Thế nào là candid? Đó là sự tự nhiên sẵn có. Thực ra, sự tự nhiên vốn đã mang nhiều vẻ đẹp mà mình không cần phải tô vẽ thêm. Thế nên, nhiều người xem candid photography là việc chỉ sử dụng một chiếc máy ảnh đơn thuần và chụp lại những gì xung quanh.

NHỮNG THÁCH THỨC CHỤP FLASH TRONG KHÔNG GIAN TỐI

Mình cũng luôn cố gắng làm vậy, nhưng có những khi ta phải nương theo hoàn cảnh để làm khác đi. Khi chụp hình cho đêm Halloween của The Mango Studio, mình đã có những lo ngại khi mình hầu như không thể làm gì với những nguồn sáng yếu ớt sẵn có. Mình hiểu rằng mình bắt buộc phải làm 2 điều.
Một là, phải tận dụng mọi nguồn sáng sẵn có một cách triệt để. Tức là, bất cứ khi nào có người dùng đồ phát sáng, như đôi cánh của chị Hằng, là mình lại sán vào để khai thác (rất candid).
Ms. Hằng
Ms. Hằng
Hai là, mình dùng flash để bổ sung ánh sáng nhân tạo. Mình có nhiều ý tưởng với flash, và vào một buổi party vui thế này thì vô cùng chờ đợi xem có thể làm gì với thứ ánh sáng này.
Tyler Tidewater, the guitarist
Tyler Tidewater, the guitarist
Tuy nhiên, giữa buổi chụp, mình bước ra ngoài ban công, khi ấy có cơ hội được nói chuyện với một trong 2 bạn guitarist (Tyler Tidewater). Bạn ấy chia sẻ rằng đôi khi việc chụp hình của mình khiến bạn ấy khó chịu. Vì bạn ấy phải quan sát note từ một team member khác để đánh theo, mà đèn flash lại nháy làm bạn không thể tập trung được.
Mình lấy làm tiếc và xin lỗi vì đã khiến bạn khó chịu và cũng rút kinh nghiệm để hạn chế chụp gây khó chịu cho mọi người.
Chiều nay, khi bạn ấy biết mình qua bài post của The Mango Studio thì 2 đứa đã kết nối, và bạn ấy chia sẻ rằng giờ đã thấy giá trị của dùng flash. Niềm vui của mình tăng gấp đôi.
Bởi vậy, việc dùng flash luôn là một sự giằng xé trong mình, bởi nó không chỉ khiến mọi thứ mất tự nhiên, lại gây khó chịu cho nhiều người. Ngược lại, việc sử dụng flash sẽ giúp mình tận dụng được nhiều hiệu ứng thú vị, hút mắt. Những hiệu ứng này sẽ đặc biệt có sức nặng và giá trị đối với buổi tiệc phóng khoáng, nơi mọi người thoải mái thể hiện sự cuồng nhiệt của mình.
Ngoài khó khăn về nguồn sáng, còn một điều khiến mình lo ngại là khi mọi người đến đông và lấp kín phòng khiến việc di chuyển của mình phải rất cần thận kẻo chắn mất tầm nhìn của những người khác. Chưa kể, nhiều người cũng có vẻ xa khu trung tâm dường như không muốn bị chiếc camera của mình làm phiền nên mình phải quan sát thật kỹ và tìm cơ hội để chụp.

KẾT NỐI ĐỂ THẤU HIỂU VỀ CỘNG ĐỒNG NGƯỜI NƯỚC NGOÀI Ở HẢI PHÒNG

Về buổi tiệc, mình rất ấn tượng về năng lượng của mọi người, được hiểu hơn về cộng đồng người nước ngoài rất sôi động và gắn kết giữa lòng thành phố cảng.
Mình không chỉ chụp hình, mình được hòa mình và trao đổi cùng mọi người và nhìn thấy được những cái rễ đã bén rất sâu ở mảnh đất này khiến họ chẳng muốn rời đi. Họ ở lại vì nhiều lý do, nhưng lý do chọn Hải Phòng để được làm nghệ thuật, và phát triển nghệ thuật địa phương như cách anh bạn guitarist chia sẻ với mình thì không có nhiều người nước ngoài có thể làm được ở Việt Nam.
Để có một cộng đồng phát triển bền vững và có tính lan tỏa như vậy, không thể không ngưỡng mộ sự cống hiến của chị Rebecca Milward. The Mango Studio là không gian nơi Rebecca, với nền móng được học về fashion design nói riêng và nghệ thuật nói chung, đã kết nối các tài năng ngoại quốc ở lại đây để mở các workshop phát triển tài năng, các chương trình, sự kiện có tính kết nối cho cộng đồng địa phương và nước ngoài.
Big boss Rebecca Milward
Big boss Rebecca Milward
Cũng trong buổi Halloween, mình được gặp Mo Ali, một người rất đam mê nhiếp ảnh film (anh có nhiều máy film mà đếm không xuể, và thường chụp film đen trắng). Thì ra, Mo cũng là một thành viên của The Mango Studio. Anh phụ trách mảng nhiếp ảnh với những workshop làm ảnh trên chất liệu thủ công. Mình có hẹn một buổi chụp street với Mo, mình đang rất mong đợi điều đó.
Mo Ali, the Photographer
Mo Ali, the Photographer
Sự kiện vừa qua cũng có nhiều người Việt. Trong số đó, mình có cuộc trò chuyện nhỏ với chị Hà Trang, một người con gái gốc Hải Phòng nhưng chỉ mới quay lại làm việc ở quê nhà được 1 năm. Chị có một ví von rất buồn cười mà mình thấy đúng, chị bảo: Chính chúng ta mới là những kẻ ngoại quốc ở đây, và những người nước ngoài kia mới là người Hải Phòng xịn, họ ở đây lâu và biết nhiều hơn cả chúng ta đấy!
Mình không thể đồng ý nhiều hơn!
Cũng là một người Hải Phòng khác, đó là thằng em bartender Khoa Quý, nó hỏi một câu mà làm đứng hình mấy giây: “Em hỏi thật nhé! Anh có chơi đồ không?” Câu hỏi rất đi vào trọng tâm, đúng là Hải Phòng không lòng vòng!
Lý do cu em hỏi vậy là bởi nó nghĩ “Em tưởng ai làm nghệ thuật cũng phải chơi tí đồ vào thì nó mới bay bổng, sáng tạo!”
Chết! Trả lời sao giờ???
#willdeart from Con Hình Con Chữ Studio
See more photos on my blog: