Một vài kĩ năng soạn thảo cơ bản và làm thế nào để trở thành CTV báo chí?
Mình từng loay hoay rất nhiều khi muốn bước chân vào lĩnh vực gì đó mới, nhưng lại chẳng có nhiều mối quan hệ có thể hỗ trợ. Do đó,...
Mình từng loay hoay rất nhiều khi muốn bước chân vào lĩnh vực gì đó mới, nhưng lại chẳng có nhiều mối quan hệ có thể hỗ trợ. Do đó, mình nghĩ sẽ rất tuyệt nếu có những bài viết chia sẻ trải nghiệm hoặc/và hướng dẫn chi tiết một lĩnh vực nào đó được đăng tải công khai.
Sau vài tháng trải nghiệm, sau đây là những gì mình (hy vọng) có thể giúp ích được cho những bạn muốn thử sức với cộng tác viên (CTV) báo chí.
Bài viết sẽ đi từ I. Giới thiệu về công việc và những điều cần làm rõ, II. CV nên ra sao và rải ở đâu và III. Quy trình phổ biến.
*Disclaimer: Bài viết dựa trên trải nghiệm nghèo nàn của tác giả là chính, nên dù có thể cố gắng nhưng chưa chắc đã chính xác hoàn toàn trong tất cả trường hợp. Những gì được truyền đạt phía sau đây không đại diện cho bất kì tổ chức, cá nhân nào và tác giả không chịu trách nhiệm nếu vô tình đưa thông tin không chính xác hoặc/và vi phạm chính sách của tổ chức, cá nhân đó. Trong bài có thể sử dụng một số từ ngữ tiếng Anh một cách vô ý. Bài viết có sử dụng gián tiếp hoặc trực tiếp một số nội dung từ các tài liệu chuyên ngành. Hình ảnh được tải về từ Flickr và Getty.
I. Giới thiệu về công việc và những điều cần làm rõ
1. CTV báo chí thường làm gì?
Mình nghĩ mỗi tòa soạn với mỗi chiến lược khác nhau sẽ có những hình thức công việc khác nhau cho CTV. Tuy nhiên, đa phần sẽ bao gồm:
- Săn tin tức: CTV thường theo dõi các nguồn tin của báo nước ngoài, sau đó dịch hoàn toàn hoặc lược dịch hoặc chỉ truyền đạt lại những thông tin quan trọng cho độc giả.
- Viết bài: theo đơn đặt hàng của cấp trên hoặc theo dòng sự kiện nổi bật.
- Hỗ trợ các bộ phận khác: viết kịch bản video, đi kèm phóng viên tác nghiệp...
- Có thể có hoặc không: tác nghiệp tại sự kiện, phỏng vấn độc lập để viết các bài chất lượng như longform, infocus...
Đọc thêm:
2. Thu nhập
Chính sách trả lương cho CTV là khác nhau và bảo mật ở các tòa soạn, do đó mình sẽ không đề cập cụ thể.
Khi bắt đầu, bạn thường xuất phát ở vị trí CTV cơ động, không nhận lương mà chỉ ăn nhuận bút theo số lượng bài.
Mình đánh giá đây là kênh kiếm tiền tốt cho sinh viên và không tồi cho những người muốn kiếm thêm vào lúc rảnh rỗi. Tùy vào khả năng của bạn, nếu siêng năng chăm chỉ thì mỗi tháng có thể kiếm được 1x.000.000.
Cụ thể, mỗi bài tin tức ngắn khoảng 300-500 chữ tốn khoảng 30 phút làm việc có thể bằng với 5-10h phục vụ. Đối với những bài chất lượng hơn, viết một bài đủ ăn cả tuần (mình đùa đấy). Bên cạnh đó, nếu được đi sự kiện, bạn sẽ có thêm một khoản không nhỏ nữa.
Tuy nhiên, nhuận bút tùy thuộc vào tên tuổi của tờ báo bạn chọn cộng tác và một số tòa soạn sẽ có chính sách chấm nhuận dựa trên số view. Sẽ có mốc view không nhuận, mốc nhận nhuận một nửa và mốc nhận 100% nhuận. Đôi lúc bạn sẽ nhận được x2 nhuận nếu bài hiệu quả.
3. Những tờ báo/trang tin đang tuyển cộng tác và những mảng tiềm năng
Mình không theo dõi việc tuyển dụng của các trang báo, nhưng một số thông tin sau đây có thể sẽ giúp ích.
