KHÓ MÀ TÌM ĐƯỢC MỘT NGƯỜI TỐT VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ CON NGƯỜI 
    Tôi gấp lại cuốn sách trong một buổi chiều hạ, mặt trời bắt đầu trĩu xuống ngọn đồi Tây, gió phủi bụi vài bông hoa giấy nơi trước hiên nhà, hoa lá khẽ rung như thì thầm điều gì đó. Thật là, bao giờ đọc xong một cuốn sách, gấp lại trang cuối cùng tôi cũng để ý đến thời gian và như chờ suy nghĩ trĩu lại trong mình vơi đi. Mỗi cuốn sách mang đến một tâm trạng và cảm xúc khác nhau, chẳng có cuốn nào giống cuốn nào cả. 
 
    Tôi thầm nghĩ và tự cười với mình “ Khó mà tìm được một người tốt”, ừ “A good man is hard to find”, ừ “ Flannery O'Connor”. Đúng như nhan đề, xuyên suốt 10 truyện ngắn của tập truyện này, căng mắt tìm cũng khó tìm ra được một người tốt. Từ Khó mà tìm được một người tốt, Dòng sông, Tính mạng mà bạn giữ được có thể là của bạn, Cú may mắn bất ngờ, Đền thờ Đức Thánh Linh, Gã da đen nhân tạo, Một vòng trong lửa, Cuộc chạm trán muộn mằn với kẻ thù, Những người nhà quê tốt bụng, đến truyện ngắn cuối cùng Người tị nạn. 
 
Đoạn đầu các câu chuyện thường có hơi hướng nhẹ nhàng tươi sáng nhưng càng về sau lại đầy tăm tối và ám ảnh, những niềm tin tăm tối, những toan tính nhỏ nhen, những hợm hĩnh ngu xuẩn của con người, các nhân vật của bà thường ác một cách đột ngột, bình thản... chẳng có gì là không có cả, nó diễn biến qua những câu chuyện mà vấn đề bạo lực hay phân biệt chủng tộc và đức tin được ánh đèn trung tâm soi chiếu. 
 
    Bạo lực hay cái ác ngự trị bên trong con người? 
    Truyện ngắn đầu tiên Khó mà tìm được một người tốt mở đầu bằng quan cảnh khá bình yên, một gia đình tổ chức đi chơi đến Florida, ghé vào quán ăn bên đường ăn uống, bi kịch diễn ra khi họ thay đổi lộ trình, gặp Kẻ lạc loài và rồi cả gia đình chẳng còn ai sống sót. Ở đây, vấn đề bạo lực được đặt ra, chẳng vì một lí do chính đáng nào cả, người ta sẵn sàng giết đồng loại của mình. Chỉ vì hắn tự xưng là Kẻ lạc loài, mà dường như lạc loài thì có nhiều đặc quyền quái lạ. Trước khi Kẻ lạc loài nổ súng  bà lão nói nhiều những lời khẳng định Kẻ lạc loài là người tốt, rằng Kẻ lạc loài sẽ không giết con bà, cháu bà, bản thân bà và cái kết là tiếng súng cứ thể nổ, máu cứ thể đổ. Hắn tự gọi mình là kẻ lạc loài vì “Tôi không thể khớp tất cả những việc sai trái tôi đã làm với tất cả hình phạt tôi đã trải qua”. Sau khi cả gia đình chẳng con một ai sống sót, Kẻ lạc loài nói: “ Lẽ ra mụ ấy đã trở thành người tốt, nếu như suốt đời mụ ấy cứ một phút lại có người bắn cho mụ một phát.” Có lẽ cái sai duy nhất của bà lão là nói nhiều, nhưng tôi đồ rằng bà mà không nói nhiều thì bà cũng “ ăn” phát súng đó. 
    Có phải tâm hồn là cái bóng trong ngôi nhà tội lỗi? Con người ta sinh ra vốn hiền hay ác? Những kẻ lạc loài thật sự là kẻ lạc loài hay chính trong mỗi người luôn tồn tại trong mình cái ác chực chờ để trở thành kẻ lạ? Tôi đã từng nghe đâu đó rằng: " Ở đâu thôi thúc nhục dục tồn tại thì ở đó sự thôi thúc tự nhiên bắt đầu" đó là nguyên nhân chăng? Hay chỉ đơn giản là cái ác sinh ra từ mông muội của con người? 
 
