Văn phong độc đáo, ngôn từ tinh tế, tình tiết nhẹ nhàng nhưng gây ám ảnh. Đó là những gì tôi có thể cảm nhận được từ cuốn sách này.
Tác phẩm xoay quanh cuộc đời của cô bé Liesel Meminger từ năm 9 tuổi đến 14 tuổi trong thời kì Đức quốc xã. Qua tác phẩm, ta có thể thấy được sự tàn ác của phát xít Đức dưới quyền Hitler đối với người Do Thái — một sự nhẫn tâm đến rợn người.
Khá mới mẻ khi dùng Thần Chết làm người kể chuyện. Ắt hẳn đây cũng là dụng ý sâu xa của tác giả. Chiến tranh đồng nghĩa với chết chóc, và không ai có thể diễn tả được trọn vẹn cái hiện thực tàn khốc, đau thương đó bằng Thần Chết cả.
Mở đầu câu chuyện liên quan đến cái chết khi nhân vật chính — cô bé Liesel chứng kiến em trai chết trong vòng tay của mình trên một toa tàu hỏa với một mắt mở và một mắt vẫn còn mơ màng. Thằng bé chỉ được chôn cất đơn giản dưới lớp tuyết lạnh lẽo. Cô bé nhặt được một cuốn sách mang tên “ Sách hướng dẫn của phu đào huyệt”. Và từ đó cuộc đời cô bé rẽ sang một chương mới.
Cô bé được mẹ gởi nhận nuôi tại một gia đình người Đức sống ở phố Thiên Đàng. Con phố có cuộc sống trái ngược hoàn toàn với cái tên của nó. Đây là nơi tập trung những gia đình nghèo khó, khốn khổ nhất ở thị trấn Molching. Kể từ đó cô bé không còn được gặp lại mẹ ruột của mình một lần nào nữa, cũng không nghe được tin tức gì từ bà. Một sự chia tay vĩnh viễn để mở ra một chặng đường mới trong hành trình của cô bé.
Bố mẹ nuôi cô bé là những người tốt bụng. Bà Rosa Hubermann tuy miệng lưỡi cay độc nhưng lại có trái tim rất nhân hậu. Bà liên tục mắng chửi Liesel và chồng bà — Hans Hubermann là “đồ con lợn”, “đồ lợn nái” hay thậm chí là “đồ lỗ đít”. Bà làm vậy với những người bà yêu thương, phải chăng bà là người khô khan, không biết cách bày tỏ tình cảm ngoài những câu mắng nhiếc vô hại mà người ta hay gọi “Khẩu xà tâm phật”! Còn đối với Hans — ông là một linh hồn thuần khiết và lương thiện. Ông đối tốt với tất cả mọi người, với những mảnh đời bất hạnh. Ông giúp họ vô điều kiện dù hoàn cảnh của ông cũng không khá khẩm gì. Khi Liesel đến, vì biết con bé còn lạ lẫm và sợ sệt, ông đã dùng trái tim ấm áp và những cử chỉ nhẹ nhàng để vỗ về cô bé. Giúp cô bé vượt qua những đêm ác mộng về em trai của mình.
Đối với Liesel, một cô bé có tâm hồn mạnh mẽ trái ngược với thân hình mảnh khảnh như sắp vỡ ra giữa tuyết. Sống ở một nơi xa lạ, cùng những người xa lạ, trải qua nỗi đau mất người thân. Nhưng cô bé vẫn cố gắng vui vẻ, mỗi ngày cùng ông Hans đọc cuốn “ Sách hướng dẫn của phu đào huyệt”. Sự kiên nhẫn của ông đã giúp Liesel từ một cô bé gặp khó khăn với các con chữ trở thành một cô bé ham đọc, ham học hỏi. Trong một buổi lễ mừng sinh nhật của Quốc trưởng, vì niềm thôi thúc được đọc của mình, cô bé đã ăn trộm một cuốn sách chưa cháy trong đống lửa tàn và kẻ trộm sách ra đời từ đó. Sau này, cô bé còn trộm thêm tất thảy 4 cuốn từ nhà thị trưởng, và xé rách một cuốn ngay tại phòng đọc của ông ta. Trộm nhưng lại không hẳn trộm vì sẽ không có chủ nhà nào lại để sách ngay cửa sổ cho tên trộm tới lấy một cách dễ dàng cả.