Những mảng sau đây đang được tuyển dụng nhiều: teen, công nghệ, thể thao, điện ảnh (nhất là mảng phim Hoa ngữ), eSports, kinh doanh...
Trong đó, một số mảng ngoài khả năng dịch/viết thì còn yêu cầu kiến thức nhất định về lĩnh vực đó. Tuy không quá cao siêu, nhưng phải đủ để làm việc với nhau và training về sau.
4. Cơ hội và đánh đổi
Trước khi bắt đầu công việc này (hay bất kì công việc nào khác), bạn nên xác định trước mục tiêu: part-time, thăng tiến hay nguồn thu nhập phụ.
Nếu mục đích chỉ là part-time hoặc nguồn thu nhập phụ, bạn có thể gắn bó với việc này trong nhiều năm với khối lượng công việc vừa phải.
Nhưng nếu "try hard" lâu dài, bạn có thể sẽ bị cuốn vào việc chạy deadlines liên tục, thức khuya dậy sớm, follow up sự kiện nổi bật, stress do phải "vắt" chữ nhiều... Nếu phấn đấu kiểu "cống hiến", lộ trình thăng tiến thường như sau: phong độ tốt và ổn định từ 3-5 tháng sẽ được kí hợp đồng CTV chính thức, nếu có tinh thần và tư duy tốt, sẽ được cân nhắc kí hợp đồng phóng viên chính thức.
Thời gian thường không phải yếu tố chính, phần lớn phụ thuộc vào thái độ. Đánh đổi bao nhiêu, bạn sẽ nhận lại đủ bấy nhiêu, bằng cách này hay cách khác.
5. Những điều bạn có thể và không thể
Bạn không thể: thay đổi thế giới, định hướng thị hiếu độc giả, thay đổi luật pháp liên quan đến ngành.
Bạn có thể: đề xuất những thay đổi với cấp trên, thực hiện những thử nghiệm và chọn làm gì hoặc chọn không làm gì.
Các bạn nên cân nhắc đến đạo đức nghề, điều mình sẽ nói ở phần sau.
Đọc thêm:
II. CV nên ra sao và rải ở đâu
1. Rải CV không dành cho người gấp
Theo như quan sát của mình, phần lớn ứng viên rải CV bị lọc gắt gao hơn và cũng bị loại nhiều hơn ở vòng phỏng vấn trực tiếp nữa. Trong khi đó, nếu thông qua giới thiệu bạn sẽ chỉ thử việc sau đó bắt đầu làm.
Như trường hợp của mình, CV đã gửi từ cả năm trước, đến nay đã đi làm mới nhận được cuộc gọi từ các tòa soạn.
Tuy nhiên, nếu không có sẵn các mối quan hệ, các bạn có thể tự tạo.
Cách 1 (cũng là bước 1): Viết những bài đầu tư chất lượng theo phong cách báo chí, đăng tải lên các nền tảng như Spiderum.
Các bạn có thể tham khảo các bài viết sau:
Nếu may mắn, trong ngắn hạn bạn có thể lọt vào tầm ngắm của các headhunt, mình cũng từng nhận được một vài offer ở Spiderum dù không deal được cái nào cả.
Nếu không may mắn, trong dài hạn nó cũng sẽ trở thành may mắn của bạn. Bằng một cách nào đó, cách nào thì mình chịu.
Cách 2: Tìm kiếm trên các hội nhóm Facebook
Trên Facebook có rất nhiều nhóm tìm Cộng tác viên, các bạn chỉ cần gõ từ khóa liên quan là được.
Sau đó, hãy tìm những người thường xuyên đăng bài tuyển, check profile của họ và chủ động inbox đặt vấn đề. Tất nhiên là chỉ khi bạn đã có đủ "số má" trong profile của mình, vì ngoài việc outsource những bài dịch cụ thể, nhân viên tòa soạn thường không thích chủ động tuyển fresher cho lắm.
Ở bài đăng chính thức tuyển CTV trên những kênh chính của các tờ báo lớn, hãy tự biết rằng sẽ có rất nhiều đối thủ. Đừng tham gia cuộc chiến bạn biết chắc mình sẽ thua.