    Đức tin hay chỉ là những lọc lừa? 
Flannery O'Connor cho ta thấy con người có thể là con công rực rỡ trên mọi phương diện, nhưng sâu bên trong thì chưa hẳn như vậy, con người hiện ra với đúng bản chất của mình, không có một cái gì rõ ràng, chắc chắn để đi đến kết luận cuối cùng cả. Người nhà quê bán kinh dạo được xem là kẻ sùng đạo, người nhà quê tốt bụng thật ra lại là kẻ vô lại, chẳng tin một tí nào vào Chúa, vào Kinh Thánh gì sất, anh ta còn phỉ báng Chúa và Kinh Thánh, thứ mà ngày ngày anh ta vẫn bỏ vào va li đem đi khắp nơi giả vờ ca ngợi: 
    “ Tôi hy vọng cô không nghĩ rằng” Anh ta cao giọng phẫn nộ nói “ tôi lại tin     vào thứ cứt đái ấy chứ! Tôi bán Kinh Thánh thật nhưng tôi cũng biết lẽ đời     và tôi đâu phải đứa con nít mới sinh ngày hôm qua, tôi biết mình đi về đâu     chứ!” 
    Anh ta xem những khiếm khuyết trên cơ thể, lòng tin của người khác là một thứ gì đó rất thú vị, lừa tọc họ được còn thú vị hơn. Và rằng “ Từ lú sinh ra đến giờ tôi chưa bao giờ tin vào một thứ gì hết”. Anh ta giới thiệu mình là một người bán Kinh Thánh, am hiểu về chúng, ồ tốt chứ, chẳng có gì sai cả, anh ta giới thiệu mình là một người nhà quê, mà có vẻ như những người nhà quê bao giờ cũng tốt bụng, trong suy nghĩ của mọi người là vậy, cho đến tận cuối cùng  người ta vẫn  nhìn thấy anh ta tốt “Hẳn là cậu ta đi bán Kinh Thánh cho bọn da đen phía sau khu rừng kia. Cậu ta chất phác quá đi” bà nói, “ nhưng tôi nghĩ thế giới này hẳn sẽ tốt hơn nếu tất cả chúng ta đều chất phác như vậy.” Có lẽ chỉ những người đã nhìn thấy bộ mặt thật của anh ta mới không bị cái mác  “người nhà quê tốt bụng” lừa gạt, anh ta dấu cái xấu và ngụy trang một cách tài tình. Vì trái tim con người là tạo vật mong manh mà chẳng ai muốn đặt nó dưới kính hiển vi để người khác thấu rõ nên đa số nhiều người vẫn có cho mình một cái mặt nạ. Anh ta chỉ cởi bỏ cái mặt nạ xuống, hiện nguyên bản chất khi đứng trước cái anh ta muốn đạt được. 
 
    Câu hỏi bỏ dở giữa chừng... “một con người là gì?” 
    Con người là sinh vật huyền bí, suy nghĩ của con người nhiều lúc con người cũng không hiểu rõ được, chính chủ nhân của suy nghĩ đó còn không hiểu được thì làm sao người khác hiểu được? Bí ẩn luôn tạo sự tò mò, đợi người khám phá như bài toán chưa tìm ra được lời giải thì luôn thu hút người ta tìm cách giải. Thuận theo tự nhiên, luôn có những thứ song song tồn tại, tính cách, linh hồn, thể xác, xấu ác, thiện lành,... Con người vốn bí ẩn mà. Vậy nên sự thắc mắc của anh chàng trong Tính mạng mà bạn giữ được có thể là của bạn rằng " một con người là gì?" đâu phải là vô lí. 
    " Thưa bác" ông " người ta chẳng quan tâm việc mình nói dối thế nào đâu.     Có lẽ tốt hơn hết là cháu bảo bác rằng, cháu là một con người; nhưng mà         nghe này, thưa bác", ông nói rồi dừng lại và làm cho giọng mình trở nên có     vẻ đáng ngại hơn, " một con người là gì?" 
    Một câu hỏi tưởng chừng đơn giản mà đôi khi chúng ta phải giật mình nhìn lại. Đúng sai, sai đúng, tồn tại hay không tồn tại, có thực hay không có thực, bao nhiêu thứ xuất hiện là bấy nhiêu vấn đề cần phải nghĩ, cần phải đi tìm lời giải. Vậy mà có bao nhiêu thứ, bao nhiêu vấn đề có câu trả lời làm ta hài lòng đây? Người ta sau cùng quan tâm đến điều gì? 
 
