Trong một bài viết của mình trên Spiderum, có bạn hỏi là: "Vậy làm sao để biết ngưỡng đủ của mình anh?". Mình trả lời thế này:
Mỗi khi có ai đó bày tỏ mong ước là muốn giàu có, anh thường hỏi họ là họ mong muốn có một khối tài sản trị giá bao nhiêu, hoặc thu nhập bao nhiêu một tháng... Có những thứ cần phải đo đếm bằng con số cụ thể như vậy mới rõ ràng là mình có thật sự mong muốn và hiểu rõ về mong muốn của mình không.
Ngược lại, khi nói về "đủ" thì có câu nói nổi tiếng của cụ Nguyễn Công Trứ:
“Tri túc, đãi túc, tiện túc, hà thời túc,
Tri nhàn, đãi nhàn, tiện nhàn, hà thời nhàn”
(Biết đủ là đủ, đợi đủ thì bao giờ đủ,
biết nhàn thì nhàn, đợi nhàn bao giờ mới nhàn)
Lúc nào cũng có thể là đủ hoặc không đủ. Khi nào mình thấy đủ thì lúc đó là đủ, không có "ngưỡng" nào cho sự đủ cả.

Nhiều người cũng nghe và hiểu câu này, nhưng vì sao không làm được, vì sao không bao giờ thấy đủ?

Thường khi mình đặt ra một cái ngưỡng nào đó để "đủ", ngay lúc đó mình đang cảm thấy "thiếu". Điều mình hướng tới là khỏa lấp đi cái "thiếu" đang được nhận thấy kia. Và giả như mình kiên trì đạt đến mục tiêu thì khi đạt đến đó mình sẽ lại nhìn thấy một hay nhiều cái "thiếu" khác cần khỏa lấp.
Ai cũng có nhiều khoảng trống "thiếu thiếu" như vậy cả. Biết đủ không phải là ngồi yên một chỗ rồi nói rằng mình đủ. Biết đủ chỉ đơn giản là biết đủ thôi.
Người biết đủ vẫn học hỏi, làm việc, tiến về phía trước, lấp dần những khoảng thiếu của mình, nhưng họ vừa làm điều đó vừa biết đủ, thay vì cảm thấy mình đang thiếu.
Hai quá trình này cơ bản là giống nhau, khác nhau là ở cách nhìn nhận và cảm nhận. Một là bị nỗi sợ đuổi theo phía sau, khó chịu mà tiến về phía trước. Còn hai là thong thả, vui vẻ, biết ơn vì những gì mình có mà đi về phía trước.
Khi mình thay đổi thì thế giới này sẽ thay đổi, đó là nói về sự thay đổi ở góc nhìn.
Hãy biết ơn cuộc đời, nhìn mọi thứ một cách khác đi, thế giới này thật sự sẽ khác đi rất nhiều.
Mong bạn luôn đủ, không cần đầy mới đủ.