2. CV nên trông như thế nào
Bạn chọn đọc bài báo có những tính chất như thế nào? Gọn gàng, chính xác, ngắn gọn, đi thẳng vào trọng tâm, biết làm nổi bật những thông tin quan trọng...? Hãy dùng những tính chất đó làm yêu cầu cho chính CV của bạn.
Hãy đặt tâm thế của mình ở vị trí headhunt hay nhà tuyển dụng, họ phải xem hàng chục cái CV mỗi ngày và trong nhiều ngày liên tục. Do đó, tránh sử dụng những templates trên các trang phổ biến như TopCV. Bạn có thể mua templates trên các trang như Themeforest.net (hoặc tìm kiếm những nguồn miễn phí từ các trang nước ngoài) để tạo file PDF.
Bên cạnh đó, nên tạo thêm portfolio dạng website (có thể tạo bằng Wix.com) nếu muốn rải CV kiểu đăng bài trên các hội nhóm.
Những con số trên CV nên để to hơn bình thường để thu hút sự chú ý, ví dụ:
Nếu bạn chưa có gì để ghi vào CV, hãy cố gắng có gì đó để ghi vào. Bạn có thể nhận dịch bài trên các nhóm dịch mình đã đề cập hoặc chăm chỉ viết blog. Khi nhận bài dịch, hãy mạnh dạn trả lời đã có kinh nghiệm, vì những lý do mình sẽ đề cập ở phần phụ lục.
3. Gợi ý nơi làm việc
Theo quan điểm cá nhân của mình, hãy chọn những tờ báo/trang tin lớn. Vì những thứ tồn tại được và thành công đều có lý do của nó. Lưu ý, hãy chú ý đến lưu lượng truy cập thay vì tên tuổi (do có thể các bạn sẽ bị bias). Các bạn có thể check lưu lượng truy cập của báo điện tử bằng cách gõ ra những cái tên bạn quan tâm tại Alexa.com.
Khi chọn những tờ báo trẻ, bạn có nguy cơ bị "bào" và trả nhuận không "fair". Tuy nhiên, đây lại là môi trường tương đối mở và năng động. Trong khi đó, chọn những tờ báo lâu đời sẽ khó được nhận hơn hoặc/và bạn sẽ gặp nhiều áp lực hơn. Bên cạnh đó, những tòa soạn này cũng thường có tình trạng cocc.
Nhưng không sao cả, vì chúng ta luôn được phép thử mà đúng không.
Một điều nữa, các tòa soạn luôn vận hành theo cách thức, phương hướng dựa trên chiến lược của cấp trên và ý chí của lãnh đạo. Điều này có thể phù hợp hoặc không phù hợp với quan điểm của riêng bạn. Do đó, cần cân nhắc kĩ trước khi quyết định tham gia vào tòa soạn nào đó, tránh trường hợp vào nơi mình không thuộc về rồi bất mãn.
Gợi ý nho nhỏ của mình, hãy apply vào những tờ báo nhiều người đọc (thường cũng có nhiều tai tiếng), tham gia những ban mang tính chất "kỹ thuật" như phim ảnh, công nghệ, thể thao, du lịch, xe cộ... Điều này sẽ giúp bạn tránh được kha khá mệt mỏi tư tưởng không cần thiết, nhưng vẫn đảm bảo cơ hội phát triển trong môi trường năng động.
III. Quy trình phổ biến
Nếu bạn trở thành CTV của... CTV, họ sẽ gửi link những bài báo nước ngoài, sau đó bạn dịch và gửi lại thông qua evernote hoặc Google Docs.
Nếu bạn trở thành CTV của toà soạn, bạn sẽ nhận được tài khoản CMS (content management system) để thực hiện việc soạn thảo và gửi bài cho trưởng ban. CMS của báo điện tử thường phức tạp hơn so với giao diện của Spiderum và gần giống với WordPress.
Đến bước này, quy trình ở mỗi nơi mỗi khác, nhưng bạn đừng lo lắng gì cả vì sẽ được hướng dẫn hehe.
Đối với những nơi có sếp tốt, bạn sẽ được giao những việc khó ngay từ đầu, thay vì chỉ dịch tin tức. Bạn sẽ học được cách tìm đường đến Roma. Những bài toán khó sẽ luôn có cách giải và trong lúc giải bạn cũng sẽ học được cách tư duy cho những bài toán khó khác.
