuống đáy của hình chữ V, lúc thì may như nhặt được vàng, lúc chả ra đâu vào đâu, lúc lại nở mặt nở mày như bao nhiều. Tôi vẫn còn may mắn tại ít ra đời tôi là hình chữ V còn nhiều người nó là chữ O cứ quay đều rồi rơi xuống. Tôi vẫn muốn sống cho dù trong một số khoảnh khắc tôi tưởng rằng mình đã kiệt sức nhưng tôi lại không sợ chết. Tôi chỉ sợ tôi chưa hoàn thành sứ mệnh mà cuộc đời giao cho đã trở về bên ông bà.
Tôi thấy các nhà khoa học bảo rằng sau khi tim ngừng đập thứ cuối cùng bạn sẽ nhìn thấy là 10 phút cuộc đời. Cả cuộc đời dài đằng đẵng ấy 70 năm hay 100 năm thậm chí thấp hơn cũng chỉ gói gọn trong chứ 10 phút đồng hồ. Những kỉ niệm từ cái thưở nằm kén đến thuở thiếu thời hay thanh xuân, trung niên và về già chỉ gói gọn trong số 10 không hơn không kém. Dù khốn khổ hay hạnh phúc, tai nạn hay bệnh tật cũng như nhau.
Tôi nhớ tôi từng rất hồ hởi nói với lũ bạn:
- Khi tao chết, tao muốn hiến thân dù là gan hay thận gì miễn tao có thể cứu sống một ai đó. Tao chỉ muốn giữ lại bộ xương để hóa táng thành cát bụi, rồi dải thân mình trên biển Quy Nhơn- quê tao thôi là đủ trọn vẹn. Tao lại không muốn có một phần mộ nào, để đất cho nhà nước phát triển, cho tao ở nhà, tao bên cạnh những người tao yêu quý cả đời.
Tôi từng rất muốn làm như vậy và đến bây giờ vẫn thế. Mẹ tôi mà biết chắc chắn bà sẽ khóc hết nước mắt, bố tôi sẽ nói tôi khùng, bạn tôi bảo tôi lo chuyện bao đồng.Nhưng đối với tôi, chết chỉ là chết khi Thượng Đế thấy tôi sống đủ và nhường chỗ cho một sinh linh khác. Ông sẽ gửi tôi lại lên bầu trời, biết đâu tôi sẽ trở thành vì sao trong một dãy ánh sáng lấp lánh. Đơn giản hơn, hồn tôi sẽ trôi vào một khoảng vô tận, tối mịt kéo dài vô định, bình yên. Tôn giáo thì lại không, chẳng phải bởi tôi không tin mà là tôi không cảm thấy mình thuộc về. Biết đâu, tôi sẽ thành những con chim bay thật cao trên thảo nguyên bạt ngàn, là bông hoa nhỏ vùi thân mình dưới mảnh đất màu mỡ.
Thật ra chết không quá đáng sợ ở một góc độ nào đấy nhưng chỉ sợ là không biết là bao giờ.
Nguồn: Internet
Nguồn: Internet

Đáp xuống để sống giá trị, bay cao để thành sao.

Lời nói dối của người bố sẽ mãi là lời nói dối vì ta chẳng hề biết về sau ta sẽ đi về đâu. Liệu ta có bay về nơi một nơi nào đó chìm đắm trong bóng tối vĩnh cửu. Sẽ chẳng có một phép nhiệm màu nào cho ta viết điều ấy cả. Điều duy nhất ta biết là đáp xuống để sống giá trị.
- Điều tồi tệ nhất không phải là nhìn người thân mình chết mà là nhìn thấy mọi thứ vẫn vui tươi trên nỗi buồn của bản thân và nhận ra rằng sự tàn khốc của thời gian, sự lạnh lùng của cuộc đời, sự bé nhỏ của bản thân.
Tôi vẫn nhớ cái hồi tôi đưa bà đến nơi hỏa táng. Hôm đấy là vào một ngày tháng 6 đầy nắng, ngày hôm đó thật sự rất đẹp, đẹp đến nao lòng người. Tháng 6, Hà Nội chìm trong từng dải lụa vàng bóng bẩy, che kín cả một vùng trời. Bằng lăng và phượng thi nhau nở, nào tím nào đỏ hòa chung cùng với màu xanh của lá cây. Trời đẹp trong cái nỗi buồn đến đau lòng của gia đình tôi. Tôi vẫn nhớ tôi thấy một cái đám cưới, cô dâu khoắc lên mình bộ váy trắng, xinh xắn dắt tay chồng đi chào hỏi mọi người. Ắt hẳn, học thật hạnh phúc. Tôi thấy mấy anh chị lớp 12 hồi ấy, lẽo đẽo chở nhau trên chiếc xe đạp tưởng chừng đã tuột dây sên đến trường học đang im ắng vào hè. Giờ những con người ấy, có lẽ đã đi được con đường của bản thân đã chọn. Tôi còn nhớ có một cặp đôi ôm chầm lấy nhau thắm thiết khi được gặp lên nhau gần bên vỉa hè. Đối với đứa trẻ lớp 3 hồi đó, việc dậy lúc 6 giờ sáng khá xa xỉ cũng bởi trường gần nhà, tôi lại được ngắm mọi người trên phố qua lại đầy hứng khởi một cách bất đắc dĩ. Chính khi ấy là lúc tôi chợt nhận ra, à thì ra con người quá đỗi nhỏ bé, thời gian thì vẫn chạy, họ vẫn sống với cái niềm hân hoan mọi ngày.