Nhà Hubermann ghét chế độ Đức quốc xã. Gia đình ông cưu mang một người thanh niên Do thái — con trai của ân nhân cứu mạng ông mà không sợ hãi về bất cứ hậu quả nào có thể xảy đến. Chỉ đơn giản vì một lời hứa 20 năm trước của ông Hans, rằng nếu cần giúp đỡ hãy đến tìm ông. Chàng trai Max được giúp đỡ đó có những điểm tương đồng với Liesel, cũng mất người thân, cũng thường gặp ác mộng. Dần dần họ tìm thấy điểm chung, hai tâm hồn đồng điệu. Họ trở nên thân thiết, coi nhau như anh em ruột thịt. Max phải sống ở tầng hầm nhà Hans. Vì sự bất công với người Do thái khiến anh không thể nhìn thấy mặt trời hay những vì sao. Chỉ sống trong bóng tối của sự lạnh lẽo nhưng anh vẫn rất kiên cường, không tìm đến cái chết và luôn chiến đấu với bệnh tật. Nó làm tôi nhớ đến cuốn sách “Đi tìm lẽ sống” của Viktor Frankl. Cuốn sách kể về sự tàn khốc của Đức quốc xã đối với người Do thái và nghị lực để sống sót của những người sống trong trại tập trung thời đó. Nó cũng khiến tôi liên tưởng đến sự bất công, phân biệt chủng tộc trong một tác phẩm văn học Mỹ — Giết con chim nhại của Harper Lee. Rõ ràng ở nơi nào cũng có ít nhiều sự bất công. Quan trọng là khi ta ở trong tình huống đó, ta tiếp tục chiến đấu hay là nhanh chóng đầu hàng để trở thành kiếp nô lệ vĩnh viễn.
Thần chết trong câu chuyện miêu tả rất rõ sự tàn bạo của Đức quốc xã cũng như sự đáng thương của những người dân Do thái, Họ cũng là con người nhưng lại bị đàn áp, bị bóc lột, bị tra tấn, hành hạ không khác gì một con thú. Ngay cả một người già, cái cơ thể mỏng đến mức có thể bị thổi bay đi vẫn phải lê lết trên đường để đến nơi nô dịch, một lần ngã xuống là một lằn roi trên người. Những người Đức trên đường chỉ biết đứng nhìn. Ai giúp đỡ những con người nô lệ đó thì sẽ bị trừng phạt. Ấy vậy mà ông Hans, dẫu biết trước kết cục nhưng vẫn không cầm lòng được mà đưa cho cụ già người Do thái đó mẩu bánh mì, để rồi bị một cơn mưa roi từ bọn lính trút xuống, kéo theo những vết sẹo lằn sâu, đau đớn. Cũng vì lý do đó, Max phải ra đi để không liên lụy đến nhà Hubermann.