Ví dụ, khi được yêu cầu phỏng vấn một người nổi tiếng, vốn trước đây là thần tượng của bạn (người còn mãi chưa accept lời mời kết bạn trên Facebook), bạn sẽ rơi vào hoang mang vì chẳng biết bắt đầu từ đâu.
Hãy bắt đầu từ việc hỏi đồng nghiệp/cấp trên (chính người yêu cầu bạn làm công việc đó), vì đó cũng là một cách.
Quy trình cụ thể cho từng trường hợp chắc là không có và nếu có chắc cũng không thể diễn tả hết ở một bài đăng đăng được. Mong các bạn thông cảm.
Phụ lục: Báo chí, độc giả và một số nguyên tắc soạn thảo cơ bản
1. Báo chí là gì
Mình nghĩ nhiều bạn có cái nhìn tiêu cực về báo chí, nhưng đa phần chưa có được cái nhìn sâu vào bản chất của nghề này.
Báo chí vốn là "lực lượng thứ 3" của xã hội, sinh ra một cách tự nhiên và không chịu sự quản lý của bất kì ai. Tờ The New York Times vốn hoạt động từ trước đến nay mà không có bất kỳ giấy phép nào (liên quan đến hoạt động báo chí). Về cơ bản, báo chí sinh ra để cung cấp cái nhìn về các sự kiện, thỏa mãn cơn khát thông tin của mọi người. Bạn thấy một nhà bị cháy, sau đó đi thuật lại với những người trong làng cũng là hoạt động báo chí.
Báo mạng cũng ra đời một cách tự nhiên, xuất phát từ nhu cầu của độc giả. Mọi cách thức trình bày bài báo, nội dung bài báo, cách đặt tiêu đề, hướng khai thác nội dung... đều dựa vào nghiên cứu xu hướng độc giả. Sẽ có chuyện những trang báo lợi dụng thị hiếu, nhưng không có chuyện nhà báo tạo ra văn hóa đọc cho độc giả.
Thông tin báo chí cung cấp không cần phải là vấn đề hệ trọng (?), đôi lúc chỉ là thông tin vui vui gì đó chẳng hạn việc "phi hành gia đang thám hiểm Mặt trăng mà buồn đái thì làm sao?", chẳng hạn vậy.
Vì hãy nhớ, làm báo tức là phản ánh sự việc/sự kiện nào đó, diễn ra ở đâu đó. Báo chí không nên sa đà vào nhận xét tính đúng sai, không cần đóng vai "anh hùng bảo vệ công lý cho Trái đất này là của chúng mình", chỉ đơn giản thực hiện nhiệm vụ phản ánh của mình. Mọi thứ bên lề, hãy để độc giả quyết định.
2. Độc giả của báo mạng
Khi làm báo, hãy đặt mình vào tâm thế của độc giả. Mình có tham khảo tài liệu chuyên ngành, được biết phần lớn độc giả chỉ lướt tin chứ không đọc ngấu nghiên. Bên cạnh đó, trải nghiệm về mặt trực quan bố cục cũng được đánh giá cao.
Khi nói về công chúng, có thể nhiều người sẽ liên tưởng đến hình ảnh đám đông thiếu lý trí và thích những thứ xôi thịt, nhưng sự thật không phải thế và đang ngày-càng-không-phải-thế. Các nghiên cứu (trong tài liệu chuyên ngành của mình) đã chỉ ra độc giả ngày càng đòi hỏi những tin bài chất lượng hơn, có hàm lượng thông tin nhiều hơn và sử dụng nhiều dạng đa phương tiện đi kèm như hình ảnh (không đơn thuần là ảnh đơn), video...
Xu thế chắc vẫn là sex, sốc, sến... nhưng về cơ bản đây là động lực bên trong của độc giả, không phải những thứ họ tìm kiếm một cách chủ động. Như mình đã trích ở bài trước câu quotes vui vui trong phim The Boys: "98% tất cả những quyết định trong đời liên quan đến tình dục". Mà nếu các bạn có nghiên cứu Phân tâm học, thì đây không phải nhận định nâng cao quan điểm lắm đâu.
Độc giả thường muốn biết những dạng tin như sau (và tòa soạn cũng thường muốn các bạn khai thác những hướng này):
- Có ảnh hưởng/liên quan đến nhiều người.
- Độc đáo, mới lạ.
- Gây tranh cãi.