    Lật giở từng trang trong tập truyện ngắn gần 400 trang của Flannery O'Connor, những trang sách nối tiếp nhau, những diễn biến của các câu chuyện tôi quan sát được bằng giọng kể tự nhiên và nhiều bất ngờ, tôi thấy mình như ngồi trong căn phòng rộng, sân khấu ở đó dần kéo tấm màn thô kệch, vùng đất Nam Mỹ mở ra, bang Tennessee,… nó hiện lên quang cảnh, con người. Tất cả như những vở kịch cuộc sống hiện lên trước mặt, bao nhiêu số phận là bấy nhiêu con người. Tâm hồn và thể xác, thể xác và tâm hồn, cái ác luôn tồn tại sẵn có trong con người, ranh giới giữa hai cái đối nghịch thật mỏng manh và đôi khi chẳng có ranh giới nào cả. Tại sao mọi thứ lại bí ẩn như vậy? Vì ta chưa hiểu rõ hay sẽ chẳng bao giờ hiểu rõ được. Có thú tính trong tâm hồn còn thể xác lại có những khoảnh khắc tâm linh, những thứ thuộc về đức tin. 
    Flannery O'Connor tinh luyện cảm giác cho người đọc, trong thế giới đạo đức suy đồi, bạo lực rúng động, tính ích kỉ nhỏ nhen chiếm hết tính phần người, vấn đề tôn giáo và đức tin vào Chúa,… những mặt xấu như lần lượt được kể ra. Cái kết bất ngờ khó đoán và giữa chừng mạch truyện có thể “bẻ lái” đưa ta đến bất cứ hướng nào, thật sự đây là điều tôi rất thích khi đọc truyện của bà. Nếu cố tình đoán cái kết thì chúng ta có thể đưa ra vài trường hợp mới có cơ hội trúng, cái kết nó cũng thường rẽ vào hướng khá tệ, như cách các nhân vật trong truyện hành động, nói năng vậy. 
    Bằng giọng kể lôi cuốn và phong cách dựng truyện độc đáo Flannery O'Connor ( 1925-1964) có một vị thế độc đáo trên văn đàn Mỹ, bà được xem là một trong những nhà văn viết truyện ngắn xuất sắc nhất thế kỉ 20; thường được so sánh với Franz Kafka, James Joyce, Willam Faulkner. Qua đời khi còn rất trẻ, ở tuổi 39 với một sự nghiệp văn chương lẫy lừng: 31 truyện ngắn, 2 cuốn tiểu thuyết ngắn cùng một số tiểu luận. Truyện ngắn của bà được coi là mẫu mực văn chương ngày nay, không chỉ vậy nó còn ảnh hưởng đến điện ảnh, đặc biệt trong trong nghệ thuật của “ sát thủ lập dị” Quentin Tarantinoi, đó là yếu tố bạo lực và nhân tính con người. Với Tarantino bạo lực xuất hiện một cách trần trụi, nó không được thể hiện như một nỗi đau, sự hối hận hay tình huống bất khả kháng, ngược lại nó đầy mỉa mai khiến người ta chẳng thể làm gì. Inglourious Basterds (2009) có cảnh cắt da đầu, da và tóc bị cắt ra để lộ phần đầu trơ da màu đỏ hay trong Kill Bill Vol.1( 2003) cảnh cô dâu đột phá vòng vây và tắm máu đội cận vệ đầy máu me. Đừng bao giờ thích một nhân vật nào trong phim của ông bởi họ có thể chết bất cứ lúc nào. Bạo lực đẫm máu, khiếu hài hước mỉa mai cùng việc phá vỡ những nguyên tắc đã làm cho phim ông không bao giờ trật nhịp và lỗi thời dù bối cảnh được lấy luôn ở các giai đoạn trước. Trong thế giới văn chương O'Connor tạo ra, người đọc nhìn ra được nhiều vấn đề mà đến bây giờ vẫn còn mang tính thời sự. Văn phong của bà có phong cách riêng, nhưng không chỉ có phong cách riêng, nó có chữ kí riêng không thể nhầm lẫn với nhà văn nào, đó là phong cách của bà, một cách nhìn nghệ thuật đặc biệt và đem cách biểu đạt nghệ thuật đến cách nhìn đó. Có người ảnh hưởng bởi văn chương của bà nhưng cái đặc trưng trong tác phẩm của bà là chữ kí của riêng bà, chẳng nhầm lẫn được. Flannery O'Connor. 
    Ngôn ngữ sống động soi sáng cho từng trang sách sách, màn đêm phủ khắp không gian chỉ còn những vì sao sáng, gió nhè nhẹ thổi và có phải “ Khó mà tìm được một người tốt không?” Bầu trời vẫn có những vì sao sáng nổi bật, chắc đó như những người tốt, vẫn tồn tại giữa đêm đen. Tôi tin rằng quanh đây người tốt vẫn rất dễ kiếm tìm. 
Hoàng Anh 
(12/08/19)