Liesel kết thân với một cậu nhóc trạc tuổi là Rudy Steiner. Hai người đã đánh nhau một trận nảy lửa trước khi trở thành bạn. Đúng với câu: “Không đánh không làm bạn.” mà người xưa hay nói. Một tình bạn đẹp rồi đến tình yêu lúc nào chả hay. Rudy và Liesel cùng nhau trải qua những năm tháng học trò tuyệt đẹp. Cùng nhau đi ăn trộm sách, cùng nhau hái trộm hoa quả, lương thực. Cũng không phải điều gì xấu xa để lên án 2 đứa trẻ nhỏ này. Chúng nó là trẻ con, và trẻ con thì có quyền bướng bỉnh, có quyền liều mạng. Chúng chỉ lấy những thứ mà người khác dư dả. Ngày hôm trước lấy trộm khoai tây từ một trang trại, ngày hôm sau đã đi rải bánh mì cho những người Do thái khốn khổ diễu hành trên đường. Liesel rải bánh mì và âm thầm quan sát để tìm kiếm Max. Suốt nhiều lần như vậy cuối cùng cô bé nhìn thấy Max với một tấm thân gầy còm, rệu rã bước đi trên đường. Cô bé bất chấp hình phạt để có thể được nói chuyện với Max. Len lỏi mình vào đám người Do thái, bị binh lính quất roi vào người, máu ứa ra trên mặt vẫn không bỏ cuộc. Người ngoài nhìn vào có thể nói cô bé bị mất trí. Nhưng họ sẽ không hiểu được một khi yêu thương đủ lớn, con người ta có thể bất chấp mọi thứ. Đối với cô bé, Max là một người anh trai mà cô bé yêu quý nhất. Liệu có ai cầm lòng khi thấy anh trai mình bị đày đọa và bị đánh đập giữa đường hay không?
Sẽ có những cuộc công kích trên đất nước Đức, và cụ thể hơn là ở Molching -nơi có phố Thiên Đàng. Khi tiếng còi báo động dội bom, mọi người sẽ trú ẩn trong căn hầm kiên cố nhất của phố. Cái cảm giác ngồi bên nhau, nghe tiếng còi báo hiệu ngoài kia gầm rú, cảm thấy thần chết đang ở cạnh mình thật sự rất đáng sợ. Trái đất như ngừng quay, chỉ còn những nhịp thở gấp đầy lo lắng. Và cô bé Liesel bắt đầu lật những trang sách, đọc to chương đầu của cuốn “Người huýt sáo”. Mọi người bỗng tập trung vào giọng đọc của cô bé, lắng nghe và mường tượng ra nhân vật trong cuốn sách. Cuối cùng, tất cả đã quên đi sự hỗn loạn ngập mùi chết chóc ngoài kia. Ngôn từ thật kì diệu.
Có một người phụ nữ tên Holtzapfel cũng sống ở phố Thiên Đàng. Bà có 2 người con trai đều đang tham gia chiến tranh. Một người trong số họ đã chết với đôi chân bị bắn nát. Một người quay về với cánh tay bị bắn cụt 3 ngón và không cầm máu được mặc dù băng bó rất chặt. Mẹ nuôi của Liesel biết tin một đứa con trai của bà Holtzapfel đã chết, sự bàng hoàng xâm chiếm lấy cơ thể bà. “Hẳn rồi, chiến tranh có nghĩa là chết chóc, nhưng nó luôn khiến cho mặt đất dưới chân người ta trở nên chao đảo khi cái chết ấy là của một người đã từng sống và hít thở gần bạn đến như thế.” — Trích lời của tác giả.
Đứa con cả không chấp nhận được cái chết của em trai mình, dằn vặt cái chết trong sự sống khiến anh ta treo cổ tự tử, đi theo em trai để lại bà Holtzapfel với nỗi đau đớn tột độ khi mất 2 đứa con chỉ chưa đầy 6 tháng. Một nỗi đau mà chỉ có người làm mẹ mới thấu, mội nỗi đau khiến bà quặn quại, nức nở trên xác con trai của mình thật lâu. Bà như một cái xác không hồn, trống rỗng và vô định. Bà chính là hiện thân của những người phụ nữ đáng thương dưới thời Đức quốc xã.