Theo mình, các bạn không nên chú ý quá nhiều vào các yếu tố khách quan vốn không thể thay đổi. Tức là, không được quyền yêu cầu sự việc phải diễn ra theo hướng độc giả muốn quan tâm, cũng không được ép buộc độc giả phải chú ý đến những thứ họ không thích.
Về văn phong và trình bày, mình xin phép chia sẻ kinh nghiệm nghèo nàn như sau.
3. Văn phong, cấu trúc và trình bày
a) Văn phong
- Để văn bản trở nên gọn gàng, bạn cần tránh lặp từ và bỏ đi những số từ không cần thiết trong câu. Ví dụ:
Những ngày qua trên Spiderum, nhiều tác giả đăng những bài viết vô thưởng vô phạt như thử thách 30 ngày hay thậm chí nhiều bài đăng như nhật ký được đăng tải công khai. Trong đó, xuất hiện một bài đăng gây nhiều tranh cãi như bài "Ra gì và này nọ".
Có thể được viết lại như sau:
Dạo gần đây, Spiderum xuất hiện nhiều tác giả đăng tải những bài viết vô thưởng vô phạt như thử thách 30 ngày. Thậm chí, nhiều bài đăng trông như nhật ký được đăng tải công khai. Trong số đó, xuất hiện bài viết gây nhiều tranh cãi có tên "Ra gì và này nọ".
Những số từ như "một'' khi xóa đi mà không gây mất nghĩa, hãy xóa đi. Các từ "những", "các", "như", "bị"... thường bị lặp lại, hãy chú ý.
- Tránh dùng những từ thuộc văn nói: à, ừ, thì, là, mà...
- Hạn chế dùng cấu trúc câu bị động, tách câu dài nhiều ý ra thành nhiều câu ngắn.
Khi được giao cho các link báo nước ngoài, các bạn không nên nhìn nhận như bài cần dịch mà hãy xem đó là nguồn tin. Qua đó, bạn không cần dịch sát văn bản hay truyền tải đầy đủ văn phong như ở bài báo gốc. Chỉ lấy về những thông tin quan trọng, không lấy về văn phong. Các câu bị động hay ho, dài loằng ngoằng mà bạn cảm thấy rất hay, hãy chuyển thành những câu chủ động ngắn để phù hợp hơn với khán giả đại chúng.Trừ một vài trường hợp đặc biệt như các bài dạng story mà bạn muốn truyền tải đầy đủ cảm xúc mà câu văn kia chứa đựng. Và tất nhiên, chỉ khi bạn có khả năng thực hiện việc đó.
- Trừ những bài story, hãy triệt tiêu cái tôi của mình khi viết báo. Văn phong càng đơn giản, lạnh lùng và lý tính càng tốt.
- Những từ nên sửa: phần lớn những, hầu hết các, hiện đang... đây là các từ ghép gồm hai từ cùng nghĩa, chỉ dùng hoặc "hiện", hoặc "đang", không dùng chung để tránh việc văn phong rườm rà.
b) Cấu trúc
- Nên trình bày theo cấu trúc hình tháp ngược
Để tiết kiệm thời gian cho độc giả và khiến họ cảm thấy dễ chịu, phần lớn tin tức của báo mạng đều theo cấu trúc dạng tháp ngược. Thông tin quan trọng sẽ được để ở đầu bài, theo sau đó là những đoạn bổ sung. Ví dụ:
The Centers for Disease Control and Prevention says that it’s looking into 153 possible cases of a mysterious lung disease that seems to be associated with e-cigarette use. The agency says it’s investigating the illness alongside 16 states where the cases were reported from June 28th to August 20th. => Phần quan trọng, nội dung chính của bài báo.The illness seems to start out gradually with symptoms that include difficulty breathing, shortness of breath, and / or chest pain. Some cases also involve mild to moderate gastrointestinal illness, including vomiting, diarrhea, and fatigue. No one has died of the still-unnamed illness. The CDC and impacted states haven’t identified a cause, but in all reported cases, affected people had used vapes. In multiple cases, these people also said they had recently used tetrahydrocannabinol (THC)-containing products. THC is found in marijuana, so it could be possible that people are vaping weed products. => Thông tin bổ sung để làm rõ vấn đề được nêu.The CDC has ruled out an infectious disease as the cause, but are still working to narrow down the possible cause and verify the cases. The agency is asking doctors to report any suspected cases to their state health office, along with details of their patient’s symptoms, information about what kind of e-cigarette they were using, and what they might have been vaping before symptoms set in. The Food and Drug Administration is also investigating faulty e-cigarettes and is asking the public to report any “adverse experiences” online. => Thông tin bổ sung giúp độc giả nhìn câu chuyện được rộng hơn.The CDC says most cases involve adolescents and young adults, which isn’t necessarily a surprise given that the US Surgeon General declared youth vaping an epidemic in December this past year. Vaping among high schoolers increased by 78 percent between 2017 and 2018, with more than 27 percent of high schoolers using e-cigarettes regularly. => Thông tin bổ sung giúp độc giả nhìn thấy mối liên hệ giữa sự kiện/vấn đề của bài báo với các sự kiện/vấn đề liên quan khác.