Đến nhà tang lễ, hàng đoàn người nối tiếp nhau đi vào, áo khăn trắng, cháu chắt đều ở đây. Nhân viên ở đây bận rộn dường như họ đã quá quen thuộc với việc này, trong khi tôi chỉ thấy rợn người khi nhìn thấy sự uể oải nơi đây. Nhà tôi đi ra sau khi làm lễ cũng là lúc một cựu chiến sĩ khác đi vào rồi lại nối tiếp như thế. Từng đoàn xe từng đoàn xe một đi ra đi vào. Kì lạ, tôi lại không thấy bố khóc từ khi ở nhà đến đó, tôi chỉ nhớ bố đã phì phèo mấy điếu thuốc lá. Bình thường, tôi sẽ cản bố đừng hút nữa vì từ nhỏ tôi đã ghét cay ghét đắng cái mùi ấy, cái thứ tôi coi là ôn dịch. Nhưng tôi thấy bố luôn trong tình trạng mất hồn, thậm chí là ngủ gật khi nghe niệm kinh, tôi lại chẳng nỡ cản bố. Bố gặp họ hàng, người đàn ông duy nhất của gia đình này vẫn cười nói rồi đến tối trở nên lạc lõng trong cái quan niệm mà gia đình đặt ra- mấy cái quan niệm giằng xé tâm hồn, quyền lợi của phụ nữ lẫn đàn ông.
Tôi từng thấy nhà hàng xóm có người thân mất và tổ chức thật sự rất to nhưng tôi chỉ thấy đáng buồn cho cụ ông đã mất. Cụ có cậu cháu trai đích tôn thì lại ra tù vào tội, người vợ thì lạnh lùng, mặt mày cáu kỉnh hai chân chập một. Cụ quay quẩn tại ngõ với cái trò dọa trẻ con mà hồi xưa chỉ cần đi qua nhà ông tôi đã chạy mất bóng, lại rất hiếm thấy con cháu về thăm ngay cả dịp Tết. Đến khi mất, con cháu lại đi mướn khóc thuê, khóc hộ nhiều đến mức mà công an phường phải vào nhắc. Tối thì lại xem bóng đá hô hò ồn cả xóm đến mức tôi phải bảo bố đi nhắc vì đã đêm. Đám tang hôm ấy của nhà họ không khác nào sự khoa trương đến mức trào phúng biết nhường nào.
Không chỉ riêng gia đình nhà tôi, tôi đã từng đi thăm rất nhiều người trong viện hay đi đám của các mối quan hệ. Tôi thấy đủ điều sự đau buồn, thậm chí có cả cái viễn cảnh như "Hạnh phúc của một tang gia" trong "Số đỏ". Tôi lại không thể nuốt nổi cỗ trong cái không khí tưng bừng như thể đám cưới, nó lại ứ nghẹn ở cổ mà chẳng thể nuốt xuống trong cái hoàn cảnh này. Vào cuối tháng 7 năm 2019, tôi đi theo mẹ đến đám nhà bạn đại học của mẹ tôi. Vấn đề nằm ở chỗ không phải chết vì tuổi già, hay tai nạn giao thông mà là vì trầm cảm sau sinh. Người mẹ ấy gieo mình từ tầng 3 xuống để lại đứa con thơ bú bình, khóc đỏ cả người, giúi mặt vào cần cổ của bố mình. Ai cũng bảo cô bồng bột, có cả chửi bới thậm chí gia đình còn lập đàn giảm tội với Phật nhưng tôi chỉ thấy thương. Tôi thương nhất cho chị, cho con cô khi đã quá bế tắc với đời. Có lẽ chị đã quá mệt mỏi với cuộc sống, không phải bồng bột mà là sự tận cùng của cả quá trình dài đau khổ. Tôi không theo đạo nhưng tôi vẫn quỳ lạy Phật mong sẽ nghe thấy sự mệt mỏi đến mức buông bỏ này khi cuộc đời không còn giải pháp nào để giúp thoát khỏi sự khốn khổ.
Mỗi một trải nghiệm về điều này tôi chợt nhận ra giá trị của tấm lòng không phải đo bằng số vàng mã, đám tang to đến đâu, giàu có như thế nào. Giá trị đắt giá nó nằm ở cách sống và đối xử với mọi người.
Sự thật tôi không hề biết rằng khi chết ta đi về đâu. Tôi cũng không ngờ mình lại sẵn sàng nói về chuyện sống chết như vậy. Nhưng tôi nghĩ đáp xuống để sống giá trị chính là khi Thượng Đế gửi ta xuống với đời, ta để lại cho người tấm lòng. Bay cao là để tỏa sáng với đúng giá trị của bản thân khi dành đủ trọn vẹn cho người thân. Dù ở tôn giáo nào, niềm tin bất tận về cái chết ra sao, ta chính là sống cho ta, cho người, sống cho cả hảnh trình dài phía trước. Ta sẽ chả biết khoảng thời gian đếm ngược của cả mình và người thân, sự trân trọng trở thành thứ cốt yếu cho mỗi người. Xin hãy trở thành những ngôi sao thật tỏa sáng bằng giá trị của bản thân. Hãy trân trọng mọi thứ khi còn có thể.
Một con người đã sống rồi thì phải có ngày chết, thế nhưng chỉ cần bạn vẫn còn sống thì phải sống theo cách tốt nhất
*Bài viết đã được xóa đi và chỉnh sửa lại, mang tính trải nghiệm cá nhân, không nhằm chỉ trích tôn giáo hay văn hóa. Xin cảm ơn*