Liệu một đứa trẻ có chịu đựng được nỗi đau giống như bà ta không? Khi vào một đêm yên ắng, không còi báo động, cô bé một mình dưới tầng hầm viết nốt những trang sách về cuộc đời mình thì ở trên kia, bom dội khắp phố Thiên Đàng. Mất bố mẹ, mất bạn thân, mất hàng xóm, mất tất cả. Có ai hiểu được cảm giác chỉ còn mỗi bản thân trong khi những người thân yêu của mình đều đã ra đi. Cảm giác cô độc đến cùng cực. Sẽ không còn được nghe mẹ chửi “ Đồ con lợn”, sẽ không được ăn món súp đậu mỗi ngày của mẹ. Sẽ không còn được nghe bố chơi đàn xếp, đọc sách mỗi đêm và cùng bố chở thùng sơn đi khắp phố để sơn cửa cho người ta. Tình yêu chưa kịp thổ lộ thì người cũng đã đi. Cậu bé Rudy thông mình, lém lỉnh, thích trét lọ nồi khắp người để trở thành Jessen Owen ngày nào chỉ còn là một cái xác mềm oặt, không động đậy. Phố Thiên Đàng giờ đây chỉ còn hai từ có thể thay thế được: Địa Ngục.
Có lẽ bạn sẽ thấy tại sao cuộc đời lại bất công như vậy. Nhưng chiến tranh chính là như vậy. Không mất mát, không đau thương thì không phải là chiến tranh.
Tôi nhớ mình đã đọc cuốn “Không gia đình” của Hector Malot- một tác phẩm văn học Pháp rất nổi tiếng kể về hành trình đi tìm gia đình của cậu bé Remi. Tôi cứ ngỡ Remi là đứa trẻ bất hạnh nhất tôi biết. Một câu nhóc không gia đình, trôi nổi nơi đầu đường xó chợ. Trải qua hết sóng gió này đến sóng gió khác. Cuối cùng cậu cũng đoàn tụ với gia đình, có một cuộc sống êm đềm, hạnh phúc. Nhưng cô bé Liesel này thì lại khác. Nếu xem như quãng thời gian sống ở gia đình Hubermann là quãng thời gian hạnh phúc vậy thì sau cuộc dội bom đêm hôm ấy cuộc sống của cô bé sẽ gọi là gì đây? Một màu xám xịt, u tối chăng? Dẫu có là thế nào thì tôi vẫn tin là Liesel sẽ vượt qua được tất thảy. Thời gian vẫn cứ trôi, tôi tin có những vết thương sẽ lành dần theo năm tháng. Mặc dù có sẹo thì vết thương đó cũng đã lành, mất mát đó cũng đã qua và Liesel vẫn sẽ sống tiếp cuộc đời của mình cùng niềm đam mê viết sách ấp ủ bấy lâu.
Nếu không có ngôn từ, sẽ chẳng ai ra lệnh cho chiến tranh. Nếu không có ngôn từ, sẽ chẳng ai bị tổn thương. Nhưng nếu không có ngôn từ, sẽ chẳng có vết thương nào được xoa dịu. Ngôn từ kì diệu tới mức có thế khiến người khác đau khổ nhưng cũng sẽ chữa lành đau khổ. Quan trọng ta muốn dùng ngôn từ theo cách nào mà thôi.
Tôi rất thích cách kể chuyện của tác giả, có một cái gì đó rất mới mẻ nhưng không kém phần mị hoặc. Tác giả nhân hóa những con chữ khiến nó trở nên sống động hơn: “Hai từ ấy trượt xuống dọc theo hai bên sườn, … chúng cùng nhau rơi xuống sàn nhà, to lớn, ầm ĩ và thô kệch,…”
570 trang sách, 6 phần cùng những tình tiết, những câu chuyện, những vấn đề khác nhau. Khi đọc đến trang cuối cùng sẽ khiến cho con người ta có cái gì đó hơi hụt hẫng, hơi nuối tiếc. Nhưng tôi thích như vậy. Mỗi người sẽ tự vẽ ra trong đầu mình những hình ảnh về một tương lai của Liesel, một tương lai mà tôi cho là xứng đáng với cô bé.