Ở bài báo của The Verge, sự kiện chính là "CDC phát hiện 153 trường hợp mắc chứng bệnh phổi chưa xác định, được cho là có liên quan đến vape" và chúng được đưa lên dòng đầu. Các thông tin sau đó nhằm giúp người đọc có thêm thông tin về sự kiện. Nếu người viết sa đà vào việc diễn giải sự kiện, nêu bối cảnh... thay vì nêu thẳng vấn đề, độc giả sẽ chuyển trang sau khi đọc đến dòng thứ 2 và lẩm bẩm "nhà bao việc".
- Nên gom thông tin lại thành các cụm
Quay trở lại với bài báo của The Verge, có thể thấy tác giả thu gọn các cụm thông tin lại với nhau.
Theo đó, đoạn 1 miêu tả nhanh gọn, chính xác sự kiện, trả lời các câu hỏi: ai, cái gì, khi nào, ở đâu và tại sao. Ở đoạn 2, tác giả cung cấp thông tin về các triệu chứng và những chẩn đoán của CDC. Ở đoạn 3, tác giả cho độc giả biết các động thái của CDC đối với sự kiện này. Kết thúc ở đoạn 4, tác giả bổ sung thêm thông tin/số liệu liên quan.
Việc gom thông tin thành các cụm sẽ giúp bài báo trở nên cô đọng và mạch lạc, giúp người đọc dễ dàng nắm bắt nội dung hơn. Do đó, các bạn cần lên ý tưởng cho nội dung của mỗi đoạn văn ngắn. Hãy chú ý tiết kiệm thời gian cho độc giả, vì những cú click chuột chuyển trang diễn ra rất dễ dàng.
c) Trình bày
Mình có làm rõ trước cho các bạn về "báo chí" và "độc giả", cốt để từ đó có thái độ đúng đắn hơn về việc viết báo.
Khi viết, hãy đặt tâm thế là độc giả, thay vì tâm thế của thằng chạy deadline.
Chúng ta cần tư duy bằng cả ngôn ngữ lẫn hình ảnh, đảm bảo trình bày gọn gàng và dễ tiếp nhận.
- Các đoạn văn không nên quá 5 dòng.
- Đối với bài đăng nhiều chữ (trên 800), sử dụng những title phụ.
- Sử dụng ô quotes hoặc hình ảnh để "neo mắt" người đọc, tránh tình trạng nhiều đoạn chữ liên tục. Ví dụ:
- Dont tell too much, just show.
Các bạn không nên sa đà vào tự sự, khi nói về chiếc điện thoại bị nổ, hãy trưng hình ảnh của nó ra. Tương tự, khi mình nói về cách "neo mắt" ở trên, mình đã đưa ra ví dụ cụ thể cho các bạn quan sát được trực quan hơn.
- Nên sử dụng càng nhiều, càng nhiều thông tin và càng nhiều, càng nhiều phương tiện truyền đạt thông tin càng tốt.
Khi được đọc một bài báo có thông tin cặn kẽ, trình bày rõ ràng, sử dụng cả văn bản, hình ảnh và video để truyền đạt thông tin, mình thấy rất... sướng. Độc giả cũng thế. Do đó, hãy cố gắng trình bày cụ thể nhất có thể.
Tất nhiên, đôi lúc điều này bị cản trở bởi yếu tố thời gian có hạn, nhuận bút được trả có hạn hay năng lực có hạn. Nhưng nếu được, đừng tạo ra những bài báo sơ sài.
Phụ lục 2: Những lỗi cần tránh
1. Sai chính tả, tất nhiên rồi nhỉ
Đừng sai chính tả.
2. Không dùng các từ cảm tính, kỳ thị
Các bạn phải tường thuật sự việc, ví dụ "cô gái chỉ học đến lớp 5", thay đánh giá cảm tính "cô gái ấy ngu".
Các từ ngữ cảm tính, kỳ thị là những từ ngữ càng dùng càng rối. Ví dụ, khi nói "chỉ học đến lớp 5", nghĩa của cụm toát ra rõ ràng và là nghĩa cuối cùng. Nhưng khi nói "ngu", sẽ xuất hiện câu hỏi "thế nào là ngu", "ngu đối với ai"...
3. Tránh các lỗi logic
Lỗi logic thì nhiều lắm ạ, viết đến đây mình cũng mệt lắm rùi ớ :(((
Ví dụ, các bạn nên tránh so sánh tuyển U23 của Việt Nam với tuyển M.U, vì bản chất hai cái này khác nhau. Và nhiều ví dụ tương tự khác nữa.
4. Tránh sa đà vào suy luận, đưa ra quan điểm thiếu cơ sở
Ví dụ, hãy tường thuật:
Bài đăng Ra gì và này nọ được đăng tải trên Spiderum hôm 18/8 của tác giả Hexpion nhận nhiều ý kiến trái chiều.
Thay vì:
Bài đăng Ra gì và này nọ được đăng tải trên Spiderum hôm 18/8 của tác giả Hexpion nhận nhiều ý kiến trái chiều. Trong đó, nhiều người dù tỏ rõ thái độ không thích sự toxic của tác giả, nhưng lại có những comment toxic không kém. Họ cũng cho rằng Hexpion không nên viết những bài viết như vậy, và nên để mọi người được quyền tự do viết những gì họ thích (?!). Đây phải chăng là những tiêu chuẩn kép của các thành viên Spiderum?
5. Luật pháp và các quy định của tòa soạn.
Bạn sẽ được phổ biến khi tham gia, đừng lo.
Phía trên là một số kinh nghiệm nghèo nàn mà mình có được, giúp các bạn phần nào hiểu được những điều căn bản.
Khi tiến sâu vào ngành báo, chúng ta cần nhiều hơn thế, nhiều hơn nhiều lắm. Khái quát thì phải biết chọn đề tài như thế nào, phá vỡ quy tắc tháp ngược như thế nào, viết câu chuyện như thế nào thì hấp dẫn độc giả... Chuyên sâu vào thì phải biết sử dụng số liệu như thế nào, phỏng vấn như thế nào, trích dẫn như thế nào... Sâu hơn về kỹ thuật, còn cần biết dùng ảnh như thế nào, dùng từ như thế nào, đặt title như thế nào, SEO như thế nào... Sâu hơn nữa, bạn còn phải biết cách khai thác các thuật toán mà tòa soạn bạn sử dụng nữa :D
Hi vọng một ngày nào đó có thể viết những bài chia sẻ khác. Cám ơn các bạn đã đọc ạ.
Các bạn có thể bình luận bên dưới những điều thắc mắc/đính chính/phản hồi... Hoặc inbox cho mình thông qua tài khoản Spiderum.
Đây là Facebook cá nhân của mình, nếu các bạn cần liên hệ:
Facebook.
Còn đây là câu kết thúc bài viết. Cám ơn các bạn một lần nữa.
Đọc thêm:
Báo Chí có gì?
Cùng với xu hướng phát triển của xã hội, thông tin là điều cần thiết để mỗi người nắm bắt và tiếp diễn cuộc sống. Báo chí là một nhánh nhỏ của truyền thông giúp cung cấp thông tin đến tất cả mọi người. Đặc biệt, nó còn được coi là quyền lực thứ tư sau lập pháp, hành pháp và tư pháp. Với tầm quan trọng và ảnh hưởng nhưshop.spiderum.com
Cùng với xu hướng phát triển của xã hội, thông tin là điều cần thiết để mỗi người nắm bắt và tiếp diễn cuộc sống. Báo chí là một nhánh nhỏ của truyền thông giúp cung cấp thông tin đến tất cả mọi người. Đặc biệt, nó còn được coi là quyền lực thứ tư sau lập pháp, hành pháp và tư pháp. Với tầm quan trọng và ảnh hưởng nhưshop.spiderum.com
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất